Trong chương này, chúng ta tìm hiểu về:
- Thánh Gia Thất
- Các thánh thân nhân và hạn hữu của Chúa Giêsu
- Những Vị truyền bá đức tin khác trên thế giới
Chương này giới thiệu mười gia đình thánh thiện nổi tiếng nhất, bắt đầu từ Gia đình thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và thánh Giuse đến Thánh Cyril và thánh Methodius. Đây là những vị thánh không có một chút gì là “di truyền linh thánh.” Vì thế, khi có hơn một thành viên trong gia đình được phong thánh, là bởi vì đã có những gương sống mẫu mực, chứ không phải do nguồn gốc tổ tiên. Một thành viên thánh thiện trong gia đình ảnh hưởng rất sâu đậm đến những người thân thuộc họ hàng, đặc biệt là anh chị em ruột thịt.
Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse
Gia đình thánh thiện rõ ràng nhất đó là Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Măc dầu Thánh Giuse không phải là cha ruột của Chúa Giêsu, nhưng cuộc hôn nhân của ngài với Maria đã tạo nên một mối quan hệ phụ tử hợp pháp theo thế giới cổ đại cũng như văn hóa Do Thái.
Thánh sử Mathêu và Luca đã cung cấp một cách khá chi tiết phả hệ của Chúa Giêsu thông qua người cha nuôi của Ngài. Qua đó cho thấy rằng, Thánh Giuse là hậu duệ của vua Salomon và Davit cũng như của Abraham, Isaac và Giacop. Phả hệ của Chúa Giêsu, theo Thánh sử Luca, khởi nguồn từ Adam.
Thánh Giuse chỉ được Phúc Âm nhắc đến khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi và bị lạc mất. Sau 3 ngày, Đức Maria và Thánh Giuse đã tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem, lúc Ngài đang dạy cho các thầy giảng. Thánh kinh nói rất ít về Thánh Giuse, ngoại trừ cho biết ngài là hôn phu của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu.
Một vài giáo hội Chính thống Đông phương tin rằng, Giuse có thể có những người con khác từ một cuộc hôn nhân trước đó mà người vợ đã qua đời, nhưng giáo hội Công giáo lại tin rằng Giuse không có người con nào khác. Thay vào đó, Giuse có thể đã nhận nuôi dưỡng các cháu gái và cháu trai của một người anh hoặc em gái nào đó đã qua đời.
Chúng ta đã biết chi tiết câu chuyện Thánh Gia Thất trong chương 2, bắt đầu với việc Maria hiểu ra rằng cô, một trinh nữ đã đính hôn với người thợ mộc tên Giuse, sẽ sinh ra con trẻ Giêsu Kitô, và gắn liền với cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Thánh Gioakim và Thánh Anna (Ông Bà)
Gioakim và Anna, cha mẹ của Đức Maria, được nêu tên trong ngụy phúc âm của Giacôbê, một văn bản bị coi là không được ơn linh ứng và không được kể vào bộ sách Thánh kinh Công giáo. Cả hai đều không được nêu tên trong Phúc Âm Mathêu, Marcô, Luca và Gioan, nhưng các ngài được nhắc đến trong những nguồn Thánh kinh ngoài kinh điển và không chính thức. Thánh Gioakim và Thánh Anna được coi là ông bà ngoại của Chúa Giêsu và là bổn mạng của tất cả các người là ông bà. Khi Maria kết hôn với Giuse, có thể cô đang ở tuổi thanh nữ, vì thế hoàn toàn có thể cho rằng Gioakim và Anna không chỉ sống trong mong đợi đến ngày mà còn là hy vọng được thăm cháu trai trong ngày bé chào đời.
