Dẫn Nhập

Khổ một kiếp đời người trôi nổi
Đã làm người trăm mối gian truân
Dương gian đau khổ bao lần
Sương giăng mưa gió tảo tần ngược xuôi

Thơ: Chán nản – Hồng Dương

Cuộc sống con người đâu chỉ có hạnh phúc và niềm vui, nhưng còn thêm vị cay đắng của đau khổ và ưu tư. Theo tự nhiên, hạnh phúc và niềm vui thì ai cũng thèm sống và ước ao sống lâu với nó. Đây là đích nhắm cuộc sống của mỗi con người. Thế nhưng đau khổ và nỗi ưu tư không phải ai cũng muốn chọn cho mình. Thật xui thay, đã là con người thì ai cũng phải đối mặt với những nỗi đau khổ. Đau khổ tự nó là thiết yếu cho con người. Nó có thể ‘đụng chạm’ đến thân xác hay tinh thần của mỗi người. Thế nhưng, một khi con người rơi vào nỗi đau triền miên, đường đột là lúc tâm hồn họ bước vào vùng trời của nỗi ưu tư. Nhiều người nghĩ rằng đây là ngõ cụt ý nghĩa cuộc đời. Ngõ cụt của hạnh phúc làm người. Họ ví nỗi ưu tư như sự giam cầm những người tội nhân trong bốn vách tường vậy.

Thật vậy, đã bao thời trải qua, biết bao người là nạn nhân của nỗi đau tột cùng trong những cuộc chiến, trong những cuộc buôn bán làm nô lệ hay chính họ là nạn nhân đối mặt với cái chết của người thân. Liệu có chăng khi đối diện với những trạng huống ấy, cuộc đời họ sẽ bị giam hãm và mất hết hạnh phúc? Có chăng họ sẽ chẳng còn thấy ý nghĩa cuộc đời?

Khi đối diện thân phận làm người ấy, người viết đi tìm cho mình một hướng đi, không chỉ trở về chính mình, nhưng còn suy gẫm chính nỗi đau khổ triền miên mà mỗi người đang đối diện với tâm thế ưu tư. Nếu như tiến trình đau khổ diễn ra làm cho con người rơi vào vực thẳm vô nghĩa thì ưu tư lại là kết quả mà con người dần ngẫm nghĩ bức tường đau khổ ấy để thấy được ý nghĩa cuộc đời. Thế nên, có thể xem nỗi ưu tư là giai đoạn câu hỏi được hữu thể tự tra vấn khi gặp trắc trở, đau khổ.

Đặc biệt, với tác phẩm “Gravity and Grace”, người viết nhận thấy Simone Weil đẩy khái niệm về nỗi ưu tư (affliction) lên một tầm nhìn mới, rộng hơn và bao quát hơn. Bà cho rằng, “nỗi ưu tư như nhịp cầu giữa con người và Thượng đế. Ngang qua đau khổ, con người có thể hướng đến Đấng đã ban nó cho con người.”[1]. Hay nói cách khác, nỗi ưu tư là sự trung gian giữa con người và Thượng đế. Nhờ có ưu tư con người thay vì chỉ chê trách đến đau khổ, ngược lại, con người hướng đến Đấng đã dùng nó để kết nối với con người. Đi xa hơn, Simone Weil cho rằng, thế giới này là cánh cửa đóng kín. Đó là một rào cản và đồng thời nó là sự nối kết như hai tù nhân ở hai bên bức tường. “Bức tường vừa là thứ ngăn cách người tù nhưng nó cũng là phương tiện liên lạc giữa họ.”[2] Bức tường giữa hai người tù có thể là một cản ngăn nhưng cũng có thể trở thành một sự nối kết giữa họ. Tương tự như vậy, thế giới với đau khổ có thể là một rào cản nhưng lại cũng có thể là một sự kết nối giữa con người và Thượng Đế. Nhưng điều gì làm cho đau khổ thay vì là bức tường cản ngăn lại trở thành điểm kết nối con người với Thượng đế? Thưa đó chính là ưu tư. Nhờ có ưu tư trong đau khổ mà con người có thể hướng về Thượng đế. Từ đó, con người có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và trở về ý định của Đấng muốn liên lạc với con người ngang qua nỗi ưu tư.

Để tiến bước đi tìm ý nghĩa cuộc sống và tìm về cội nguồn ý nghĩa trong nỗi đau khổ, trong bài luận này, người viết sẽ đào sâu khái niệm nỗi ưu tư theo tác phẩm “Gravity and Grace” của Simone Weil. Người viết hy vọng sẽ phác họa rõ hơn cái nhìn hiện sinh của Weil về khái niệm nỗi ưu tư xét như là trung gian dẫn con người hướng về Thượng đế. Do vậy, người đọc sẽ biết được một vài bối cảnh sống của tác giả và dòng chảy ý tưởng hình thành tác phẩm (chương 1). Kế đến, người viết sẽ nỗ lực trình bày cách thức Weil đặt nền đời sống con người trên khái niệm về nỗi ưu tư (chương 2). Tiếp tục đào sâu dòng tư tưởng của nỗi ưu tư, đọc giả sẽ hiểu hơn cách mà Weil giải gỡ về nỗi ưu tư khi xem nỗi ưu tư là nỗ lực cự tuyệt với bản thân (chương 3). Ở chương 4, người đọc sẽ nhận ra con đường mà Weil muốn con người hướng đến qua nỗi ưu tư, đó là nỗi ưu tư là khe lộ hướng con người đến với Thượng đế. Cuối cùng, người viết sẽ tóm kết và đưa ra một vài phản tỉnh cá nhân.

Chương 1: Tác giả và bối cảnh hình thành tác phẩm

Simone Weil trong thế kỉ XIX

Simone Weil sinh năm 1909 trong gia đình Do Thái. Bà lớn lên và được thừa hưởng môi trường giáo dục Pháp ở thập niên XX. Dù Simone Weil là con gái út trong gia đình, nhưng bà luôn bắt chước việc học của người anh mình là André, nhà toán học nổi danh thế kỉ XX.[3] Lúc còn ở tuổi thiếu niên, Simone Weil đã dấn thân mạnh mẽ trong việc giúp đỡ người nghèo và đồng cảm với cảnh sống những người công nhân.[4]Thay vì chú tâm chăm sóc vẻ bề ngoài, thì từ lúc nhỏ, bà tỏ ra vượt trội trong về khả năng học tập ở trường. Vào những năm nghiên cứu triết ở trường Escole Normale Supérieure, Weil là một trong những sinh viên đứng đầu bảng cùng với Simone de Beauvoir.[5] Với tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ triết học và làm giáo sư ở trường danh tiếng Le Puy ở tuổi 22 nhưng Weil lại tham gia vào những hoạt động tranh đấu bênh vực cho những người thất nghiệp (năm 1932), sau đó bị chuyển công tác rồi bị nghỉ việc (năm 1933) chỉ vì những bài viết tranh đấu cho giai cấp công nhân (năm 1934-1935).

Trong khoảng thời gian ấy, Simone Weil tiếp tục sống kinh nghiệm của người công nhân ở các xưởng thợ và tiếp tục suy tư về một đời sống xã hội công bằng.[6] Có thể nói, “Simone Weil có mặt khắp nơi nào có hiện diện của kẻ yếu: trong những phong trào cách mạng vô sản, chiến tranh giải phóng hay đấu tranh cho quyền lợi của quân đội viễn chinh mãn nhiệm…”[7] Nhưng sức khỏe không cho phép và bệnh sưng màng phổi tái diễn làm Weil phải bỏ công việc thợ thuyền để trở lại Paris.[8] Có thể xem, thời gian này như bước đệm cho việc ưu tư của Weil về sự khốn khổ của con người nhưng còn mang nặng tính kháng chiến, tính bất công xã hội.

Năm 1941, Simone Weil trở về Marseille và được cha Joseph-Marie Perrin, dòng Đaminh, giới thiệu đến làm việc ở nông trường của Gustave Thibon – Ông là một nông phu và là một triết gia Kitô giáo.[9] Ở đây, Weil sống và lao tác như người làm vườn nho. Có thể nói, thời gian này là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Weil. Vì không chỉ dấn thân vào công việc hái nho, nhưng Weil còn làm cho nỗi ưu tư của mình về con người càng sâu sắc hơn. Weil đã viết nó trong tập The Notebooks cá nhân[10], và sau này trở thành quyển sách nổi tiếng là Gravity and Grace.[11] Chỉ khoảng thời gian 1 năm, Weil cùng bố mẹ rời Pháp và di cư đến New York để tìm nơi an toàn. Ở đây, Weil vùi đầu vào bàn giấy để viết tiếp những suy tư của mình trong vòng bốn tháng và chỉ dành khoảng ba đến bốn tiếng nghỉ ngơi mỗi đêm.[12] Vào giữa năm 1943, bệnh viêm phổi ngày càng nặng thêm, Simone Weil đã trút hơi cuối cùng vào ngày 24 tháng 08 năm 1943.

Dù cuộc đời của Simone Weil khá ngắn chỉ với 34 năm sống cuộc đời dương thế nhưng Weil được xem là nhân vật nổi bật của thập niên XX. Bà được mọi người biết đến và được xem là triết gia cùng với những hoạt động giáo dục, tham gia chính trị, và nhà huyền bí.[13] Như Albert Camus đã nhận định về Simone Weil là ‘nữ triết gia tinh thần vĩ đại nhất’ trong cuối thế kỉ XIX.[14] Cùng với đó, dù tư tưởng còn chưa hoàn tất, nhưng Simone Weil đã để lại những suy tư đặc sắc và nhiều tác phẩm được xuất bản như: Gravity and Grace, Waiting to God, Letter to a Priest, Notebooks of Simone Weil, Oppression and Liberty.

Bối cảnh tác phẩm hình thành

Sau thời gian ngắn quen biết cha Joseph-Marie Perrin, năm 1941, Simone Weil được cha Perrin giới thiệu đến ở lại và làm việc ở vườn nho của Gustave Thibon. Theo lời kể của Gustave Thibon, Weil có thời gian làm việc chung và trao đổi nhiều với Thibon về những chủ đề khác nhau như: đức tin, con người, công bằng xã hội… Đặc biệt, từ thời gian này, Simone Weil bắt đầu suy tư và viết những tư tưởng của mình theo lối văn chương cú. Từ đây, cuốn tập The Notebook bắt đầu được hình thành và đầy ắp những tư tưởng của Simone Weil.

Đối với tác phẩm Gravity and Grace, có một điều rất đặc biệt là những chủ đề của tác phẩm không chỉ tác giả Simone Weil suy tư nhưng còn do Gustave Thibon xếp đặt lại từ tuyển tập The Notebook của nữ triết gia. Vì theo lời thuật của Thibon, trước khi chia tay Simone Weil vào đầu năm 1942 ở sân ga thì Thibon “được trao lại một cặp tài liệu với lời nhắn nhủ là hãy đọc và giữ gìn nó cẩn thận trong thời gian còn lưu đày.”[15] Sau khi Simone Weil qua đời, Gustave Thibon đã thu thập và xếp đặt lại những ý tưởng chính liên quan về những chủ đề trong tập The Notebook của Bà. Thế nên, không khó để hiểu rằng nội dung trong tác phẩm Gravity and Grace được trình bày theo lối chương cú. Tóm lại, những dòng suy tư trong tác phẩm Gravity and Grace đích thị là chính nữ triết gia Simone Weil dù cho được Gustave Thibon xếp đặt theo một lối nhìn dường như chủ quan của ông.

Chương 2: Nỗi Ưu tư đặt nền cho đời sống

Nỗi Ưu tư là điểm tiếp nối giữa Trọng lực và Ân sủng

Simone Weil cho rằng “tất cả chuyển động tự nhiên của linh hồn đều bị chi phối bởi luật tương tự như lực trọng lực vật lý (physical gravity); chỉ ân sủng (grace) là ngoại lệ”.[16] Nói cách khác, nếu xét trọng lực như là lực hút trái đất lên sự vật thì những gì là xu hướng tự nhiên của con người cũng bị tác động và những chuyển động tâm hồn cũng bị chi phối bởi trọng lực. Theo cách nhìn của Weil, chẳng có chuyển động đi xuống nào trong tâm hồn con người mà không bị tác động bởi lực hút của trọng lực. Thế nên, thật dễ nhận ra trong cuộc sống, thiên hướng của con người thường đi tìm điều dễ dãi và chọn những công việc thoải mái cho bản thân hơn những gì là khó khăn và trắc trở.[17] Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, chức quyền. Simone Weil nghĩ về sức mạnh trọng lực tác động lên người lính thời Napoleon như sau, để duy trì tinh thần vững mạnh của người lính tráng, người huấn luyện thay vì chọn sống điều cao quý thì họ lại hướng về những gì là thử thách và cám dỗ. Hơn nữa, những người lính ấy không chỉ được huấn luyện ngang qua kỷ luật nhưng họ bị đưa đẩy đến sự tàn bạo trong hành động để giữ vững đội quân dù cho có hạ thấp tinh thần đạo đức.[18]

Simone Weil khẳng định rằng, “mọi thứ mà con người xem là thiết yếu và nền tảng cũng chỉ là hiện tượng của trọng lực.”[19] Nói cách khác, trọng lực là luật cơ bản ẩn sau thế giới hiện tượng của con người. Nếu như một người mô tả hiện tượng quả xoài chín rơi từ trên cây xuống đất thì chắc chắn nó chỉ là hiện tượng của trọng lực vật lý. Thế nhưng, một anh chàng đi ngang qua và thấy trái xoài ấy lăn tròn ở cạnh bờ rào của người hàng xóm và có ý định chiếm lấy nó làm của riêng thì tiến trình nội quan ấy cũng là một hiện tượng của “lực trọng lực”. Tại sao? Simone Weil cho rằng, trọng lực là lực chi phối toàn thể tâm hồn của con người. Từ đó, dù chuyển động tâm hồn của anh chàng trên hướng về việc nhặt lấy quả xoài cho bản thân hay cho người khác hay đặc biệt hơn, là cầm lòng để bỏ đi chăng nữa, thì tất cả ấy cũng thuộc về năng động tâm hồn của anh ta. Tóm lại, sức hút của trọng lực mang tính phổ quát trong tâm hồn con người. Để hiểu rõ hơn, Weil gợi nhớ kinh nghiệm của bà như sau:

Tôi không được quên rằng vào những thời điểm nhất định khi những cơn đau đầu của tôi hoành hành, tôi có một khao khát mãnh liệt là khiến một người khác đau khổ bằng cách đánh vào chính xác phần trán của anh ta. Khi ở trong trạng thái này, tôi đã nhiều lần chịu thua cám dỗ ít nhất là nói những lời gây đau đớn. Tuân theo lực của trọng lực là tội lớn nhất. Do đó, chúng ta làm hỏng chức năng của ngôn ngữ.[20]

Weil nhấn mạnh, “Trọng lực làm cho mọi thứ hướng xuống.” [21] Thế nên, trọng lực hạ thấp chuyển động tâm hồn con người và dẫn con người đến với đau khổ. Không lạ gì trong vùng của trọng lực, hành động của con người bị kéo đến điều thấp hèn. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, với mỗi hành vi thì cần đến nguồn năng lượng nuôi dưỡng. Do đó, một khi nguồn năng lượng ấy mạnh hơn lực của trọng lực thì hành vi đạo đức trong ta được thực hiện cách dễ dàng; nếu không hành vi ấy sẽ bị trọng lực hạ thấp và kéo đến một hành vi hèn hạ. Từ đó, với trọng lực con người luôn bị đặt vào thế yếu và con người cần được thoát khỏi sự chi phối kìm kẹp của trọng lực.

