Thánh tích (relic) xuất phát từ tiếng Latinh reliquia (trong tiếng Hy Lạp là leipsana agia). Thánh tích chẳng hề có liên quan gì đến Vincent Price, lễ hội Halloween, hay những sự rùng rợn. Thánh tích chỉ là những lời nhắc nhớ hữu hình về những con người thánh thiện mà Giáo hội đã chính thức tuyên thánh đang ở thiên đàng. Những sự vật này tự chúng không có sức mạnh siêu nhiên; và ngay cả các phép lạ do các thánh, vốn là những người đã để lại những thánh tích này, thực hiện thật ra là bởi quyền năng của Thiên Chúa hành động qua các ngài.
Có ba loại thánh tích: hạng nhất, hạng nhì, và hạng ba. Không giống như khoang hạng nhất của các hãng hàng không, bạn không thể tiếp chạm tới thánh tích hạng nhất. Thánh tích hạng nhất là bất cứ phần thân thể nào của thánh nhân, thường là một mảnh xương nhỏ. Thánh tích hạng hai là những miếng nhỏ của quần áo hay vật dụng mà các thánh đã mặc, sờ đụng hay sử dụng. Thánh tích hạng ba là bất cứ thứ gì mà thánh tích hạng nhất đã tiếp chạm đến.
Giáo dân không bao giờ tôn thờ các thánh tích, vì như thế là thờ ngẫu tượng và là tội chống lại Điều Răn thứ nhất. Chúng được tôn kính chỉ vì đã từng là một phần của một người thánh thiện, và giờ đây được coi là vị anh hùng thiêng liêng và là bạn hữu của Chúa trên thiên đàng. Thực hành này khởi đi từ lúc các Kitô hữu chôn cất người chết, không như những người La mã ngoại giáo chọn cách hỏa táng. Những người đã chết được chôn cất theo kiểu Kitô giáo với niềm tin kiên vững và hy vọng chắc chắn rằng vào thời sau hết, khi Cuộc Tái Lâm lần thứ hai của Đức Kitô xảy đến và trước cuộc Phán Xét Chung dành cho thế gian, kẻ chết sẽ sống lại.
Vì vậy, các Kitô hữu đã đối xử kính trọng với xác của người chết. Cuộc bách đạo của người La mã kéo dài ba trăm năm, trong thời gian đó các Kitô hữu đã lẩn trốn và thờ phượng chính tại nơi chôn cất người chết: các hang toại đạo. Những người La mã mê tín sợ những nghĩa trang này, vì tin rằng họ sẽ bị ám bởi người chết – và như thế, nơi này trở thành chỗ lý tưởng để trốn các cuộc bách hại.
Khi Kitô giáo trở nên hợp pháp vào năm 313, nhờ Hoàng đế Constantine với Chiếu chỉ Milan, mẹ ông, bà Thánh Helena, đã khởi sự chiến dịch phục hồi nhiều thánh tích Kitô giáo bao nhiêu có thể. Thậm chí bà còn dẫn đầu một chuyến thám hiểm đến Đất Thánh, và tại Giêrusalem, bà tìm thấy Thánh Giá Thật của Chúa Kitô trên đồi Canvê, nơi Đấng Cứu Độ bị đóng đinh và chịu chết. Đây là thánh tích lớn nhất và có giá trị nhất được biết đến đối với nhân loại. Bà cũng tìm thấy những chiếc đinh đã được dùng để đóng đinh Chúa Giêsu. Các mảnh nhỏ của Thánh Giá đã được gửi đến Thượng Phụ Giêrusalem, đến Đức Giáo Hoàng ở Rôma, và gửi đến chính Hoàng đế. Phần còn lại được lưu giữ tại vương cung thánh đường Thánh Helena được xây dựng ngay tại đó.
Những mảnh gỗ nhỏ của Thánh Giá Thật đã được trao đến tay nhiều Đức Giáo Hoàng, Hồng y, Giám mục, hoàng đế, vua chúa, hoàng hậu, và quý tộc khác trên khắp Châu Âu và Trung Đông. Đáng buồn thay, một số kẻ bịp bợm vô đạo đức đã bán các thánh tích giả cho những tín hữu ngây thơ, và đôi khi, gần như tạo nên cơn sốt thu tích càng nhiều thánh tích càng tốt. Giáo hội kết án hành vi buôn bán thánh tích là tội mại thánh và thường xuyên cảnh báo mọi người không xây dựng đức tin của mình dựa trên “sự vật”, thay vào đó phải dựa trên chân lý mặc khải và trên ơn sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, một số thành phần tội phạm đã kiếm tiền dựa vào tính cả tin của một vài người hành hương sốt sắng. Ngày nay, nhiều thánh tích thật được đính vào những khối đá gắn vào bàn thờ nơi thường cử hành Thánh Lễ, giống như các Kitô hữu sơ khai từng cử hành trong các hang toại đạo.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 257-258.