CHƯƠNG 9

CÁC MÔ HÌNH CỦA HỘI THÁNH

 

Vương cung Thánh đường thánh Phêrô-Rôma

Bây giờ chúng ta tập trung vào Hội Thánh. Đối với nhiều người, già cũng như trẻ, tin vào Hội Thánh thì khó hơn là tin vào Thiên Chúa hoặc tin vào Đức Giêsu. Tin vào một Thiên Chúa tình yêu và tin vào một Đấng Cứu độ đã chết vì chúng ta là một chuyện. Điều đó thật sự khác với việc tin vào một nhóm người bình thường và đầy giới hạn như tôi. Vấn đề đối với Hội Thánh là Hội Thánh ấy đầy những con người tội lỗi và giới hạn. Tin vào Hội Thánh có thể sẽ dễ dàng nếu Hội Thánh chỉ là một thực tại thánh thiêng, và chỉ dành riêng cho những người thánh thiện. Nhưng sự thực lại không phải thế. Mặc dù có Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn Hội Thánh, nhưng những thành viên thì đầy giới hạn.

Suy nghĩ và thảo luận

Đánh giá sự vững mạnh của đức tin theo những gợi ý sau (sắp xếp theo trình tự từ 1 đến 10)

  1. Tin vào tình yêu Thiên Chúa
  2. Tin vào Đức Kitô
  3. Tin vào Hội Thánh

Trong ba điều trên, điều nào thấp nhất? Tại sao lại thế?

 

1.      HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT MẦU NHIỆM

Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu về mầu nhiệm Hội Thánh. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ dựa vào quan điểm của Avery Dulles S.J. trong tác phẩm khá nổi tiếng với tựa đề Các Mô Hình Hội Thánh (Doubleday, NY, 1972). Tác phẩm này là một trong những tác phẩm ảnh hưởng nhất trong công việc giáo dục tôn giáo. Đóng góp tuyệt vời của Dulles là cố gắng chỉ ra rằng nỗ lực đưa ra một định nghĩa hay mô tả đơn giản về Hội Thánh sẽ đưa đến thất bại. Hội Thánh là một “mầu nhiệm” không tuân theo một mô tả nào. Từ “mầu nhiệm” không có nghĩa là một bí ẩn. Nó nói đến một thực tại Thiên Chúa đang làm việc và hiện diện. Nó hàm chứa một ý nghĩa phong phú và sâu xa mà con người không thể nắm bắt hết được. Với ý nghĩa như thế, con người cũng được xem như là một mầu nhiệm. Chúng ta cũng không tuân theo bất kỳ một miêu tả hay một định nghĩa nào. Dulles đưa ra năm “mô hình” khác nhau về Hội Thánh. Những mô hình này giúp chúng ta có được những cách hiểu khác nhau về Hội Thánh nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau. Chúng là những yếu tố cần thiết của Hội Thánh và ăn khớp với nhau. Khi đặt chúng trong tương quan với nhau, các mô hình này có thể giúp chúng ta hiểu tốt hơn về bản chất của Hội Thánh.

Suy nghĩ và thảo luận

Để giúp chúng ta có được một khái niệm tốt hơn về “các mô hình”, chúng ta có thể sử dụng nó để mô tả về mình. Bạn là con, là sinh viên hay bạn của ai đó. Bạn có thể được miêu tả dưới các góc độ tâm lý, sinh lý, xã hội và tâm linh. Nếu bạn yêu cầu người bạn thân, thầy cô và cha mẹ miêu tả về mình, họ sẽ miêu tả bạn thế nào?

 

 

2.      HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN: ĐỨC TIN, TÌNH BẰNG HỮU VÀ PHỤC VỤ

Mô hình đầu tiên chúng ta sẽ xem xét là mô hình cộng đoàn. Ngày này, khi nói đến từ “Hội Thánh,” người ta thường nghĩ ngay đến các tòa nhà. Hoặc có thể họ nghĩ ngay đến việc “đi đến nhà thờ”. Tuy nhiên, ý nghĩa trước hết của từ này là diễn tả một cộng đoàn dân Chúa. Hội Thánh là những người có niềm tin. Tân Ước sử dụng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả về Hội Thánh, nhưng hình ảnh có ảnh hưởng lâu dài đến cách hiểu về Hội Thánh là miêu tả của thánh Phaolô khi tuyên bố Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn sống ở thánh phố Cô-rin-tô. Đây là một thành phố cảng nổi tiếng đầy dẫy những hành vi vô luân. Nơi đây, thánh Phaolô đã thu lượm được nhiều thành công, nhưng sau khi ngài rời khỏi đó thì sự chia rẽ lại xảy ra. Họ tranh dành nhau về việc ai là người quan trọng nhất trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy rằng trong Hội Thánh, tất cả những đặc sủng và những khả năng mình có là để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung…… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.

Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1Cr 12: 4-7. 12-18. 27).

