1. Lời Chúa

12 Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ. (Dt 4:12-13)

2. Tìm hiểu Dt 4:12-13

Bản văn ngắn này được đặt ở phần cuối của một lời mời gọi luân lý trải dài từ 3:1 đến 4:16. Lời mời gọi bắt đầu bằng một sự so sánh giữa Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, và Mô-sê, tôi tớ Ngài. Cả hai đều trung tín với Thiên Chúa nhưng theo cách thức khác nhau. Rồi lời mời gọi lại đi vào phân tích Thánh Vịnh 95, nhất là các câu 7-8:

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
[Người phán]: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc.”

Sự phân tích cho thấy trong khi Chúa Giê-su, Người Con, trung tín với Thiên Chúa, thì Ít-ra-en lại chống đối Ngài. Kết cục là Ít-ra-en không bao giờ được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Một đằng, thư Do Thái cảnh báo độc giả đừng có chống đối Thiên Chúa như thế hệ trong sa mạc đã làm; đằng khác, thư đảm bảo với họ rằng họ sẽ được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa nếu họ vẫn tín trung. Lấy từ Thánh Vịnh 95, thư Do Thái mời gọi độc giả, “Anh em đừng cứng lòng”.

Chính ở chỗ này mà thư Do Thái đưa ra kết luận về lời mời gọi sống luân lý bằng một phản tỉnh ngắn về Lời Chúa. Phản tỉnh ấy so sánh Lời Chúa với thanh gươm hai lưỡi. Giống như một thanh gươm chia cắt, và phơi bày, thì Lời Chúa vạch trần và phơi bày dân trước cái nhìn của Thiên Chúa. Lời Chúa đưa ra phán xét, giống như Thánh Vịnh 95 đã làm trong việc phơi bày sự bất trung của thế hệ trong hoang mạc.

Có vẻ như ngày nay người ta không còn sợ hãi trước Lời Chúa nữa. Những Lời và việc trình bày những Lời ấy đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi ngay cả các tín hữu cũng có thể quên lãng, hoặc không thừa nhận, quyền năng và phán xét của Lời Chúa. Tác giả của thư Do Thái thì không như thế. Vị ấy đã lắng nghe Lời Chúa như một phán xét và như một lời cứu độ. Vị tác giả biết rằng lắng nghe Lời thì phải chịu sự phán xét. Bởi vì, mỗi lần Lời được công bố, người nghe phải phản hồi, nếu không họ sẽ bị phán xét.

Một bản văn như thế này tạo cơ hội để các nhà giảng thuyết phản tỉnh về quyền năng của Lời Chúa. Dù có thể lắng nghe rồi bỏ qua Lời, như thế hệ trong hoang địa đã làm, nhưng người ta cũng không thể thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Những ai lắng nghe Lời Chúa sẽ thấy chính họ bị phơi bày ra trước Thiên Chúa, Đấng phán xét và cứu độ: phán xét những ai chống đối, và cứu độ những ai tín trung.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 101-102