THƯ VỀ SỰ HOÀN THIỆN [1]

Thánh Inhã-Đấng sáng lập Dòng Tên
(1491-1556)

Tóm tắt bối cảnh “thư về sự hoàn thiện” của cha thánh I-nhã

Cha Simão Rodrigues (một trong bảy anh em bạn đường đầu tiên-ND) đã giới thiệu Dòng ở Bồ Đào Nha vào năm 1540 và thành lập Học viện Coimbra năm 1542. Vào thời điểm bức thư được gởi, có tám mươi học viên đang học tại học viện này. Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là từ cha Giám tỉnh Rodrigues, và từ cha Martín de santa Cruz[2] là viện trưởng Học viện, cha I-nhã biết có một số “điên rồ thánh”  được nhiều anh em trẻ Dòng Tên thực hành. Sự nhiệt thành quá mức đã dẫn đến việc họ đánh tội trên thân thể ngoài các đường phố, họ giảng thuyết với y phục nửa mặc nửa hở, và la hét sám hối ở giữa đêm. Những “điên rồ thánh” này dường như được cha Giám tỉnh chấp thuận. Vào đầu 1547, cha Rodrigues viết cho cha I-nhã [3] và nói với cha thánh về sự nhiệt tình nổi bật giữa các học viên và lưu ý rằng có sự chia rẽ trong cộng đoàn liên quan đến biểu hiện công khai về sự nhiệt thành đó. Cha Rodrigues xin cha I-nhã viết cho họ một lá thư vào thời điểm này. Trong bức thư của mình, cha thánh nói với các học viên về sự cần thiết để kiềm chế sự nhiệt thành của họ. Sự quá trớn có thể dễ dàng dẫn đến sự tự cao, ảnh hưởng sức khỏe, cũng như nhiều bất tiện khác. Do đó, cha I-nhã ra chỉ thị chấm dứt những hoạt động này của các học viên.

Bức thư có ba phần: (1) cha I-nhã ca ngợi sự nhiệt tình trong giới trẻ dòng Tên và khuyến khích họ tiếp tục nhiệt thành trong ơn gọi của họ; (2) sau đó cha nói với họ về sự cần thiết phải kiềm chế sự nhiệt tình đó, khi liệt kê những thiệt hại có thể phát sinh từ sự nhiệt thành quá mức, và cho thấy rằng nếu các học viên muốn đạt đến sự cẩn trọng, họ phải thực hành sự vâng phục; (3) cuối cùng, cha thánh liệt kê những cách mà các học viên trẻ có thể thực hiện lòng nhiệt thành trong những năm tháng học tập của họ. Để bức thư được rõ ràng, các đề mục trong thư đã được thêm; bức thư ban đầu được viết bằng tiếng Tây Ban Nha [Ep. 1: 495-510].

————————


 

Kính gởi quý cha và quý thày tại Học viện Coimbra

Về Sự Hoàn Thiện                                                                  Roma, ngày 07 tháng năm 1547

 Nguyện xin ân sủng và tình yêu vĩnh cửu của Chúa Kitô, Chúa chúng ta mãi mãi bảo vệ và trợ giúp chúng ta. Amen.

Dẫn nhập

Thư của tôn sư Simão và của cha Santa Cruz tiếp tục mang đến cho tôi tin tức về anh em, và Thiên Chúa, nguồn gốc của tất cả những điều tốt đẹp xảy đến, biết điều gì đem lại an ủi và niềm vui cho tôi, để tôi thấy rằng Ngài luôn giúp anh em, không chỉ trong việc học tập, nhưng còn trong việc theo đuổi đàng nhân đức của anh em. Thật vậy, hương thơm của những nhân đức này đã lan tỏa đến những vùng đất rất xa xôi, để khuyến khích và soi sáng cho nhiều người khác. Nếu mỗi người Kitô hữu nên vui mừng vì nghĩa vụ chung của tất cả chúng ta là tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa và lợi ích của hình ảnh của Ngài, vốn đã được chuộc bằng máu và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, thì tôi có một lý do đặc biệt để vui mừng trong Chúa chúng ta, khi tôi thấy rằng mình có một nghĩa vụ riêng biệt của việc giữ gìn anh em trong trái tim của tôi với một tình cảm đặc biệt. Nguyện xin Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta luôn được chúc tụng và được ca ngợi vì tất cả mọi sự, vì từ lòng đại độ của Ngài mọi phúc lành và ân sủng được tuôn đổ, và điều này làm đẹp lòng Ngài mỗi ngày, để ngày càng mở thêm sự tuôn chảy của lòng thương xót của Ngài nhằm tăng tiến những điều Ngài đã bắt đầu trong tâm hồn của anh em. Tôi không nghi ngờ gì về Đấng là sự Thiện tối cao, Đấng sẵn sàng chia sẻ phước lành của Ngài hoặc tình yêu vĩnh cửu, khiến Ngài mong muốn ban cho sự hoàn hảo cho chúng ta nhiều hơn chúng ta muốn nhận được sự hoàn hảo ấy. Nếu điều này là không phải như vậy, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta sẽ không bao giờ khuyến khích chúng ta hy vọng về những gì chúng ta chỉ có thể nhận được từ bàn tay hào phóng của Ngài. Vì Ngài nói với chúng ta: Hãy trở nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện [Mt 5,48]. Vì vậy, chắc chắn về phía Ngài, Ngài đã sẵn sàng để ban sự hoàn thiện, với điều kiện là chúng ta cần có một kho chứa đựng sự khiêm nhường và mong muốn nhận được ân sủng của Ngài, và chắc chắn Ngài thấy chúng ta sử dụng tốt những ân sủng đã nhận được và hợp tác với ân sủng của Ngài cách siêng năng và nghiêm túc.

PHẦN I

Những thúc đẩy cho sự thăng tiến

Sự tuyệt hảo của một ơn gọi

Về điểm này, tôi sẽ không ngừng thúc đẩy anh em thậm chí với những anh em đang chạy bon bon trên đường. Vì tôi có thể nói với anh em rằng anh em phải kiên định, cả trong học tập và trong thực hành nhân đức, nếu anh em muốn thực hiện những mong đợi được ủy thác cho mình. Một số người, trong vương quốc Bồ Đào Nha và ở nhiều nơi khác, đang suy nghĩ về các trợ giúp và lợi thế của tất cả mọi sự bên trong lẫn bên ngoài mà Thiên Chúa ban cho anh em, và họ có quyền hy vọng nhiều điều hơn kết quả bình thường của anh em.

Chẳng có thành tích tầm thường nào thỏa mãn được các nghĩa vụ tuyệt vời mà anh em đang cố gắng. Nếu anh em xem xét bản chất của ơn gọi của mình, anh em sẽ thấy rằng những gì được cho là trổi trang nơi những người khác, sẽ không được như vậy trong anh em. Không phải vì Thiên Chúa đã gọi anh em ra khỏi bóng tối vào trong ánh sáng kỳ diệu của Ngài [1 Pr 2, 9], và đưa dẫn anh em vào vương quốc của Con yêu dấu của Ngài [Cl 1,13], như Ngài đã làm với phần lớn các tín hữu; nhưng vì anh em đã được giữ gìn sự tinh khiết tốt hơn và được kết hiệp hơn trong sự phục vụ Ngài trong tình yêu thiêng liêng. Thiên Chúa nghĩ rằng, thật tốt lành khi kéo anh em ra khỏi biển nguy hiểm thế gian này để bảo vệ lương tâm anh em khỏi những nguy hiểm của bão tố nổi lên là các cơn đam mê hiện nay là của cải, danh dự, những thú vui; nhưng đằng khác, anh em lại sợ mất đi tất cả những điều này. Một lý do khác, hơn hết và trước hết, nếu những mối quan tâm trần thế không có chỗ trong suy nghĩ hay tình cảm của anh em, anh em sẽ được gìn giữ khỏi mất tập trung và phân tán. Do đó, anh em có thể dẫn dắt những suy nghĩ và tình cảm của anh em và sử dụng chúng trong việc đạt được cùng đích mà Thiên Chúa đã tạo dựng anh em: đó là danh dự và vinh quang của Ngài, ơn cứu rỗi của chính anh em, và sự giúp đỡ tha nhân.

Sự thật là mọi các trật tự trong Giáo Hội được hướng đến cùng đích nói trên. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã gọi anh em trong trật tự này. Trong trật tự đó, vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của tha nhân được đặt ra trước mắt anh em, không phải một cùng đích chung chung nhưng là cùng đích mà toàn bộ cuộc sống của anh em hướng đến và các hoạt động khác nhau của cuộc sống đó phải được hướng dẫn như một sự hy sinh liên lỉ. Điều này đòi hỏi một sự hợp tác từ anh em không chỉ với gương sáng và lời cầu nguyện tha thiết, nhưng bao gồm tất cả các phương tiện bên ngoài mà Chúa Quan Phòng đã cung cấp cho chúng ta để chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó, anh em có thể hiểu cách sống anh em đã chọn cao quý và trọng đại như thế nào. Vì trong số loài người cũng như trong số các thiên thần, không có công việc cao quý nào hơn việc tôn vinh Đấng Tạo Hóa và dẫn đưa các thụ tạo đến với Ngài, trong chừng mực khả năng của họ cho phép.

Những lợi thế của lòng nhiệt thành

Do đó, việc đưa ra suy nghĩ nghiêm túc cho ơn gọi của anh em để anh em có thể tạ ơn Chúa vì một đặc ân lớn lao như vậy và xin Ngài ban (cho anh em) sự giúp đỡ đặc biệt cần thiết trong việc đáp trả lại ơn gọi đó với lòng can đảm và sự chuyên chăm. Cả hai điều này, lòng can đảm và sự chuyên chăm, anh em cần phải có trong phạm vi rộng rãi, nếu anh em muốn đạt được cùng đích trước mắt đó. Anh em phải thừa nhận ba kẻ thù đáng nguyền rủa cho ơn gọi của mình là sự lười biếng, hững hờ và chán nản trong học tập và trong các luyện tập khác mà anh em đã thực hiện cho tình yêu của Chúa chúng ta.