Trong nỗi đau khổ cả tinh thần và thể xác ấy vì trọng lực chi phối, càng ngày con người càng nổi lên sự ưu tư[22] (affliction) về chính mình. Weil kinh nghiệm sâu kín về nỗi ưu tư như thế này, “Con người càng chịu áp lực của trọng lực, nỗi ưu tư càng lớn và đặt con người trong sự thương xót để khơi lên bản thân sự ghê tởm, kinh sợ và kinh bỉ.”[23] Nhờ đó, qua nỗi ưu tư mà con người chê ghét thế giới hiện tượng, thế giới mà chịu kìm hãm bởi trọng lực. Có thể nói, nỗi ưu tư như là cánh cửa biên giới dẫn con người bước đến lằn ranh giữa vùng đất tâm hồn đang kìm kẹp bởi trọng lực và vùng đất tâm hồn tự do. Tuy nhiên, nơi lằn ranh biên giới ấy, con người vẫn còn ưu tư và chưa thể giải phóng chính mình. Để dễ hiểu hơn, Weil chia sẻ kinh nghiệm sức mạnh của nỗi ưu tư khi chống chọi sức nặng của trọng lực. Đầu tiên, Weil ví ý chí bản thân như người chăn bò và con bò là tâm hồn đang bị trọng lực kéo xuống. Từ đó, Weil cảm thấy rằng nếu tự sức ý chí không tài nào thoát ra khỏi tình trạng đau khổ được, ví như tự lực bản thân muốn kéo con bò ra khỏi vùng lầy vậy. Thế nhưng, nếu dùng nỗ lực bản thân để kéo con bò ra khỏi vùng lầy thì nỗ lực ấy chỉ đem đến sự bối rối và thất bại. [24] Cho nên, theo Simone Weil, nỗi ưu tư phải hướng con người đến một sức mạnh nào khác ngoài ý chí bản thân. Hay nói cách khác “con người cần một tâm hồn hướng sang một điều gì khác ngoài bản thân.”[25]

Nỗi ưu tư dẫn con người đến thái độ cầu xin. Bởi vì tự lực con người không thể lấn lướt sức kéo của trọng lực. Thế nên, con người khao khát một nguồn năng lượng khác đến từ bên ngoài bản thân. Simone Weil cho rằng, năng lượng ấy đến từ trên cao. [26] Qua nỗi ưu tư, tâm hồn con người có đi đến mép bờ của tự do? Năng lực nào có thể kéo tâm hồn ấy nghiêng về phía chân trời kia – nơi mà chuyển động tâm hồn không còn chịu lực tác động của trọng lực? Simone Weil khẳng định: “chỉ ân sủng là ngoại lệ”.[27] Nghĩa là, ân sủng không bị trọng lực tác động, nhưng ngược lại, ân sủng tạo nên năng lượng giải phóng con người ra khỏi vòng kìm hãm của trọng lực. Thế nên, ân sủng phải là nguồn năng lượng đến từ trên cao và con người luôn ưu tư về nó nếu muốn hết đau khổ.

Tóm lại, nỗi ưu tư là điểm tiếp nối giữa trọng lực và ân sủng. Nếu như quy luật của trọng lực kéo chuyển động tâm hồn đi xuống thì quy luật của ân sủng sẽ giải phóng tâm hồn – đưa tâm hồn hướng lên. Theo Simone Weil, con người tìm thấy nguồn năng lượng đạo đức mới cho mình trong ân sủng như một thân thể lành mạnh cần đến thức ăn, nước uống… thì những chuyển động tâm hồn đạo đức sẽ cần đến năng lượng của ân sủng vậy.[28] Thế nên, nỗi ưu tư là thiết yếu trong con người, nhờ đó, con người có cơ may thoát khỏi cảm thức đau khổ hiện tại để đến với kinh nghiệm giải thoát ở ngoài bản thân qua tâm thế chờ đợi, cầu xin.[29]

Nỗi Ưu tư là sự hiểu biết về thực tại

Đầu tiên, Simone Weil cho rằng, con người luôn đối diện với thực tại đau khổ.[30] Đau khổ là cái gì đó bình thường luôn ở trong con người. Nên con người không thể chạy trốn khỏi đau khổ chính mình. Hơn nữa, Weil cho rằng, “đau khổ là sự vượt trổi của con người đối với Thượng đế. Thế nên, con người phải chấp nhận những gì là đắng cay, đau khổ của chính mình.”[31] Thế nhưng trong thực thế, sự thường con người khó lòng mà chấp nhận nỗi đau khổ, nếu có thì họ sẽ chấp nhận đau khổ nhằm chỉ để cuộc sống vơi bớt đi khổ đau phần nào. Nói cách khác, chấp nhận đau khổ vì nó hữu ích cho mình. Ví như, chuyện của bà quê nghèo lên tỉnh kiếm sống, chẳng may trộm lấy hết số tiền dành dụm của bà. Điều sẽ đến là Bà đành phải chấp nhận sự đau khổ này. Vì bà nghĩ rằng, ‘Của đi thay người’. Tức là, bà chịu đau khổ bởi hoàn cảnh ấy nhưng bà đành chấp nhận để có động lực sinh sống tiếp. Tuy nhiên, Simone Weil không đồng ý điều này. Vì Weil cho rằng, chúng ta không được tìm sự phản tỉnh để giản lược đau khổ hay không yêu đau khổ vì nó hữu dụng nhưng phải chấp nhận nó bởi vì nó là vậy.[32] Do vậy, thay vì trốn tránh đau khổ, theo Weil, con người chấp nhận nó như nó là.[33]

Vậy đau khổ là gì? Đau khổ là trạng thái mà con người (thể lý hay tinh thần) chịu đựng sự tác động bên trong lẫn bên ngoài.[34] Ví như, con người trải qua cơn khó thở, cơn đau răng hay chịu xáo trộn của nỗi buồn vu vơ… Tất cả điều ấy chỉ là đau khổ thuần túy. Vì sau vài giờ qua đi những trạng thái đau khổ ấy sẽ nguôi ngoai và tan biến dần. Weil kết luận, “đau khổ thuần túy rất giản dị và không để lại một vết gì trong tâm hồn.”[35] Nghĩa là, đau khổ thuần túy tự nó sẽ tan biến theo thời gian mà không dẫn tâm hồn con người đến ngoài điều gì khác hơn. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của đau khổ là giúp con người ý thức thực tại tốt hơn niềm vui.[36] Dù đau khổ chẳng là gì trong quá khứ hay tương lai, nhưng những gì thực hơn với con người không gì ngoài đau khổ.[37] Do đó, đau khổ là một phần không thể thiếu trong thực tại cuộc sống. Có đau khổ, con người hiện hữu hơn với thực tại.

Đau khổ thể lý dai dẳng và thường xuyên thì lại khác. Một đau khổ như vậy thường là một cái gì khác với sự đau khổ. Đó thường làm nên nỗi ưu tư.[38]

Hơn nữa, khi con người đối diện với đau khổ cùng cực (extreme suffering) thì con người chuyển sang một trạng thái mới. Weil gọi nó là nỗi ưu tư (affliction – ‘malheur’ tiếng Pháp).[39] Theo Weil, “nỗi ưu tư khác hẳn với đau khổ đơn thuần; vì nó xâm chiếm cả linh hồn và hằn sâu lên linh hồn một dấu vết chỉ thuộc riêng về nó, dấu vết của sự nô lệ.”[40] Có thể nói, nỗi ưu tư là ngưỡng trạng thái cùng cực của đau khổ. Nó chiếm đóng toàn bộ linh hồn. Nhưng vì nỗi ưu tư gắn kết mật thiết với đau khổ, nên không có đau khổ thì nỗi ưu tư sẽ không thể xảy ra. Do vậy, Weil định nghĩa “Nỗi ưu tư là một sự bật rễ khỏi đời sống, một tương đương ít nhiều giảm thiểu của sự chết, hiện diện cách bạo liệt trong tâm hồn do sự động chạm hay sự sợ hãi trực tiếp nỗi đau đớn cơ thể.”[41] Từ đó, ta thấy Weil mô tả nỗi ưu tư là một trạng thái rất đặc biệt. Nó xuất hiện dưới những trạng huống khắc nghiệt của con người, có lẽ, khi con người gặp tình cảnh đau khổ của chết chóc hay tình cảnh của bạo lực chiến tranh,… điều ghi ấn tượng mạnh mẽ cho tâm hồn của ta và làm cho tâm hồn ấy ‘bật rễ khỏi đời sống’.

Cùng với đó, Simone Weil phân biệt giữa nỗi ưu tư và sự đau khổ mãnh liệt. Weil ví hai trạng thái ấy như thể trạng nhiệt độ của nước vậy. Weil viết rằng, “giữa nỗi ưu tư và tất cả những nỗi đau khổ mà dù rất mãnh liệt, rất sâu xa, rất bền bỉ vẫn là cái gì khác với nỗi ưu tư đích thực, có mộ sự tiếp liên và đồng thời một phân lý bởi một khởi độ, giống như đối với độ sôi của nước.[42] Thế nên, vẫn có phân cách giữa nỗi ưu tư và sự đau khổ, dù cho nó không rạch ròi và rõ ràng. Có thể nói, vì sự phân cách ấy mà khi một đau khổ xảy đến thì sẽ có người này cảm nhận được nỗi ưu tư, nhưng người khác thì không. Do đó, Weil nghĩ rằng, sự phân biệt này vẫn còn chịu sự chi phối bởi những yếu tố cá nhân.[43]

Tuy nhiên, theo Simone Weil, đặc điểm mấu chốt của nỗi ưu tư không phải tạo ra nỗi sợ hãi, nhưng chúng thúc ép con người nhận ra thực tại chính là những gì chúng ta không nghĩ là có thể.[44] Nghĩa là con người nhận ra thực tại rõ hơn khi có nỗi ưu tư. Nỗi ưu tư không đóng khung con người, nhưng giúp con người nhận ra điều gì khác về thực tại mà trước giờ con người không nhận ra. Ví như, người thuyền trưởng đi trong đêm bão, nếu mới bước vào cảnh tượng bão tố thì người thuyền trưởng chỉ thấy cơn bão là sự tập hợp phức tạp của luồng gió, luồng nước, tia chớp, sống bể với vị thế của con tàu,… nhưng nếu trong trạng thái nỗi ưu tư về đêm bão ấy, người thuyền trưởng sẽ nhận ra sự sống và cái chết, sự mỏng manh phận người. Hơn nữa, có thể người thuyền trưởng sẽ ‘vén’ bức màn thực tại ấy tới điều mà ông chưa nghĩ đến báo giời. Điều đó được Weil sánh với người công giáo. “Khi đối diện với nỗi đau, người công giáo không tìm phương thuốc siêu nhiên nhưng nại đến siêu nhiên cho nỗi đau.”[45]

Cuối cùng, Simone Weil xác tín rằng, một khi mọi sự đều chịu chi phối của trọng lực thì nỗi ưu tư gợi lên trong con người những câu hỏi về thực tại sống. “Nỗi ưu tư khiến những câu hỏi được gợi lên trong mọi sự, hãy để những câu hỏi ấy nổi lên trong nhận thức của chính chúng ta.”[46] Hay nói cách khác, trọng lực làm cho mọi thứ hướng xuống thì nhờ ưu tư mà con người hiểu biết về thực tại chính mình rõ hơn. Theo Weil, đây là nguồn hy vọng giữa thực tại đau khổ này, vì “khi hiểu biết đau khổ là điều duy nhất trong chúng ta không phải là đau khổ.”[47] Thế nhưng, đây cũng là sự rỗng khi con người nổ lực mong chờ mà không được đáp ứng. Vì đây là con đường của ảo tưởng.[48]

Nỗi Ưu tư là sự Rỗng

Con người, theo Simone Weil, là một hữu thể bị trọng lực chi phối.[49] Thế nên, cách tự nhiên, một khi ai đó rơi vào đau khổ đều muốn chia sẻ hay chuyển dịch đau khổ ấy cho người khác; nếu không, đau khổ ấy vẫn hiện hữu và đầu độc chính họ. Đi xa hơn, Weil cho rằng, khuynh hướng của sự chuyển dịch này vượt trên khả năng của con người.[50] Tức là, con người không thể làm chủ được khả năng chuyển dịch này vì nó vượt trên sức lực của con người. Vì với ảnh hưởng của trọng lực, sự trả thù là nhu cầu thiết yếu nơi chuyển động tâm hồn con người. Thế nên, con người không thể tránh được.

Dẫu cho tính khí của chúng ta có hiền như mùn đất chăng nữa, nhưng khi bị người khác hạ thấp vị thế thì tự bản chất người ấy muốn người khác phải chịu đau khổ chính xác như những gì chúng ta đang chịu đựng.[51]

Tuy nhiên, theo Simone Weil, làm hại một người là nhận được điều gì đó từ anh ta.[52] Đó là, khi ta làm hại người khác thì chính ta được lấp đầy sự rỗng (the void) do đau khổ tạo ra trong bản thân.[53] Nhưng thực tế, con người càng cố tìm sự trả thù thì chuyển động tâm hồn luôn bất nhất và sự rỗng càng lớn hơn. Vì bản chất hành động tạo đau khổ không có điểm dừng. Thế nên, con người càng ưu tư về nó quá nhiều mà không đáp ứng đủ cho sự tức giận ấy. Từ đó, con người càng rơi vào sự rỗng trong chính mình.

Hơn nữa, Simone Weil khẳng định, nỗi ưu tư làm cho con người rơi vào sự rỗng.[54] Theo Weil, sự rỗng diễn ra ở hai mặt trong nỗi ưu tư. Một đằng, khi gặp đau khổ sự ưu tư quá lớn sẽ chuyển dịch nỗi tức giận cho người khác. Thế nhưng, thực tại không như mong đợi dẫn bản thân rơi vào sự rỗng. Đằng khác, ở phía sau nỗi ưu tư trả thù, con người hướng đến một trạng thái cân bằng mới. Weil nghĩ rằng đó là sự tha thứ.[55] Nói cách khác, thay vì tìm kiếm sự trả thù của trọng lực thì con người ưu tư đến sự tha thứ để được cân bằng. Thêm vào đó, sự cân bằng này ở một mặt phẳng mới khác hẳn với sự cân bằng trong việc báo thù. Thế nên, ít ai có thể đạt đến sự cân bằng này vì nó vượt trên ngưỡng năng lượng tự tại của con người. Từ đó, Simone Weil kinh nghiệm được rằng con đường này sẽ dẫn tâm hồn yếu ớt đi vào vùng trời của sự rỗng; Vì đó là con đường của sự tưởng tượng. [56]

Để đi vào kinh nghiệm sự rỗng, Simone Weil nghĩ đến những cư dân đang bị nước đế quốc xâm chiếm và bị đi làm nô lệ. Weil cho rằng, chính những con người đó không còn khả thể tạo lập hiện tại cho bản thân, hơn nữa, cả tương lai tươi sáng của họ cũng bị đẩy về quá khứ.[57] Họ sẽ làm gì để lấp đầy sự rỗng bên trong tâm hồn của chính họ? Theo Simone Weil, ở tình thế này, tâm hồn con người không khác gì ngoài sự giả dối và nỗi ưu tư vô vọng đang sôi sục trong tâm hồn.[58] Đến đây, nỗi ưu tư hướng đến sự trả thù hay sự tha thứ chỉ làm sâu thêm sự rỗng nơi họ. Vì giới hạn của con người là một nỗi ưu tư vô đích đến. Nếu không có sự trợ giúp năng lượng bên ngoài thì giới hạn ấy vẫn mãi không thể vượt qua và dễ trở về với cảm xúc hèn hạ (base feeling).[59] Qua đó, thật dễ hiểu tại sao khi con người rơi vào sự rỗng thường dễ hướng đến nổi nóng, ghen tị hay oán hận lên người khác.

Từ đó, con người cần chấp nhận sự rỗng.[60] Tại sao? Theo Weil, con người là một hiện hữu giới hạn và sự rỗng là điều gì nền tảng cho đời sống.[61] Thế nên, sự rỗng là điều thiết yếu nơi con người. Con người chấp nhận sự rỗng là con người chấp nhận chính mình; ngoài trừ sự trợ giúp đặc biệt của siêu nhiên. Thật vậy, chỉ ân sủng mới làm được điều đó. Nhờ ân sủng, mà khoảng trống ấy được phủ đầy.[62] Có thể nói, sự rỗng lớn nhất của con người là cái chết. Thế nên, chấp nhận sự rỗng là chấp nhận điều gì tăm tối của con người – chấp nhận cái chết của chính mình. Theo Weil, tự năng lượng của con người không đủ để đón nhận cái chết của bản thân, nên cần đến một năng lượng đến từ nơi khác.[63] Đó là năng lượng của Thượng Đế. Nên Simone Weil khẳng định, “chấp nhận sự rỗng trong chính mình là siêu nhiên (supernatural).[64]

Tuy nhiên, làm sao con người có thể đón nhận ân sủng nếu tâm hồn không có khoảng trống tối tăm? Tiên vàng, sự rỗng phải đi bước trước. Nơi ấy, tâm hồn con người được lấp đầy bởi ân sủng của Thượng đế. Từ đó, nỗi ưu tư xét như là cơ hội dệt nên cuộc gặp gỡ giữa con người hữu hạn với ân sủng của Thượng đế.

Tóm lại, nếu để có một ngôi nhà an toàn trước giông bão, lũ lụt thì cần đến nền móng bền chắc; Tương tự, để hình thành ngôi nhà tâm hồn chịu được lực kéo của trọng lực hay lực nâng của ân sủng thì cần đến một chuyển động thiết yếu của tâm hồn. Đó là nỗi ưu tư – nền móng của đời sống con người. Đứng giữa hai lực của trọng lực và ân sủng, sự ưu tư dẫn con người hướng đến con đường giải thoát qua sự gặp gỡ với Đấng giải thoát. Tuy nhiên, nếu con người nỗ lực ưu tư mà không có đích thì chỉ đưa con người vào sự rỗng. Một sự trống rỗng, và cô đơn trong tâm hồn. Sự rỗng lớn nhất là con người không chấp nhận hiện hữu giới hạn của bản thân – ấy là cái chết. Từ đó, nhờ chấp nhận cái chết, chấp nhận sự rỗng mà con người bước vào tâm thế chờ đợi ân sủng lấp đầy chính mình. Nhờ đó, con người đảm nhận tương lai mới để tạo lập cho bản thân con đường mới. Đó là con đường cự tuyệt với chính mình.

Chương 3: Nỗi Ưu tư là nỗ lực cự tuyệt với chính mình

Từ đầu, Simone Weil đã đề cập đến thực tại cuộc sống con người. Weil cho rằng, “Thế giới mà con người đang sống là thế giới hiện tượng của trọng lực.”[65] Sự thay đổi nơi sự vật hay sự dịch chuyển tâm hồn con người đều chịu trọng lực chi phối. Thay vì tâm hồn con người hướng đến giá trị thiện hảo ở phía trên thì trọng lực kéo con người xuống những giá trị vật chất. Thế nên, con người dễ rơi vào sự dính bén (attachment) với sự vật, sự kiện. Nói cách khác, thực tế của thế giới là kết quả của sự dính bén của chúng ta. Đó là thực tại bản thân chúng ta chuyển dịch vào sự vật. Nên Simone Weil cho rằng, chúng ta chẳng còn là hữu thể tự do. Từ đó, con người ưu tư đi tìm ý nghĩa tự do cho bản thân.

Nỗi ưu tư kéo con người đi đến sự từ bỏ dính bén với sự vật (detachment). Tuy nhiên, với thời gian, con người dựng nên cho mình cái ‘Tôi’, mà Weil nghĩ rằng, con người cho mình là thượng đế – Tôi sáng tạo nên chính tôi.[66] Thế nên, để con người trở về với bản chân, tự bản chất nỗi ưu tư phải hướng con người đến những chiều kích mới. Đó là chiều kích giải trừ thời gian, chiều kích giải trừ cái ‘Tôi’, chiều kích giải trừ sự sáng tạo và hướng đến chiều kích trung gian của nỗi ưu tư.

Chiều kích giải trừ thời gian

Khởi đi chiều kích thời tính của nỗi ưu tư, Simone Weil cho rằng, con người là hữu thể gắn kết với thời gian.[67] Nghĩa là con người hiện hữu trong thực tại luôn chịu sự thay đổi dần theo thời tính, thế nên, họ sẽ trải qua những quãng đời khác nhau trong vận mệnh chính họ: có sinh ắt có tử. Do đó, con người là hữu thể trong thời gian và bị giới hạn với thời gian. Tuy nhiên, Weil tin rằng, thời gian là hình ảnh của vĩnh cửu và nó thay thế cho vĩnh cửu.[68] Điều này ngược lại với giới hạn của con người. Chiều dài sự sống con người ví như một đoạn ngắn giữa hai con số trong độ dài vô tận của cây thước. Thế nên, khi con người sống trong thời gian, con người phát sinh nỗi ưu tư về sự giới hạn mà con người phải đối diện với thời gian tính. Do vậy, con người thao thức muốn giải trừ thời gian tính của chính mình.

Đầu tiên, nỗi ưu tư hướng tới sự giải trừ thời tính qua quá khứ và tương lai.[69] Simone Weil cho rằng “quá khứ và tương lai cản trở ảnh hưởng toàn diện nỗi ưu tư bởi nó cung cấp một lãnh vực không giới hạn của tưởng tượng.”[70] Vì quá khứ là những gì con người đã trải qua, nó là những chuỗi đau khổ kéo dài và đẩy con người đến bờ vực tưởng chừng sẽ không thoát ra khỏi bể khổ ấy. Tương lai cũng không gì khá hơn, Weil giải thích, dù tương lai là nơi lấp đầy sự rỗng, thế nhưng, trong bối cảnh khác những ý nghĩ về hạnh phúc của tương lai làm ngăn cản nỗi ưu tư hạnh phúc không thể đạt đến.[71] Có thể nói, một khi tương lai hay quá khứ đẩy ưu tư của con người đi quá xa trong sự vô hạn của thời tính, tự nó dễ trở nên ngăn trở cho hạnh phúc con người.

Kế đến, hiện tại không giúp nỗi ưu tư con người đạt đến cùng đích.[72] Weil nghĩ đến thời tính hiện tại làm con người thất vọng. Bà diễn tả nó như sau:

Khi chúng ta thất vọng bởi một niềm vui mà chúng ta đã mong đợi và điều đó sẽ đến, sự thất vọng là bởi vì chúng ta đang mong đợi tương lai, và ngay khi nó có mặt [ở hiện tại]. Chúng ta muốn tương lai ở đó mà không ngừng là tương lai [thay vì hiện tại].[73]

Thật sự, con người khao khát niềm vui của tương lai để lấp đầy sự rỗng ở hiện tại. Thế nhưng, theo dòng chảy thời gian, tương lai trở nên hiện tại và sự mong chờ ấy không đáp ứng được khao khát. Nó tạo nên sự thất vọng và nỗi ưu tư càng rơi vào sự rỗng. Vì thế, dù là nghịch lý, nhưng con người luôn ưu tư về tương lai khi nó là tương lai. Từ đó, thời gian hiện tại không thể giúp con người lấp đầy hố sâu của sự rỗng nơi chính mình.

Hơn nữa, Simone Weil cho rằng, việc đụng chạm đến cái chết của người khác sẽ tạo cho con người nỗi đau vô tận.[74] Tâm hồn giờ đây rơi vào sự rỗng và mất cân bằng. Rỗng vì không có kinh nghiệm nào lấp đầy sự mất mát ấy và mất cân bằng vì nỗ lực của con người giờ đây mất định hướng. Thế nên, thời gian hiện tại sẽ trở nên nỗi đau quá khứ; nỗi đau quá khứ không còn là kho báu và tương lai chỉ là khoảng trống để theo đuổi hạnh phúc.[75] Do vậy, không gì khác hơn, con người chấp nhận điểm tới hạn của bản thân, chấp nhận nỗi đau và sự mệt mỏi của thân phận để giải trừ nó theo thời gian.

Tóm lại, khái niệm thời gian chỉ thuộc về những hữu thể giới hạn mà nó xét như là thước đo sự hiện hữu của hữu thể ấy. Nói cách khác, thời gian là vĩnh cửu với tính hữu hạn con người trong các thời khắc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Thế nên, Weil nghĩ rằng, thời gian vừa gắn chặt vừa cản trở con người mất cân bằng.[76] Từ đó, tự bản chất nỗi ưu tư muốn giải trừ thời gian tính của mình.

Chiều kích giải trừ cái ‘Tôi’

The Simone Weil, chiều kích giải trừ cái ‘Tôi’ (Self) của nỗi ưu tư, xét như một đồng xu hai mặt, một mặt là con người nỗ lực từ khước bản thân để ra khỏi giới hạn của chính mình; mặt khác là con người chờ đợi một niềm vui trọn hảo. Như vị trí giữa đồng xu, có đường biên tách biệt hai mặt nhưng lại là cạnh chung; cạnh chung ấy, Simone Weil cho là cái ‘Tôi’ (‘I’) không hiện hữu. [77] Nói cách khác, để tâm hồn được lấp đầy bởi niềm vui viên mãn thì không có nơi chứa góc cạnh nào của cái ‘Tôi’.

Đi xa hơn, tự bản chất nỗi ưu tư mang chiều kích giải trừ cái ‘Tôi’.[78] Trong con người, bản năng sống và hình thành cái Tôi là điều tự nhiên. Khi tôi đang sống tức tôi là cái Tôi và đang trở nên cái Tôi. Do đó, cái Tôi là trong tôi và là chính tôi. Thế nhưng, với sự chi phối của trọng lực, cái Tôi ấy bị dính bén sự vật qua việc sở hữu và kiểm soát chúng. Weil cho rằng, cái Tôi ấy thường nghĩ nếu nó ngừng sở hữu thì nó sẽ không tồn tại.[79] Từ đó, Weil khẳng định, nỗi ưu tư thúc ép việc gắn chúng ta với những khách thể bất hạnh nhất nhằm phơi bày tất cả sự khốn khổ của nó.[80] Khi con người còn cái Tôi, con người còn khổ hạnh. Cách nói khác là, qua nỗi ưu tư, cái Tôi là sự bất hạnh lớn nhất của con người. Thế nên, con người vượt qua nỗi bất hạnh đồng nghĩa với việc con người cần giải trừ cái Tôi của chính mình.

Theo Simone Weil, phá hủy cái Tôi tức là trả lại nó cho Thượng đế. Thế nên, chúng ta không thể trả lại điều gì ngoài cái Tôi. [81] Thực sự, trong thế giới này, con người không sở hữu gì ngoài cái Tôi ấy. Hơn nữa, nếu nỗi ưu tư giúp con người xóa trừ cái Tôi, thì hành vi trả lại cái Tôi cho Thượng đế phải là một hành động tự do. Vì nó thuộc về Thượng đế. Thế nên, Weil nghĩ rằng, nếu vì tình yêu đối với Thượng đế chúng ta sẽ từ khước trao bản thân chúng ta cho cuộc nổi loạn và sự phá hủy không diễn ra bên ngoài nhưng từ bên trong.[82]

Ngược lại, theo Weil, dưới lăng kính của vô thần hay duy vật, việc phá bỏ cái Tôi là sự hủy diệt ở phương diện bên ngoài.[83] Và khi con người rơi vào sự ưu tư cực độ (extreme affliction) con người dễ hướng đế sự phá hủy cái Tôi bề ngoài thân xác.[84] Thật sự, đối với các nhà duy vật hay vô thần, họ xem cái Tôi chính là thân xác hiện hữu bên ngoài và họ hành động không khác gì như cuộc bạo lực cách mạng (a violent revolt). Thế nên, thật dễ hiểu, theo họ phá bỏ cái tôi là phá hủy thân xác. Tuy nhiên, Weil nghĩ rằng, nếu thân xác cái Tôi có bị phá bỏ nhưng họ vẫn còn bản ngã (egoism).[85] Cái tôi của họ vẫn tồn tại, nó chính là bản ngã. Chắc chắn, con đường ấy không hoàn toàn là con đường từ bỏ chính mình. Từ đó, khi nói đến việc từ bỏ cái Tôi, cần cân nhắc đến cách hiểu đúng đắn và ngăn chặn hướng hiểu cực đoan trên.

Giả như, có một ai đó được ân sủng đưa vào trạng thái hoàn hảo, tức là, anh ta không còn cảm thấy đau khổ thì chiều kích từ bỏ cái Tôi của nỗi ưu tư phải được hiểu như thế nào? Simone Weil cho rằng, cái Tôi của người ấy không tồn tại, vì ở trong trạng thái của ân sủng, cái Tôi tự biến mất và đi thẳng đến việc gặp gỡ Thượng đế.[86] Tức là, ở trạng thái hoàn hảo, con người không còn dính bén với sự vật xét như là nguyên nhân của trọng lực. Thay vào đó, cái tôi trở nên trong suốt với thực tại. Tuy nhiên, Weil suy nghĩ, dù ở trạng thái ân sủng ấy, nỗi ưu tư trong bản thân của anh ta vẫn nổi lên một khi đối diện với đau khổ thân xác. [87] Như trong Kinh Thánh, trên thập giá, Đức Giêsu đã thốt lên rằng: “Lạy Chúa của tôi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?” (Mc 15,33). Thế nên, dẫu cho một người không còn cái Tôi nhưng chiều kích của nỗi ưu tư vẫn tác động đến con người qua việc cảm nghiệm sự vắng mặt của Thượng đế.

