Để tránh tính chất suy đoán và siêu hình như Hegel, Honneth khai triển một cách có hệ thống SfR (The Struggle for Recognition) với “sự hỗ trợ của thực nghiệm” từ nhà tâm lý học George Herbert Mead, David Winnicott và nhiều nhà khoa học khác. Bên cạnh đó, Honneth còn sử dụng xã hội học và sử học để xác định các điều kiện liên chủ thể tính cho sự tự nhận thức cá nhân. Trọng tâm của “lý thuyết nhìn nhận” theo Honneth là sự giải thích của ông về sự tự tin (self-confidence), sự tự tôn (self-respect) và lòng tự trọng (self-esteem), tương ứng với các phương thức nhìn nhận là tình yêu (love), quyền (rights) và sự liên đới (solidarity).
Vì thế, thông qua việc tìm hiểu tư tưởng “sự nhìn nhận mang tính liên chủ thể” (NN-LCT) của Axel Honneth trong tác phẩm SfR, bài viết có thể (a) trình bày về ý nghĩa và tầm quan trọng của NN-LCT và SfR trong sự phát triển cá nhân và xã hội; (b) từ đó suy xét xem có thể đặt NN-LCT là nền tảng cho việc nghiên cứu triết học xã hội ngày nay hay không.
Để làm sáng tỏ khái niệm NN-LCT của Honneth, bài viết sẽ trình bày theo ba chương. Chương I trình bày nền tảng cho lý thuyết NN-LCT của Honneth dựa trên hai triết gia chính là Hegel và Habermas. Chương II sẽ tiến hành trình bày NN-LCT trong SfR theo Honneth. Chương III là những đánh giá cá nhân của người viết về tư tưởng của Honneth.
(Hình ảnh tử internet)