Để chính mình được khuyến khích, mỗi người đừng nên nhìn vào những người mình nghĩ kém chu toàn, nhưng nên nhìn những người năng động và tràn đầy năng lượng. Đừng để cho con cái thế gian hướng anh em vào việc chú ý và quan tâm hơn đến những điều thuộc về thời gian hơn việc anh em hướng về những điều trong cõi hằng sống. Hãy hổ thẹn khi con cái thế gian nhiệt tình chạy đến cái chết hơn anh em chạy đến sự sống. Hãy tự coi là một giá trị nhỏ khi một cận thần phục vụ với sự cống hiến lớn lao hơn để đạt được sự ủng hộ của một hoàng tử trần thế, hơn khi anh em phụng sự cho ưu việt của Vua nước Trời; hoặc khi một người lính chiến đấu với lòng can đảm lớn hơn cho sự vinh quang của chiến thắng và hy vọng có được chiến lợi phẩm, hơn khi anh em chiến đấu vì chiến thắng và thành công trên toàn thế giới, trên ma quỷ, trên chính anh em, trên tất cả vì một vương quốc trên trời và vinh quang đời đời.

Do đó, không được bất cẩn cũng không được chểnh mảng với tình yêu của Thiên Chúa. Vì nếu sự uể oải làm chùng dây cung, sự chểnh mảng cũng làm chùng linh hồn; trong khi đó, theo vua Solomon, “Kẻ lười biếng thèm muốn mà chẳng được gì, người chuyên cần muốn chi cũng được thoả mãn” [Cn 13, 4]. Hãy cố gắng duy trì lòng nhiệt thành thánh thiện và cẩn trọng trong công việc và trong việc theo đuổi học tập cũng như nhân đức. Với hai điều này, một hành động tràn đầy năng lượng có giá trị hơn một ngàn hành động vô bổ, và điều một người năng nổ thường có thể đạt được một cách nhanh chóng thì một người lười biếng chỉ có thể thực hiện trong nhiều năm.

Trong vấn đề học tập, có sự khác biệt rõ ràng giữa một học viên nghiêm túc và một học viên bất cẩn. Sự khác biệt này cũng đúng giữa một người làm chủ đam mê trong bản tính của chúng ta cũng như trong việc thủ đắc nhân đức so với một người yếu kém. Chắc chắn rằng, người bất cẩn hay trễ nãi không đấu tranh chống lại bản thân, họ không bao giờ đạt được sự bình an của tâm hồn, và không bao giờ có được bất kỳ nhân đức trọn vẹn, trong khi đó người năng nổ và chăm chỉ sẽ có tiến bộ đáng chú ý trên cả hai phía.

Kinh nghiệm cho thấy rằng bình an và sự thỏa mãn trong cuộc sống chỉ có nơi những người nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa chứ không có nơi những người chểnh mảng. Điều này luôn đúng như vậy. Vì trong nỗ lực vượt qua chính mình và để thoát khỏi tình yêu bản thân, những người nhiệt thành tự thoát khỏi những gốc rễ của đam mê và tình trạng bất ổn. Và qua việc thủ đắc các thói quen của nhân đức, họ thành công một cách tự nhiên trong hành động với sự dễ dàng và vui tươi phù hợp với những nhân đức đó.

Bằng cách này có nghĩa là họ vứt bỏ chính mình để nhận được sự an ủi thiêng liêng của Thiên Chúa, Đấng an ủi các tín hữu, vì “Ai thắng, Ta sẽ ban cho man-na đã được giấu kỹ” [Kh 2,17]. Mặt khác, trạng thái hững hờ là nguyên nhân của một đời lo lắng, vì chúng ta không bao giờ nhổ bỏ nguyên nhân, sự yêu mến chính mình, và cũng vì chúng ta chẳng xứng đáng với ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Vì vậy, anh em nên đánh thức mình để làm việc nghiêm túc những công việc đáng khen ngợi của anh em, vì ngay cả trong cuộc sống này, anh em sẽ cảm nhận được những lợi thế của sự nhiệt tình thánh thiện, không chỉ trong sự lớn lên của sự hoàn hảo trong tâm hồn của anh em, nhưng ngay cả trong sự bình an của tâm trí mà sự nhiệt tình cho anh em trong đời sống hiện tại này.

Nhưng nếu anh em nhìn vào phần thưởng đời đời như anh em thường làm, thánh Phaolô sẽ dễ dàng thuyết phục anh em rằng  “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” [Rm 8,18], bởi vì “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời [2 Cr 4,17].