Simone Weil khẳng định, trong nỗi ưu tư, bản năng sinh tồn của mọi sự dính bén đều được xé nát.[88] Hay nói cách khác, bản năng sinh tồn chính là sự dính bén. Cuộc sống giờ đây không còn là hình thái xã hội. Weil cho rằng, nếu sự dính bén xuất hiện trong sự trần trụi của chính nó mà không gì khác ngoài nó sẽ đưa con người đến với địa ngục.[89] Thực sự, cuộc sống chỉ còn là bản năng sinh tồn thì những gì là lòng biết ơn hay sự công bằng không còn tồn tại nơi họ. Thế nên, nỗi ưu tư xuất hiện như là điều hiển nhiên trong khao khát giải thoát của họ. Weil tin rằng, ở thời điểm này, họ không có cách nào hợp hơn với việc chấp nhận sự giải thoát – cái chết.[90]

Cuối cùng, Weil nghĩ rằng, chấp nhận cái chết là sự giải thoát (detachment) bản thân. Một khi linh hồn bị đọa đày trong sự bất công của con người, họ sẽ rơi vào địa ngục tối tăm của tâm hồn. Giờ đây, Simone Weil tin rằng, trái đất như là địa ngục và kinh nghiệm đau khổ tột cùng không gì khác là con người cứ bám rễ vào nó.[91] Thế nên, con người nên chấp nhận cái chết khi ta chấp nhận nỗi ưu tư trong chính ta. Nhờ đó, con người mới hoàn toàn hết bám rễ trong nỗi ưu tư và phá hủy hoàn toàn cái Tôi giới hạn.

Chiều kích giải trừ sự sáng tạo

Đầu tiên, Simone Weil cho rằng, thế giới này được tạo dựng bởi Thượng đế.[92] Ngài là Đấng sáng tạo bởi tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Weil giải thích “sự sáng tạo là hành động của tình yêu và nó là vĩnh cửu. Mỗi thời khắc hiện hữu của chúng ta là tình yêu Thượng đế dành cho chúng ta.”[93] Nghĩa là, tình yêu vĩnh cửu của Thượng đế hướng về con người và ban cho con người sự hiện hữu. Thế nên, sự hiện hữu của con người đến từ tình yêu của Thượng đế. Do đó, có thể nói được rằng, thế giới này không tự nhiên mà có nhưng phải bắt nguồn từ tình yêu của Đấng tạo dựng.

Thượng đế chỉ có thể yêu chính mình. Tình yêu của Ngài ban cho chúng ta là tình yêu dành cho Ngài qua chúng ta. Vì vậy, Đấng mà ban cho chúng ta sự hiện hữu, yêu thương chúng ta chấp nhận cái không hiện hữu [của chúng ta].[94]

Từ đó, Weil nghĩ đến sự hiện hữu con người rất đặc biệt. Tuy con người là thụ tạo nhưng không thụ động trong sự hiện hữu. Weil xác định rằng, “sự tồn tại của chúng ta chỉ được dựng nên từ việc Ngài chờ đợi sự chấp nhận của chúng ta không hiện hữu.”[95] Nghĩa là, con người có sự hiện hữu ban đầu của Thượng đế ban tặng, nó phát xuất từ tình yêu của Ngài. Ấy vậy, “Ngài không ngừng cầu xin chúng ta về sự hiện hữu mà Ngài ban cho.”[96] Tuy nhiên, sự hiện hữu ấy không còn thuần nguyên (pure) do con người dính bén với thụ tạo của thế giới. Thế nên, Thượng đế muốn con người bước vào sự hiện hữu mà không hiện hữu. Ngài cầu xin con người về sự hiện hữu mà Ngài đã ban. Nhờ đó, con người có sự hiện hữu tròn đầy trong tình yêu của Ngài.

Tuy nhiên, đi ngược lại với sự sáng tạo (creation) là sự phá hủy (destruction). Weil nghĩ rằng, phá hủy là làm cho điều gì đó được tạo ra đi vào sự hư vô (nothingness).[97] Nếu như sự sáng tạo là sự phát xuất tình yêu của Thượng đế để tạo nên một vật từ hư vô thì sự phá hủy làm cho sự vật được tạo dựng trở về với hư vô. Tức là không còn tồn tại trong thế giới này. Như vậy, để đi từ hư vô đến hiện hữu, các thụ tạo sẽ đi vào trong quy luật tình yêu của Thượng đế, nơi đó, con người được hiện hữu và sống tròn đầy. Đi xa hơn, Simone Weil suy tư đến một thực tại mới phát xuất giữa tiến trình tạo dựng và phá hủy. Đó là giải trừ sự sáng tạo (Decreation).

Theo Simone Weil, giải trừ sự sáng tạo là “làm cho một điều gì đó được sáng tạo đi đến sự không sáng tạo (uncreated)”[98] Điều này được hiểu theo nghĩa thay vì sự sáng tạo làm nên thụ tạo và mặc cho nó quy luật thiết yếu của sự hiện hữu thì giải trừ sáng tạo dẫn đưa thụ tạo ấy vượt trên sự chi phối của quy luật để đi đến nguồn sáng tạo – là nơi không có sáng tạo. Vì Thượng đế chấp nhận sự không hiện hữu của con người nên Ngài mong chờ con người sự giải trừ chính mình để trở về với sự hiện hữu uyên nguyên. Thế nên, con người không ngừng ưu tư về chính sự giải trừ chính mình.[99]

Trước hết, Weil tin rằng, “Chính Thượng đế trong tình yêu rút ra khỏi chúng ta để chúng ta có thể yêu Người.”[100] Nên nhu cầu không ngừng của con người, những sự khốn khổ, gánh nặng đói nghèo, bệnh tật và cả cái chết của con người phải đối diện hằng ngày, tất cả tạo nên tình yêu thần thiêng (divine love).[101] Dường như Weil chấp nhận ý nghĩa của sự dữ đến từ việc thiếu vắng Thượng đế trong thụ tạo. Hơn nữa, qua sự dữ con người có thể yêu mến Thượng đế. Weil giải thích điều này như sau:

Vì nếu chúng ta tiếp xúc với tia sáng trực tiếp tình yêu của Ngài mà không có sự bảo vệ của không gian, thời gian và vật thể, chúng ta sẽ bị bốc hơi như nước dưới ánh dương mặt trời; Sẽ không đủ cái Tôi (‘I’) trong chúng ta để có thể dâng hiến cái Tôi ấy vì tình yêu Ngài. Sự cần thiết bức màn được đặt giữa Thượng đế và chúng ta để chúng ta có thể hiện hữu. chúng ta phải xuyên qua bức màn ấy để chúng ta không còn hiện hữu.[102]

Như Weil đã khẳng định, đối với Thượng đế, con người là hữu thể giới hạn. Nên con người không thể gặp gỡ với Ngài nếu không có sự bảo vệ của không gian, thời gian và vật thể. Tuy nhiên, điều đáng đề cập ở đây là giữa con người và Thượng đế có một bức màn ngăn cách. Bức màn ấy là đau khổ. Thế nên, Theo Weil, giải trừ chính mình là giải trừ cái tôi (ego) trở nên cái Tôi đích thực (‘I’) để con người có thể xuyên qua bức màn ngăn cách.

Kế đến, Weil nghĩ đến một hình mẫu cho con người trong việc từ bỏ không ai khác ngoài Thượng đế. Trong sáng tạo, Thượng đế từ bỏ hiện hữu trong tất cả.[103] Weil cho rằng, điều tốt đầu tiên dành cho con người là cần từ bỏ hiện hữu của mình trong một vài điều gì đó.[104] Nghĩa là, con người cần tháo gỡ sự dính bén bản thân khỏi điều gì đó để như những chiếc thùng không đáy. Vì sự hiện hữu ban sơ của con người không là sự hiện hữu trong việc tìm kiếm sự vật giả tạo, những lời nói dối, hay hình tượng lý tưởng[105] Thế nên, con người cần hiện hữu ra khỏi cái hiện hữu dính bén.

Giải trừ chính mình là cách nhận thức đúng về hiện hữu. Để giải thích rõ hơn, Simone Weil dẫn đưa ví dụ về người phụ nữ soi gương. Weil nghĩ rằng, nếu có người phụ nữ nhìn ngắm và trang điểm mình trong gương thì người ấy đã giảm trừ cái tôi (self) vào một nơi thấp bé (small space). Vì người phụ nữ ấy đã giảm trừ cái tôi hiện hữu vô hạn.[106] Thêm vào đó, Weil so sánh vui cách nhìn bản thân của hai kiểu người, với một người phụ nữ đẹp nhìn cái phản chiếu của mình trong gương thì tin chắc đó là cô ta; nhưng thay thế với một người phụ nữ xấu xí thì cô ấy sẽ không tin cô ấy là như vậy.[107] Cùng cách thức như vậy, Weil nghĩ rằng, “khi chúng ta nâng cái tôi (ego) xã hội, cái tôi tâm lý lên cao thì chúng ta sẽ hạ thấp chính mình bởi việc giam hãm bản thân vào điều kém cõi.”[108] Thế nên, con người cần loại trừ cái tôi (ego) trên để trở về cái tôi hiện hữu đích thực.

Đồng sáng tạo (co-creators) xét như chìa khóa quan trọng trong việc con người giải trừ chính mình. Weil xác tín, “chúng ta tham phần vào việc tạo dựng thế giới bằng việc giải trừ chính mình.”[109] Thế nên, chúng ta đang là những đồng sáng tạo. Thế nhưng, con người phải từ bỏ điều gì? Simone Weil nghĩ rằng, vì con người sở hữu những gì mà con người sẽ từ bỏ, nên con người sẽ từ bỏ tất cả những gì con người sở hữu.[110] Nghĩa là, con người phải từ bỏ cái Có (Having) – cái mà con người bị bám rễ vào. Ngược lại, cái Là (Being) không thuộc về con người. Weil cho rằng, “Cái Là của con người nằm sau bức màn, về phía siêu nhiên.” Tức là, cái Là chính là sự hiện hữu đầu tiên mà Thượng Đế tạo dựng con người. Với hiện hữu ấy, nỗi ưu tư con người luôn hướng về nó. Vì nó thuộc về phía Thượng đế, nó ở trong Thượng đế và nó là Thượng đế.[111]

Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên như Ngài. Bởi vì tại hư vô này mà tôi có thể đặt chính mình trong tương quan với Thượng đế.[112]

Hơn nữa, Simone Weil chiêm niệm một hình mẫu bỏ mình khác là Đức Giêsu trong Kinh Thánh. Weil giải thích, “Ngài tự làm trống rỗng thiên tính của mình. Thế nên, con người cũng nên tự làm trống rỗng thiên tính giả mà chúng ta được sáng tạo.”[113] Một cách khác, Một khi chuyển động đi xuống của Đức Giêsu là tự hủy, từ bỏ quyền lực và thiên tính bản thân; cùng với đó, chuyển động của con người là từ bỏ cái tôi, từ bỏ quyền lực bản thân, trở về với hư vô (nothing). Nơi điểm giao của sự từ bỏ ấy, con người đặt mình trong tương quan gần nhất với Thượng đế. Thế nên, có thể hiểu rằng nỗ lực giải trừ sáng tạo của con người là tự mình đi về với hư vô. Hư vô không có nghĩa là không có gì nhưng là nơi con người bắt đầu khởi sự. Điều đó được Weil khẳng định, “khi tôi trở thành hư vô, Thượng đế yêu chính tôi qua tôi.”[114]

Simone Weil thừa nhận, “con người được sinh ra và sống trong tội lỗi, điều mà làm đảo ngược phẩm trật. Thế nên, hoạt động trước tiên của con người là ngược đảo lại đời mình – sống hoán cải (conversion).”[115] Ví như cây lúa mì, muốn sinh ra nhiều bông nhiều hạt, tự nó phải hủy vỏ trấu an toàn bên ngoài. Nguồn năng lượng sự sống mới phát sinh khi mà hạt giống ấy biết giải trừ chính nó. Tương tự cuộc sống con người, con người cần đảo ngược cách sống. Tức là con người cần phải buông bỏ cái tôi ích kỉ, cái tôi kiêu ngạo để sống với cái bản chân của mình, từ đó, hiện hữu con người trở nên tươi mới và đầy đủ. Do vậy, Weil đề nghị con người cần sống với tâm tình biết ơn.[116] Biết ơn với những khó khăn đang gặp phải, thay vì bỏ cuộc thì con người phải đối diện với sự thử thách vì nó là ân sủng. Ân sủng biến đổi con người.[117] Từ đó, con người sống, cảm nhận chúng như một bằng chứng (testimony) của sự khốn khổ.[118] Hơn nữa, Weil cho rằng, với những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc hay thành công, con người hãy mang lấy nó như một bằng chứng của sự khốn khổ để những vết thương của nỗi ưu tư dẫn con người đến hiểu biết về sự khốn cùng là cánh cửa mở ra mọi sự khôn ngoan.[119] Hay nói cách khác, nỗi ưu tư của con người khi đối diện với sự khốn cùng sẽ đưa con người đến với cánh cửa của Đấng khôn ngoan – Thượng đế. Như thế, con người đang sống đúng trật tự tạo dựng.

Sự giải trừ cuối cùng của con người là không là gì cả để ở đúng vị trí trong tổng thể.[120] Vì theo Simone Weil, “nếu chúng ta xét bản thân ở thời điểm hiện tại, nơi mà tách khỏi quá khứ và tương lai, thì chúng ta vô tội. Chúng ta không thể lập tức là điều gì ngoài điều chúng ta là.”[121] Hay nói cách khác, con người hiện hữu thời điểm hiện tại là sự hiện hữu ý nghĩa như chúng ta đang hiện hữu trong thực tại. Nơi đó, hiện hữu con người ở trong trật tự tổng thể của thế giới mà không có sự chi phối của quá khứ hay tương lai. Do đó, theo Weil, sự hiện hữu này là sự giải trừ dính bén (detachment) của con người.[122] Hơn nữa, hiện hữu con người đầy tràn nhất là hiện hữu hướng về cái chết.[123] Nếu như con người được Thượng đế ban cho khoảnh khắc thuần khiết trong ngày ra đời, thì cái chết là khoảnh khắc cuối cùng của sự thuần khiết mà con người có thể được ơn đi vào cõi trường cửu. Nơi mà con người hiện hữu cách hoàn hảo và trọn vẹn trong sự hiện hữu vĩnh cửu của Thượng đế.

