Khi thánh Phao-lô viết thư Rô-ma, hành trình truyền giáo lần thứ ba của ngài đã đi đến hồi kết ở vũng Địa Trung Hải. Sau khi thiết lập các cộng đoàn ở vùng Tiểu Á và Hy Lạp, ngài hy vọng có thể rao giảng Tin Mừng ở phía Tây; nghĩa là, ngài dự định đi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trước khi rao giảng Tin Mừng ở Tây Ban Nha, ngài có ý định thực hiện hai cuộc viếng thăm quan trọng: tới Giê-ru-sa-lem, nơi ngài sẽ chuyển phần lạc quyên ngài đã thu được dành cho người nghèo; và tới Rô-ma, một hội thánh mà từ lâu ngài đã ước mong viếng thăm nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Thế nên Rô-ma sẽ là điểm xuất phát cho sứ mạng tây tiến của ngài, có lẽ với những người cộng tác mới được lấy từ hội thánh đó hầu giúp ngài trong nỗ lực truyền giáo này (xem Rm 15:14-33).

Thánh Phao-lô ở Cô-rin-tô (Rm 16:21-23) khi ngài quyết định viết một lá thư tự giới thiệu cho hội thánh ở Rô-ma, giải thích Tin Mừng của ngài bởi vì có những hiểu lầm về Tin Mừng của ngài ở những quan điểm nói về tội, sự công chính, và tương lai của Ít-ra-en. Những gợi ý của những hiểu lầm này được tìm thấy nơi những bản văn sau đây.

  • Thế thì “Sao ta không cứ làm điều dữ đi, để nhờ đó mà được điều lành? ” như có những kẻ vu cho chúng tôi nói câu đó. (Rm 3:8)
  • Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư? Không phải thế! (Rm 6:1)
  • Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? (Rm 6:15)
  • Vậy phải nói sao? Lề luật là tội chăng? Không phải thế! (Rm 7:7)
  • Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người? (Rm 11:1)

Mặc dù đây là những câu hỏi tu từ, chúng phản ánh những chống đối có thực chống lại tin mừng của thánh Phao-lô được nêu ra bởi những kẻ không hiểu được giáo huấn của ngài về sự công chính bởi ân sủng của Thiên Chúa nhờ đức tin vốn tách biệt khỏi việc thực hiện những công việc của Lề Luật. Vì thế, ngài cần phải giải thích rằng tin mừng của ngài về việc được tự do khỏi Lề Luật không hề cổ võ một lối sống tự tung tự tác. Ngược lại, nó làm cho “mức độ công chính của Lề Luật” (Rm 8:4) được hoàn tất nơi những kẻ tin.

Ngoài vấn đề đạo đức này, tin mừng của thánh Phao-lô đặt câu hỏi về tương lai của Ít-ra-en và sự trung tín của Thiên Chúa. Sau cùng, nếu sự công chính dựa trên đức tin hơn là thực hiện công việc mà Lề Luật đòi hỏi, có phải nó có nghĩa là Thiên Chúa đã bất tín đối với Ít-ra-en hay không? Thiên Chúa có thay đổi những điều khoản ban đầu của giao ước để từ chối dân người? Bởi vì một bài đọc nào đó được cho là của thánh Phao-lô có thể tạo ra cách hiểu này, thánh Phao-lô phải cho thấy rằng Tin Mừng của ngài không nghi ngờ sự trung tín của Thiên Chúa và ngài cũng không dạy rằng Thiên Chúa đã từ chối dân ngài. Vì thế, trong các chương 9-11, ngài bàn về số phận của Ít-ra-en trong ánh sáng của Tin Mừng.

Thế nên, ít nhất có hai vấn đề mà thánh Phao-lô cần làm rõ trước khi viếng thăm Rô-ma: ý nghĩa của Tin Mừng tự do khỏi Lề Luật của ngài đối với đời sống luân lý của các tín hữu đã được công chính hóa dựa trên nền tảng đức tin, và số phận của Ít-ra-en lấy bấy giờ khi mà Đấng Mê-si-a đã đến. Ngoài những vấn đề này, còn có vấn đề thứ ba, có tính mục vụ hơn về mặt bản chất: vấn đề về kẻ yếu và người mạnh được diễn tả ở Rm 14:1-15:13. Vấn đề có thể được tóm tắt theo cách sau:

Hội thánh ở Rô-ma bao gồm nhiều hội thánh nhà tỏa khắp thành phố. Trong khi một vài bao gồm các tín hữu Dân Ngoại vốn không tuân thủ những chỉ thị ăn kiêng của Lề Luật người Do Thái, những hội thánh khác bao gồm các tín hữu Do Thái vốn tiếp tục tuân giữ những chỉ thị này. Thánh Phao-lô ý thức về tình trạng này, vốn đang trở nên nguồn gốc chia rẽ, và ngài trình bày nó ở phần cuối của lá thư, nói đến nhóm thứ nhất như những người mạnh mẽ trong lương tâm và nhóm thứ hai như những kẻ yếu đuối trong lương tâm.

Tắt một lời, thánh Phao-lô viết thư Rô-ma từ Cô-rin-tô ở cuối hành trình truyền giáo thứ ba của ngài để loại bỏ những hiểu lầm về Tin Mừng của ngài và để giải quyết một vấn đề mục vụ để mà những tín hữu Rô-ma sẽ đón nhận ngài khi ngài viếng thăm họ trên đường đi Tây Ban Nha.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 17 – 19.

2 Comments

Leave a Reply to Cecilia Jung Pham Cancel reply

  • Con thây’ có 1 lôi~ chính ta o doan kêt, “ Tắt một lời, thánh Phao-lô riết thư Rô-ma từ Cô-rin-tô “. Con xin loi vi con khong co dau Tieng Viet.

    Cecilia Jung Pham Reply
    • Ban Biên Tập

      Cám ơn đóng góp của bạn. Chúng tôi đã chỉnh sửa bài viết

      Ban Biên Tập Reply

Leave a Reply to Cecilia Jung Pham Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *