Bài đọc trong Chúa Nhật XXI, Thường Niên, Năm C: Dt 12:5-7, 11-13
Bài đọc này kết thúc lời kêu gọi luân lý ở 10:26-12:13. Sau khi trình bày cho độc giả một đoàn chứng nhân đức tin, thư Do Thái kêu gọi họ hãy trung thành chịu đựng. Bải văn nhắc lại Cn 3:11-12: Đức Chúa sửa dạy những kẻ Ngài yêu thương. Nhắc nhở độc giả rằng họ thậm chí còn chấp nhận để người cha trần thế sửa dạy, thì họ cũng nên chịu đựng mọi thử thách và xem chúng như những bài học mà Cha trên trời đang sửa dạy họ.
Mặc dù không được khai triển một cách rõ ràng ở đây, thư Do Thái đang đưa ra một bài học lấy từ đời sống của Chúa Giê-su đấng, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (5:8-9). Thư Do Thái xem những đau khổ của các tín hữu như một hình thức sửa dạy của Thiên Chúa mà đến ngày sau hết sẽ mang đến một mùa màng bội thu của những hành vi tốt đẹp (“sự công chính”).
(Thánh Gia-cô-bê bị chém đầu. Ảnh từ Internet)
Sau khi trình bày điểm này, thư Do Thái quay trở lại với hình ảnh vận động viên vốn rất đáng chú ý trong trong bài đọc tuần trước. Độc giả của thư Do Thái phải kiên cường trước những gian khó hiện tại và phải hoàn thành cuộc đua họ đã bắt đầu.
Một lời kêu gọi như thế này tốt nhất cần được rao giảng trong ánh sáng của bối cảnh của khán giả. Các nhà giảng thuyết tốt nhất nên chọn cho mình những bản văn mà họ sẽ tập trung vào để giảng. Nếu họ quyết định dùng bản văn này, bài giảng của họ sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu họ nối kết nó với đức tin của Chúa Giê-su và của đoàn nhân chứng trong chương 11. Làm như thế, các nhà giảng thuyết có thể đưa ra một luận điểm: đức tin chân thật bao hàm đau khổ và thử thách. Vì thế Chúa Giê-su, khi người sắp chết, “đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (5:7).
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 156 – 157.