Tóm lại, giữa con người và Thượng đế có một bức màn ngăn cách; đó là đau khổ, nhu cầu không ngừng thể xác, nô lệ, […] và kể cả cái chết. Với nỗi ưu tư, con người cần bước xuyên thấu bức màn ấy qua việc giải trừ chính mình để đi đến sự ‘không hiện hữu’. Hơn nữa, Thượng đế cầu xin con người chấp nhận sự ‘không hiện hữu’ ấy để có được sự hiện hữu trọn vẹn. Đó là sự hoán cải trở về với hiện hữu ban đầu của tạo dựng. Tuy nhiên, làm sao con người có thể cảm nhận được đằng sau bức màn ngăn cách con người với Thượng đế? Chiều kích trung gian ấy cần được hiểu như thế nào?

Chiều kích trung gian

Simone Weil cho rằng, thực tại cuộc sống tự bản chất là sự trung gian (Metaxu).[124] Hay nói cách khác, thế giới con người đang sống không là điểm đến nhưng là sự trung gian dẫn con người hướng về một điều gì khác. Nhưng làm sao con người có thể nhận ra thế giới này sự trung gian mà không phải là kết cục của sự đau khổ?

Simone Weil nghĩ rằng, trước tiên, con người là hữu thể bị chi phối bởi lực kéo của trọng lực.[125] Thế nên, con người cùng với sự đối diện về thực tại đau khổ, bệnh tật và cái chết của bản thân thì con người luôn ưu tư về thân phận đau khổ chính họ.[126] Ngang qua nỗi ưu tư, họ nhận ra thế giới này chỉ là sự trung gian dẫn họ đi từ điều này sang điều khác không ngừng.[127] Nếu như hữu thể ưu tư thay vì chìm mình trong hệ quả của chính nó thì hữu thể ưu tư hướng về Đấng đã dùng đau khổ để liên lạc với con người.[128] Thế nên, Weil xác tín rằng, qua nỗi ưu tư mà con người thấy đau khổ của bản thân như một sự trung gian giữa con người và Đấng đã dùng đau khổ để gặp gỡ con người.[129]

Kế đến, tại sao Đấng ấy lại dùng trung gian để gặp gỡ mà không gặp gỡ trực tiếp với con người? Simone Weil cho rằng, con người không thể đối diện trực tiếp với Đấng muốn gặp gỡ con người. Thế nên, “Vì nếu chúng ta tiếp xúc trực tiếp với tình yêu của Ngài, không có sự bảo vệ của không gian, thời gian và vật chất, thì chúng ta sẽ bị bốc hơi như hơi nước dưới ánh nắng của mặt trời.”[130] Có thể nói, con người là hữu thể giới hạn giữa không gian và thời gian; nên không thể đứng vững trước năng lực thần thiêng. Do đó, cần đến thực tại trung gian như bức màn ngăn cách giữa con người và Thượng đế.

Để rõ hơn, Simone Weil đưa ra hình ảnh ví von về cây cầu của người Hy Lạp cổ xưa. Weil cho rằng, chúng ta thừa hưởng nó nhưng không biết cách sử dụng nó.[131] Nghĩa là, trên cây cầu chúng ta không ngừng xây dựng những ngôi nhà cao tầng trên nó mà chúng ta quên mất bản chất của nó là cây cầu. Mục đích của cây cầu là nối liền hai bờ và đưa con người sang bờ bên kia. Thế nên, cách tương tự, Weil phê bình rằng khi con người đối diện đau khổ sẽ quên mất việc ưu tư về đau khổ như là cây cầu dẫn con người đến gặp gỡ Đấng đã ban nó cho con người. Từ đó, Weil khẳng định, thế giới này đem cho con người không gì ngoài trừ những phương tiện.[132]

Hơn nữa, Weil nghĩ rằng sự trung gian như là cánh cửa vừa cản trở vừa mở ra cho con người.[133] Thực sự, đứng trước thực tại đau khổ, không ít người chìm đắm trong đau khổ, vì họ xem đó như là ngõ cụt cuộc đời. Tuy nhiên, đứng trước thực tại ấy, nhiều người ưu tư về thực tại và đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời. Để dễ hiểu hơn, Weil đưa ra một ví dụ sinh động về sự trung gian như sau:

Có hai tù nhân ở giữa ô vách ngăn và họ liên lạc với người kia bằng cách gõ vào bức tường. Bức tường là thứ ngăn cách họ nhưng nó cũng là phương tiện liên lạc của họ. Điều đó cũng tương tự với chúng ta với Thượng đế. [134]

Theo đó, bức tường ở phòng giam như là vật rào cản và đồng thời nó cũng là sự nối kết giữa hai tù nhân. “Bức tường vừa là thứ ngăn cách người tù nhưng nó cũng là phương tiện liên lạc giữa họ. Đặc biệt hơn, mỗi sự ngăn cách là mỗi một liên kết.”[135] Điều đó cũng tương tự giữa tương quan con người với Thượng đế, nếu nỗi ưu tư không phát xuất từ đau khổ thì đau khổ ấy chỉ như bức tường ngăn cách giữa con người và Thượng đế, không hơn không kém; tuy nhiên, nhờ có nỗi ưu tư mà con người xem đau khổ như là phương tiện liên lạc với Đấng đã ban nói cho con người. Qua chiều kích trung gian ấy, con người tìm thấy cội nguồn ý nghĩa và hy vọng vào cuộc sống. Thế nên, nỗi ưu tư như cây cầu bắc ngang giữa con người và Thượng đế qua thế giới đau khổ này.[136]

Chương 4: Nỗi Ưu tư là khe lộ hướng con người đến với Thượng đế

Như Simone Weil khẳng định, thực tế của thế giới này là kết quả của sự dính bén và chẳng có gì là độc lập nếu con người không dứt khoát với sự dính bén bản thân với sự vật. Thế nhưng, tự thân nỗi ưu tư không đủ năng lượng để từ bỏ hoàn toàn sự dính bén với tạo vật.[137] Do vậy, điều chắc chắn rằng, nỗi ưu tư khôn nguôi trong tâm hồn của con người cứ mãi diễn ra đến khi nó bắt gặp được sự thiện. Tuy nhiên, theo Weil, sự thiện mà con người hướng đến khó có thể hình dung được. Vì nó không là sự vật hay vật chất cho con người có thể nắm giữ. Thế nên, cách nào đó, sự thiện đối với chúng ta là ‘hư vô’.

Sự ‘hư vô’ của sự thiện là bức màn của Thượng đế. Simone Weil khẳng định, hư vô không phải là không có thực; so với nó, mọi thứ không tồn tại cách thực sự.[138] Hay nói cách khác, sự ‘hư vô’ của sự thiện đầy đủ hơn tất cả những gì đầy đủ. Thế nên, tự khắc con người phải cố định bản thân trên sự ‘hư vô’ này, làm rỗng điều ta khao khát để hướng đến sự giải thoát. Vì Weil tin rằng, chúng ta có thể vượt qua được vì Thượng đế là Đấng lấp đầy sự rỗng.[139] Do đó, con đường của nỗi ưu tư là khe mở cho con người hướng đến Thượng đế qua niềm tin.

Chúng ta phải để phía niềm tin lấp đầy khoảng trống và làm dịu đi những gì cay đắng. Thế nên, niềm tin đặt trong trật tự quan phòng của những sự kiện và ánh sáng được tìm thấy trong tôn giáo. Niềm tin vào sự bất tử.[140]

Vì niềm tin như là phần còn lại của chặng đường vượt qua sự rỗng. Thế nên, để con người đạt đến phần này, Weil phác họa cho bản thân những bước đường hướng về Thượng đế của nỗi ưu tư qua chiều kích như: Tình cờ (Chance), sự Hiện diện thiếu vắng (God absent), Chú tâm (attention).

Chiều kích tình cờ

Đầu tiên, Simone Weil cho rằng, các thụ tạo là những hữu thể được tạo dựng cách tình cờ.[141] Có thể nói, các thụ tạo được sáng tạo và đi vào đời cách tình cờ bởi Đấng làm chủ sự tình cờ – Thượng đế. Thật sự, không thụ tạo nào có thể hữu tri về chính mình trước ngày chúng bước vào thế giới. Các thụ tạo thụ động trước sự hiện hữu của bản thân. Theo Weil, thụ tạo chỉ biết chính mình với những cuộc gặp tình cờ.[142] Vậy tình cờ ấy là gì? Dĩ nhiên, tình cờ là không biết trước. Do đó, những cuộc gặp gỡ giữa thụ tạo với nhau­ cũng không thể biết trước.

Kế đến, nỗi ưu tư mang chiều kích của sự tình cờ. Trong sự bấp bênh tình cờ ấy, những cuộc gặp gỡ giữa ta với những gì ngoài ta là không biết trước. Mọi thứ đến rồi lại đi, gặp rồi lại tan. Thế nên, những chuyển động pha trộn giữa niềm vui và nỗi buồn của tâm hồn làm nên nỗi ưu tư bất chợt.[143] Từ đó, Weil cho rằng, con người ưu tư cũng đi đến giây phút của sự chết.[144] Ấy vậy, nỗi ưu tư trồi lên trong tâm hồn con người sẽ đi theo dòng chảy tình cờ của phận người. Nơi đó, con người ưu tư về sự mỏng manh giới hạn của thân phận. Vì Weil xác tín, “chúng ta muốn mọi thứ đều có giá trị của sự trường cửu.”[145] Do vậy, nỗi ưu tư trong tâm hồn là một sự tình cờ hướng đến cái vô hạn nằm ngoài con người.

Nỗi ưu tư được xét là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa con người với Thượng đế. Simone Weil cho rằng, giá trị của thụ tạo được xác định khi nó gặp gỡ và gắn kết với Thượng đế.[146] Nó có giá trị vĩnh cửu bao nhiêu khi nó không bị tách ra khỏi Đấng trường cửu. Ví như sự chắc chắn của hòn đá cuội hay sự mong manh của chiếc lá chen dưới bông hoa đều có giá trị vĩnh cửu bao lâu chúng còn ở trong sự gặp gỡ với Thượng đế. Nơi đó, mọi sự không chỉ cắm rễ trên sự hiện hữu tự nhiên nhưng đi đến sự gắn kết bên trong vẻ đẹp tuyệt mỹ.[147] Thế nên, qua nỗi ưu tư con người có cơ hội để cảm nhận ý nghĩa vĩnh cửu của phận người khi họ được gắn kết với Thượng đế.

Đi xa hơn, Weil nghĩ rằng, sự tạo dựng tình cờ này cần được con người chiêm niệm thay vì con người dùng luận lý.[148] Với luận lý con người chỉ nhận ra vũ trụ này đi theo tiến trình tiến hóa, mọi thứ là cơ học. Do vậy, thật không sai khi Weil nghĩ đến những gì dễ cảm thấy ‘tổn thương’ là sự đánh dấu của hiện hữu chính nó.[149] Nghĩa là, một khi con người ưu tư về trạng thái đau khổ của tâm hồn là lúc con người sống sự hiện hữu giới hạn của chính mình. Nhờ đau khổ ấy hình thành nên một cảm thức cái đẹp vĩnh cửu. Nó phóng chiếu tâm hồn vượt trên thời gian để cảm nhận nét đẹp của phận người.[150] Thế nên, sự chiêm niệm chấp nhận sự tình cờ như là vẻ đẹp để đưa con người thoát ra khỏi cảm thức hữu hạn và đi vào cảm thức vĩnh cửu của Thượng đế.

Tóm lại, đối diện với thân mỏng manh của phận người, con người nghĩ đến sự hiện hữu tình cờ của mình. [151] Sự tình cờ đầy ý nghĩ khi con người gặp gỡ nỗi đau khổ trong chính họ. [152] Hơn nữa, với sự chiêm niệm, con người bước vào vẻ đẹp của sự tình cờ. Nhờ đó, con người cảm nhận sự Hiện diện của Thượng đế trong những cuộc gặp gỡ với thụ tạo.

Chiều kích thiếu vắng sự Hiện Diện

Trong quan niệm của Simone Weil, Thượng đế là Đấng tạo dựng và tạo dựng nên mọi thụ tạo.[153] Thụ tạo đó là gì? Ấy là mọi loài cây cối, chim trời, cá biển hay con người khắp trùng dương này đều được tạo nên, chứ không thuần nhiên mà có. Có thể nói, mọi sự vật đang đang diễn ra và cả con người đều thuộc về công trình sáng tạo của Thượng đế. Từ cái nhìn này, Weil đúc kết, công trình sáng tạo này là do Thượng đế và chính là Thượng đế. [154] Nghĩa là, mọi sự vật hiện hữu mà được con người nhận ra hay không nhận ra đều do Thượng đế tạo nên và từ nơi chúng, con người có thể nhận ra Thượng đế hiện hữu.

Tuy nhiên, sự hiện hữu của Thượng đế trong thế giới này rất đặc biệt. Simone Weil suy tư tiếp, Thượng đế chỉ có thể hiện diện trong công trình sáng tạo dưới hình thái vắng mặt.[155] Tức là nơi hiện tượng sự vật không là Thượng đế, nhưng qua nó, con người kinh nghiệm thấy sự hiện hữu của Ngài. Đó là một sự hiện hữu cách vắng mặt. Simone Weil ví sự hiện diện vắng mặt này như vần xoay của nắng mưa trên người lành kẻ dữ, dù họ có là ai nhưng họ vẫn được Thượng đế ưu đãi như nhau.[156] Đặc biệt hơn, Weil kinh nghiệm sự hiện hữu vắng mặt của Thượng đế qua sự sự dữ.[157]

Sự dữ là sự ngây thơ của Thượng đế. Chúng ta phải đặt Thượng đế ở một khoảng cách vô tận để nhận biết Người như là Đấng vô tội với sự dữ; ngược lại, sự dữ ngụ ý rằng chúng ta phải đặt Thượng đế ở một khoảng cách vô tận.[158]

Weil khẳng định, sự dữ tồn tại được là do sự ngây thơ của Thượng đế. Với sự ngây thơ này, mà Weil nghĩ đến một Thượng đế yếu đuối và vắng mặt. Vì sự dữ vẫn tung hoành trên con người và làm con người đau khổ. Ngoài ra, “Thượng đế gửi nỗi ưu tư đến mà không phân biệt kẻ ác và người tốt, giống như Ngài gửi mưa và nắng sáng cho cả hai.”[159] Do đó, Simone Weil lập luận, Thượng đế yếu đuối đến nỗi không còn phân biệt kẻ ác với người lành. Đáng lý người ngay lành được thưởng và kẻ ác cần bị phạt, thế nhưng, sự ưu tư vẫn tồn tại nơi hai hữu thể khác biệt ấy để họ có thể trở với Ngài. Thế nên, con người cảm thấy Thượng đế thật tàn nhẫn và vắng bóng lòng thương xót.

