Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu về:

  • Làm quen với các Thánh đường nổi tiếng.
  • Hiểu được các cấp bậc của Thánh Tích.
  • Tìm hiểu về cuộc hành hương

—————————-

Việc tôn kính các thánh không phải là sùng bái ngẫu tượng. Theo niềm tin Kitô giáo, Mười Điều Răn lên án mạnh mẽ việc thờ phượng ai đó hoặc vật gì khác ngoài Thiên Chúa. Cũng giống vậy, Mười Điều răn cũng ban hành luật hiếu kính cha mẹ, nhưng việc thảo kính ấy sẽ không giống như thờ phượng Thiên Chúa. Tôn kính các Thánh cũng tương tự như vậy. Việc xây các đài tưởng niệm để vinh danh và tưởng nhớ đến những vị như George Washington, Abraham Lincoln, hoặc Winston Churchill sẽ không được xem là thờ ngẫu tượng. Và việc xây dựng các tượng kính nhớ các vị Thánh như Thánh Phanxicô thành Assisi hay Đức Trinh nữ Maria cũng vậy.

Trung tâm của giáo lý đức tin Kitô giáo là Chúa Giêsu, con một Thiên Chúa. Ngài vừa mang bản tính Thiên Chúa, và bản tính loài người, nhưng trong một thân thể. Sự kết hợp bản tính (Nhân tính và Thiên tính) cách huyền nhiệm này được gọi là Mầu nhiệm nhập thể. Đức Giêsu, Ngài là con người thật. Ngài đã sống, đi lại trên mặt đất và thăm viếng những con người thật, những vùng đất thật. Và những gì gắn liền với Ngài đã mang lại những giá trị vô giá và ý nghĩa đối với người Kitô hữu ngày nay.

Trong chương này, chúng ta sẽ cùng khám phá các Thánh đường, các Thánh tích và những cuộc hành hương mà các Kitô hữu đã đi kính viếng và khai quật, như một phần của hành trình thiêng liêng của họ.

Các Thánh đường

Bethlehem, thành Nazareth và đồi Can-vê – Nơi sinh, quê quán, nơi mất của Đức Giê-su – những nơi này đều được xem là Đất Thánh. Các Thánh đường được xây dựng tại những nơi này và đã trở thành địa điểm để các Kitô hữu có thể cầu nguyện và suy ngẫm về cuộc đời Chúa Giê-su.

Những nơi mà các Thánh đã từng sống, làm việc và qua đời cũng được xem là Đất Thánh. Như thường lệ, nơi nào mà các ngài đã mất và được chôn cất, nơi ấy sẽ dựng nên Thánh đường. Và trong hầu hết các trường hợp, thi hài của các ngài vẫn còn nguyên vẹn. Thánh nữ Elizabeth Ann Seton, người Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh, đã được chôn cất tại Thánh đường quốc gia ở Emmitsburg, Maryland, Hoa Kỳ. Thánh John Neumann cũng được chôn tại Thánh đường thuộc Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ

Một vài Thánh đường thường được đặt tại những nơi đã ghi dấu những sự kiện lạ thường, hơn là nơi chôn cất của các Thánh. Ví dụ: Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức, Pháp – nơi Mẹ Maria hiện ra với Thánh nữ Bernadette năm 1858. Từ đó, suối nước chữa lành kì lạ đã xuất hiện. Hằng năm, hàng ngàn du khách hành hương đến kính viếng Vương Cung Thánh Đường này tại Lộ Đức. Một vài người còn dìm mình xuống dòng suối của hang đá Đức Mẹ. Thánh Bernadette được chôn cất tại một tu viện – nơi Ngài mất, thuộc Nevers, nước Pháp.

Trong đoạn này, chúng ta cùng nhìn lại những Thánh đường nổi tiếng và những Thánh đường của các Thánh nổi tiếng. Một vài Thánh đường được dựng nên ngay tại nơi chôn cất hoặc nơi ở của các Thánh, trong khi đó, những Thánh đường khác được đặt ở những nơi giúp cho nhiều khách hành hương dễ dàng đến thăm viếng.

Thánh đường Thánh Maria Goretti

Được xây dựng tại Nettuno, cự ly chỉ 37 dặm (60 km) về phía nam của Rome. Thánh đường này vinh danh một trong số những vị thánh nổi tiếng nhất của nước Ý. Thánh Maria Goretti, một cô gái nhỏ mới 11 tuổi, đã tha thứ cho kẻ tấn công mình trước khi cô qua đời năm 1902. Alessandro Serenelli (19 tuổi) đã dùng dao đâm cô 14 nhát vì cô đã từ chối việc anh ta tấn công để hãm hiếp cô. Đức Giáo Hoàng Pio XII đã phong chân phước cho Goretti vào năm 1947 và phong thánh năm 1950.

Thánh đường được dựng nên năm 1969, nơi vẫn còn lưu trữ thi hài của thánh nữ. Có rất nhiều cuộc hành hương kính viếng và dâng lời cầu nguyện, đặc biệt là những lời nguyện cầu cho những trẻ em nữ, phụ nữ và cho việc bảo vệ sự trinh khiết và đức khiết tịnh của tất cả các thanh niên thiếu nữ. Thị trấn Nettuno nằm trên bờ biển phía Tây của nước Ý, nằm giữa Roma và Napoli, nơi có rất nhiều người đi nghỉ mát. Trong Thánh đường này cũng có một bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo và vô giá. Hằng năm, cả thành phố đều sốt sắng rước kiệu diễu hành vào thứ bảy đầu tháng năm.

Vương Cung Thánh Đường thánh Anne de Beaupré.

Được đặt tại Quebec, Canada, Vương Cung Thánh Đường Anne de Beaupré này được dâng hiến cho Mẹ của Đức Trinh nữ Maria và là bà ngoại của Đức Giêsu (Thánh Anna). Đây là nhà thờ đầu tiên được những người Pháp định cư xây dựng năm 1658. Nhà thờ thứ hai (năm 1661) và thứ ba (năm 1676) được xây dựng vì nhà thờ trước đó quá nhỏ và không đủ chỗ. Vương Cung Thánh Đường đầu tiên được bắt đầu xây dựng vào năm 1876 và nó đủ lớn để chứa tất cả những khách hành hương từ Canada và Mỹ. Nhưng vào năm 1922, một vụ hỏa hoạn lớn đã phá hủy hoàn toàn thánh đường ấy. Một năm sau, Vương Cung Thánh Đường hiện tại được xây dựng, và được đặt tại vị trí hiện nay.

Được thiết kế theo phong cách kiến trúc thời phục hưng của Ý, Vương Cung Thánh Đường Thánh Anna đã tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt khách hành hương mỗi năm. Khách hành hương là những người dân Canada giao tiếp bằng tiếng Pháp và tiếng Anh; những công dân nước Mỹ; những người Châu Âu cũng thường đi viếng Vương cung thánh đường để kính nhớ đến người Mẹ của Mẹ Thiên Chúa. Vương Cung Thánh Đường Thánh Anna còn chữa bệnh cho hàng ngàn khách hành hương đau yếu, bệnh tật khác, và vì thế còn được gọi bằng một tên gọi khác đó là: Nhà thờ Lộ Đức ở Bắc Mỹ.

Nhà thờ Thánh Gioan Vianney

Nhà Thờ Thánh Gioan Vianney được xây dụng tại Ars, nước Pháp, (hay được gọi là Sanctuaire d’Ars bằng tiếng Pháp) Nhà thờ này được dâng hiến để làm thánh bổn mạng của các Linh mục trên thế giới. Nhà thờ thuộc Giáo phận Belley – Ars, thuộc Giáo Tỉnh Lyon, Pháp. Đây là Nhà thờ giáo họ, không giống như nhiều nhà thờ khác, nó được sở hữu và điều hành bởi cộng đoàn tu sĩ nam và nữ.

Nhà thờ Thánh Sixtô, được Cha Thánh Gioan Vianney nỗ lực xây dựng lại vào thế kỉ 12, đã trở thành tiền đề cho Vương Cung Thánh Đường Thánh Sixtô sau này vào thế kỉ 19. Ngài đã trao cho kiến trúc sư Pierre-Marie Bossan thiết kế Vương Cung Thánh Đường này. Tại phía cánh gà bên hông Thánh Đường có đặt hòm Thánh Tích với một thi thể còn nguyên vẹn của cha sở họ Ars. Một nhà thờ ngầm dưới lòng đất được xây dựng năm 1961 đã đáp ứng được số lượng khách hành hương rất đông.

