Thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca bắt đầu với một lời chào thăm (1:1-2) và tạ ơn (1:3-12). Việc tạ ơn đặc biệt quan trọng để hiểu được lá thư bởi vì cc. 5-10 bàn về Ngày Đức Chúa trở lại (parousia). Theo đó, thánh Phao-lô đảm bảo với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, những người đang phải chịu nhiều đau khổ, rằng Thiên Chúa sẽ trả lại đau khổ cho những người đã làm cho họ khổ đau khi Đức Ki-tô trở lại vào ngày của Người. So sánh với sự diễn tả ở 1 Tx 4:13-18 về ngày trở lại của Đức Chúa, điểm khác biệt ở đây nằm ở sự nhấn mạnh vào sự phán xét và đền bù. Tuy nhiên, nó tạo ra một ý nghĩa tuyệt hảo khi được đặt trong tình trạng đau khổ của cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca.

(Ảnh sưu tầm từ Internet)

Sau lời chào và tạ ơn, thánh Phao-lô chuyển sự chú ý sang vấn về chính (2:1-12). Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã nghe được một báo cáo, hoặc đã nhận được một lá thư được cho là của thánh Phao-lô, rằng ngày của Đức Chúa đã đến gần hoặc đã xảy ra rồi. Ý thức điều này, thánh Phao-lô giải thích rằng ngày của Đức Chúa sẽ không xảy ra trước những sự kiện nhất định: một sự bội giáo lớn lao và sự xuất hiện của “tên vô đạo” (2:8). Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, có một ai đó hoặc một cái gì đó đang cầm giữ tên vô đạo này, và ngày của Đức Chúa sẽ không xảy ra cho đến khi tên vô đạo ấy được thả ra và xuất hiện. Chỉ sau đó Đức Ki-tô mới trở lại và tiêu diệt hắn. Vì thế, Ngày của Đức Chúa không đến ngay và cũng chưa xảy ra như một vài người vẫn nghĩ một cách sai lầm. Sau khi giải quyết xong vấn đề chính, thánh Phao-lô dâng lời tạ ơn rằng các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã được tuyển chọn để được hưởng ơn cứu độ và ngài dâng lời cầu nguyện cho họ (2:13-3:5).

Ở phần cuối của lá thư, thánh Phao-lô giải quyết một vấn đề khác (3:6-16). Một vài thành viên trong cộng đoàn đang sống vô kỷ luật. Thay vì làm việc để mưu sinh, họ lại ăn bám người khác. Vì thế, thánh Phao-lô khuyến khích họ “thinh lặng làm việc và hưởng dùng lương thực chính tay họ làm ra” (3:12). Chúng ta không biết chắc tại sao những người này lại hành động như thế. Một vài nhà chú giải cho rằng những kẻ sống vô kỷ luật đã quá tin rằng ngày của Đức Chúa đã đến gần đến nỗi họ đã từ chối làm việc để mưu sinh.

Lá thư kết thúc bằng một lời chào (3:17-18) trong đó thánh Phao-lô đảm bảo với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rằng lá thư đến từ ngài.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 174 – 175.