Tuy nhiên, Simone Weil thừa nhận rằng, có những người được nhận đặc ân lòng thương xót của Thượng đế, thì họ cho là Thượng đế là lòng thương xót.[160] Thế nhưng, Weil nghĩ nếu lòng thương xót ấy được thể hiện qua bằng chứng thiên nhiên thì họ phải trở nên mù điếc và không cần ai thương hại thì mới tin điều đó có thể xảy ra.[161] Dường như Weil đưa ra phản chứng cách táo bạo, vì phát xuất từ kinh nghiệm của bà về thế giới đương thời. Một thế giới thế kỉ XX đầy rẫy thiên tai dịch bệnh, điển hình là vụ tai ương hơn 30.000 người chết bởi núi lửa Pelée ở Pháp … hay một thế giới dính trên mình những vết thương của các cuộc nội chiến và biết bao tiếng khóc oán giận về số phận đau khổ của người nô lệ… Weil cho rằng, việc tìm những bằng chứng về lòng thương xót của Thượng đế trong tự nhiên là công việc vô nghĩa.[162]

Thế nhưng, Simone Weil vẫn chấp nhận lý chứng sự tồn tại đặc biệt của lòng thương xót của Thượng đế. Điều ấy không gì khác ngoài sự khẳng định về việc vắng bóng hoàn toàn lòng thương xót.[163] Điều này phát xuất từ kinh nghiệm giằng co hai phía trong nhận thức con người của Weil. Một mặt, ân sủng tác động đến tâm hồn con người giữa những nét đẹp của thế giới. Mặt khác, con người cảm nhận sự hiện diện của Thượng đế vượt trên mọi đo lường giữa vũ trụ rộng lớn.[164] Dù con người không định lượng, định tính được lòng thương xót và cho nó vắng bóng, thế nhưng, từ việc khẳng định lòng thương xót không tồn tại lại là lý chứng mạnh mẽ thứ hai mà con người chấp nhận giới hạn trong việc đón nhận sự hiện hữu lòng thương xót. Thế nên, tự bản chất lòng thương xót của Thượng đế vượt ra ngoài sức của con người. Weil nghĩ rằng, đó là mầu nhiệm của những mầu nhiệm.[165]

Từ đó, con người cần có thái độ yêu mến mầu nhiệm cho dù nó là đau khổ. Vì theo Weil, một khi con người không còn nghĩ đến Thượng đế hay đặt Thượng đế ở xa tít phía sau tấm màn của thế giới thì con người trở nên tàn ác.[166] Thế nên, Weil nghĩ rằng, con người phải yêu hữu thể hư vô và hướng phần linh hồn đến bên kia bức màn thế giới; dẫu cho tình yêu ấy có dáng dấp của hư vô và sợ hãi.

Tôi phải yêu hữu thể hư vô. Thật kinh khủng nó sẽ là gì nếu tôi là gì đó! Tôi phải yêu sự hư vô của mình, tình yêu là hư vô. Tôi phải yêu với phần linh hồn ở phía bên kia tấm màn, vì phần linh hồn ấy có thể cảm thấy ý thức không thể yêu hư vô. Nó có sự khiếp sợ của nó. Mặc dù nó có thể nghĩ nó yêu hư vô, nhưng những gì nó yêu thực sự là gì đó khác với hư vô.[167]

Có thể khẳng định, Thượng đế là Đấng vắng mặt nhưng Ngài không hư vô.[168] Tình yêu của con người vẫn có đích đến; đích ấy là Đấng ấy ở phía xa bức màn thế giới. Hơn nữa, dẫu cho nỗi ưu tư là món quà mà Thượng đế dành cả cho người lành kẻ dữ, nhưng mỗi người sẽ kinh nghiệm về lòng thương xót ấy khác nhau. Simone Weil kinh nghiệm điều này như sau: “dẫu cho các linh hồn đáng bị nguyền rủa đang ở trên thiên đường, nhưng đối với họ thiên đường ấy là địa ngục.”[169] Hay nói cách khác, Thượng đế chấp nhận cả hai hạng người nhưng ngày hiệp thông sau cùng sẽ chia phần hơn cho người lành.

Đi xa hơn, Weil tiếp tục nghĩ về giá trị của đau khổ qua sự thương xót của Thượng đế. Weil cho rằng, “vì giải thích đau khổ là giải quyết nó; do vậy không được giải thích. Đây là giá trị ưu việt của đau khổ về những con người vô tội.”[170] Thế đó, đau khổ không thể biến mất, nó như định mệnh của con người. Có thể nói, đau khổ là cơn thử thách cho người lành và người dữ. Weil nghĩ rằng, điều đó sẽ đưa con người đến cuối khả năng của bản thân và họ chỉ có dừng lại, nhìn lên và chờ đợi – nên đó là điều mà chúng ta chạm đến sự thinh lặng của Thượng đế.[171]

Tóm lại, sau bao kinh nghiệm trải qua, Simone Weil dần kinh nghiệm sự hiện diện của Thượng đế. Sự hiện diện ấy cách xa con người và ở phía sau bức màn của thế giới này. Hay nói theo cách của Weil, sự hiện diện đầy vắng mặt. Thế nên, con người luôn tìm phương thế để nhận biết đầy ý thức về Thượng đế. Do vậy, Simone Weil đã suy nghĩ một chiều kích mới của nỗi ưu tư như là ân huệ giúp con người nhận ra Thượng đế. Đó là chiều kích chú tâm (attention).

Chiều kích chú tâm

Một trong những chìa khóa quan trọng của Simone Weil được dùng khi nói về thực tại, đó là sự chú tâm. Simone Weil xác tín rằng, sự chú tâm sinh ra thực tại.[172] Sinh ra không theo nghĩa thực tại đi từ việc hư vô đến tồn tại, nhưng theo nghĩa việc chú tâm giúp hiểu thực tại tốt hơn. Weil viết thêm, “Nếu sự chú tâm càng lớn thì hữu thể thực sự trong đối thể càng được hiểu rõ ràng.”[173] Hay nói cách khác, mức độ của việc chú tâm khác nhau sẽ tác động đến mức độ hiểu biết khác nhau của chúng ta về thực tại. Do đó, Weil đề nghị con người chẳng cần lặn lội công sức đi tìm điều gì mới, nhưng chỉ cần kiên nhẫn, nỗ lực và có phương pháp sẽ hiểu rõ con người tổng thể chính mình cũng như thực tại cuộc sống.[174]

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người dễ dàng nhầm lẫn giữa những đặc tính của sự chú tâm và ý chí.[175] Weil nói rõ, “Ý chí chỉ kiểm soát chuyển động của cơ bắp, và những chuyển động này được liên kết với ý tưởng về sự thay đổi vị trí của các vật thể gần kề.”[176] Ví như ta cố gắng dồn lực để đẩy thanh tạ lên xuống trong phòng Gym, thì theo Weil, ta đã dùng đến lý trí để điều khiển nó thay vì sự chú tâm. Hay khi bảo các học sinh tập trung chú ý bài học, thì ta thấy chúng cau mày, nín thở, gồng mình… rồi hỏi chúng hiểu gì thì chúng chẳng gặt hái điều gì ngoài mệt mỏi. Chắc chắn đó không phải sự chú tâm vì chúng đã không chú ý đến điều hướng đến. Theo Weil, sự chú tâm là điều gì đó khác biệt. Weil viết tiếp, “Sự chú tâm là một cố gắng, có lẽ lớn nhất trong mọi cố gắng, nhưng đó là một cố gắng thụ động. Tự nó không mang theo sự mệt nhọc.”[177] Thế nên, sự chú tâm cũng là một phần của ý chí nhưng nó đi vào một tâm thế thụ động, chờ đợi để dẫn con người đến với niềm tin và tình yêu, ví như việc cầu nguyện. Weil xác tín, “sự chú tâm đích thực giống như cầu nguyện. Nó đưa con người đến niềm tin và tình yêu. Thế nên, sự chú tâm tuyệt đối không bị xáo trộn chính là cầu nguyện.”[178]

Sự chú tâm đích thực và không bị xáo trộn chính là cầu nguyện.[179] Đây là phương thế thiêng liêng giúp con người tìm kiếm sự thật. Weil cho rằng “sự thật được tìm kiếm không phải vì nó là sự thật mà vì nó là sự thiện”[180] Hơn nữa, sự thiện ấy được tỏ lộ cách tự nhiên khi con người chú tâm đích thực vào những mảng chân dung thiện ác trong chính mình. Đến đây, Weil kinh nghiệm được rằng, khi bà chú tâm giải phóng năng lượng trong bản thân thì có lực phản đòn gắn chúng lại. Weil nghĩ mình đang dính bén vào sự kiêu ngạo nếu sự chú tâm ấy thiếu mất ân sủng.[181] Do đó, Weil xác tín rằng, việc cầu nguyện phải đến từ tâm thế của cái tôi chú tâm thụ động.[182]

Sự chú tâm gồm việc ngừng nghĩ tư tưởng, để mặc nó mở ra, trống lặng và dễ dàng cho đối tượng xâm nhập, duy trì trong chính ta những tri thức khác biệt đã có […] những tri thức đó sẽ được duy trì bên cạnh tư tưởng nhưng ở một mức độ thấp hơn và không xúc tiếp với tư tưởng.[…] Tư tưởng phải giống một người ở trên một ngọn núi nhìn vào trước mặt và nhận ra, đồng thời chân mình bao nhiêu rừng núi và đồng bằng mà không ngắm nhìn chúng. Và nhất là tư tưởng phải trống lặng, ở trong trạng thái đợi chờ, không tìm kiếm gì, nhưng vẫn sẵn sàng tiếp nhận đối tượng sẽ xâm nhập trong sự thật trần truồng của mình.[183]

Thế nên, Weil cho rằng, “những của cải quý giá nhất không bao giờ nên tìm kiếm, mà chỉ nên chờ đợi.”[184] Nghĩa là con người bước vào việc chú tâm thụ động trong cầu nguyện là con người bước vào một chân trời mới. Nơi đó, những tư tưởng ập đến và đưa con người đến một khoảng không của không gian hùng vĩ. Nhưng con người không ngắm nhìn chúng và không tìm kiếm gì và chỉ ở trong trạng thái chờ đợi… Đồng hành với nó, sự chú tâm luôn đi kèm với sự khao khát. [185] Weil đề nghị, “chúng ta phải khao khát rằng nó nên được thực hiện trong chúng ta – khao khát nó thực sự – chỉ đơn giản là khao khát nó, chứ không phải cố gắng để hoàn thành nó.”[186] Từ đó, có thể nói được rằng, con người không thể tự mình tìm kiếm chân lý nếu không chờ đợi và khao khát, ngoại trừ nó chỉ là sự giả tạo của ý chí.

Hơn nữa, sự chú tâm đưa con người đi từ chân lý thực tại đến chân lý vĩnh cửu. Đó là Thượng đế. Simone Weil nghĩ rằng, vì “Thượng đế là sự chú tâm mà không có xáo trộn”[187] thế nên sự chú tâm con người càng tinh tuyền bao nhiêu thì con người sẽ bắt gặp thực tại sau cùng bấy nhiêu. Đó là hành động mà Weil cho rằng là hành động không hành động của cầu nguyện trong tâm hồn.[188] Cùng với đó, Weil đề nghị, chúng ta cần phải nuôi dưỡng nó ngay khi chúng ta có một chấm nhỏ của sự vĩnh cửu trong tâm hồn như sau: “Chúng ta nuôi dưỡng sự bất biến trong tâm hồn bằng sự suy ngẫm về điều không thay đổi trong thân xác.”[189] Ví như người nông dân, thợ thuyền đạt được sự gần gũi với Thượng đế bằng hương vị bên trong sự thanh bần, sự thiếu vắng uy tín xã hội và những khổ đau dài đăng đẳng.[190] Thế nên, con người cũng sẽ tìm thấy Thượng đế trong sự cô đơn, đau khổ và trong thực tại cuộc sống.

Sự rỗng và sự cô đơn cũng là giá trị cao quý để con người có thể gặp gỡ Thượng đế. Simone Weil nghĩ rằng, “không thể phủ nhận sự rỗng mà chúng ta nắm bắt với những mâu thuẫn trái ngược là từ trên cao, vì chúng ta càng nắm bắt nó, chúng ta càng nhạy bén với khả năng tự nhiên về thông minh, ý chí và tình yêu.”[191] Nói cách khác, sự rỗng có giá trị như là trung gian mà chúng ta có thể trau dồi những nhân đức cao quý. Hơn nữa, Weil viết tiếp, sự cô đơn tâm hồn đến từ việc con người xem hiện hữu bản thân chỉ vật chất đơn thuần như sự hiện diện của cây cối, đá cụi hay bông hoa…[192] Thế nên, Weil tin rằng, “giá trị của sự cô đơn chỉ đến từ sự chú tâm; mà Thượng đế không thể là những gì chúng ta là. Do vậy, con người càng chiêm ngưỡng sự cô đơn bao nhiêu, thì con người càng chiêm ngưỡng Thượng đế bấy nhiêu.”[193]

Bên cạnh đó, để đi vào con đường chú tâm không phải là điều dễ dàng và Simone Weil nghĩ rằng thực sự việc thực hành sự chú tâm rất khó. Weil giải thích, “có một cái gì đó trong tâm hồn ta xua đuổi sự chú tâm đích thực, mãnh liệt hơn nhiều so với nhục thể xua đuổi sự nhọc nhằn. Cái gì đó gần gũi với điều ác hơn xác thịt rất nhiều.”[194] Theo đó, trong con người vẫn còn có điều gì đi ngược với sự chú tâm. Nó làm xáo trộn tâm hồn để con người không hướng đến việc cầu nguyện. Thực sự, điều kéo lại ấy không gì ngoài lực của trọng lực mà Weil đã xác tín ở phần trước. Trọng lực luôn làm tâm hồn con người xáo trộn và hướng xuống.[195] Vì thế, Weil viết tiếp, “bất cứ khi nào ta chú tâm đích thực, ta đã phá hủy điều xấu ác trong ta. Nếu ta chú tâm với ý hướng đó, một khắc chú tâm còn nhiều giá trị hơn những công trình tốt đẹp.”[196] Từ đó, có thể nói rằng, một khi con người hướng tâm thực sự vào điều tốt thì con người sẽ thoát khỏi những gì xáo động và đau khổ bên trong.

Tóm lại, Simone Weil cho rằng, con người từ bên trong có lòng khao khát hiểu biết về thực tại. Thay vì nỗ lực lặn lội đi tìm điều gì mới thì con người có thể chú tâm vào chính mình và chú tâm vào những gì đang diễn ra để thấy rõ sự chân lý thiện hảo – Thượng đế. Hơn nữa, sự chú tâm là hành động thụ động của sự chờ đợi hơn là vận dụng hành động cơ lực của ý chí. Do vậy, con người cần bước vào cầu nguyện và chiêm ngắm thực tại để đạt đến một tình yêu mới. Tình yêu vĩnh cửu.