Vương Cung Thánh Đường Cha Thánh Pio

Mặc dù Cha Thánh Pio sinh tại thị trấn Pietrelcina, nhưng ngài từ trần và được chôn cất tại San Giovanni Rotondo (thuộc tỉnh Foggia), miền Nam nước Ý. Nơi đây thi thể của ngài được lưu giữ trong Hòm Thánh Tích. Thánh Đường (Đức Mẹ Ban Ơn) được xây dựng năm 1950 bởi vì Tu viện ban đầu – nơi mà Cha Thánh Pio sử dụng để dâng lễ đã quá chật chội. Sau khi ngài từ trần năm 1968, nơi đó đã trở thành Vương Cung Thánh Đường. Năm 2004, Vương Cung Thánh Đường mới được dựng nên, có thể chứa đến 6.500 người. Nó được điều hành bởi các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin, hội dòng mà cha Thánh Pio trực thuộc.

Khách hành hương cũng có thể đến thăm bảo tàng của Nhà thờ tại San Giovanni Rotondo, là căn phòng lưu giữ lại Lễ Phục của Cha Thánh khi ngài dâng lễ, những bộ tu phục, những đồ dùng cá nhân, và cả những đôi gang tay ngài đeo bằng tất cả sự khiêm nhường để che giấu đi các Dấu Thánh trên tay mình. Dấu Thánh là việc mang trên mình một hoặc vài thương tích trong số năm vết thương của Chúa Giêsu. Cha Thánh Pio được mang lấy Dấu Thánh trên tay và ngài bị chảy máu mỗi khi ngài dâng thánh lễ. Cuối cùng ngài đành đeo găng tay để tránh sự chia trí cho các tín hữu đang tham dự thánh lễ.

Gần Vương Cung Thánh Đường Cha Thánh Pio là Bệnh viện Casa Sollievodella Sofferenza (Hay được gọi là nhà xoa dịu đau khổ), được Cha Thánh khởi xướng nhờ sự tài trợ của các đấng bảo trợ. Bất kì bệnh nhân nào đến điều trị tại Trung tâm y tế này đều không phải trả bất kì lệ phí nào. Bệnh viện này được xây dựng năm 1956, được trang bị công nghệ hiện đại và được xem là một trong số những bệnh viện vệ sinh nhất Châu Âu.

Nhà thờ Mẹ Thánh Phanxica Xaviê Cabrini

Nằm tại phía Bắc Manhattan thuộc Thành phố New York, cách cầu George Washington khoảng một dặm. Nhà thờ mẹ Cabrini hướng mặt về phía bờ sông Hudson và bên cạnh bang New Jersey. Vào thế kỉ 19, những di dân Ý từ Lombardy đất nước Mỹ để giúp đỡ những người bị bỏ rơi trong thế giới mới vì những thành kiến đối với người Công Giáo và người Ý.  Mẹ Thánh đã thành lập Dòng Chị Em Thừa Sai Thánh Tâm và xây dựng các trường học, các cô nhi viện tại Chicago, Illinois, Golden, Colorado, New Orleans, Louisiana, Scranton, Pennsylvania, thành phố Seattle, Washington, và thêm một cái nữa ở New York

Khi Mẹ Thánh Cabrini được phong chân phước năm 1938, thi hài của Mẹ được an nghỉ trong hòm kính đặt dưới chân bàn thờ. Đức Giáo Hoàng Pio XII đã phong hiển Thánh cho Mẹ vào năm 1946. Nhà thờ Mẹ Thánh Phanxica Xaviê Cabrini mới đã được xây dựng vào năm 1957, và hoàn thành vào năm 1960. Di hài của Mẹ được lưu giữ trong hòm hài cốt, và được chuyển đến Nhà thờ mới. Thi hài nộm bằng sáp của Mẹ được tôn kính trong nhà thờ. Trên bờ tường chung quanh nhà thờ được khắc họa lại cuộc đời của Mẹ Thánh, và các cửa sổ kính màu ghép hình ảnh Mẹ Thánh được đặt ở lối vào phía Tây. Thánh đường mẹ Cabrini là một phần của giáo xứ Thánh Elizabeth, nằm trên đường số 187, đại lộ Wadsworth.