Nếu việc mọi Kitô hữu phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa là sự thật, anh em có thể hiểu vinh quang của anh em sẽ có được, nếu anh em thích hợp với Thể chế của chúng ta, đó là không chỉ để phục vụ Chúa vì phần rỗi của anh em, nhưng để lôi kéo nhiều người khác đến việc phục vụ Thiên Chúa và danh dự của Ngài. Về những điều này, Thánh Kinh nói rằng “các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” [Dn 12, 3]. Và những ai dấn thân vào việc thực hiện nhiệm vụ của mình phải hiểu điều này, họ không chỉ sửa soạn binh giáp về sau nhưng sửa soạn trước khi tham gia nhiệm vụ  trong lúc tự sửa soạn chính mình. Nếu không như vậy, những lời của ngôn sứ Giêrêmia “Khốn cho ai lơ là với công việc của Đức Chúa!” [Gr 48,10] chắc chắn không thể áp dụng vào các công trình tốt tự thân, và thánh Phaolô nói rằng, “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng” [1 Cr 9,24], và bởi vì “Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” [2 Tm 2, 5]. Những điều này đều nói về một người làm việc nghiêm túc.

Ơn huệ đa dạng của Thiên Chúa

Trên tất cả mọi sự, tôi muốn đánh thức trong anh em về tình yêu tinh tuyền của Chúa Giêsu Kitô, về sự khao khát cho danh dự của Ngài, và ơn cứu rỗi các linh hồn mà Ngài đã cứu chuộc. Vì anh em là những chiến sĩ của Chúa Kitô trong Dòng có một danh hiệu đặc biệt và một lương bổng đặc biệt. Tôi nói đặc biệt bởi vì có rất nhiều lý do chung tương tự bắt buộc anh em làm việc vì danh dự và phục vụ Ngài. Lương bổng Chúa ban là tất cả mọi thứ anh em đang có và hiện hữu trong trật tự tự nhiên, vì Ngài phú ban và giữ gìn sự hiện hữu và đời sống của anh em, tất cả sự hoàn thiện của cơ thể và linh hồn của anh em cũng như phước lành vĩnh cửu. Lương bổng của Thiên Chúa cũng là những quà tặng thiêng liêng của ơn huệ của Thiên Chúa  mà Ngài đã ban cho anh em một cách hào phóng và đầy yêu thương, và tiếp tục cung cấp, ngay cả khi anh em chống đối và nổi loạn chống lại Ngài. Lương bổng của Thiên Chúa cũng là những phước lành vô song của sự vinh hiển Ngài mà Ngài đã hứa với anh em, vốn không lợi lộc gì cho Ngài, và Ngài sẵn sàng ban cho anh em khi Ngài thực sự chia sẻ với anh em tất cả những kho tàng hạnh phúc của Ngài để anh em có thể trở nên giống Ngài trong bản chất và tự nhiên qua sự tham dự trọn vẹn của anh em vào sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Cuối cùng, lương bổng của Thiên Chúa là toàn bộ vũ trụ với mọi thứ vật chất và tinh thần chứa đựng trong vũ trụ. Vì Thiên Chúa đã đặt dưới thừa tác vụ của chúng ta không chỉ tất cả những gì là dưới gầm trời này, nhưng ngay cả toàn bộ thiên tòa cao cả của Ngài, mà không miễn trừ bất kỳ phẩm trật thần thiêng nào: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ” [Dt 1,14].

Dù cho mức lương bổng này không đủ, Ngài đã biến chính mình thành lương bổng cho chúng ta, trở thành một người anh em trong xác phàm của chúng ta như giá cứu chuộc cho chúng ta trên thập giá, và Ngài ngự trong Thánh Thể để ở với chúng ta như sự trợ giúp và đồng hành  với chúng ta. Vâng, một chiến sĩ sẽ bất xứng với lương bổng như vậy khi không lao nhọc vì danh dự của ông hoàng này. Chúng ta biết rõ rằng, để giúp chúng ta có khao khát và lao nhọc cho vinh quang này, Chúa chí tôn đã ban cho chúng ta những ân huệ vô cùng quí giá và vô giá, đến độ Ngài tước bỏ chính mình khỏi mọi của cải để ban cho chúng ta một phần trong số của cải ấy. Ngài gánh vác những khổ đau của chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ; Ngài ao ước chuộc tội cho chúng ta; chịu khinh chê để vinh danh chúng ta; chịu nghèo khổ để làm giàu cho chúng ta; chấp nhận một cái chết nhục nhã và đau đớn để cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc và bất tử. Trước tất cả những điều này, một người sẽ trở nên cực kỳ vô ơn và nhẫn tâm nếu người đó không nhận thức ra nghĩa vụ của mình là phục vụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta một cách chuyên chăm và tìm kiếm danh dự cho Ngài.

