Thánh lễ vừa là một việc tưởng niệm vừa là một hy lễ. Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, và Thánh Lễ trở thành cử hành phụng vụ từ biến cố này. Thứ Năm tuần thánh là đêm trước khi Chúa Giêsu chịu chết. Ngài đã ban bí tích này cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Nhờ những lời này, Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho mười hai Tông Đồ. Ngài đã làm như vậy để duy trì bí tích Thánh Thể cho đến tận thế. Theo cách này, Thánh Lễ là một việc tưởng niệm. Thánh Lễ làm mới lại hy lễ của Chúa Kitô. Hy lễ thánh lễ không phải là một hy lễ mới hay một hy lễ như các tư tế Do Thái hay ngoại giáo sẽ thực hiện. Đúng hơn, đó là hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá. Một sự khác biệt lớn là hy lễ hiện tại được dâng theo một cách thức không đổ máu.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Phần thánh hiến riêng biệt (bánh và rượu) trong Thánh lễ biểu thị sự đóng đinh của Chúa Kitô. Theo cách hiểu của người Do Thái, chết là khi tách lìa máu ra khỏi thân xác. Trong Thánh lễ, khi linh mục thánh hiến bánh, và bái thờ; rồi sau đó thánh hiến rượu, và bái thờ, là biểu thị cho việc tách lìa máu ra khỏi cơ thể, nghĩa là biểu thị sự chết. Hy lễ Thánh lễ cũng là sự phục sinh. Sau khi thánh hiến, và trước khi rước lễ, các linh mục bẻ một mẩu nhỏ Thánh Thể bỏ vào Máu châu báu trong chén thánh. Điều này ám chỉ sự phục sinh. Trong thánh lễ, người Công giáo không tiếp nhận Chúa Kitô đã chết, mà là Đấng Cứu Thế đã phục sinh và được tôn vinh. Mỗi mẩu bánh Thánh, mỗi giọt Máu châu báu là trọn vẹn Đấng Cứu Thế phục sinh. Tất cả những điều này xảy ra như thế nào là một mầu nhiệm đức tin.
Giáo dân không chỉ được rước Mình và Máu Chúa Kitô, mà cả linh hồn và thần tính của Ngài nữa. Bất cứ nơi nào có Chúa Con, thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Do đó, người Công giáo lãnh nhận Thiên Chúa Ba Ngôi khi rước lễ, nhưng Chúa Kitô vẫn hiện diện sau Hy lễ Thánh lễ. Ngài vẫn hiện diện bao lâu hình bánh vẫn còn có thể được nhận ra. Một khi hình bánh không còn được nhận ra, người ta tin rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện thực sự nữa. Điều này đặc biệt đúng khi Thánh Thể rơi xuống sàn và không thể rước được nữa. Người ta có thể bỏ Thánh Thể đó vào trong một ly nước. Một khi bị hòa tan, họ có thể đổ nước với bánh hòa tan vào trong giếng thánh, giống như một bồn rửa trong phòng thánh dùng cho các đồ thánh, mà không được đổ xuống đất.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 150-51.