Bạn có thể nghe thấy tiếng chuông vang lên trong và ngoài các nhà thờ Công giáo khắp nơi trên thế giới. Kể từ thế kỷ VI s.C.N, các chuông bên ngoài được sử dụng để nhắc các tu sĩ ở tu viện hay giáo dân giáo xứ đã đến lúc cầu nguyện. Theo truyền thống, cứ mỗi ba tiếng đồng hồ bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng, chuông sẽ nhắc các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân (những người không có đồng hồ đeo tay vào thời đó) đã đến lúc cầu nguyện và bắt đầu ngày làm việc. Điều này sẽ diễn ra lần nữa lúc 9 giờ sáng, giữa trưa, 3 giờ chiều, 6 giờ chiều, 9 giờ tối, nửa đêm và 3 giờ sáng.

Cách phân chia truyền thống của việc rung chuông cứ mỗi ba tiếng một lần trùng khớp với Kinh Nhật Tụng hay Kinh Phụng Vụ, vốn là việc cầu nguyện của các đan sĩ và nữ tu trong các tu viện. Lauds hay Kinh Ca Ngợi Ban Sáng diễn ra lúc bình minh, nên 3 giờ sáng là thời khắc thích hợp để rung chuông kêu gọi cộng đoàn tu sĩ bắt đầu giờ cầu nguyện chung. Chẳng có thời gian để tắm, bạn chỉ cần đi đến nhà nguyện và cầu nguyện. Sau đó, bạn có thể quay về phòng và tranh thủ chợp mắt một lúc, trừ khi bạn phải vắt sữa bò. Kinh Giờ Nhất (Prime) được đọc lúc 6 giờ sáng, tiếp theo là Kinh Giờ Ba (Terce) lúc 9 giờ sáng, Kinh Giờ Sáu (Sext) lúc giữa trưa, Kinh Giờ Chín (None) lúc 3 giờ chiều, Vespers hay Kinh Chiều lúc 6 giờ chiều, và Kinh Tối (Compline) lúc 9 giờ tối với Kinh Sáng (Matins) vào lúc nửa đêm.

Vào những thời khắc cách nhau ba tiếng đồng hồ này, các đan sĩ sẽ đọc một số Thánh vịnh từ Kinh Thánh và cũng thường có các bài đọc Cựu Ước hay Tân Ước. Kinh Lạy Cha (Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu) và các bài thánh thi được đọc trong các giờ kinh chính (Kinh Ca Ngợi Ban Sáng và Kinh Chiều). Tiếng chuông còn giúp bà con trong thị trấn và đan sĩ ở tu viện biết được giờ giấc ngoài thời gian cầu nguyện. Dần dần, các giờ kinh đã được điều chỉnh cho phù hợp với các mùa, nhưng thường thì việc kéo chuông vẫn được duy trì theo thứ tự thời gian của chúng, vì rất nhiều người trong thị trấn dựa vào tiếng chuông để biết giờ giấc.

Chuông nhà thờ cũng vang lên để báo tin buồn khi Đức Giáo Hoàng, hoàng đế hay vua chúa qua đời; loan tin vui về một cuộc sinh hạ hay một hôn nhân mới; chấm dứt chiến tranh; hoặc chúng có thể kéo chuông chỉ để báo cho dân làng biết nguy hiểm hoặc thiên tai sắp xảy ra.

Bởi vì người ta tin rằng Ác thần và ma quỷ tay sai của hắn ghét tiếng chuông nhà thờ do tiếng chuông kêu gọi người tín hữu cầu nguyện, nên các chuông cũng được Giám mục làm phép rửa – tức là được làm phép với dầu thánh và nước thánh, và mỗi chuông còn được đặt tên. Chuông không thực sự được làm phép rửa vì chỉ có con người mới có thể lãnh nhận các bí tích, nhưng có thể hiểu loại suy như thế, vì chính tại thời điểm cứ hành bí tích Rửa Tội, cha mẹ cũng đặt tên cho con cái. Đặt tên và làm phép chuông nhà thờ là nghi lễ được cử hành khắp Châu Âu cho đến thời kỳ Cải Cách. Những người hiểu lầm thực hành này cáo buộc Giáo hội thời Trung cổ mê tín dị đoan, nhưng thậm chí ngày nay, chúng ta cũng nghe về “lễ rửa tội” (christening) cho một con tàu và không ai hiểu lầm điều đó như việc rửa tội cho một đứa trẻ.

Các chuông nhỏ hơn được gọi là chuông Sanctus (hồi chuông rung lúc đọc kinh “Thánh, Thánh, Thánh”), được sử dụng bên trong nhà thờ để nhắc mọi người quỳ gối. Khi Thánh Lễ còn được cử hành một cách phổ quát ad orientem (quay mặt về hướng đông) thay vì versus populum (đối diện với giáo dân), và trước thời có micrô và loa, những người ngồi phía sau nhà thờ không thể nhìn hoặc nghe thấy những gì linh mục đang cử hành. Những tiếng chuông Sanctus được rung lên trong phần kinh khẩn nguyện Thánh Linh (epiclesis) của Thánh Lễ, là lúc linh mục nài xin Chúa Thánh Thần đến; lúc nâng cao Mình Thánh ngay sau khi truyền phép bánh miến; lúc nâng cao Chén Thánh ngay sau khi truyền phép rượu nho; và khi chủ tế uống Máu Châu Báu từ chén thánh. Chuông cũng được rung khi linh mục hay phó tế ban phép lành Thánh Thể cho cộng đoàn với Thánh Thể được giữ trong mặt nhật.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 254-255.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *