Lễ nến (candlemas) là một tên khác của Lễ Thanh Tẩy (hypapante trong tiếng Hy Lạp), bây giờ được gọi là Lễ Dâng Mình, khi Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse đưa Hài Nhi Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem theo Luật Môsê. Đạo Do Thái coi việc chảy máu là nguyên nhân làm cho một người nào đó theo lễ nghi bị ô uế. Đó không phải là một sự ô uế luân lý hay thiêng liêng mà là sự ô uế mang tính lễ nghi, ngay cả khi liên quan đến kinh nguyệt tự nhiên của người phụ nữ hay máu dịch dính trên trẻ sơ sinh. Do đó, luật Môsê đòi các bà mẹ của những đứa con trai mới sinh phải chờ bốn mươi ngày trước khi họ được thanh tẩy bởi các thượng tế Do Thái trong đền thờ.

Trước Công đồng Vaticanô II, lễ nến diễn ra vào ngày 2 tháng Hai, vốn được coi là ngày cuối cùng của mùa Giáng Sinh; lúc này đồ trang trí đã được gỡ xuống. Lễ này hoàn toàn khác với Lễ Cắt Bì của Chúa Giêsu vào ngày 1 tháng Một, tức là 8 ngày sau khi Ngài được sinh hạ. 40 ngày sau ngày sinh của Đức Kitô, Mẹ của Ngài đã chu toàn các đòi hỏi của Lề Luật, và Mẹ cùng với Thánh Giuse lên đền thờ để tiến dâng một con chiên, hoặc nếu không thể có được một con chiên, của lễ có thể là đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Những con vật sẽ được sát tế trên bàn thờ và người mẹ sẽ được thanh tẩy theo nghi lễ.

Nến làm từ sáp ong, theo truyền thống, sẽ được làm phép trong ngày lễ này để gợi nhớ lại những cây nến mà Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria đã dùng trong đền thờ. Việc thanh tẩy mang tính nghi lễ của Đức Maria và việc dâng tiến Hài Nhi Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Luca 2:22-40. Có thể bắt đầu Thánh Lễ này với đoàn rước gồm các tín hữu cầm nến, tượng trưng cho việc họ gia nhập vào Thánh Gia Thất (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh Giuse), tiến vào nguyện đường. Nến cũng tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng Thế Gian.

Các bài đọc từ Thánh Kinh được công bố trong Thánh Lễ hôm đó (Lc 2:22-40) nhắc đến lời tiên tri của ông Simeon, một người Do Thái cao niên đã sống nhiều năm để chờ gặp Đấng Mêsia. Ông luôn ở trong đền thờ, và khi nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng, ông biết giờ đã đến. Ông Simeon nói với Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Câu nói về lưỡi gươm đâm vào trái tim của Đức Maria được coi là lời tiên tri sẽ ứng nghiệm vào 33 năm sau khi Chúa Giêsu chết trên thập giá và Đức Mẹ đứng gần đó, bất lực, chứng kiến con trai ​​chịu đóng đinh và chịu chết cách khủng khiếp. Mẹ cũng chứng kiến cảnh người lính La mã Longinus đâm cây đòng vào cạnh sườn Chúa Giêsu để đảm bảo Ngài đã chết. Tại thời điểm đó, người ta tin rằng Đức Maria cũng cảm thấy đau đớn nơi trái tim mình, nỗi đau này vốn chỉ có người mẹ vừa mất con mới có thể hiểu được.

Ngày hôm sau, ngày 3 tháng Hai, những cây nến được các linh mục làm phép trong lễ nến được dùng để chúc lành cho cổ họng như một phần của lễ kính Thánh Blaise. Thánh Blaise là một Giám mục tử đạo thế kỷ IV s.C.N. Trong khi đang ở tù và chờ đợi cuộc hành quyết dành cho mình trong cuộc bách hại của quân La mã, ngài đã chữa lành một cách kỳ diệu một cậu bé bị nghẹt thở do hóc xương cá. Người mẹ đã đưa con trai mình đến với Thánh Blaise để được chúc lành, và khi ngài ban phép lành, xương cá văng ra từ miệng của cậu bé và đã cứu được cậu. (Việc này diễn ra trước khi người ta biết về phương pháp Heimlich maneuver, một phương pháp khẩn cấp giúp người bị nghẹt thở vì thức ăn mắc vào khí quản).

Do đó, việc này trở thành truyền thống của người Công giáo khi họ xin linh mục hay phó tế chúc lành cho cổ họng của họ trong lễ Thánh Blaise. Cầm chéo hai cây nến được làm phép với nhau và đặt trước cổ họng trong khi đọc lời nguyện: “Nhờ sự cầu bầu của Thánh Blaise, Giám mục tử đạo, xin cho con được gìn giữ khỏi mọi bệnh tật liên quan đến cổ họng và khỏi mọi sự xấu khác, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 259-260.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *