Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) đã tạo ra hang đá Giáng Sinh hay mô hình Giáng Sinh để giúp những người chưa bao giờ có cơ hội đến thăm Đất Thánh và tự mình xem thấy Bêlem. Thông thường, người ta làm hang đá một hoặc hai ngày trước Đêm Giáng Sinh; tất cả ảnh tượng được đặt sẵn ngoại trừ tượng Chúa Hài Đồng. Tượng này sẽ được mang theo và đặt vào máng cỏ lúc rước kiệu Thánh Lễ nửa đêm khi hang đá được làm phép.
Ở Rôma, Đức Giáo Hoàng có tục lệ làm phép ảnh Chúa Giêsu Hài Đồng mà những đứa con út trong mỗi gia đình mang đến Thánh Lễ tại Vatican vào ngày Chúa Nhật Hãy Vui Lên (Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng). Sau đó, họ về nhà và chờ đến Giáng Sinh, tức là thời điểm có thể đặt tượng Hài Đồng vào hang đá Giáng Sinh được làm tại nhà.
Bài hát “Mười Hai Ngày Giáng Sinh” (The Twelve Days of Christmas) có nguồn gốc ở nước Anh, dưới triều đại của Nữ hoàng Elizabeth I, khi người Công giáo bị bách hại. Có mười hai ngày từ Giáng Sinh đến Lễ Hiển Linh. Bài hát nhắc đến các biểu tượng có vẻ vô nghĩa nếu nghe thoáng qua, nhưng thực tế chúng lại là mật mã được dùng để dạy giáo lý cho trẻ em Công giáo ở Anh vốn bất hợp pháp vào thời gian này. “Tình Yêu Đích Thực” được nhắc đến trong bài hát là Chúa Cha (“Vào ngày đầu tiên của Giáng Sinh, Tình Yêu Đích Thực của tôi đã ban cho tôi…”).
“Con gà gô trên cây lê” là Chúa Giêsu Kitô.
“Hai con bồ câu non” là Cựu Ước và Tân Ước của Kinh Thánh.
“Ba con gà mái Pháp” là ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến.
“Bốn chú chim đang kêu” là bốn tác giả Tin Mừng: Matthêu, Maccô, Luca và Gioan.
“Năm chiếc nhẫn vàng” là năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, sách Ngũ Thư.
“Sáu con ngỗng đẻ trứng” ám chỉ sáu ngày tạo dựng.
“Bảy con thiên nga” là bảy Bí Tích.
“Tám cô hầu đang vắt sữa” là tám Mối Phúc.
“Chín cô gái nhảy múa” là chín ca đoàn các thiên thần.
“Mười vị lãnh chúa đang nhảy” là Mười Điều Răn.
“Mười một người thổi sáo” là mười một Tông Đồ trung tín.
“Mười hai tay trống đang đánh” là mười hai tín điều trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ.
Cây Giáng Sinh có nguồn gốc ở Đức vào năm 1521. Một linh mục đã đặt một cây thường xanh (thông Giáng Sinh) trong nhà thờ, tượng trưng cho món quà của Chúa Kitô luôn luôn hiện diện (thường xanh) không chỉ vào dịp Giáng Sinh nhưng suốt năm. Có một truyền thuyết cho rằng một tu sĩ ở Đức vào thế kỷ VII đã dùng hình tam giác của cây thông để giải thích Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần).
Vào đêm Giáng Sinh, người Công giáo Ba Lan sử dụng Oplatek, một miếng bánh xốp mỏng hình chữ nhật được bẻ thành nhiều mảnh và trao cho mỗi thành viên trong gia đình kèm theo phép lành.
Người Công giáo gốc Tây Ban Nha có phong tục Giáng Sinh mang tên Las Posadas, là việc tái hiện lại hành trình của Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria đi tìm một nơi để tá túc khi Đức Mẹ sắp sinh hạ Chúa Giêsu.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 260-261.