Có nhiều điều quan trọng trong hình ảnh của thánh Phaolô:

  1. Hội Thánh là tập hợp của những đa dạng và đặc sủng riêng của nhiều con người. Sự khác biệt này là một yếu tố thiết yếu nơi Hội Thánh. Chúng ta không phải bắt chước người khác. Đặc sủng riêng của mỗi người là dành cho toàn thể cộng đoàn.
  2. Mặc dù trong Hội Thánh có sự đa dạng nơi những thành viên, nhưng lại được liên kết với nhau nhờ Thánh Thần. Hội Thánh là một, không phải vì mọi thành viên đều giống nhau, nhưng những khác biệt nơi các thành viên được liên kết với nhau nhờ hoạt động của Thánh Thần luôn làm việc nơi mỗi người.
  3. Hội Thánh là hiện thân (thân thể) Chúa Kitô trên trần gian. Thiên Chúa phục sinh cần thể xác, tâm hồn, lòng dũng cảm, trí thông minh, sự tốt lành, lòng quảng đại, sự quan tâm của chúng ta để làm cho Ngài hiện diện giữa chúng ta.
  4. Nhiệm thể Chúa Kitô được tạo nên từ những con người không phải đều là thánh. Do đó Hội Thánh là một tổng hòa giữa trần tục và thánh thiêng. Chúa Thánh Thần hợp nhất và thúc đẩy là yếu tố thánh thiêng, nhưng con người được hợp nhất và được thúc đẩy lại tràn đầy yếu đuối và mỏng giòn.

Thánh Phaolô quan niệm Hội Thánh là một cộng đoàn duy nhất với những đặc sủng đa dạng và phong phú tiếp tục làm cho hình ảnh Đức Kitô hiện diện sống động trên trần gian. Có lẽ cách tốt nhất để trở nên một phần trong nhiệm thể Chúa Kitô là đến để nhận ra đặc sủng mình được ban tặng, không ngừng phát triển đặc sủng ấy và trao ban liên lỉ. Phung phí đặc sủng của mình không chỉ là lừa dối chính bản thân họ, nhưng còn lừa dối tất cả những người lẽ ra họ phải phục vụ.

Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ đặc sủng cao quý mà chúng ta có thể trao ban là chính con người chúng ta, bởi vì đặc sủng cao quí nhất là tình yêu:

      Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1Cr 13:1-7;13)

      

       Hội Thánh là một cộng đoàn Kitô hữu được biết đến và được phân biệt với các cộng đoàn khác nhờ đó là một cộng đoàn yêu thương.

       Khái niệm Hội Thánh như là một cộng đoàn đóng vai trò quan trọng đặc biệt nơi hội thánh địa phương. Hội Thánh không phải là Giáo Hoàng, hay các Giám mục; Hội Thánh tồn tại nơi mọi người quy tụ lại trong niềm tin. Đối với hầu hết mọi người, kinh nghiệm đức tin phần lớn có được nơi các giáo xứ. Trong giáo xứ, mọi đặc sủng được ban tặng phải được sử dụng vì ích chung của mọi người, cũng như vì những nhu cầu của toàn thể cộng đoàn.

       Ngày nay, nhiều người nhận thấy rằng cơ cấu giáo xứ quá rộng đôi khi rất khó để có được kinh nghiệm về cộng đoàn Kitô hữu. Chính vì thế, các giáo xứ ngày càng có nhiều nhóm cộng đoàn đức tin nho nhỏ. Những người trong các nhóm này thường gặp nhau để cầu nguyện, học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh hoặc thăng tiến xã hội. Đôi lúc, các nhóm này thể hiện những bận tâm về xã hội như công lý và hoà bình, trẻ em vị thành niên, hội cao niên, hội các bà mẹ đơn thân, hội những người ly thân,…

       Trong Tân Ước, có hai yếu tố phác họa các đặc tính của cộng đoàn Kitô hữu. Đó là: cộng đoàn hiệp bằng hữu (Koinonia), và cộng đoàn phục vụ (Deaconia). Cả hai đều hết sức quan trọng. Yếu tố thứ nhất nói đến nhu cầu giá trị căn bản của con người, đó là tình bằng hữu và tương quan xã hội. Vì thế, các giáo xứ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện, dã ngoại, múa hát, câu lạc bộ trẻ,… Yếu tố thứ hai nhắc nhở chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta phục vụ những người cần được phục vụ, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật.

       Yếu tố cuối cùng khi nói đến Hội Thánh xét như là một cộng đoàn là một “cộng đoàn” của đức tin. Mối liên kết bền chặt của cộng đoàn không đến từ yếu tố xã hội, hay cá nhân, nhưng là thiêng liêng. Người Kitô hữu liên kết với nhau trong cùng một đức tin. Sự liên kết này phá bỏ mọi ngăn cách về mặt địa lý, ngôn ngữ, văn hoá và quốc gia. Sự nối kết thiêng liêng này đôi khi được hiểu như là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

3.      HỘI THÁNH LