- Lời Chúa
6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em. (Pl 4:6-9)
- Tìm hiểu Pl 4:6-9
Bài đọc vắn này nằm ở phần cuối trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, trong đoạn thánh Phao-lô kêu gọi hai phụ tá của ngài là Euodia và Syntyche hòa giải với nhau (4:1-9). Kêu gọi họ bỏ qua những khác biệt, ngài mời gọi toàn cộng đoàn hãy mừng vui vì Thiên Chúa đã đến gần. Niềm tin của thánh Phao-lô về sự cận kề của ngày trở lại của Đức Ki-tô tạo nên nền tảng cho điều ngài nói đến trong bản văn này: không cần phải âu sầu hoặc lo lắng; tín hữu Phi-líp-phê nên tìm kiếm những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt. Nếu tín hữu Phi-líp-phê vẫn còn nghi ngờ về điều thánh Phao-lô muốn nói đến, thì những lời cuối cùng của ngài sẽ phá tan mọi ngờ vực: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy tiếp tục thực hành.” (4:9).
Những lời này dẫn độc giả vào chủ đề nổi bật trong thư Phi-líp-phê: Sự bắt chước Đức Ki-tô. Đức Ki-tô mới là gương mẫu duy nhất mà tín hữu cần noi theo. Nhưng nếu họ cần trợ giúp để làm điều đó, họ có thể trông vào thánh Phao-lô, người đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô đến mức mà thánh Phao-lô dám kêu gọi người khác bắt chước chính ngài.
Khi phát triển chủ đề noi gương Đức Ki-tô và các thánh, những nhà giảng thuyết cũng nên nhắc nhở cộng đoàn về trách nhiệm của họ trong việc trở thành những gương mẫu để người khác bắt chước. Bắt chước Đức Ki-tô và các thánh, tín hữu phải luôn sẵn sàng để nói: “Hãy bắt chước chúng tôi, rồi bạn sẽ biết được như thế nào là sống trong và sống cho Đức Ki-tô.”
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 51.