Những người không Công giáo rất ngạc nhiên trước những cử chỉ họ xem thấy khi tham dự Thánh Lễ Công giáo. Ngồi, đứng, quỳ, bái gối, cúi đầu, đấm ngực, làm dấu thánh giá, bắt tay, đi rước lễ – rất nhiều chuyển động và cử chỉ trong một giờ. Ý nghĩa đằng sau tất cả những cử chỉ và chuyển động này là gì?

Con người gồm cả thân xác và linh hồn. Chúng ta không phải là những linh hồn bị mắc kẹt trong nhà tù thân xác cho đến khi được phóng thích như triết gia Plato suy tưởng. Chúng ta là một sự thống nhất của chất thể và mô thể, của thân xác và linh hồn, giống như những gì triết gia Aristotle bàn đến. Cơ thể chúng ta kết nối với thế giới vật chất và linh hồn của chúng ta kết nối với thế giới tâm linh, và vì cả thân xác và linh hồn đều hợp nhất thành một con người nên chúng ta là công dân của cả hai thế giới, sống trong cả hai dịa hạt một cách đồng thời.

Việc thờ phượng của người Công giáo đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn con người, cả thân xác lẫn linh hồn. Chúng ta nghe rao giảng Lời Chúa, chúng ta xướng đáp và hát bằng lời, chúng ta ngồi, đứng, quỳ, cúi đầu, và bái gối tùy vào những gì đang diễn ra hoặc tùy vào nơi chúng ta đang hiện diện. Chúng ta ngửi thấy hương trầm hay hương của dầu thánh hòa cùng nhựa thơm. Chúng ta thưởng nếm bánh thánh (là Mình Thánh Chúa Kitô, Bí Tích Thánh Thể hay Thánh Thể) và chúng ta uống rượu thánh (là Máu Châu Báu Chúa Kitô).

Quỳ gối đối với Giáo hội Phương Tây là biểu hiệu lòng tôn kính sâu sắc nhất, trong khi ở Giáo hội Phương Đông lại là đứng và cúi đầu. Còn bái gối là cử động quỳ nhanh xuống trên đầu gối phải, trong khi cong đầu gối trái. Đó là một cử chỉ tôn kính và thờ phượng, dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên sự hiện diện đích thực của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể (Mình Thánh trong nhà tạm) đòi hỏi một cử chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Cử chỉ cúi đầu được diễn tả trước các biểu tượng như thánh giá hay tượng chịu nạn, bàn thờ, Giám mục hay linh mục (họ cử hành Thánh Lễ trong bản thân Chúa Kitô hay thay mặt Đức Kitô, và như một Đức Kitô khác, alter Christus). Cử chỉ cúi đầu được diễn tả bất cứ khi nào nhắc đến Thánh Danh Chúa Giêsu Kitô hay Chúa Thánh Thần.

Giáo dân ngồi khi nghe các bài đọc Cựu Ước và thánh thư từ Kinh Thánh, nhưng mọi người sẽ đứng khi nghe Tin Mừng để thể hiện sự trổi vượt của Tin Mừng, vốn là những lời nói và hành động của Chúa Kitô. Người Công giáo đấm ngực khi đọc Kinh Thú Nhận (tôi thú nhận) như một dấu chỉ diễn tả sự khiêm nhường và thú nhận lỗi lầm. Làm dấu thánh giá là cử chỉ phổ biến và định tính nhất của người Công giáo (cũng có thể có thêm cử chỉ bái gối nữa). Sử dụng tay phải với các ngón tay khép lại với nhau. Đầu tiên chạm tay vào trán và đồng thời nói: “Nhân danh Cha”. Tiếp theo, di chuyển bàn tay từ trán xuống để chạm vào giữa ngực, nói “và Con”. Tiếp nữa, tay phải đưa sang chạm vào vai trái và nói “và Thánh” rồi di chuyển qua, chạm vào vai phải và nói “Thần. Amen”.

Đó là cử chỉ tái khẳng định hai giáo thuyết: Chúa Ba Ngôi (Một Chúa trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) và chúng ta được cứu chuộc bởi thập giá Chúa Kitô.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 256-257.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *