Bài đọc này thuộc về một mục có chức năng như một lời tạ ơn thứ hai trong thư Thê-xa-lô-ni-ca (2:13-3:16) trong đó thánh Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa đã chọn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca “như hoa trái đầu mùa để được cứu độ nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý” (2:13). Lời tạ ơn kết thúc bằng lời cầu nguyện của thánh Phao-lô cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (2:16-17) và thỉnh cầu họ cầu nguyện cho các ngài (3:1-5). Trong lá thư, phần này được sử dụng như một cầu nối giữa phần thánh Phao-lô bàn về Ngày của Đức Chúa (2:1-12) và về việc đòi hỏi những kẻ vô kỷ luật sống và làm việc một cách âm thầm (3:6-16).
Bài đọc này khó giảng bởi vì nó là một bản văn trung gian từ một chủ đề này (ngày trở lại của Đức Chúa) qua một chủ đề khác (những kẻ vô kỷ luật). Dù vậy, nó đưa ra một chủ đề quan trọng: nhu cầu phải cầu nguyện và hỗ trợ nhau trong đời sống Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô không chỉ cầu nguyện cho cộng đoàn (2:16-17), ngài còn thỉnh cầu họ cầu nguyện cho ngài (3:1-5). Trong việc cầu nguyện cho cộng đoàn (2:16-17), ngài diễn tả Thiên Chúa như một đấng yêu thương và trao ban sự can đảm và hy vọng nhờ ân sủng của người. Trong việc thỉnh cầu lời cầu nguyện của cộng đoàn (3:1-5), ngài mô tả Thiên Chúa là đấng tín trung, đấng thêm sức và bảo vệ chúng ta khỏi ác thần.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Cầu nguyện là trung tâm của đời sống Ki-tô hữu. Không có nó chúng ta không thể kết hợp với Thiên Chúa. Nhờ nó, chúng ta được thông hiệp với Thiên Chúa và với nhau. Lời cầu nguyện mà thánh Phao-lô cầu nguyện ở đây là lời nguyện cho mỗi chúng ta và sẽ gây ra hiệu quả hỗ tương. Xác tín rằng Thiên Chúa tín trung sẽ gia tăng và giúp đỡ những ai tin tưởng lẫn nhau, thánh Phao-lô kêu gọi sự trợ giúp qua việc cầu nguyện cho nhau. Những ai muốn dùng bản văn này để giảng có lẽ phải phản tỉnh về ý nghĩa của việc cầu nguyện cho nhau trong sự hiệp thông với các thánh.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 176 – 177.