(Bài đọc trong Chúa Nhật XX, Thường Niên, Năm C: Dt 12:1-4)
Chương 11 thư Do Thái đã trình bày hàng loạt những mẫu gương đức tin trong lịch sử Ít-ra-en: mẫu gương của những người đã hành động dựa trên một niềm hy vọng lớn lao hơn dù cho họ đã không đạt được điều họ hy vọng khi họ còn sống. Dựa trên những mẫu gương này, thư Do Thái mời gọi độc giả ôm ấp một đời sống đức tin giống như thế bởi vì họ được “ngần ấy chứng nhân đức tin như đám mây bao quanh” (12:1). Đám mây chứng nhân này bao gồm những vị tiền bối vốn đã đã đạt được cùng đích của đức tin. Giống như những người chạy đua trong một cuộc thi ma-ra-thon, họ là những chứng nhân cho những người khác. Và giống như những khán giả trong một khán đài, họ đợi chờ những người đang chạy đua sẽ hoàn thành cuộc đua để họ có thể trao vương miện cho những người chiến thắng.
Ngoài đám mây các chứng nhân này ra, thư Do Thái còn ca tụng Chúa Giê-su, “đấng khai mở và kiện toàn đức tin.” Người là đấng khai mở đức tin bởi vì ngài là nguồn cội của đức tin, người đầu tiên đạt được cùng đích của đức tin. Vì thế, giờ đây người ngự “ở bên hữu ngai Thiên Chúa” (12:2). Người là đấng kiện toàn đức tin bởi vì người là hiện thân hoàn hảo của đức tin. Trong người, đức tin và sự trung tín đạt tới sự viên mãn. Giống như một tay đua đường dài phải chịu đựng đau đớn và gian khổ của cuộc đua bởi vì người ấy đang nhìn về vạch đích, Chúa Giê-su đã phải chịu nỗi hổ nhục của thập giá vì vinh quang thiên đàng đang chờ đợi người. Nhắc nhở độc giả rằng họ vẫn chưa phải đổ máu trong cuộc chiến với tội lỗi, thư Do Thái kêu gọi họ noi theo đức tin của các chứng nhân vĩ đại này, đặc biệt là đức tin của Chúa Giê-su.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Các tín hữu tin vào Chúa Giê-su nhưng họ lại hiếm khi nghĩ về người như một con người của đức tin. Điều này cũng không lạ gì bởi vì họ thường nghĩ về đức tin theo cách hiểu của các tín điều. Tuy nhiên, trong việc xác định Chúa Giê-su như đấng khai mở và kiện toàn đức tin, thư Do Thái khẳng định rằng Chúa Giê-su, giống như các mẫu gương đức tin tiền bối, được nuôi dưỡng bởi đức tin. Ai chọn bản văn này để giảng có cơ hội giới thiệu với cộng đoàn của họ một góc cạnh của nhân tính Chúa Giê-su vốn rất ít khi được nhắc đến: đức tin của Chúa Giê-su. Đức tin này là sự trung tín của Chúa Giê-su đấng đã tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ chứng thực cho người bất kể nỗi hổ nhục của thập giá.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 155 – 156.