Trong Năm C, có năm lần Bài Đọc trong Thánh Lễ lấy từ thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Việc sử dụng lá thư này thì không có gì mới lạ bởi vì thư gửi tín hữu Cô-lô-xê đặc biệt rất phong phú về Ki-tô học, về giáo hội học, và về giáo huấn luân lý. Ví dụ, đoạn văn mà như một bài thánh ca ở 1:15-20, vốn trình bày Đức Ki-tô như là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và là đấng được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, cho thấy sự tiền-hữu của Đức Ki-tô. Trong cùng đoạn văn ấy và rải khắp trong lá thư, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nhận biết Đức Ki-tô như là đầu của thân thể, vốn là Hội Thánh (1:18: 2:19). Người là mầu nhiệm của Thiên Chúa được giấu ẩn qua bao thế hệ nhưng giờ đây được mặc khải nhờ giáo huấn của thánh Phao-lô. Mầu nhiệm này, Đức Ki-tô, là nền tảng của đời sống luân lý. Sau khi được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào vương quốc của người con yêu dấu của Thiên Chúa (1:13), các tín hữu được trỗi dậy với Đức Ki-tô (3:1-4) và được kêu gọi để sống một đời sống xứng đáng với lời kêu gọi ấy. Việc đọc thư gửi tín hữu Cô-lô-xê một cách cẩn thận sẽ cho phép người giảng thuyết giải thích về nền tảng Ki-tô học của đời sống luân lý.

Các Chủ Đề Thần Học

Ba chủ đề xuyên suốt thư gửi tín hữu Cô-lô-xê: Sự trổi vượt của Đức Ki-tô, phạm vi của công trình cứu độ của người, và tương quan mật thiết của công trình ấy đối với đời sống luân lý. Dù cho hai chủ đề đầu tiên đã được phát triển đầy đủ ở 1:15-20, các nhà giảng thuyết cũng phải sử dụng bản văn ấy để suy tư ngay cả khi họ không chọn nó để giảng, bởi vì các chủ để của nó diễn ra xuyên suốt lá thư.

Khi rao giảng về sự trổi vượt của Đức Ki-tô, sự tập trung sẽ được đặt nơi mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà được thánh Phao-lô xác định nơi Đức Ki-tô. Trước tạo thành, Đức Ki-tô hằng ở với Thiên Chúa, và khi mọi sự được tạo thành, mọi sự lại được tạo dựng trong, nhờ, và cho Đức Ki-tô. Như là đầu của thân thể, tức Giáo Hội, Đức Ki-tô giờ đây sống trong mọi tín hữu.

Khi rao giảng về công trình của Đức Ki-tô, sự tập trung sẽ được đặt nơi công việc hòa giải của ngài vốn có phạm vi hoàn vũ. Mọi sự đều đã được hòa giải nhờ và cho Đức Ki-tô, đấng đã vượt qua mọi sức mạnh thù hận. Nhờ máu đổ ra trên thập giá, ngài đã hòa giải mọi sự, trên trời và dưới đất, và không còn gì để sợ hãi nữa.

Cuối cùng, việc rao giảng về đời sống luân lý phải được nối kết với sự trổi vượt và công trình của Đức Ki-tô. Bất kỳ cách rao giảng nào khác chỉ là chủ nghĩa duy luân bởi vì nó đề ra một danh sách của những điều được làm và không được làm mà không giải thích động lực bên trong để sống đời sống luân lý ấy.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 140 -149.