Bài đọc này trích từ một mục của 2 Tm trong đó thánh Phao-lô giao nhiệm vụ cuối cùng cho người phụ tá trẻ của ngài (3:11-4:8). Nhiệm vụ ấy bắt đầu bằng cách gợi Ti-mô-thê nhớ lại cách thức anh đã đi theo giáo huấn và lối sống của thánh Phao-lô và cách thức anh đã chứng kiến tất cả những đau khổ  mà thánh Phao-lô đã phải chịu ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra (3:10-11). Sau đó thánh Phao-lô lưu ý rằng ai muốn sống một đời sống thiêng liêng trong Đức Ki-tô Giê-su đều phải chịu bách hại. Vì thế, Ti-mô-thê phải chia sẻ với ngài nỗi khó nhọc mà tin mừng đòi hỏi nếu anh muốn ở lại trong Đức Ki-tô.

Sau khi nhắc Ti-mô-thê cách thức anh đã đi theo ngài sâu xa đến mức ấy, thánh Phao-lô kêu gọi anh giữ vững lòng tin đối với điều anh đã học và đã tin. Ti-mô-thê có thể tin vào giáo huấn này bởi vì anh biết ai đã trao nó cho anh, và bởi vì anh đã được Kinh Thánh nuôi dưỡng từ thuở bé. Kinh Thánh này là Kinh Thánh của Ít-ra-en được thánh Phao-lô mô tả là được linh ứng và có ích lợi cho việc giảng dạy.

Sau khi nhắc Ti-mô-thê những điều này, thánh Phao-lô trao nhiệm vụ một cách long trọng trong 4:1. Ngài truyền cho Ti-mô-thê phải loan báo lời dù vào lúc thuận tiện hay không thuận tiện, bởi vì sẽ đến lúc người ta sẽ không còn thực thi giáo thuyết lành mạnh. Mặc dù Bài Đọc kết thúc ở 4:2, các nhà giảng thuyết phải ý thức rằng toàn bộ bổn phận bao gồm 4:1-8, và những câu cuối của bổn phận (4:6-8) sẽ được sử dụng trong bài đọc tuần sau.

Bài đọc này nằm trong 3:10-4:8 vốn là đỉnh cao của 2 Tm. Tù nhân Phao-lô giờ đây đang đối mặt với án tử, nhưng trước khi chết ngài chuẩn bị đầy đủ cho tương lai của Giáo Hội mà ngài rất đỗi thương mến. Ý thức rằng các thầy dạy giả dối đã xâm nhập dân Chúa và dẫn đến nhiều lầm lạc, ngài ủy thác một cách long trọng cho Ti-mô-thê nhiệm vụ giữ vững lòng tin với giáo huấn được ủy thác cho anh. Nếu Ti-mô-thê làm theo, giáo huấn lành mạnh mà anh đã học được từ thánh Phao-lô sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau.

Mỗi thế hệ đều đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình này, và, nếu một thế hệ thất bại trong vai trò ấy, các thế hệ kế tiếp sẽ mất đi giáo huấn lành mạnh của tin mừng. Thế nên, lời cảnh báo của thánh Phao-lô dành cho mọi tín hữu, chứ không chỉ cho Ti-mô-thê. Giống như thánh Phao-lô đã kêu gọi Ti-mô-thê giữ vững lòng tin và truyền lại đức tin cho thế hệ kế tiếp, các nhà giảng thuyết cũng phải kêu gọi các cộng đoàn của mình như vậy.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 170 – 171.