Tình trạng khốn cùng của các linh hồn và của thế giới

 Do đó, nếu anh em nhận thức được nghĩa vụ này và muốn sử dụng chính mình để thăng tiến danh dự của Thiên Chúa, thời gian anh em đang sống thực sự đòi hỏi anh em phải để cho khao khát của mình được biết đến qua các công việc. Ngày hôm nay, anh em có tìm thấy một nơi cho Thiên Chúa chí tôn được vinh quang không? Anh em có tìm thấy một nơi cho sự cao cả vô biên của Ngài được tôn thờ? Một nơi mà sự khôn ngoan và sự tốt lành vô hạn của Ngài được biết đến, hay thánh ý của Ngài được vâng phục không? Hãy nhìn xem, đáng buồn thay, một khi Danh thánh của Ngài ở khắp nơi bị bỏ qua, bị coi thường và bị chê bai. Trong chừng mực nào đó, chúng ta chú ý rằng giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô bị bỏ rơi, gương sống của Ngài bị quên lãng, và giá máu của Ngài mất đi, bởi vì rất ít người hưởng phúc lợi về điều này. Này đây, còn có tha nhân của anh em là hình ảnh của Ba Ngôi chí thánh và họ có khả năng thụ hưởng vinh quang của Thiên Chúa là Đấng mà tất cả thế giới phục vụ; họ là chi thể của Chúa Kitô vốn được cứu chuộc bằng biết bao đau đớn, sỉ nhục và máu. Nầy đây, tôi cần nói ra, những khổ đau đang bao quanh con người, bóng tối của vô minh bao phủ họ, và những cơn lốc của những ham muốn, sợ hãi trống rỗng, và niềm đam mê khác mà hành hạ họ, các cuộc tấn công từ nhiều kẻ thù hữu hình và vô hình. Tôi nói rằng không phải cuộc sống trần thế và giàu sang của họ có nguy cơ mất mát, nhưng một vương quốc vĩnh cửu và hạnh phúc đang rơi vào bất hạnh không thể chịu đựng của lửa đời đời.

Nói một cách ngắn gọn, nếu anh em đã cẩn thận tra cứu nghĩa vụ tuyệt vời mà anh em có là tìm kiếm sự vinh danh Chúa Giêsu Kitô và sự cứu rỗi của tha nhân, anh em sẽ thấy nghĩa vụ này phù hợp với anh em như thế nào, để anh em sẵn sàng siêng năng phấn đấu để làm cho mình thành công cụ phù hợp ân sủng của Thiên Chúa. Đặc biệt, trong những ngày này, có rất ít những người lao tác thật sự, những người không tìm kiếm những điều thuộc Chúa Giêsu Kitô, nhưng tìm kiếm những điều của riêng mình. Và khi ngày càng có nhiều người sa ngã, anh em càng phải nỗ lực để phục hồi họ, vì Thiên Chúa đã ban cho anh em một ân sủng đặc biệt và ơn đó rất thích hợp với ơn gọi của anh em.

PHẦN II

Nhu cầu ý thức về nỗ lực quá sức

Tác hại đến từ nỗ lực quá sức

Cho đến nay, những gì tôi đã nói nhằm thức tỉnh nhiều kẻ mơ màng và thúc đẩy những kẻ đang la cà trên đường đi, đó là đừng biện minh cho việc đi đến cực đoan khác của sự nhiệt tình. Những yếu đuối của tâm linh như trạng thái hững hờ, không chỉ do bởi lạnh nhạt mà còn bởi nóng sốt, đó là nhiệt tình quá mức. Thánh Phaolô nói, “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” [Rm 12, 1]. Bởi vì thánh nhân biết sự thật của những lời sau của Thánh Vịnh, “Ngài là vua uy dũng yêu chuộng công bình, chính Ngài ấn định đường ngay lẽ phải” [99, 4], nghĩa là Thánh vịnh nói về sự cẩn trọng; và ngài biết những điều đã hình dung trước trong sách Lê-vi, “ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm ngươi dâng tiến” [2,13]. Trong cùng văn mạch đó, thánh Bênađô đã nói: kẻ thù không có mưu mẹo nào thành công hơn trong việc lấy đi trái tim của sự bác ái chân thành, khi làm cho đương sự ấy hành động bừa bãi và không phù hợp với sự hợp lý thiêng liêng. Triết gia Platon từng nói: “Đừng làm gì thái quá[4]. Và nguyên tắc này cần trở nên người hướng dẫn cho chúng ta ngay cả trong một vấn đề liên quan đến chính sự công chính, như chúng ta đọc trong sách Giảng Viên, ” đừng sống vượt quá công chính” [7,16]. Nếu một người thất bại trong việc tuân thủ sự chừng mực này, người đó sẽ thấy rằng sự tốt biến thành sự xấu, nhân đức biến thành tội. Người đó cũng sẽ học biết rằng nhiều bất tiện kéo theo khiến cho hoạt động của họ hoàn toàn trái ngược với mục đích đã đưa ra.

Đầu tiên, Thiên Chúa phải được thực sự phục vụ trong thời gian dài, đừng như con ngựa kiệt sức ngay trong những ngày đầu tiên khi nó không theo quy luật đặt ra để hoàn tất cuộc hành trình. Và do đó, cần phải có người được đặt ra để chăm sóc cho nó.

Thứ hai, ích lợi có được qua sự nỗ lực quá mức như vậy thường không dài lâu, như Kinh Thánh nói, ” Của cải mau tăng sẽ mau giảm, ai từ từ thu góp sẽ giàu lên” [Cn 13,11]. Không chỉ làm cho suy nhược, nhưng nỗ lực thái quá có thể là nguyên nhân cho sự sa ngã: ” Nhiệt tình mà thiếu suy xét nào có ích chi, bước vội vàng ắt có khi lầm lỡ” [Cn 19, 2]; nếu một người trượt chân, càng sa ngã họ càng gặp nguy hiểm nếu không biết dừng lại cho đến khi bị rơi xuống tận cùng của đáy sâu.

 Thứ ba, có sự nguy hiểm của việc bất cẩn trong sự quá tải của các con tàu. Tất nhiên nguy hiểm cũng xảy ra khi tàu trống rỗng ra khơi, vì nó có thể bị đánh chòng chành trên những con sóng của sự cám dỗ. Nhưng cũng có nguy hiểm chìm tàu khi con tàu quá tải.

Thứ tư, có thể xảy ra rằng “trạng chết, chúa cũng băng hà”[5], do đó, không thể thực hành đức hạnh với sự yếu đuối. Thánh Bênađô nói với chúng ta rằng sự thái quá sẽ làm chúng ta mất bốn điều sau: “thân thể mất tác dụng của các công việc tốt, linh hồn mất sự đạo đức, tha nhân mất gương sáng, và Thiên Chúa mất đi danh dự[6]. Từ đó, chúng ta suy ra rằng ai ngược đãi đền thờ sống động của Thiên Chúa sẽ mắc tội phạm thượng. Thánh Bênađô nói rằng tha nhân bị tước mất gương sáng, bởi vì sự sa ngã của một người sẽ gây ra vụ bê bối và điều này trở thành nguồn gốc bê bối cho người khác; và ngài gọi họ, ít nhất ở mức độ nguyên nhân, là những kẻ quấy rối  của sự hiệp nhất và là kẻ thù của sự bình an. Ví dụ về sự sa ngã nói trên đe dọa nhiều người khác và làm cho họ hững hờ trong tiến bộ thiêng liêng. Trong sự sa ngã có nguy hiểm của sự tự cao và hư danh, vì họ thích dùng phán đoán riêng của họ để phán xét những người khác, (như vậy, họ) chiếm đoạt điều không thuộc về mình khi họ tự đặt mình là thẩm phán trong sự tố tụng của mình. Trong khi đó, vị thẩm phán chính đáng là bề trên của họ.

Bên cạnh đó, cũng có những bất lợi khác, chẳng hạn họ làm mình quá tải với vũ khí mà họ không thể sử dụng, như David với áo giáp của Saulê [1 Sm 17, 38-39][7] . Họ áp dụng đinh thúc ngựa cho một con ngựa mạnh mẽ chứ không phải dùng dây cương kềm hãm. Vì vậy, điều cẩn trọng ở đây là giữ sự thực hành nhân đức giữa hai cực đoan. Thánh Bênađô đưa ra lời khuyên này: “thiện chí không luôn luôn được tin cậy, nhưng nó phải được kềm chế, điều chỉnh, đặc biệt là ở người mới bắt đầu[8] liệu một người muốn làm lợi cho người khác lại thiếu bất lợi cho mình, thì anh “Xấu với bản thân thì tốt với ai được?” [Hc 14, 5].

Tuân phục là phương thế bất khả sai lầm để đạt được sự cẩn trọng

Nếu dường như anh em cho rằng sự cẩn trọng là một điều gì đó rất hiếm và khó để đạt được, anh em hãy thay thế nó với sự tuân phục, sự tuân phục được khuyên là chắc chắn. Hãy nghe những gì thánh Bênađô nói về những người muốn làm theo ý ​​riêng của mình: “Bất cứ điều gì được làm mà không có sự chấp thuận hay ngược lại những mong muốn của người cha thiêng liêng, nên gạt bỏ như là hư danh, chứ không như một điều xứng đáng với phần thưởng[9] Chúng ta nên nhớ, như Kinh Thánh đã nói, “Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng. Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Đức Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa” [1 Sm 15,23]. Vì vậy, nếu anh em muốn giữ con đường trung dung giữa các cực đoan của sự hững hờ và của nhiệt tình quá mức, hãy thảo luận các vấn đề của anh em với bề trên và giữ chúng trong giới hạn của sự tuân phục đặt ra. Nếu anh em có một khát khao lớn cho khổ chế, hãy sử dụng nó khi phá vỡ ý muốn của anh em và đưa phán đoán của mình dưới ách của sự tuân phục, hơn là làm suy yếu thân thể của anh em và làm thân thể đau đớn quá mức đo lường, đặc biệt là trong những năm học tập của anh em.

