(Hình ảnh từ Internet)

1. Lời Chúa

1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. (Ep 4,1-6)

2. Tìm hiểu Ep 4:1-6

Bản văn này đánh dấu điểm khởi đầu trong lời kêu gọi luân lý của thánh Phao-lô, phần thứ hai của lá thư. Lời kêu gọi kéo dài này có thể được chia thành bốn phần. Phần thứ nhất được khởi đầu bằng lời kêu gọi duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí hầu Giáo Hội được lớn lên trong tình yêu đối với đầu của nó, là Đức Ki-tô (4:1-16). Phần thứ hai được trình bày vắn gọn trong ba lời kêu gọi về việc không nên sống một cuộc đời vô luân giống các Dân Ngoại (4:17-24; 4:25-5:2; 5:3-14). Phần thứ ba là lời kêu gọi liên quan đến việc nội bộ của Giáo Hội, đặc biệt về đời sống gia đình Ki-tô giáo (5:15-6:9). Phần cuối cùng là lời kêu gọi hãy mang lấp áo giáp của Thiên Chúa vì đời sống luân lý là một cuộc chiến chống lại các thế lực thần thiêng.

Bản văn cho tuần này là một phần của một đơn vị lớn hơn (4:1-16), phần đầu tiên trong bốn lời kêu gọi. Nó bắt đầu bằng việc nhắc lại cho độc giả về việc thánh Phao-lô đang bị cầm tù, được xem là vì tin mừng. Đời sống của ngài là một mẫu gương cho những người khác. Nó cho ngài một thẩm quyền về luân lý để kêu gọi họ sống một đời sống xứng đáng với ơn kêu gọi của họ.

Để giải thích điều ngài muốn nói, thánh Phao-lô liệt kê cho độc giả một loạt các nhân đức (khiêm nhường, hiền lành, nhẫn nại, thương cảm) vốn sẽ giúp họ duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí. Giống như chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một Đức Chúa, một đức tin, một phép rửa, và một Thiên Chúa là Cha, thì cũng phải có sự nên một của trí óc và con tim trong Giáo Hội. Cái nhìn của thánh Phao-lô về Giáo Hội là cái nhìn về một thân thể trong đó mỗi phần hoạt động theo đúng chức năng và phục vụ sự lớn mạnh của toàn thân thể trong tình yêu (4:16).

Nếu bài đọc tuần trước là cơ hội để nói về tính công giáo của Giáo Hội, thì bài đọc tuần này lại là dịp để nói về sự hiệp nhất của nó. Sự hiệp nhất ấy được cắm rễ trong một Đức Chúa, một đức tin, một phép rửa. Nhưng để sự hiệp nhất trở nên hữu hiệu trong đời sống của các tín hữu, thì đời sống của họ phải tương ứng với đức tin mà họ tuyên xưng trong Đức Ki-tô. Vì thế đức tin và luân lý có liên hệ với nhau. Điều các tín hữu làm phải phản ánh điều họ tin, và điều họ tin phải xác định điều họ làm.

Chuyển ngữ: Phaol ô Nguyễn Hữu Phong, SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 90.