(Hình ảnh từ Internet)

1. Lời Chúa

17 Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. 20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu;21 ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su.22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.

2. Tìm hiểu Ep 4:17,20-24

Đây là lời kêu gọi đầu tiên trong ba lời kêu gọi vắn (4:17-24; 4:24-5:2; 5:3-14) trong đó thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Ê-phê-xô đừng sống như Dân Ngoại. Cách khởi đầu lời kêu gọi, “anh em đừng sống như Dân Ngoại” (4:17), thật đáng chú ý vì lá thư được gửi cho chính Dân Ngoại! Tuy nhiên, đối với thánh Phao-lô, giờ đây khi mà họ đã tháp nhập vào Giáo Hội, họ không còn là Dân Ngoại nữa. Đúng hơn, trong Giáo Hội họ mặc lấy con người mới vốn nên một với Đức Ki-tô xét như đầu của Giáo Hội. Không còn Dân Ngoại hoặc Dân Do Thái, họ mặc lấy một con người mới vốn bao gồm cả hai.

Thánh Phao-lô xem lối sống cũ của họ là con người cũ vốn bị hư nát và bị lừa dối bởi đam mê và dục vọng. Ngược lại với con người cũ là con người mới được tạo nên một cách vững vàng trong chân lý, công bình, và thánh thiện. Ngôn ngữ thánh Phao-lô sử dụng ở đây gợi nhớ lại sự so sánh giữa Adam và Đức Ki-tô mà ngài đã đề cập trong chương 5 thư gửi các tín hữu Rô-ma. Các tín hữu liên kết hoặc với Adam, nguyên tổ của con người cũ, hoặc với Đức Ki-tô, nguyên tổ của con người mới.

Thánh Phao-lô là một người thực tế. Mặc dù ngài xem những người nhận lá thư này là một dân được tuyển chọn trong Đức Ki-tô, ngài vẫn ý thức rõ rằng họ vẫn chưa từ bỏ lối sống cũ của họ. Quá nhiều người còn đang lưỡng lự giữa con người cũ và mới, giữa lòng trung thành với Adam và với Đức Ki-tô. Cho nên, mục đích của lời kêu gọi đầu tiên này là để nhắc họ nhớ họ là ai, nhờ đó họ sẽ cởi bỏ con người cũ của họ.

Lời mời gọi luân lý đối với các tín hữu Ê-phê-xô, cụ thể là lời mời gọi này, là một ví dụ tuyệt vời về thần học luân lý của thánh Phao-lô. Thay vì chỉ bảo người ta làm điều họ phải làm, ngài nhắc các cộng đoàn của ngài về căn tính của họ, tin rằng hành vi luân lý sẽ phát sinh từ căn tính luân lý ấy. Các nhà giảng thuyết hiện nay phải bắt chước thánh Phao-lô khi họ kêu gọi các cộng đoàn của mình sống thánh thiện và ngay thẳng. Thay vì bảo mọi người phải làm điều này điều nọ, các nhà thuyết giảng cần nhắc nhở một cách khéo léo về phẩm giá của các cộng đoàn của họ trong Đức Ki-tô. Những ai biết họ là ai trong Đức Ki-tô sẽ, nhờ ơn Chúa, sống tương hợp với phẩm giá ấy.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 91.