PHẦN III

Những cách thức thực hành sự nhiệt thành trong những năm học tập

Dâng hiến việc học tập cho Thiên Chúa

Tôi không muốn anh em nghĩ từ những gì tôi đã viết ở đây, rằng tôi không chuẩn nhận điều tôi đã biết về một số khổ chế của anh em. Tôi biết rằng những điên rồ thánh này kia đã được các thánh sử dụng cách ích lợi, và những khổ chế ấy đổ xuống trên họ những ân sủng phong phú hơn, đặc biệt trong thuở ban đầu. Nhưng đối với một người đã đạt tới mức làm chủ được tình yêu chính mình, tôi cho rằng những gì tôi đã viết về việc đưa chính mình vào khuôn vàng của sự cẩn trọng là điều tốt hơn, giúp cho người ta không từ bỏ sự tuân phục. Sự tuân phục mà tôi đề nghị rất nghiêm túc với anh em, cùng với nhân đức tuân phục là một tóm lược tất cả những điều khác và Chúa Giêsu đã tha thiết đề nghị khi Ngài gọi nó là điều răn đặc biệt của Ngài: Đây là điều răn của Thày, anh em hãy yêu thương nhau [Ga 15,12]. Và tôi mong rằng anh em giữ gìn tình yêu lâu dài và hiệp nhất này, không chỉ giữa anh em với nhau, nhưng anh em hãy mở rộng tình yêu đó đến tất cả mọi người, và nỗ lực đốt cháy trong tâm hồn của anh em mong muốn sống động cho sự cứu độ cho tha nhân, cân nhắc giá trị của từng linh hồn từ giá Chúa chúng ta đã trả bằng máu của Ngài. Anh em hãy làm điều đó qua việc thủ đắc sự học tập và qua việc gia tăng bác ái huynh đệ, hãy làm cho mình trở thành công cụ hoàn hảo của ân sủng và trở nên những cộng tác viên của Thiên Chúa trong công việc tuyệt vời dẫn dắt các thụ tạo của Thiên Chúa trở về với Ngài như cùng đích của họ.

 Đừng nghĩ rằng trong khoảng thời gian học tập này anh em không giúp ích cho tha nhân, vì bên cạnh những lợi ích cho chính anh em như đức ái có tổ chức đòi buộc, thương xót chính linh hồn của anh em sẽ làm hài lòng Thiên Chúa [Hc 30,24 / bản Vulgata] – anh em đang phục vụ danh dự và vinh quang của Thiên Chúa bằng nhiều cách.

Cách thứ nhất, qua sự lao nhọc hiện tại và ý hướng của anh em, điều anh em thực hiện và điều chỉnh tất cả mọi thứ cho sự bồi bổ tâm linh của tha nhân, giống như những người lính đang chờ đợi để có được nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược cho chiến dịch sắp mở ra, họ không thể nói rằng lao nhọc này của họ không phải là sự phục vụ nhà vua của họ. Ngay cả khi cái chết xảy ra trước khi một người bắt đầu làm việc hướng ngoại cho tha nhân cũng không làm cho anh ta thất bại trong việc phục vụ tha nhân, vì việc chuẩn bị làm việc cũng đã giúp tha nhân rồi. Nhưng bên cạnh ý hướng cho tương lai, mỗi ngày anh nên tự hiến chính mình cho Thiên Chúa vì tha nhân. Một khi Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận hiến lễ này, anh đã phục vụ như một khí cụ cho sự giúp ích tha nhân không kém việc đi rao giảng hay giải tội.

  Tăng trưởng trong nhân đức, một yêu cầu cần thiết cho việc Tông Đồ

  Cách thứ hai là đạt được mức độ cao của nhân đức, bởi vì anh em sẽ làm cho tha nhân trở nên như chính mình. Thiên Chúa đã muốn rằng quá trình sinh ra được quan sát trong vật chất cũng quan sát được trong sự vật thiêng liêng, mutatis mutandis (những vật cần thay đổi, đã thay đổi). Triết học và kinh nghiệm dạy chúng ta rằng trong việc sản sinh ra con người hoặc động vật, bên cạnh những nguyên nhân chung như trên trời, một nguyên nhân hoặc tác nhân của cùng một chủng loài đòi hỏi phải có cùng hình thức tương tự được sinh ra, và vì lý do này, người ta nói rằng “mặt trời và đàn ông thì sinh ra người đàn ông.”[10] Tương tự như vậy, để chuyển trao các hình thức của sự khiêm nhường, kiên nhẫn, bác ái.. v..v, cho người khác, Thiên Chúa muốn rằng nguyên nhân trực tiếp, mà Ngài sử dụng như công cụ như các nhà giảng thuyết hay cha giải tội phải khiêm tốn, bác ái và kiên nhẫn. Với kết quả này, như tôi đã nói, khi anh em lớn lên trong nhân đức, anh em không chỉ làm lợi cho bản thân mình, anh em cũng phục vụ tận tụy cho tha nhân.