Kết Luận

Tóm kết

Trước hết, trong tác phẩm Gravity and Grace, chúng ta thấy có rất nhiều tư tưởng quan trọng được Simone Weil trình bày qua việc liên kết các khái niệm như: Trọng lực, Ân sủng, Đau khổ, sự Rỗng, Dính bén, nỗi Ưu tư, Giải trừ Sáng tạo, Metaxu (sự trung gian), Thượng đế hiện diện vắng mặt, sự Chú tâm… Đặc biệt, có một khái niệm được Weil xét như là bước đệm và cũng là trung gian dẫn cái hiện hữu con người đến với Thượng đế, ấy là nỗi Ưu tư. Một khi con người còn thao thức với hạnh phúc đích thực, với sự giới hạn của thân phận – đau khổ thì con người luôn ở trong tâm thế người hành hương ưu tư về nguồn cội – nơi phát xuất hạnh phúc viên mãn. Từ đó, nỗi Ưu tư là bước ngoặt giúp con người ý thức sự hiện hữu chính mình rõ hơn và là con đường dẫn tới cội nguồn ý nghĩa – Thượng đế.

Kế đến, nỗi Ưu tư đặt nền tảng cho đời sống con người. Weil cho rằng, sự đau khổ (tinh thần và thể xác) càng lớn thì con người càng nổi lên sự ưu tư về chính mình.[197] Đau khổ phát xuất từ việc con người bị lực của trọng lực chi phối. Nó kéo mọi chuyển động tâm hồn con người hướng xuống và dẫn con người đến những điều thấp hèn.[198] Do vậy, nỗi ưu tư giúp con người chê ghét sự kìm kẹp của trọng lực và dẫn con người hướng đến một sức mạnh nào khác ngoài con người.[199] Một năng lực không bị chi phối bởi trọng lực. Đó là Ân sủng.[200] Weil nghĩ rằng, ân sủng phải là nguồn năng lượng đến từ trên cao và con người luôn ưu tư về nó nếu muốn hết đau khổ. Cho nên, nỗi ưu tư là thiết yếu trong mỗi con người và là điểm tiếp nối giữa trọng lực và ân sủng.

Hơn nữa, trong khi chờ ân sủng, con người cần chấp nhận sự Rỗng trong chính mình. Weil cho rằng, thường con người đối diện với đau khổ thì họ ưu tư đến việc đáp lại bằng sự trả thù hay tha thứ người khác để trở về trạng thái cân bằng; Tuy nhiên, nếu sự cân bằng này không đạt đến thì họ sẽ đối diện sự rỗng nơi họ.[201] Sự rỗng là đêm tối của tâm hồn. Một nơi cần đến ánh sáng của ân sủng lấp đầy. Do vậy, con người cần chấp nhận sự rỗng và sự rỗng lớn nhất chính là cái chết.[202] Với Simone Weil, nhờ việc chấp nhận sự rỗng mà con người bước vào tâm thế chờ đợi ân sủng lấp đầy chính mình. Nhờ đó, con người đảm nhận con đường mới. Con đường ấy là cự tuyệt chính mình.

Simone Weil thừa nhận, thực tại cuộc sống con người đang bị lực của trọng lực chi phối.[203] Thay vì tâm hồn con người hướng đến giá trị thiện hảo ở phía trên thì trọng lực kéo con người xuống những giá trị vật chất. Càng ngày con người càng dễ dính bén với sự vật trong thế giới hiện tượng. Từ đó, hiện hữu con người chẳng còn là hữu thể tự do. Vì vậy, thật dễ hiểu khi con người ưu tư về việc đi tìm ý nghĩa đích thực của đời mình và trở về với bản chân chính mình bằng việc giải trừ những gì làm nên hữu thể dính bén. Weil hiểu rằng, nỗi ưu tư ấy luôn mang những chiều kích như: giải trừ thời gian, giải trừ cái ‘Tôi’, giải trừ sự Sáng tạo và hướng đến chiều kích trung gian. Với Weil, thời gian là hình ảnh của vĩnh cửu và con người là hữu thể gắn kết với thời gian.[204] Nên con người là hữu thể trong thời gian và bị giới hạn bởi thời gian. Thật không lạ gì, khi con người khắc khoải ưu tư về thời gian tính của bản thân so với tính vĩnh cửu của thời gian. Càng so sánh con người càng tạo nên sự rỗng cho bản thân, trừ khi con người chấp nhận điểm tới hạn của bản thân để giải trừ thời tính trong mình.

Cùng với đó, tự bản chất nỗi ưu tư mang chiều kích giải trừ cái ‘Tôi’.[205] Cách tự nhiên, con người đang hình thành nên cái Tôi của chính mình. Nhưng với sự chi phối của trọng lực, cái Tôi ấy bị dính bén sự vật qua việc sở hữu và kiểm soát chúng. Có thể nói, nếu cái Tôi ngừng sở hữu thì nó sẽ ngừng tồn tại.[206] Thế nên, Weil tin rằng khi con người còn cái Tôi, con người còn đau khổ.[207] Hay nói khác đi, qua nỗi ưu tư, cái Tôi là sự bất hạnh lớn nhất của con người. Từ đó, con người cần vượt qua nỗi bất hạnh đồng nghĩa với việc con người cần giải trừ cái Tôi của chính mình.

Thêm vào đó, Weil xác tín rằng, con người cần được giải trừ sự sáng tạo.[208] Weil nghĩ rằng, khác với sự phá hủy là làm cho một điều được tạo ra đi vào sự hư vô thì giải trừ sự sáng tạo là làm điều gì đó được tạo ra đi vào sự không sáng tạo.[209] Nghĩa là, khi hiện hữu con người dính bén với thế giới này, con người không còn là hữu thể hiện hữu uyên nguyên (pure) khi mới sáng tạo. Do vậy việc giải trừ sự sáng tạo sẽ đưa con người trở về tình trạng hiện hữu ban đầu, mà Weil cho nó là trạng thái ‘không sáng tạo’. Hơn nữa, Weil cho rằng, “Đấng, mà ban cho chúng ta sự hiện hữu, yêu thương chúng ta chấp nhận cái không hiện hữu [của chúng ta]”[210] Tức là, Thượng đế vẫn mong chờ và chấp nhận con người trở về với trạng thái hiện hữu ban đầu. Thế nên, khi con người ưu tư là lúc con người không ngừng giải trừ sự sáng tạo.

Thế nên, Weil cho rằng, thực tại cuộc sống này chỉ là phương tiện trung gian.[211] Trung gian vì cuộc sống này không phải là cùng đích của con người. Trung gian để giúp con người trở về với cội nguồn thực tại, đó là Thượng đế. Theo Weil, ngang qua nỗi ưu tư, con người nhận ra thế giới này chỉ là sự trung gian dẫn họ đi từ điều này sang điều khác không ngừng.[212] Thay vì hữu thể ưu tư chìm mình trong hệ quả chính nó thì hữu thể ưu tư hướng về Đấng đã dùng đau khổ để liên lạc với con người. Thế nên, Weil xác tín rằng, qua nỗi ưu tư mà con người thấy đau khổ của bản thân như một sự trung gian giữa con người và Đấng đã dùng đau khổ để gặp gỡ con người.[213]

Cuối cùng, nỗi ưu tư là khe lộ dẫn con người đến với Thượng đế. Giờ đây, nỗi ưu tư không còn là bước tường ngăn cách nhưng nó là con đường để ân sủng đi xuống con người hay con người đi lên gặp gỡ Thượng đế. Simone Weil phác họa cho bản thân những bước đường của chiều kích ưu tư như: sự Tình cờ, sự Hiện diện thiếu vắng và sự Chú tâm. Với những chiều kích này, thay vì con người nỗ lực lặn lội đi tìm thì, theo Weil, con người chỉ cần tin tưởng và chờ đợi với một nỗ lực thụ động. Trước tiên, Weil khẳng định, sự ưu tư mang chiều kích tình cờ. [214] Vì những cuộc gặp gỡ giữa ta với những gì ngoài ta là không biết trước. Mọi thứ đến rồi lại đi, gặp rồi lại tan. Thế nên, những chuyển động pha trộn giữa niềm vui và nỗi buồn của tâm hồn làm nên nỗi ưu tư bất chợt.[215] Từ đó, con người ưu tư mới có cơ hội nhận ra giá trị không thay đổi, cái vô hạn bên ngoài thụ tạo. Đó là Thượng đế. Do vậy, Weil tin rằng, sự tình cờ của nỗi ưu tư giúp con người gặp gỡ Thượng đế. Tuy nhiên, Thượng đế hiện diện cách vắng mặt trong thế giới này.[216] Tức là nơi hiện tượng sự vật không là Thượng đế, nhưng qua nó, con người kinh nghiệm thấy sự hiện hữu của Ngài. Đó là một sự hiện hữu cách vắng mặt. Simone Weil ví sự hiện diện vắng mặt này như vần xoay của nắng mưa trên người lành kẻ dữ, dù họ có là ai nhưng họ vẫn được Thượng đế ưu đãi như nhau.[217] Thế nên, Weil suy nghĩ đến một chiều kích Chú tâm của nỗi ưu tư để con người có thể chiêm ngắm sự Hiện diện vắng mặt của Thượng đế trong thế giới này.

Tóm lại, trong trạng thái đau khổ của con người, Simone Weil luôn khẳng định đến khái niệm nỗi ưu tư như là một trạng thái đặc biệt của linh hồn. Dù nỗi ưu tư gắn liền với đau khổ nhưng nó hoàn toàn khác biệt với những chiều kích của nó. Qua những chiều kích sự rỗng, sự giải trừ thời gian, giải trừ cái tôi, giải trừ sự sáng tạo, chiều kích trung gian, hay chiều kích tình cờ, chiều kích chú tâm… làm nên một thực tại mới nơi hữu thể hiện hữu con người. Thế nên, Simone Weil tin rằng, nỗi ưu tư có sức mạnh nhổ bậc rễ bám đau khổ của con người hướng đến Thượng đế và chờ đợi hạnh phúc từ Thượng đế.

Một vài ghi nhận

Đầu tiên, người viết thấy được khái niệm nỗi ưu tư của Simone Weil rất đa dạng và phong phú với những chiều kích liên hệ đến Triết học Hiện Sinh, Tri Thức luận, Phương pháp Giáo dục và giá trị Huyền bí của Tôn giáo. Thực vậy, quan niệm nỗi ưu tư của Simone Weil đóng góp rất lớn cho nền triết học, thần học và giáo dục xét như một chủ đề hiện sinh hay phương pháp tiếp cận triết học hay một lối nẻo hướng về Thượng đế của thần học hay phương pháp giáo dục học sinh. Hơn nữa, quan niệm về nỗi ưu tư là cách thể giúp con người đương đầu với đau khổ và mang lại giá trị, ý nghĩa cho con người đau khổ. Nó còn giúp con người rèn luyện bản thân qua phương pháp chú tâm. Đặc biệt, nó đưa con người thoát khỏi những trạng huống đau khổ để có thể nhận ra thực tại rõ hơn và tiến đến gần hơn với ‘hạnh phúc’ trọn vẹn. Đó là sự gặp gỡ Thượng đế.

Tư tưởng về Thượng đế của Simone Weil khá đặc biệt. Thượng đế của Weil, đôi lúc, là Đấng tạo dựng, Đấng yêu thương và hủy Mình ra không của Kitô Giáo được trình bày xuyên suốt tác phẩm. Tuy nhiên, có những đoạn văn Weil trình bày về Thượng đế như là Thực thể Siêu nhiên chi phối vạn vật và triết lý trở về với Nhất thể của Upanishad Ấn Độ giáo.[218] Hay Thượng đế là Đấng thưởng phạt kẻ lành người dữ, dùng sự dữ để răn dạy con người của Do Thái Giáo. Hay Thượng đế là vũ trụ vạn vật trong Đạo Giáo của Lão Tử. Tuy nhiên, mọi cái nhìn ấy đều có điểm chung trong khái niệm về Thượng đế của Weil. Đó là Thượng đế tự tỏ lộ chính mình cho thế giới bởi sự hiện diện vắng mặt. Sự hiện diện vắng mặt ấy xét như là điều kiện thiết yếu cho con người tồn tại.[219] Đi xa hơn, dù tư tưởng Thượng đế là Đấng sáng tạo xuyên suốt tác phẩm Gravity and Grace, nhưng Simone Weil vẫn dùng đến thuyết dị nguyên của hai thế lực: Ân sủng và Trọng lực. Ân sủng đến từ Thượng đế (đại diện cho quyền năng của Thượng đế, hướng con người lên trên và dấu chỉ của Thiên đàng) và Trọng lực là lực thiết yếu cơ bản (đại diện cho sự dữ, kéo chuyển động tâm hồn con người đi xuống, dấu chỉ của hỏa ngục). Thế nên, theo Simone Weil, “có tồn tại một năng lực thần thiêng. Tất cả những gì còn lại sẽ là Thượng đế.”[220] Hơn nữa, một mặt Weil xem Ân sủng là món quà đến từ Thượng đế, không thể biết được. Nhưng mặt khác, Weil nghĩ đến cơ chế của Ân sủng như là định luật nhiệt động lực học – entropy của vật lý. Nghĩa là, khi linh hồn con người rơi vào sự rỗng thì trong tâm hồn sẽ có một khoảng trống cần được lấp đầy. Thế nên, theo Weil, ân sủng của Thượng đế sẽ đi vào sự rỗng và lấp đầy tâm hồn bình an con người. Do vậy, những tư tưởng mô tả về Thượng đế và các lực chi phối còn khá rối rắm, chưa giải quyết tận ngọn nguồn.

Hơn nữa, Simone Weil dùng tư tưởng chủ đạo ‘cõi niết bàn’ của Phật Giáo để trình bày sự vĩnh cửu trong triết thuyết của mình. Theo Weil, “chúng ta muốn mọi sự đều trở thành giá trị vĩnh cửu. Cuộc gặp gỡ làm nên giá trị của mọi sự cho đến khi nó bị tách ra khỏi cuộc gặp gỡ ấy.”[221] Tức là, mọi sự vật đều có giá trị vĩnh cửu ngay từ ban đầu khi thực tại này ở trong cõi niết bàn. Nhưng do thực dục và ái dục làm con người tách ra khỏi sự gắn kết ấy. Đây rõ ràng là tư tưởng chủ đạo của Phật giáo. Cùng với đó, khái niệm đau khổ của Weil, phần nào đó được khắc họa trong tư tưởng ‘đời là bể khổ’ của Phật giáo trong kinh Ahàm, Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể. Vì Weil xem đau khổ như là phần thiết yếu của con người. Nói cách khác, con người hiện hữu gắn liền với đau khổ.

