- Lời Chúa
8 Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.9 Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.10 Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy. (Rm 13:8-10)
- Tìm hiểu Rm 13:8-10
Bài đọc này xuất hiện ngay sau lời kêu gọi của Thánh Phao-lô: “Anh em nợ ai cái gì thì hãy trả cho người ta cái đó: Nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính.” (Rm 13:7). Bảo khán giả của mình trả hết nợ nần, Thánh Phao-lô dạy họ rằng món nợ sâu xa nhất của họ là yêu thương lẫn nhau; bởi vì, yêu thương là chu toàn lề luật. Sẽ rất tốt nếu độc giả đọc lại phần đằng trước bản văn này bởi vì thánh Phao-lô đã cổ súy tình yêu và tha thứ trong Roma 12, những chủ đề vốn làm vang vọng về Bài Giảng trên Núi của Chúa Giê-su.
Điều thánh Phao-lô nói về tình yêu cũng lặp lại điều Chúa Giê-su nói về điều răn hãy yêu thương người thân cận (Mt 22:39). Một tình yêu như thế chính là sự chu toàn Lề Luật. Một lần nữa, tin mừng của thánh Phao-lô đòi hỏi tín hữu phải sống một đời sống luân lý sâu xa, và chìa khóa cho đời sống luân lý ấy chính là điều răn yêu thương. Vì thế, những ai yêu thương người thân cận sẽ chu toàn ý nghĩa sâu xa nhất của Lề Luật.
Có lẽ chẳng có gì lạ thường khi tín hữu tuyên xưng rằng yêu thương là chu toàn Lề Luật. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh ở đây chính là bản chất của tình yêu ấy. Đối với thánh Phao-lô, tình yêu ở đây là tình yêu tự hiến mà Chúa Giê-su đã tỏ lộ khi người tự hiến chính mình trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Khi tuyên xưng rằng yêu thương là chu toàn Lề Luật, độc giả phải liên tưởng đến ý nghĩa của tình yêu mà thánh Phao-lô và Chúa Giê-su đã ám chỉ đến. Rm 12, với lời tuyên bố không được trả thù, sẽ hỗ trợ độc giả về điểm này.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong SJ chuyển dịch) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 42-43.