Thánh Elizabeth, Thánh Giacaria và Thánh Gioan Tẩy giả (Bà con với Đấng Cứu Thế)
Phúc Âm của Thánh sử Luca xác định Elizabeth là bà con với Maria và Giacaria là phu quân của Elizabeth. Cặp đôi này son sẻ và đã già khi sứ thần Gabriel đến thăm Giacaria và cho ông biết người vợ son sẻ của ông sẽ sinh một con trai. Trong bàng hoàng và hoài nghi, Giacaria đã không thể nói được nữa cho đến khi con trẻ là Gioan Tẩy giả được sinh ra. Khi Maria đến thăm, Elizabeth đang trong thời kỳ thai nghén được 6 tháng, còn Maria mới chỉ được một vài ngày. Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ được gọi là cuộc viếng thăm và là một trong các mầu nhiệm Mùa Vui của kinh Mân Côi. (Xem chương 2)
Khi Maria bước vào trong phòng của Elizabeth thì người con chưa được sinh ra của Elizabeth đã nhảy mừng trong lòng bà, như là em đã nhận ra được sự hiện diện của Đấng Cứu Thế một cách lạ lùng. Lúc hãy còn ở trong lòng mẹ, Gioan Tẩy giả đã bắt đầu sứ mạng loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Gioan đã không được nhắc đến cho đến khi cả hai anh em họ (Gioan và Giêsu) đến tuổi trưởng thành.
Gioan Tẩy Giả được gọi tên như vậy không phải vì ông thuộc giáo hội Baptist (giáo hội được ông John Smyth thành lập năm 1608), nhưng bởi vì ông đã làm phép Rửa cho người ta ở sông Gioc-đan. Trong tiếng Hy Lạp chữ “baptize” có nghĩa là rửa. Phép rửa của Gioan biểu trưng việc chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế (Giêsu) sắp đến. Vì thế ông đã được đặt cho danh hiệu là “Sứ giả của phép thanh tẩy.”
Gioan đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Gioc-đan. Cả hai đều đã không cùng được nhắc đến mãi cho đến ba năm sau, khi Chúa Giêsu được báo cho biết về cái chết của người anh họ (xem chương 6).
Thánh Martta, Thánh Maria và Thánh Lazarô
Ba chị em ruột Martta, Maria và Lazarô là những người mà Chúa Giêsu đã gắn kết bằng một tình bạn hữu chí thiết của người trưởng thành. Các học giả tin rằng, cả bốn người rất thân thiết với nhau, và Chúa Giêsu đã có những thời gian thư giãn với gia đình này trong 3 năm sứ vụ của Ngài.
Phúc Âm của Thánh Gioan nói rằng, Chúa Giêsu đã khóc trước mộ Lazarô, đây là lần thứ 2 Thánh kinh ghi nhận Ngài khóc (Lần đầu tiên là khi Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem lúc Ngài tiên báo về sự hủy diệt của thành này mà người Roma sẽ làm sau này). Nước mắt của Chúa Giêsu tỏ cho đám đông thấy chiều sâu của tình bạn hữu, và Phúc Âm của Thánh Gioan cho biết Chúa Giêsu đã cho Lazarô sống lại như thế nào sau khi ông đã được chôn cất trong mồ bốn ngày.
Thánh Phêrô và Thánh Andrê
Phêrô và người anh là Andrê, cả hai đều là ngư phủ; các ông là những người đầu tiên được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ của Ngài. Andrê là người môn đệ đầu tiên của Gioan Tẩy giả. Khi gặp Chúa Giêsu và nhận ra Ngài là Đấng Messia, ông đã đến gặp Phêrô là em ông và dẫn ông này đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã kêu mời cả hai anh em trở thành những “ngư phủ lưới người” nghĩa là họ sẽ “lưới bắt các linh hồn” bằng cách rao giảng Phúc Âm. Chúa Giêsu trao cho Phêrô phụ trách Giáo hội (trong Mathêu 16:18), vì thế Phêrô được coi là Giám mục đầu tiên ở Roma và là vị Giáo Hoàng thứ nhất. Ngài chịu tử đạo tại ngay chính thủ đô của đế quốc vào năm 64 sau Công nguyên.
Andrê, anh của Phêrô, đã đi xa hơn; Ông đến Hy lạp trước khi chịu tử đạo và là thánh bổn mạng của Scotland và Russia. Phêrô bị đóng đinh ngược vì ông cảm thấy bất xứng khi chết giống như Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết trong ngày thứ sáu tuần thánh (ông đã chối Chúa ba lần trước ngày Chúa chết). Andrê cũng chịu đóng đinh vào cây thâp giá hình chữ X.
Thánh Giacôbê và Thánh Gioan
Thánh Giacôbê và Gioan là anh em và cũng là những ngư phủ như Phêrô và Andrê. Mẹ của hai ông đã xin với Chúa Giêsu cho hai con của bà được ngồi bên phải và bên trái của Ngài. Các Tông đồ khác ghen tức, nhưng Chúa Giêsu thường kêu hai ông cùng đi với Phêrô. Chẳng hạn như trong cuộc Biến hình, khi Chúa Giêsu chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor, nơi mà Moisê và Êlia hiện ra đứng bên Chúa Giêsu. Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng theo Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện trước giờ thương khó của Ngài, nhưng Chúa Giêsu chỉ thấy các ông ngủ (3 lần).
Gioan là tác giả của một trong 4 cuốn Phúc Âm, một bức thư và cuốn sách cuối cùng của Thánh kinh, sách Mặc Khải (cũng còn được gọi là sách Khải Huyền). Ngài được gọi là người Tông đồ được yêu mến, vì trong 12 Tông đồ, Ngài là người bạn thân thiết nhất của Chúa Giêsu.
Giacôbê được gọi Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê Tông Đồ khác được biết đến với tên là Giacôbê Hậu; gọi như thế chỉ là vì căn cứ vào thời gian đi theo Chúa Giêsu của hai ông. Theo một truyền thống đạo đức, Giacobê đã rao giảng tại Tây Ban Nha trước khi bị chết dưới lưỡi gươm của Hêrôđê, trong khi đó thì Gioan đã qua đời vì tuổi già, có lẽ vào khoảng 100 tuổi. Ông đã từng bị ném vào vạc dầu sôi, nhưng Ông đã không chết (see Chapter 3). Bị lưu đầy tại đảo Patmos, Thánh Gioan đã qua đời tại Ephêsô, nơi mà trước đây ngài đã dành nhiều năm để chăm sóc Đức Maria đồng Trinh. Thánh Macrina Tiền, bà ngoại của thánh Macrina Hậu, Thánh Basil Cả, Thánh Gregory Nyssa và Thánh Phêrô thành Sebaste. Macrina Tiền sống vào hậu bán thế kỷ thứ ba sau công nguyên và tiền bán thế kỷ thứ tư. Bà là mẹ của thánh Basil Cả và đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình. Điều này thấy rõ qua các chứng tích ghi nhận con số các thánh xuất thân từ cùng dòng họ này. Thánh Basil Tiền và vợ là Emmelia có nhiều người con được phong thánh, gồm thán Basil Cả, Gregory Peter và Macrina Hậu.
Gia đình đã sống trong thời kỳ bách hại của Roma dưới thời Diocletianô, nhưng không bao giờ chối bỏ niềm tin như một số người cùng thời. Basil Cả được biết đến như là cha đẻ của trường phái Đan tu Đông phương và Gregory cũng được nhìn nhận là Giáo phụ trong Hội thánh. (Xem chương 6)
Thánh Felicita và những người con của Ngài: Thánh Jannuariô, Thánh Felix, Thánh Philip, Thánh Silvanô, Thánh Alexander, Thánh Vitalis và Thánh Martial Felicita thành Roma sống vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên và đã hiến thân phục vụ người nghèo. Thánh Felicita đã bị bắt vì Đức tin và bị ép buộc phải thờ kính các thần ngoại giáo. Bảy người con của bà – Thánh Jannuariô, Thánh Felix, Thánh Philip, Thánh Silvanô, Thánh Alexander, Thánh Vitalis và Thánh Martial – đều đã bị bắt khi bà từ chối tuân lệnh thờ thần ngoại giáo. Các con của bà được lệnh là phải tham dự việc thờ phượng các thần của Roma, nhưng theo gương mẹ, họ cũng đã từ chối.
Họ đã nhiều lần kháng án, nhưng tất cả đều bị phản bác. Sau đó, hoàng đế Antonius đã ra lệnh hành quyết Felicita và tất cả các con. Felicita đã bị ép buộc phải chứng kiến từng người con của bà bị hành quyết, nhưng không một ai trong họ nao núng và chối bỏ Đức tin.
Thánh Benedicto và Thánh Scholastica
Thánh Benedicto và Thánh Scholastica (xem chương 9) là cặp song sinh ở thế kỷ thứ 6 và là những vị đồng sáng lập trường phái Đan tu Tây phương. Thánh Benedicto bắt đầu thành lập những đan viện, chẳng nhạn như Dòng Biển Đức, trong khi đó em của ngài là thánh nữ Scholastica lại thành lập các nữ đan viện. Cuộc sống đan sĩ gắn kết với lời đoan nguyện thuộc trọn về một nơi (đan viện) cũng như cầu nguyện và làm việc hằng ngày (Ora et labora trong tiếng Latin).
Thánh Benedictô đã thành lập những đan viện ở Subiaco và Monte Cassino, cả hai đều nổi tiếng ở nước Ý và cho đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn lối sống ơn gọi đan tu. Thánh Scholastica đã thiết lập một đan viện cho các nữ tu Benedictine cách Monte Cassino 5 dặm trong một thành phố có tên là Plombariola. Hai người gặp nhau mỗi năm một lần và trao đổi những vấn đề tâm linh. Đối với các ngài, những đan sĩ trong các đan viện chính là anh chị em tinh thần.
Thánh Boris và Thánh Gleb
Boris và Gleb là anh em ruột và là con của Thánh Vladimir I thành Kiev và là cháu của thánh Olga, nữ hoàng Kitô hữu đầu tiên của Ukraine. Họ sống vào thế kỷ thứ 10 tại Ukraine. Vladimir tiếp tục công việc gầy dựng Kitô giáo trong vương quốc. Sau cái chết của Vladimir, vương quốc được phân chia cho các con, nhưng Svyatopolk người anh củng cha khác mẹ với Boris và Gleb đã chối bỏ đức tin và khinh dể tôn giáo của các em, tham lam tìm cách thu tóm quyền thống trị. Mặc dù được quân đội yểm trợ, nhưng Boris đã triệu tập quan quân để giải thích cho họ rằng, ông không thể ra tay chống lại người anh của ông được, cho dù người anh của ông có cư xử thế nào với ông đi nữa. Sau đó, Boris đã chịu tử đạo bởi cận thần của Svyatopolk. Svyatopolk đã mời Gleb đến Kiev, nhưng Gleb đã chịu tử đạo trong chuyến đi này.
Thánh Cosma và Thánh Damianô
Cosmas và Damianô là hai anh em sinh đôi, sống gần cảng biển Aegea (ngày nay gọi là Ayas ở Thổ Nhĩ Kỳ) trong Vịnh Issus vào thế kỷ thứ ba sau công nguyên. Cả hai là thầy thuốc, nhưng các ngài không bao giờ nhận thù lao. Là bổn mạng của các dược sĩ, cả hai đều chịu tử đạo trong cuộc bách hại của triều đình Roma dưới thời Diocletianô. Phép lạ nổi tiếng nhất của hai ngài là ghép chân của một người Ethiopia vừa mới qua đời để thay thế chân loét của một bệnh nhân. Theo truyền thống đạo đức, các ngài đã bị treo trên cây thập tự và sau đó ném đá, bắn bằng mũi tên, và cuối cùng bị chặt đầu.
Thánh Cyrilô và Thánh Methodiô:
Cyrilô và Methodiô là hai anh em sống vào thế kỷ thứ 8 sau công nguyên. Được sinh ra tại Thessalonica, Hy lạp, các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo tại Đông Âu và truyền bá Đức tin Kitô giáo cho dân tộc Slave. Lời rao giảng của các ngài đã đến tận Russia.
Lễ kính các ngài vào ngày 14 tháng 2, cũng là ngày kính Thánh Valentine. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt các ngài là các đấng bảo trợ của châu Âu (cùng với Thánh Benedictô thành Nursia) vào năm 1980 do tầm ảnh hưởng sâu rộng của các ngài đối với việc truyền bá đức tin. Thánh Cyrilô đã có công trong việc tạo ra bảng chữ cái Cyrillic mà người Russian vẫn dùng ngày nay.
Chuyển ngữ: Sr. M. Carmelite Nguyễn Thị Thu Hương, SJP
Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), 317-322