Trong khi năm dương lịch bắt đầu vào ngày 1 tháng Một và kết thúc vào ngày 31 tháng Mười Hai, và năm tài chính ở hầu hết các nơi bắt đầu vào ngày 1 tháng Bảy, lịch của Giáo hội hay Năm Phụng Vụ lại hoàn toàn khác. Bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng và kết thúc vào Lễ Trọng Chúa Kitô Vua, lịch Giáo hội không có ngày tháng cố định như hai lịch kia. Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng có thể rơi vào một ngày trong tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai. Điều kiện tiên quyết duy nhất là phải đủ bốn Chúa Nhật trước Giáng Sinh, vì có Chúa Nhật thứ hai, thứ ba và thứ tư mùa Vọng trước Giáng Sinh (luôn luôn là ngày 25 tháng Mười Hai).
Năm Phụng Vụ chỉ ra ý lễ của mỗi Chúa Nhật xét như một phần của mùa phụng vụ, vốn phản ánh các chu kỳ cuộc sống trên trái đất cũng như lịch sử cứu độ. Giáng Sinh và Phục Sinh là hai điểm trung tâm của năm Phụng Vụ. Giáng Sinh tập trung vào chủ đề Đức Kitô là ánh sáng của chúng ta, và Phục Sinh tập trung vào chủ đề Đức Kitô là sự sống của chúng ta. Mùa Vọng trước Giáng Sinh và mùa Chay trước Phục Sinh. Mùa Thường Niên diễn ra giữa hai đại lễ mừng sinh nhật, sự chết và sự phục sinh của Đấng Cứu Độ; tất cả các Chúa Nhật và các ngày trong tuần không có sự kiện mừng kính riêng thì đều được xếp vào mùa Thường Niên.
Mùa Vọng và Giáng Sinh diễn ra vào mùa đông, là lúc có ít ánh sáng ban ngày hơn mùa hè. Trong hai mùa phụng vụ này – một chuẩn bị cho mùa Vọng và một cử hành sinh nhật của Đức Kitô – những bài đọc và lời cầu nguyện nhắc lại chủ đề Đức Kitô là “Ánh Sáng Thế Gian”, trái ngược với tình trạng thiếu ánh sáng ban ngày khá rõ trong thời gian này.
Mùa Chay và Phục Sinh diễn ra vào mùa xuân khi tuyết tan; thiên nhiên vừa thức dậy sau giấc ngủ, chúng ta thấy hoa lá và động vật phô bày sự sống sau cái chết dài của mùa đông. Hai mùa phụng vụ này tập trung vào chủ đề Đức Kitô là “Sự Sống Thế Gian”, đặc biệt là sau cuộc Phục Sinh của Ngài từ cõi chết vào Chúa Nhật Phục Sinh.
Thời gian chuẩn bị của mùa Vọng và mùa Chay rất đáng giá; mọi người cầu nguyện nhiều hơn và dấn thân vào việc hãm mình cá nhân, ăn chay, kiêng khem và những điều tương tự. Màu phụng vụ của các lễ phục trong cả mùa Vọng và mùa Chay đều là màu tím. Giáng Sinh và Phục Sinh là hai đỉnh cao của năm, là các đại lễ lớn, nên không đòi ăn chay hay kiêng khem, và lễ phục màu trắng là màu phụng vụ thích hợp cho thời gian này. Trước đây, Chúa Nhật cuối cùng trong tháng Mười, và bây giờ là Chúa Nhật trước Mùa Vọng, được chỉ định là Chúa Nhật Chúa Kitô Vua, tức là ngày kết thúc Năm Phụng Vụ, vì liền sau đó sẽ là Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng.
Cũng có những ngày lễ Trọng Kính Chúa như ngày Lễ Thăng Thiên (40 ngày sau Lễ Phục Sinh khi Chúa Giêsu lên trời), Chúa Nhật Lễ Ngũ Tuần (50 ngày sau Lễ Phục Sinh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ), Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và các lễ trọng khác kính Đức Trinh Nữ Maria như Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (khi Đức Maria được thụ thai không mắc tội nguyên tổ trong lòng bà Thánh Anna) và Lễ Đức Mẹ Lên Trời (khi Đức Maria được Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn xác).
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 255-256.