1. Lời Chúa
2Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. 3Con cái Ít-ra-en nói với các ông: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” 4ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.
Chúa phán: 12“Ta đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.” 13Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. 14Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ x mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. 15Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu?” Nghĩa là: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: “Đó là bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn! (Xh 16, 2-4.12-15)
2. Tìm hiểu Xh 16, 2-4.12-15
Trình thuật này nằm trong bối cảnh dân Do Thái vừa ra khỏi đất Ai Cập được hơn 1 tháng. Giờ đây, họ đang tiếp tục hành trình vượt qua sa mạc. Con cái Ít-ra-en nhổ trại E-lim để lên đường đến Xin. Chỉ mới đây thôi, họ được thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa dành cho mình. Phải chăng từ nay sẽ chẳng còn sự nổi loạn trong dân nữa? Không hề! Chỉ mới hơn một tháng sau khi rời Ai Cập, họ lại nổi loạn. Phải chăng trí nhớ của họ quá hạn hẹp? Họ cũng mới vừa chứng kiến Chúa làm cho nước đắng ở Mara hóa ra ngọt đấy thôi? Vậy mà khi tới vùng sa mạc Xin, họ lại bắt đầu kêu trách Mô-sê và A-ha-ron.
Dân Ít-ra-en có lỗi với những vị lãnh đạo họ. Họ trách cứ Mô-sê rằng: “Ông đưa chúng tôi vào sa mạc để chết đói cả lũ với nhau ở đây” (c.13). Chỉ có con tim chai đá hay khối óc ngu xuẩn nhất mới hình dung ra một điều vô lý như vậy. Duy chỉ có điều này còn làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn, chính là việc Chúa đáp lời dân. Thay vì trừng phạt họ, Ngài lại cho mưa bánh từ trời xuống (c.4). Nếu có ai đó đòi bằng chứng về ân sủng Chúa trong Cựu Ước thì họ cứ việc nhìn vào điểm này!
Chẳng hề có bất kỳ dấu chỉ giận dữ hay độc ác nào dành cho dân Ít-ra-en, Thiên Chúa chỉ đặt ra một điều kiện nhỏ để thử lòng họ. Theo đó, họ chỉ được tích trữ số bánh đủ dùng trong ngày thôi. Đây là một phép thử được nói rõ ở câu 4. Việc thử thách ấy cũng tiên báo cho việc Chúa sẽ ban cho dân những điều luật trên núi Si-nai sau này. Thiên Chúa thử lòng dân Ít-ra-en để xem họ có “tuân giữ luật (Torah)” của Ngài hay không. Từ ngữ Do Thái, Torah, nhắc chúng ta đến luật được ban trên núi Si-nai. Torah mang nhiều ý nghĩa chứ không chỉ mang ý nghĩa pháp lý. Nó gợi cho chúng ta thấy tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho dân của Người.
Rõ ràng hơn, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ban bánh vào buổi sáng và chim cút vào ban chiều. Chim cút là loài thường thấy ở khu vực này, còn bánh mì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Sau màn sương sáng, con cái Ít-ra-en thấy những mảnh trắng giống như tuyết, và lấy đó làm bánh mì để ăn. Họ ngạc nhiên là điều hợp lý thôi! Phản ứng đầu tiên của họ là thốt lên: “Cái gì đây?” (c.15). Trong tiếng Do Thái, câu hỏi này gọi là “man-hu”, phần nào giải thích sự xuất hiện của từ “man-na” chúng ta sẽ gặp ở câu 31 sau này.
Như thế, qua trình thuật này, chúng ta nghiệm thấy Thiên Chúa là Đấng yêu thương và quan phòng, bất chấp những bất tuân và nổi loạn của con người. Đây là bài học để mỗi chúng ta, qua đó, biết phó thác và tin tưởng hơn vào bàn tay đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa.
Chuyển ngữ: Giuse Tuân Vũ Chí Thành, SJ
Nguồn: Enns, Peter, The NIV Application Commentary from Biblical Texts…to Contemporary life: Exodus, Zondervan, Michigan, 2000, pp. 161-162).