BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Người ta vẫn còn tranh cãi về tác giả của thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Nhiều học giả hiện đại xếp nó vào loại giả-thánh Phao-lô, cho rằng tác giả là một người nào khác nhưng đã viết lá thư dưới bút danh thánh Phao-lô. Đây không phải vấn đề mà các nhà giảng thuyết, vốn sẽ làm hết sức để cho thấy chính thánh Phao-lô là tác giả, cần quan tâm. Bởi vì, thậm chí nếu thư gửi tín hữu Cô-lô-xê do một người khác viết dưới bút danh thánh Phao-lô, giáo huấn của nó về Đức Ki-tô gần như hoàn toàn mang tinh thần của thánh Phao-lô.
Thánh Phao-lô viết khi đang ngồi tù (4:3). Tuy nhiên, địa điểm bị cầm tù lại không được xác định bởi vì có lẽ không cần cho các tín hữu Cô-lô-xê biết điều mà họ đã biết rồi. Ty-khi-cô và Ô-nê-xi-mô chắc hẳn là người đưa thư (4:7-8). Có lẽ một trong các cộng sự của thánh Phao-lô, Ê-páp-ra (1:7), chứ không phải chính thánh Phao-lô đã thành lập cộng đoàn này.
Thánh Phao-lô có một mục đích kép. Một mặt, ngài viết để cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê về những thầy dạy nào đó vốn đã đang khuyến khích họ chấp nhận những thực hành khổ hạnh, hoặc để làm nguôi ngoai những quyền lực thần thiêng hoặc để hoan hưởng một thị kiến của họ (2:4-23). Để hồi đáp cho giáo huấn này, thánh Phao-lô dạy rằng sự tròn đầy của thần thánh hiện hữu một cách hữu hình nơi Đức Ki-tô đấng đã chiến thắng mọi vương quốc và mọi quyền lực. Bởi thế, không cần phải làm hòa hoặc tìm các thị kiến của các quyền lực thần thiêng qua các thực hành khổ hạnh. Điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Ki-tô đã đủ cho ơn cứu độ.
Ngoài việc cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê về sự sai lạc của các giáo huấn như thế, thánh Phao-lô tận dụng dịp viết thư để cung cấp cho họ một lời mời gọi luân lý sâu rộng. Lời kêu gọi này phụ thuộc vào, và bắt nguồn từ, Ki-tô học của thánh Phao-lô: các tín hữu phải tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới bởi vì họ đã được trỗi dậy với Đức Ki-tô. Vì đã chết với người, họ phải chết đi đối với mọi thứ gian từ. Sau đó, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê đưa ra một tấm gương phi thường về cách thức mà đời sống luân lý Ki-tô giáo cắm rễ trong ơn cứu độ mà họ đã kinh nghiệm trong Đức Ki-tô.
BỐI CẢNH VĂN CHƯƠNG
Cấu trúc văn chương của thư gửi tín hữu Cô-lô-xê tương ứng với mối quan tâm kép của thánh Phao-lô. Trong các chương mở đầu, ngài tập trung vào sự trổi vượt của Đức Ki-tô và sự nguy hiểm mà các thầy dạy (giả hiệu) đem đến cho các tín hữu Cô-lô-xê: bị lôi kéo theo lối sống khổ hạnh. Trong hai chương cuối của lá thư, thánh Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê tiếp nhận một đời sống luân lý ứng với đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô. Lá thư có thể được tóm tắt theo cách này.
- Thánh Phao-lô chào thăm các tín hữu Cô-lô-xê và tạ ơn Chúa vì những điều Ngài đã thực hiện cho họ trong Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã cứu họ khỏi quyền lực tối tăm và đưa họ vào vương quốc của Người Con yêu dấu của ngài (1:1-14).
- Thánh Phao-lô ca tụng sự trổi vượt của Đức Ki-tô (1:15-2:23).
- Đức Ki-tô là tác nhân của công trình tạo dựng và hòa giải của Thiên Chúa (1:15-20).
- Những đau khổ của thánh Phao-lô đúng một vai trò trong kế hoạch của Thiên Chúa (1:21-2:3).
- Các tín hữu Cô-lô-xê phải cảnh giá trước các thầy dạy mà những thực hành khổ hạnh của họ làm cho điều Thiên Chúa đã thực hiện hiện nơi Đức Ki-tô mất giá trị (2:4-23).
- Những ai đã được trỗi dậy trong Đức Ki-tô phải sống một đời sống luân lý (3:1-4:6).
- Đời sống luân lý dựa trên cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô (3:1-4).
- Vì thế, các tín hữu Cô-lô-xê phải chết đi đối với mọi sự đồi bại và sống đạo đức (3:5-17).
- Các tôi tớ phải tùy thuộc cấp trên của họ (3:18-4:1).
- Các tín hữu Cô-lô-xê phải kiên trì trong cầu nguyện (4:2-6).
- Thánh Phao-lô và các cộng sự của ngài chào thăm các tín hữu Cô-lô-xê (4:17-18).
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 141 – 142.