 Anh em đang chuẩn bị một khí cụ thích hợp hơn để trao ân sủng bằng cách dẫn đầu một đời sống đạo đức hơn dẫn đầu một đời sống học tập, mặc dù cả hai điều học tập và nhân đức đều cần thiết cho khí cụ được hoàn hảo.

Làm gương sáng

Cách thứ ba để giúp tha nhân là làm gương sáng về đời sống tốt lành. Ở khía cạnh này, như tôi đã nói với anh em, hương thơm của đời sống của anh em đã lan rộng ra nước ngoài và tạo ra một ảnh hưởng tốt, thậm chí ảnh hưởng này vượt ra ngoài ranh giới của Bồ Đào Nha. Tôi tin rằng Đấng tạo nên tất cả các thiện chí sẽ tiếp tục ban ơn của Ngài và phát triển những ơn đó trong anh em. Do đó, khi anh em mỗi ngày lớn lên trong sự hoàn thiện, thậm chí dù anh em không tìm kiếm, hương thơm của các nhân đức của anh em và sự bồi bổ tâm linh như kết quả của các nhân đức sẽ phát triển.

Những ao ước thánh thiện và cầu nguyện

Cách thứ tư để giúp đỡ tha nhân của anh em thực sự rất có ảnh hưởng và hệ tại trong những ao ước thánh thiện và cầu nguyện. Những yêu cầu của cuộc sống học tập của anh em không cho phép anh em dành nhiều thời gian để cầu nguyện, nhưng anh em có thể thay thế điều này bằng những ao ước, vì thời gian anh em dành cho các bài tập khác nhau của anh em là một lời cầu nguyện liên lỉ, cho thấy rằng anh em đang học vì phụng sự Thiên Chúa. Song với vấn đề này cũng như các vấn đề khác, anh em hãy gần gũi  người có thể tư vấn cho anh em để biết chi tiết. Thật vậy, vì lý do đó tôi đã lược bỏ một phần của những gì tôi định viết, cũng hiếm khi tôi viết thư dài cho anh em nhằm an ủi cho chính mình.

Phần kết luận

Giờ đây, chẳng còn gì hơn là nài xin Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc của chúng ta, nếu đẹp lòng Chúa, xin Chúa ban một trọng đại trên anh em khi Ngài kêu gọi anh em và ban cho anh em mong muốn vững bền trong ơn gọi phụng sự Chúa, thì xin Ngài tiếp tục và tăng thêm ơn lành cho tất cả anh em, nhờ đó, mà anh em sẽ kiên trì và lớn lên trong sự phụng sự Thiên Chúa  cho vinh quang và danh dự của Ngài lớn hơn và vinh quang và phục vụ Giáo Hội của Ngài.

          Từ Roma,

          Thân mến trong Chúa,

          I-nhã

[1] http://www.library.georgetown.edu/woodstock/ignatius-letters/letter9. Tựa đề thư là “về sự hoàn thiện” (On Perfection”)

[2] Martín de Santa Cruz was born in Toledo, Spain, and traveled to Rome to enter the Society in September 1541. He went to Portugal in April 1542 for studies, was ordained in 1544 and shortly thereafter was made rector of the college in Coimbra. He went to Rome in September 1547 to report on the state of the college and died there on October 27, 1548. His letter has not survived.

[3] Broëtii, Claudii Jaii, Joannis Cordurii et Simonis Rodericii (MHSI) (Madrid, 1903) 547-553.

[4] Plato mentions this as an inscription on the Temple of Apollo at Delphi (Protagoras 343b). The saying is usually ascribed to Chillon of Sparta (6th c. B.C.) and sometimes to Pittacus of Mytilene (ca. 650-ca. 570 B.C.); both are numbered among the Seven Sages of Ancient Greece.

[5] Bản Anh ngữ: “it can happen that, in crucifying the old man, the new man is also crucified”.

[6] Ad Fratres de Monte Dei, Bk. 1, c. 11, n. 32 (PL 184:328C). This treatise had once been attributed to St. Bernard, but since 1662 it has been ascribed to its rightful author, William of Saint-Thierry.

            [7] Vua Sa-un lấy y phục của mình mặc cho Đa-vít, đội mũ chiến bằng đồng lên đầu và mặc áo giáp cho cậu. Đa-vít đeo gươm của vua ngoài y phục rồi thử bước đi, và cậu không quen. Đa-vít nói với vua Saun: “Con không thể bước đi với những thứ này được, vì con không quen.” Rồi Đa-vít bỏ những thứ đó ra.

[8] Ibid. Bk. 1, c. 9 (PL 184:324A).

[9] Sermones in Cantica Canticorum, serm. 19, #7, 1:112-113. Bernard here refers to c. 49 of the Rule of St. Benedict.

[10] Cf. St. Thomas, Summa theologica, I, q. 76, a. 1, ad 1um, where he cites Aristotle, Physics, 2, 11.