Tiếp đó, Simone Weil đã sử dụng và phát triển những chiều kích thần học của Kitô giáo để trình bày khái niệm nỗi ưu tư. Ví như chiều kích dính bén, giải trừ cái ‘Tôi’, giải trừ sự sáng tạo,… Ở đây, cũng thừa nhận Simone Weil là một người Do thái giáo nên những tư tưởng của Weil đã dính với triết lý thần học Do thái Giáo và Kitô giáo. Thay vì Kitô giáo phát triển khía cạnh tội lỗi, con người sa ngã và con người cần trở về với Thiên Chúa qua việc thực hiện Kenosis của Đức Giêsu thì triết thuyết của Simone Weil cũng tương tự như thế. Weil quan niệm, hiện hữu con người chịu sự chi phối của lực trọng lực nên những chuyển động tâm hồn bị lực ấy kéo xuống. Nó làm cho hiện hữu con người dính bén với sự vật. Cùng với đó, Weil nghĩ rằng, bao lâu hiện hữu con người còn gắn với Thượng đế thì hiện hữu ấy mới đầy tràn. Nhưng do con người dính bén với thế giới hiện tượng, tạo nên cái ‘Tôi’ dính bén nên hiện hữu con người không còn là hiện hữu uyên nguyên. Cả hai khía cạnh ấy, theo Simone Weil, mỗi người cần được phải giải trừ khỏi dính bén, giải trừ cái ‘Tôi’ và trở về với vị trí hiện hữu ban đầu của con người trong tình yêu của Thượng đế.

Thư Mục Tham Khảo

Nguồn tham khảo chính

Simone Weil. Gravity and Grace. Translated by Emma Crawford, & Mario von der Ruhr. London: Routledge, 2002.

—. The Notebooks of Simone Weil. Translated by Arthur Wills. New York: G.P.Putnam’s Sons, 1956.

Nguồn tham khảo phụ (Articles và Commentaries)

Joseph-Marie Perrin; Gustave Thibon;. Simone Weil as We Knew Her. Translated by Emma Craufurd. London: Routledge and Kegan Paul Ltd, 1953.

Lissa McCullough. The Religious Philosophy of Simone Weil. London: I.B. Tauris & Co Ltd, 2014.

Mariano Gutierrez Alarcon. “Simone Weil on Necessity and Affliction.” Academia. n.d. https://www.academia.edu/24984118/Simone_Weil_on_Necessity_and_Affliction (accessed March 20, 2020).

Peter Roberts. “Attention, Asceticism and Grace.” Simone Weil and Higher Education, 2011: 315.

Pirruccello, Ann. “”Gravity” in the Thought of Simone Weil.” Philosophy and Phenomenological 1 (1997): 73-93.

Rozelle-Stone; A. Rebecca; Benjamin P. Davis;. “Simone Weil.” The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Edited by Edward N. Zalta. 2018.

Simone Weil. First and Last Notebooks. Translated by Richard Rees. NewYork: Oxford University Press, 1970.

—. Kẻ lạ ở Thiên Đường. Translated by Phùng Thăng. Sài Gòn: An Tiêm, 1974.

—. Waiting for God. NewYork: Capricorn Books, 1959.

 


[1] Simone Weil, Gravity and Grace,Trans. Emma Crawford và Mario von der Ruhr,(London: Routledge, 2002), 145-146.

[2] Ibid, 145.

[3] Simone Weil, Gravity and Grace, xvi.

[4] Peter Roberts, Attention, Asceticism and Grace: Simone Weil and Higher Education, published in Art and Humanities in Higher Education,(vol 10, 2011), 315.

[5] Fiedler, Waiting for God of Simone Weil, vii.

[6] Simone Weil, Kẻ lạ ở Thiên Đường, Trans. Phùng Thăng(Sài Gòn: An Tiêm, 1974), 279-282.

[7] Simone Weil, Kẻ lạ ở Thiên Đường, 1-4.

[8] Ibid.

[9] Ibid.

[10] Thật sự, cuối năm 1941 trước khi Simone Weil cùng gia đình rời khỏi Pháp để tìm một nơi an toàn và bà nghĩ rằng mình sẽ không còn trở về nước nữa nên đã đưa cho Gustave Thibon tập The Notebooks của mình. Sau này, Gustave Thibon đã chắc lọc lại một vài tư tưởng của bà để tạo nên quyển sách Gravity and Grace nổi tiếng.

[11] Joseph-Marie Perrin and Gustave Thibon, Simone Weil as We Knew Her, Trans. Emma

Craufurd(London: Routledge, 2002), 2-4.

[12] Rozelle-Stone, A. Rebecca and Davis, Benjamin P., “Simone Weil”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2018 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = https://plato.stanford.edu/archives/spr2018/entries/simone-weil/, ngày truy cập: 20/01/20.

[13] Ibid.

[14] Joseph-Marie Perrin and Gustave Thibon, Simone Weil as We Knew Her, 2.

[15] Simone Weil, Gravity and Grace, xii.

[16] Simone Weil, Gravity and Grace, 1.

[17] Roberts, Peter. “Attention, Asceticism, and Grace: Simone Weil and Higher Education.” Arts and Humanities in Higher Education, vol. 10, no. 3, July 2011, pp. 316, doi:10.1177/1474022211408037.

[18] Simone Weil, Gravity and Grace, 2.

[19] Ibid.

[20] Simone Weil, Gravity and Grace, 2-3.

[21] Ibid.

[22] Theo Emma Craufurd (là tác dịch giả cuốn Waiting for God của Simone Weil) cho rằng, không có từ vừng tiếng Anh nào có thể nghĩa tương tự như tiếng Pháp khi nói về nỗi ưu tư: ‘malheur‘ – sự ưu tư, sự bất hạnh. Gần với ‚malheur‘ trong tiếng Anh có từ affliction mà hai dịch giả Emma Crawford and Mario von der Ruhr đã dùng cho bản dịch năm 1952 có nghĩa là sự ưu phiền, sự ưu tư. Do đó, trong bài luận này, người viết xin chọn nghĩa sự ưu tư để trình bày. Trong từ nỗi ưu tư, nó có nghĩa [điều] “không thể nào tránh được”, và, “trầm ngâm”, số phận kiếp người là vậy.

[23] Simone Weil, Gravity and Grace, 4.

[24] Ibid, 3.

[25] Ibid.

[26] Ibid.

[27] Simone Weil, Gravity and Grace, 1.

[28] Ibid, 3.

[29] Ibid.

[30] Simone Weil, Gravity and Grace, 78.

[31] Ibid.

[32] Simone Weil, Gravity and Grace, 78.

[33] Ibid.

[34] Ibid, 81.

[35] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 116.

[36] Simone Weil, Gravity and Grace, 81.

[37] Ibid.

[38] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 116.

[39] Simone Weil, The Notebook of Simone Weil, 311.

[40] Simone Weil, Kẻ lạ ở Thiên đường, 115; Gravity and Grace, 82.

[41] Ibid, 116-117.

[42] Ibid, 118.

[43] Ibid.

[44] Simone Weil, Gravity and Grace, 81. Nguyên văn: “Affliction compels us to recognize as real what we do not think possible.”

[45] Ibid.

[46] Simone Weil, The Notebook of Simone Weil, 191.

[47] Ibid, 235.

[48] Simone Weil, Gravity and Grace, 6.

[49] Simone Weil, Gravity and Grace, 5.

[50] Ibid, 5-6.

[51] Simone Weil, Gravity and Grace, 6.

[52] Ibid.

[53] Simone Weil, Gravity and Grace, 5-11.

[54] Ibid.

[55] Simone Weil, Gravity and Grace, 6.

[56] Ibid.

[57] Simone Weil, Gravity and Grace, 7.

[58] Ibid.

[59] Ibid, 7-8.

[60]Trong tập The Notebooks của Weil, bà xem cơ chế linh hồn con người xét như một loại khí vật lý hiện hữu ở trong con người. Khi con người rơi vào sự rỗng thì trong tâm hồn sẽ có một khoảng trống cần được lấp đầy. Theo Simone Weil, trái với định luật nhiệt động học entropy là trong một hệ kín thì nhiệt có khả năng tăng lên hay giữ nguyên nhưng với kinh nghiệm của Weil, bà cho rằng, Thượng Đế của Kitô giáo vượt trên quy luật entropy và ân sủng của Ngài sẽ đi vào sự rỗng và lấp đầy tâm hồn bình an con người.

[61] Ibid, 9-11.

[62] Simone Weil, Gravity and Grace, 10.

[63] Ibid.

[64] Simone Weil, Gravity and Grace, 11.

[65] Ibid, 2.

[66] Ibid, 30.

[67] Simone Weil, Gravity and Grace, 19.

[68] Ibid.

[69] Ibid.

[70] “The past and the future hinder the wholesome effect of affliction by providing an unlimited field for imaginary elevation.”

[71] Simone Weil, Gravity and Grace, 20.

[72] Ibid.

[73] Ibid.

[74] Simone Weil, Gravity and Grace, 20-21.

[75] Ibid, 21.

[76] Ibid, 19-21.

[77] Simone Weil, Gravity and Grace, 31.

[78] Ibid, 26.

[79] Simone Weil, Gravity and Grace, 14.

[80] Ibid.

[81] Ibid, 26.

[82] Simone Weil, Gravity and Grace, 27.

[83] Ibid.

[84] Ibid, 27.

[85] Simone Weil, Gravity and Grace, 26-27.

[86] Ibid.

[87] Ibid.

[88] Simone Weil, Gravity and Grace, 28.

[89] Ibid.

[90] Ibid, 29.

[91] Ibid, 28.

[92] Simone Weil, Gravity and Grace, 32.

[93] Ibid.

[94] Ibid, nguyên văn: “But God can only love himself. His love for us is love for himself through us. Thus, he who gives us our being loves in us the acceptance of not being.”

[95] Ibid.

[96] Ibid.

[97] Ibid.

[98] Ibid, nguyên văn: “Decreation to make something created pass into the uncreated.”

[99] Simone Weil, Gravity and Grace, 35-37.

[100] Ibid, 32.

[101] Simone Weil, Gravity and Grace, 32-33.

[102] Ibid.

[103] Ibid.

[104] Ibid, 33.

[105] Rozelle-Stone, A. Rebecca and Davis, Benjamin P., “Simone Weil”, ngày truy cập: 20/03/20.

[106] Simone Weil, Gravity and Grace, 33.

[107] Ibid.

[108] Ibid.

[109] Ibid.

[110] Simone Weil, Gravity and Grace, 34.

[111] Ibid, 38.

[112] Simone Weil, The Notebooks of Simone Weil, 620.

[113] Simone Weil, Gravity and Grace, 34.

[114] Ibid.

[115] Ibid, 34-35.

[116] Simone Weil, Gravity and Grace, 35.

[117] Ibid.

[118] Ibid.

[119] Ibid, 36.

[120] Simone Weil, Gravity and Grace, 37.

[121] Ibid.

[122] Ibid.

[123] Ibid.

[124] Simone Weil, Gravity and Grace, 145-146.

[125] Ibid, 1.

[126] Ibid, 32.

[127] Simone Weil, Gravity and Grace, 145.

[128] Ibid, 33.

[129] Simone Weil, Gravity and Grace, 146.

[130] Ibid, 34.

[131] Simone Weil, Gravity and Grace, 147.

[132] Ibid.

[133] Simone Weil, Gravity and Grace, 145.

[134] Ibid.

[135] Ibid.

[136] Simone Weil cho rằng, sự dữ hay đau khổ là một cách Thượng đế yêu thương con người. Thượng đế dùng sự dữ để con người hướng về Thượng đế.

[137] Ibid, 12.

[138] Simone Weil, Gravity and Grace, 13.

[139] Ibid.

[140] Ibid, 13-14.

[141] Simone Weil, Gravity and Grace, 107.

[142] Ibid.

[143] Ibid.

[144] Simone Weil, Gravity and Grace, 107.

[145] Ibid.

[146] Ibid.

[147] Simone Weil, Gravity and Grace, 108.

[148] Ibid.

[149] Ibid.

[150] Ibid.

[151] Simone Weil, Gravity and Grace, 107.

[152] Ibid.

[153] Ibid, 41,42,64.

[154] Simone Weil, Gravity and Grace, 109.

[155] Ibid.

[156] Ibid, 110.

[157] Ibid, 109-110.

[158] Simone Weil, Gravity and Grace, 109.

[159] Ibid, 112.

[160] Simone Weil, Gravity and Grace, 110.

[161] Ibid.

[162] Ibid.

[163] Ibid, 111.

[164] Ibid, Paraphase từ footnote, 111.

[165] Simone Weil, Gravity and Grace, 110.

[166] Ibid.

[167] Simone Weil, Gravity and Grace, 111.

[168] Ibid.

[169] Simone Weil, Gravity and Grace, 112.

[170] Ibid.

[171] Ibid, 113.

[172] Simone Weil, The Notebooks of Simone Weil, Trans. Arthur Wills(New York: G.P.Putnam’s Sons, 1956), 527.

[173] Ibid.

[174] Simone Weil, Gravity and Grace, 116.

[175] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 105.

[176] Simone Weil, Gravity and Grace, 116.

[177] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 107.

[178] Simone Weil, Gravity and Grace, 117.

[179] Ibid, 120.

[180] Ibid, 118.

[181] Simone Weil, Gravity and Grace, 117, 119.

[182] Ibid, 117.

[183] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 108-109.

[184] Ibid, 109.

[185] Simone Weil, Gravity and Grace, 118.

[186] Ibid.

[187] Simone Weil, First and Last Notebooks, Trans. Richard Rees (NewYork: Oxford University Press – 1970), 141

[188] Simone Weil, Gravity and Grace, 119. Nguyên văn: “the non-acting action of prayer in the soul.”

[189] Ibid.

[190] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 112.

[191] Simone Weil, Gravity and Grace, 121.

[192] Ibid.

[193] Ibid.

[194] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 108.

[195] Simone Weil, Gravity and Grace, 2-3.

[196] Simone Weil, Kẻ Lạ ở Thiên Đường, 108.

[197] Simone Weil, Gravity and Grace, 4.

[198] Ibid, 2-3.

[199] Ibid, 3.

[200] Simone Weil, Gravity and Grace, 1.

[201] Ibid, 5-11.

[202] Simone Weil, Gravity and Grace, 9-11.

[203] Ibid, 2.

[204] Ibid, 19.

[205] Ibid, 26.

[206] Simone Weil, Gravity and Grace, 14.

[207] Ibid.

[208] Simone Weil, Gravity and Grace, 32.

[209] Ibid.

[210] Ibid.

[211] Simone Weil, Gravity and Grace, 145-146.

[212] Ibid, 145.

[213] Ibid, 146.

[214] Simone Weil, Gravity and Grace, 107.

[215] Ibid.

[216] Ibid, 109.

[217] Ibid, 110.

[218] Simone Weil, Gravity and Grace, 34,64.

[219] Mariano Gutierrez Alarcon, Simone Weil on Necessity and Affliction, https://www.academia.edu/24984118/Simone_Weil_on_Necessity_and_Affliction

[220] Simone Weil, Gravity and Grace, 32.

[221] Ibid, 107.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *