- Lời Chúa
16 Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. 19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.
22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng. (1 Cr 9:16-19, 22-23)
- Tìm hiểu 1 Cr 9:16-19, 22-23
Bài đọc này nằm ở phần trung tâm trong các luận bàn của thánh Phao-lô về việc tham dự vào những bàn tiệc thờ ngoại giáo (8:1-11:1). Bài đọc đầu tiên có vẻ cho thấy rằng chương 9 không bàn nhiều đến câu hỏi này, nhưng thực ra chương 9 lại là phần trung tâm của một giáo huấn mà trong đó thánh Phao-lô cho thấy đời sống của ngài là một mẫu mực của việc hy sinh những quyền lợi của mình cho người khác.
Ở cuối chương 8, sau khi khuyến khích những người đã vững mạnh không làm cớ sa ngã cho những người còn yếu đuối bằng việc tham dự vào những bữa tiệc hiến tế, thánh Phao-lô viết, “Vì thế, nếu của ăn làm cho anh em tôi phạm tội, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để mà tôi không làm cớ cho anh em tôi sa ngã.” (8:13). Vì thế, thánh Phao-lô thiết lập một nguyên tắc: ngài sẽ hy sinh cả những quyền hợp pháp của mình vì sự hiệp nhất của cộng đoàn.
Trong chương 9, thánh Phao-lô đào sâu nguyên tắc này. Ngài khẳng định rằng ngài có tự do. Ngài có quyền có vợ, và có quyền hưởng phúc lợi của cộng đoàn Cô-rin-tô. Tuy nhiên, ngài chấp nhận từ bỏ những quyền lợi ấy vì những lý do sau. Thứ nhất, ngài xem việc rao giảng Tin Mừng là một nghĩa vụ mà Đức Ki-tô đã trao cho ngài khi ngài trở thành tông đồ. Cho nên, mặc dù bị thúc bách rao giảng về Đức Ki-tô, ngài đã rao giảng không công để chứng tỏ rằng ngài làm việc ấy một cách tự do. Thứ hai, mặc dù tự do, thánh Phao-lô đã biến mình thành nô lệ cho tất cả, để nhờ trở thành tất cả cho tất cả, ngài có thể cứu được một vài người cho Đức Ki-tô. Vì thế, thánh Phao-lô trình bày chính ngài như một mẫu gương cho tín hữu Cô-rin-tô về việc từ bỏ quyền lợi riêng vì người khác.
Trong một xã hội cổ súy quyền lợi cá nhân, những lời của thánh Phao-lô xem ra có vẻ ngược ngạo. Tại sao lại phải biến mình thành nô lệ của người khác? Tại sao lại phải trở nên mọi sự cho mọi người? Người như thế xem ra chỉ là kẻ sống không có nguyên tắc hoặc mục đích. Giải pháp của thánh Phao-lô gây khó hiểu cho những người tin rằng quyền lợi cá nhân ưu tiên hơn ích chung. Tuy nhiên, trong cộng đoàn Giáo hội, lối sống của ngài lại có một chỗ đứng sáng giá. Bởi vì nếu Giáo hội là thân thể của Đức Ki-tô thì những người khỏe mạnh phải quan tâm đến nhu cầu của người yếu đuối.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 69-70.