Rất nhiều khách hành hương từ Ý đến thăm viếng ngôi Thánh đường này với tất cả sự mộ mến vì tình yêu và những công việc mà Mẹ Thánh đã cống hiến cho Giáo Hội và cho những người đồng hương của Mẹ (“countrymen” trong tiếng Ý nghĩa là “người đồng hương”)

Nguyện đường Thánh Faustina

Nằm ở Kraków, Ba Lan, đền thờ thánh FaustinaKowalska được xây chung trong khu vực của đan viện Dòng chị em Đức Mẹ Lòng Thương Xót. Đó chính là cộng đoàn mà chị Faustina đã gia nhập và trở thành một nữ tu. Đức Giesu đã hiện ra với Thánh nữ trong một thị kiến vào năm 1931. Khi ấy, nơi Thánh Tâm của Ngài phát ra hai tia sáng màu trắng và màu đỏ. Tia màu trắng – màu của nước, tượng trưng cho ân sủng của Phép Rửa tội và tia màu đỏ – màu của máu, tượng trưng cho ơn lành của Bí Tích Thánh Thể. Cả hai ơn lành đều xuất phát cùng một nguồn, cả hai đều tẩy rửa tội lỗi, và cả hai là suối nguồn Lòng Chúa Thương Xót.

Du khách hành hương khắp nơi trên thế giới đổ đến thăm viếng ngôi đền thờ này. Họa sĩ Adolf  Hyla đã vẽ bức Linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót và trao tặng nó cho nhà nguyện của Tu viện tại Kraków Łagiewniki như một lời khấn nguyện, xin ơn cứu rỗi cho gia đình khỏi chiến tranh. Hằng năm, vào ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót (Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh), đông đảo du khách hành hương đã đến Đền Thờ để tôn kính, xin ơn lành của Chúa Giesu, và xin Thánh nữ Faustina chuyển cầu cho Lòng Thương Xót của thế giới, và đặc biệt là cho sự hoán cải của các tội nhân.

Các Thánh Tích

Giáo Luật ngăn cấm việc buôn bán Thánh Tích dưới mọi hình thức. Vào thời Trung Cổ, một vài người đàn ông xảo quyệt và vô liêm sỉ đã lợi dụng sự nổi tiếng của Thánh Tích để lấy xương động vật và quảng bá đó là Thánh Tích Bậc Nhất của các Thánh nổi tiếng. Không những các Thánh Tích này là giả mạo, mà những người đàn ông này còn dám tuyên bố chúng là Thánh Tích thực, và điều này tự bản chất là tội.

Ngày nay, bất kì thánh tích ở cấp bậc nào đều phải đi kèm với các qui tắc nghiêm ngặt về tài liệu. Nếu như không có giấy tờ lưu trữ lại, thì những vật ấy sẽ không được trưng bày để tôn kính cách công khai. Hiện nay, chỉ duy nhất một hoặc hai nơi tại Roma cung ứng những thánh tích vô giá cho các nhà thờ trên toàn thế giới, cũng như giữ gìn sự nguyên vẹn và xác thực của Thánh tích khỏi những lừa đảo và lạm dụng.

Những phần dưới đây sẽ bàn thảo về các cấp bậc khác nhau của thánh tích.

Thánh tích bậc 1

Thánh tích bậc 1 là một phần thân thể của thánh nhân. Tóc của thanh nhân cũng được coi là thánh tích, nhưng hầu hết Thánh tích bậc 1 là một phần xương của các thánh được lưu trữ trong hòm thánh tích (Hòm Thánh tích là nơi lưu giữ đặc biệt để trưng bày Thánh tích của các Thánh)

Những mảnh thánh tích này được chứa đựng thật kỹ lưỡng trong những hòm thánh tích hoặc được đặt bên dưới bệ đá của bàn thờ – Thánh tích bậc 1 của một hay vài vị thánh thường được đặt gầm bàn thờ và được che bởi lớp đá cẩm thạch hình vuông trên gian cung thánh.

Khoảng năm 300 sau công nguyên, khi những người Roma bách hại các tín hữu công giáo, Thánh lễ được cử hành cách kín đáo trong các hang toại đạo hoặc trên phần mộ của các Thánh Tử Đạo. Sau khi đức tin Kito giáo được hợp thức hóa thì việc cử hành thánh lễ trên các Thánh tích của các Thánh Tử Đạo mới được duy trì bằng cách đặt các thánh tích bên dưới bàn thờ để cử hành thánh lễ.

Trong khi hầu hết các Thánh tích bậc 1 là xương, thì vẫn còn những thánh tích khác. Ví dụ:

✓ Thánh tích của Thánh An-tôn là chiếc lưỡi vẫn còn nguyên vẹn (không bị hư nát) đang được đặt trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Anton tại Padua, Bồ Đào Nha.

✓ Lọ máu của Thánh Gennaro tại Nhà thờ Chính Tòa Naples, nước Ý. Hằng năm, cứ vào dịp lễ kính Ngài (ngày 19 tháng 9), khách hành hương đến đây để chứng kiến phép lạ máu đông hóa lỏng của Ngài.

✓ Cánh tay phải của Thánh Stephen ở Hungary đang được đặt tại thánh đường Thánh Stephen, ở Budapest.

Thánh Tích bậc 2

Thánh Tích bậc 2 là những đồ dùng mà Thánh nhân đã từng mặc, từng sử dụng hoặc từng sở hữu. Ví dụ như trang phục, bút viết hay những vật dụng cá nhân như Thánh Kinh, tràng chuỗi Mân Côi, Thánh Giá, nhẫn hay tu phục, áo lễ,… Những vật ấy được phân loại là thánh tích bậc 2.

Găng tay của Cha Thánh Pio Năm dấu tại thị trấn Pietrelcina được xem là thánh tích bậc 2, vì chúng chỉ chạm vào một bộ phận cơ thể của Ngài, chứ không phải là bộ phận cơ thể đó. Mắt kính của Thánh nữ Elizabeth Ann Seton cũng được xem là Thánh Tích bậc 2. Tại các bảo tàng tôn giáo vẫn đang lưu giữ một vài cái theo kích cỡ đó. Một vài mảnh áo dòng mà thánh nhân đã mặc hoặc lễ phục (nếu Thánh nhân là Giáo Sĩ) thì vẫn có giá trị hơn dân thường.

Kích cỡ to hay nhỏ không quan trọng, vì vậy ngay cả những mảnh nhỏ hoặc chất liệu của vải cũng thật sự cần thiết. Thông thường, thánh tích quá nhỏ, không thể nhận ra được. Nhưng các tài liệu lưu trữ lại đi kèm với các Thánh tích hợp pháp sẽ cho chúng ta biết đó là gì.

Thánh Tích bậc 3

Thánh tích bậc 3 thường là những mảnh vải được chạm vào thánh tích bậc 1 hay bậc 2. Đây là những loại phổ biến hơn cả, vì chúng chẳng liên quan gì đến sự phân phối hay phân hủy như hai bậc còn lại.

Thông thường, sau khi các Ngài được phong hiển Thánh, bạn sẽ tìm thấy thánh tích bậc 3 trong những tấm ảnh thánh. Mảnh vải không lớn hơn 1⁄8 inch. Thánh tích được gắn trong những tấm ảnh Thánh cùng với lời nguyện được đính kèm, sẽ là lời khấn nguyện dâng lên Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân.

Các cuộc hành hương

Đôi khi, quá trình hành hương còn quan trọng hơn là đích đến. Thông thường, chính hành trình cũng có giá trị để ghi lại và để suy tư. Hành trình này gọi là hành hương, là đi từ nhà đến một đích điểm thiêng liêng, còn việc di chuyển chỉ là một phần tượng trưng. Giống như hành trình của dân Do Thái xưa suốt 40 năm trong sa mạc để đến được Đất Hứa sau khi thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Qua nhiều thế kỉ, các Kito hữu đã hành hương đến những nơi Chúa Giêsu đã sống, đã đi, đã làm phép lạ, đã chết và đã được phục sinh.

Thực tế mỗi năm, những người dân Do Thái xưa đã hành hương lên Đền thờ Gierusalem, trước khi nó bị phá hủy vào năm 70 sau công nguyên. Phần còn sót lại là Bức Tường Than Khóc, là nơi các cuộc hành hương của người Do Thái viếng thăm 2000 năm sau đó. Các tín đồ Hồi Giáo được khuyến khích nên đi hành hương đến Thánh Địa Mecca (còn gọi là Haji) ít nhất một lần trong đời. Tương tự vậy, các Kito hữu cũng được cổ vũ để đi thăm viếng những vùng đất được xem là Đất Thánh theo tôn giáo của mình.

Những cuộc hành hương chưa bao giờ được cho là dễ dàng, rẻ tiền hay thoải mái cả. Những người đi hành hương rất hiếm khi hưởng một chuyến đi thoải mái, nhưng họ đều đi với sự hi sinh lớn lao và bằng những lời cầu nguyện. Người ta thường có xu hướng đi hành hương theo nhóm hơn là đi cá nhân. Đi với những người khác không phải lúc nào cũng vui vẻ; chẳng hạn, có những người không thích bay; hoặc có những người bị say sóng hay say xe. Cố gắng chịu đựng những khách hành hương chung với mình cũng là một phần của quá trình hành hương. Tuy nhiên, tinh thần thiêng liêng và đích đến của hành trình sẽ là động lực cho khách hành hương chịu đựng những khó khăn và bất tiện này.

Trên quá trình hành hương, những vấn đề bất trắc hay những bất tiện xảy ra đều được xem là những thử thách thiêng liêng. Những khó khăn đột xuất này đã tôi luyện cho du khách sự cứng rắn hơn, đồng thời biết sám hối về tội lỗi mình đã phạm, hoặc tiết chế bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, để chống lại những cám dỗ sau này. Đó là lý do tại sao những tiện nghi bậc nhất không được cổ võ: Mục đích của chuyến hành hương là tượng chưng cho một đời hành hương khi người tín hữu đi từ thế giới bên này sang thế giới bên kia.

Những phần tiếp theo sẽ đề cập đến những cuộc hành hương tiên khởi cũng như những cuộc hành hương trong thế giới hiện đại ngày nay.

Những cuộc hành hương tiên khởi

Vì 300 năm bị người La Mã bách hại đạo, nên mãi đến thế kỉ thứ tư, những cuộc hành hương Kito giáo đầu tiên mới bắt đầu thực hiện. Sau khi Hoàng đế Constantine ban hành sắc lệnh Milano vào năm 313 sau công nguyên, đã chính thức hợp thức hóa Kito Giáo, lúc đó các Kito hữu mới được thực hành rộng rãi niềm tin của mình. Mẹ của ngài là hoàng hậu Helena, đã công khai làm một chuyến hành hương đầu tiên đến Đất Thánh, và đi đến Gierusalem để tìm nơi Đức Giesu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá. Một nhà thờ đã được dựng nên và bắt đầu hoạt động tại những nơi các thánh đã sống, đã làm việc hay đã từ trần.

Mặc dù những người La Mã đã xây rất nhiều con đường và hệ thống cống rãnh trong suốt thời Đế Quốc, nhưng sự nổi tiếng của các cuộc hành hương trong suốt thời Trung Cổ đã thúc đẩy họ làm thêm nhiều con đường hơn nữa để hỗ trợ cho khách hành hương đến đích điểm của họ. Các bệnh viện, các nhà trọ, quán trọ đã mọc lên trên suốt tuyến đường để chăm sóc những nhu cầu căn bản cần thiết (thức ăn, thuốc men, nơi ở) cho các khách hành hương trên khắp Châu Âu. Các cuộc Thập Tự Chinh cố gắng giải phóng những vùng Đất Thánh và những địa điểm hành hương. Một vài địa điểm địa phương được tìm thấy bởi những ai “nói không với gươm kiếm” theo như cách họ gọi. Vì thế, các tín hữu đã hành hương lên các Nhà thờ tại Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và những vùng đất khác. Mặc dù những nơi này không phải là nơi Chúa Giesu sống thật sự, nhưng những Nhà thờ này đánh dấu những nơi các Thánh đã từng sống, đã từ trần và đã được mai táng như: Santiago de Compostela, Czestochowa, Walsingham, Fulda, Aachen, Mariazell, Monte Sant’Angelo, Roma,…

