(Hình ảnh từ Internet)
1. Lời Chúa
30 Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.31 Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.32 Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
5 1 Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương,2 và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. (Ep 4:30-5:2)
2. Tìm hiểu Ep 4:30-5:2
Bản văn này là lời kêu gọi thứ hai dành cho tín hữu Ê-phê-xô trong ba lần (4:17-24; 4:25-5:2; 5:3-14) thánh Phao-lô kêu gọi họ sống xứng đáng với tin mừng mà họ được lãnh nhận. Các nhà giảng thuyết sẽ muốn xem lại toàn bộ các lời kêu gọi, đặc biệt là câu đầu tiên của chúng vốn đưa ra lý do nền tảng cho một đời sống luân lý: “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (4:25). Ngay từ khởi đầu của lời kêu gọi này, thánh Phao-lô đã thiết lập một thứ đạo đức mang tính giáo hội. Các thành viên của Giáo Hội có một trách nhiệm luân lý với nhau bởi vì họ là những phần khác nhau trong thân thể của Đức Ki-tô. Họ thuộc về nhau bởi vì họ thuộc về Đức Ki-tô.
Sau khi giải thích loại hành vi không phù hợp với các phần chi thể của Đức Ki-tô (4:26-29), thánh Phao-lô kêu gọi thính giả của ngài đừng làm phiền Thần Khí của Thiên Chúa vốn được đóng ấn trong lòng họ và tham dự vào ơn ơn cứu độ của họ. Việc nhắc đến Thần Khí gọi nhớ câu nói trước đây của thánh Phao-lô, trong một sự tán dương lớn lao, rằng các tín hữu Ê-phê-xô “đã được đóng ấn Thánh Thần, là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1:13-14).
Ở đây có hai điểm quan trọng. Trước hết, quà tặng Thần Khí là lời hứa hoặc đảm bảo cho một gia nghiệp sẽ có được trong ơn cứu độ cuối cùng. Việc mà các tín hữu Ê-phê-xô đã được đóng ấn bằng Thần Khí Thiên Chúa chính là đảm bảo rằng họ sẽ nhận được gia nghiệp ấy. Thứ đến, bởi vì Thần Khí xác nhận các tín hữu là những người được tiền định hưởng ơn cứu độ cuối cùng, cho nên một đời sống phi luân sẽ đi ngược lại với bản chất của họ. Thần Khí của Thiên Chúa bị làm phiền khi những người được tiền định hưởng ơn cứu độ lại sống theo con người cũ.
Để đảm bảo các tín hữu không làm phiền Thần Khí của Thiên Chúa, thánh Phao-lô kêu gọi họ bắt chước Thiên Chúa. Lời kêu gọi ấy khá lạ lẫm. Thông thường, thánh Phao-lô kêu gọi các tân tòng của ngài bắt chước ngài bởi vì ngài đã nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Tuy nhiên, ngôn ngữ ngài sử dụng ở đây được rút ra từ Cựu Ước, đặc biệt là lời kêu gọi trong sách Lê-vi 19:2, “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Ngôn ngữ giống như thế cũng được tìm thấy nơi Bài Giảng trên núi của Chúa Giê-su trong tin mừng theo thánh Mát-thêu. Trong bài giảng ấy, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ của ngài hãy trở nên hoàn thiện như Cha của họ ở trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48). Còn trong tin mừng Luca, Chúa Giê-su lại kêu gọi các môn đệ hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương (Lc 6:36).
Thánh Phao-lô giải thích ý nghĩa của việc bắt chước Thiên Chúa bằng cách đưa ra mẫu gương là Đức Ki-tô, đấng đã yêu thương chúng ta và đã trao ban chính ngài cho chúng ta (5:2). Sự noi gương Thiên Chúa đích thật được thể hiện nơi tình yêu hiến tế, giống như tấm gương là Đức Ki-tô đã chịu chết trên thập giá. Đây là nền đạo đức giáo hội mà thánh Phao-lô kêu gọi toàn Hội Thánh bước theo.
Những ai giảng về thư gửi tín hữu Ê-phê-xô sẽ nhận thấy những bài đọc này cứ lặp đi lặp lại nếu họ chỉ tập trung vào những cấm đoán mà thánh Phao-lô muốn thính giả của ngài tuân giữ. Tuy nhiên, sự phong phú mang tính thần học của những bài đọc này được tìm thấy nơi động lực tôn giáo mà họ trang bị cho các tín hữu để sống một đời sống luân lý. Các tín hữu sống thuận luân lý bởi vì họ là con người mới với Đức Ki-tô là đầu. Họ là chi thể của nhau. Họ được đóng ấn bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Ơn gọi của họ là bắt chước Thiên Chúa giống như Đức Ki-tô đã làm. Có một kho tàng phong phú nơi những bản văn này nếu người ta chú tâm vào những thôi thúc ấy. Chúng nhắc nhở các cộng đoàn rằng đời sống luân lý Ki-tô giáo là kết quả của việc ở lại trong Đức Ki-tô.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 92.