1. Lời Chúa
13 Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.14 Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
16 Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.17 Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.18 Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
1 Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra. (2 Cr 4:13-5:1)

2. Tìm hiểu 2 Cr 4:13-5:1
Bài đọc này tiếp nối bài trình bày của thánh Phao-lô về những đau khổ ngài phải chịu với tư cách là thừa tác viên của giao ước mới. Bài đọc bắt đầu với một sự khẳng định đầy tự tin giống như sự tự tin của các Thánh vịnh gia: “Tôi tin, nên tôi mới nói” (Tv 4:13). Cụ thể hơn, thánh Phao-lô tin vào Thiên Chúa, Đấng làm kẻ chết trỗi dậy. Ngài tin chắc rằng nếu Thiên Chúa đã làm Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa cũng sẽ làm trỗi dậy những ai đặt lòng tin vào Chúa Giê-su.
Sự tự tin này dẫn đến phần thứ hai của bài đọc trong đó thánh Phao-lô giải thích lý do ngài không chùn bước trước những đau khổ ngài phải gánh chịu. Ngài ý thức sâu sắc rằng đau khổ đang đổi mới ngài. Vì thế, trong khi con người bên ngoài, vốn hữu hình, đang qua đi, thì con người bên trong, vốn vô hình, lại luôn được đổi mới hàng ngày.
Ở điểm này, thánh Phao-lô một lần nữa giới thiệu chủ đề về sự vinh quang, nhưng giờ đây ngài nối kết nó trong tương quan với đau khổ hàng ngày của chức tông đồ. Niềm tin của ngài vào Thiên Chúa, Đấng làm kẻ chết trỗi dậy, làm ngài xác quyết rằng những đau khổ của ngài là thiết yếu cho sự thông dự tối hậu với vinh quang của Thiên Chúa. Khi thánh Phao-lô chịu đau khổ hàng ngày vì Tin mừng, con người bên trong của ngài, vốn vô hình, đang được đổi mới để chuẩn bị cho việc thông phần với sự phục sinh của Chúa Giê-su.
Bản văn này là dịp để các nhà giảng thuyết có thể bàn về ý nghĩa của đau khổ. Khi giảng, họ nên nhớ rằng thánh Phao-lô nói về những đau khổ ngài phải chịu khi ngài đang rao giảng Tin Mừng. thánh Phao-lô không tôn vinh đau khổ vì chính nó, cũng không khuyến khích người khác tìm kiếm đau khổ. Đúng hơn, ngài đưa ra một giải thích cho những đau khổ vốn gây khó khăn cho ngài với tư cách là một thừa tác viên Tin Mừng: Đau khổ là một phần của tiến trình đổi mới nội tâm để vươn tới đỉnh vinh quang. Những nhà giảng thuyết có thể phát triển một chủ đề tương tự. Các tín hữu không tìm đau khổ vì chính nó, nhưng họ tin rằng đau khổ sẽ được chuyển hóa nếu được chịu đựng trong và vì Chúa Ki-tô Giê-su.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 77-78.