Các cuộc hành hương trên đất Mỹ

Hàng ngàn người dân Mỹ đã hành hương đến Vương Cung Thánh Đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Washington, D.C. Thánh đường này được dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Bên trong Vương cung Thánh Đường còn có rất nhiều nhà nguyện nhỏ tôn kính các thánh và Đức Maria và các cuộc hiện ra của Mẹ như ở Lộ Đức, Fatima, Knock, và  Guadalupe.

Trên khắp đất Mỹ, có rất nhiều giáo phận Công giáo đã hành hương đến Đền thánh Quốc gia để làm lễ kỉ niệm, giống như thành lập một Giáo Phận mới, hay cử hành Năm Thánh mừng kính Đức Trinh nữ Maria, giống như Giáo Phận Harrisburg, Pennsylvania đã làm vào Tháng 10 năm 2009. Những cuộc hành hương theo Giáo xứ cũng diễn ra. Nơi đây, Cha xứ, Cha phó và thầy Phó tế dẫn cộng đoàn dân Chúa đến nhà thờ hành hương. Thánh Lễ được cử hành trong các Nhà thờ nhỏ hơn. Và sau đó ghé thăm các cửa hàng lưu niệm hay nhà sách là điều được nhiều người ưa thích.

Khi bạn không thể di chuyển sang hải ngoại, hãy cố gắng đi hành hương tại địa phương. Bên cạnh Vương cung thánh đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khu vực Đại Tây Dương này còn có rất nhiều Thánh Đường Quốc Gia khác, bao gồm:

✓ Ở bất kỳ 21 giáo điểm truyền giáo tại California

✓ Vương cung Thánh Đường Thánh Anna tại Scranton, Pennsylvania

✓ Trung Tâm Đạo binh Xanh Đức Mẹ Fatima tại Washington, New Jersey

✓  Nhà thờ Mẹ Thánh Cabrini tại Golden, Colorado

✓ Thánh đường Quốc gia các Thánh Tử Đạo Bắc Mỹ tại Auriesville, New York

✓ Đền Thờ quốc gia Đức Mẹ Czestochowa tại Doylestown, Pennsylvania

✓ Đền thờ Thánh Gierađô tại Newark, New Jersey

✓ Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Stockton, Massachusetts

✓ Trung Tâm Đức Mẹ Tuyết tại Belleville, Illinois

✓ Nhà thờ Thánh Elizabeth Ann Seton tại Emmitsburg, Maryland

✓ Đền thờ Thánh Thể tại Hanceville, Alabama

✓ Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe tại La Crosse, Wisconsin

Cuộc hành hương của các Linh mục

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô đã công bố: từ ngày 19 tháng 6 năm 2009 đến ngày 19 tháng 6 năm 2010, được gọi là “Năm Thánh dành cho Linh Mục”. Vì vậy, rất nhiều Linh Mục, Phó tế và các tín hữu đã tổ chức những cuộc hành hương đến Nhà Thờ Thánh Gioan Vianney, Thánh bổn mạng của tất cả các Linh Mục. Ngài đã làm việc và đã từ trần tại Ars, Pháp, và nơi ấy trở thành Nhà thờ dành riêng cho con người thánh thiện này. (tham khảo phần “Nhà thờ Thánh Gioan Vianney”  ở phần trên cùng chương). Có đông đảo người hành hương lên nhà thờ Thánh Gioan Vianney này, giống như hàng nghìn người lũ lượt hành hương để kỉ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette tại Lộ Đức, Pháp năm 2008 vậy.

 

Chuyển ngữ: Sơ Anna Phạm Thị Phúc, FMA

Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), pp. 235-244.