(Hình ảnh từ Internet)
1. Lời Chúa
13 Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. 14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.18Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. (Ep 2,13-18)
2. Tìm hiểu Ep 2:13-18
Trong bản văn này, thánh Phao-lô trình bày chủ đề Đức Ki-tô đã hòa giải các dân ngoại và người Do Thái trong chính người, từ đó tạo nên một con người mới. Tuy nhiên, chủ đề này lại được trình bày trong một bối cảnh rộng hơn. Bối cảnh ấy bắt đầu từ chương 2, nơi thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu Ê-phê-sô về lối sống cũ của họ. Có lúc họ đã chết vì những vấp phạm và tội lỗi của họ (2:1). Hơn nữa, vì không được cắt bì, họ không được hưởng tài sản chung của Ít-ra-en và cũng không được chia sẻ giao ước và lời hứa của dân Thiên Chúa (2:11-12). Tuy vậy, Thiên Chúa, Đấng đầy tình yêu và lòng thương xót, đã trao ban sự sống cho họ qua Đức Ki-tô, để họ cũng được cứu độ nhờ ân sủng (2:5). Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã đổi mới các dân ngoại.
Sau khi diễn tả tình trạng đáng thương của độc giả của mình, những người bị tách lìa khỏi Đức Ki-tô, thánh Phao-lô bắt đầu giải thích tình trạng mới của họ trong Đức Ki-tô. Đầu tiên, Đức Ki-tô đã đập tan bức tường ngăn cách vốn chia cắt họ khỏi Ít-ra-en để rồi người có thể giao hòa các dân ngoại và dân Do Thái trong thân thể người, từ đó tạo nên một con người mới. Bức tường ngăn cách đó chính là Luật Mô-sê vốn hiện ra như một rào cản xã hội giữa các dân ngoại và dân Do Thái, ngăn cấm dân Do Thái chia sẻ tình huynh đệ với các dân ngoại, những người đã không tuân giữ những nghi thức truyền thống của Lề Luật. Bằng việc chịu chết trên thập giá, Đức Ki-tô đã hủy bỏ Luật Mô-sê và kết hợp các dân ngoại và dân Do Thái làm một trong thân thể ngài.
Sự hiệp nhất của các dân ngoại và dân Do Thái trong Đức Ki-tô là mầu nhiệm vốn đã được Thần Khí mặc khải cho các tông đồ và ngôn sứ của Giáo Hội: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (3:6). Thân thể ở đây là thân thể của Đức Ki-tô, là Giáo hội, trong đó Đức Ki-tô là đầu (x. 1:22-23).
Chủ đề này của thánh Phao-lô (Đức Ki-tô đã hòa giải tín hữu Do Thái và dân ngoại với nhau) là một khía cạnh khác trong giáo huấn của ngài về sự công chính nhờ lòng tin chứ không nhờ Lề Luật. Thực ra, thánh Phao-lô đang giải thích giáo huấn ấy ở chiều kích xã hội. Ngài muốn nói rằng Thiên Chúa hòa giải mọi người bằng cách hòa giải các cộng đồng của các dân tộc với chính người.
Bản văn này là một cơ hội để bàn về ý định của Thiên Chúa qua công trình hòa giải của Ngài trong Đức Ki-tô vốn cho thấy trước sự hiệp nhất của mọi dân tộc trong Đức Ki-tô. Sự hận thù giữa các dân tộc thì đối nghịch với ý định của Thiên Chúa. Và thật là bội bạc khi điều đó xảy ra trong lòng Giáo Hội, vì Thiên Chúa đã muốn Giáo Hội trở nên thân thể của Đức Ki-tô, nơi mà mọi sự thù hận đã bị đánh bại. Tính công giáo của Giáo Hội là khả năng ôm ấp mọi dân tộc đa dạng về chủng tộc và giống nòi để họ có thể trở nên một con người mới trong Đức Ki-tô.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 88-89.