Vài thế kỷ đầu tiên, bí tích Thêm Sức của Giáo Hội Tây Phương (Hội Thánh Công Giáo Rôma) được cử hành trong bí tích Rửa Tội. Trong Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (Byzantine và Chính Thống), bí tích Thêm Sức vẫn được cử hành với bí tích Rửa Tội và Rước Lễ Lần Đầu trong trường hợp trẻ em. Trong vài năm đầu của Giáo Hội, đức giám mục là thừa tác viên chính của mọi bí tích. Khi Giáo Hội mở rộng, việc các linh mục được trao quyền cử hành những bí tích này trở nên cần thiết. Khi số trẻ em được rửa tội gia tăng, Giáo Hội Tây Phương bắt đầu tách hai bí tích này ra. Từ đó phát sinh truyền thống linh mục giáo xứ rửa tội cho trẻ em và đức giám mục sẽ thăm viếng giáo xứ và ban bí tích thêm sức sau đó. Truyền thống này vẫn được thực hành cho đến ngày nay.
Độ tuổi mà một em có thể được cho lãnh nhận bí tích Thêm Sức dành cho Hội Đồng Giám Mục địa phương (Episcopal Conference) quy định. Ở Mỹ, Hội Đồng Giám Mục quy định độ tuổi cho bí tích Thêm Sức mọi nơi từ bảy đến mười sáu tuổi. Bất cứ lúc nào sau độ tuổi đó, các em có thể được lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Trong những năm gần đây, độ tuổi này có xu hướng lớn hơn, giữa lớp 8 và lớp 9.
Một em được thêm sức phải là người đã được rửa tội, xưng tội và rước lễ lần đầu. Giáo Luật nói khá cụ thể về việc chuẩn bị cho bí tích này. Các mục tử phải dành thời gian chuẩn bị cho các em đầy đủ và thích đáng. Thái độ hướng tới bí tích Thêm Sức là thái độ của một người trưởng thành. Do đó, một ứng viên bí tích Thêm Sức phải vượt qua sát hạch. Thông thường, ứng viên bí tích Thêm Sức được gọi là chiến sĩ của đức Kitô. Vì bí tích Thêm Sức là đỉnh cao của giáo dục đức tin của ứng viên, do đó, họ phải có kiến thức đầy đủ để bảo vệ đức tin trong giai đoạn trưởng thành khi được chất vấn. Cũng giống như một chiến sĩ được kêu gọi để bảo vệ đất nước, vua chúa hay tổng thống của mình, chiến sĩ của đức Kitô cũng được kêu gọi để bảo vệ đức Kitô và Giáo Hội của Người.
Một ứng viên của bí tích Thêm Sức cũng nên có một sự trưởng thành trong thực hành. Một sự trưởng thành quan trọng không những trong việc bảo vệ đức tin của mình mà còn trong việc sống đức tin đó. Đó là lý do tại sao có nhiều chương trình mục vụ tiếp nối việc lãnh nhận bí tích này. Các chương trình mục vụ là những ví dụ cụ thể làm thế nào để sống việc cho đi thời gian, tài năng và kho tàng của mình. Một người Công Giáo trưởng thành là người thực hành chức vụ quản gia; Giáo Hội kỳ vọng rằng mức độ trưởng thành này đạt được ở độ tuổi của người lãnh nhận bí tích Thêm Sức.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 105-106.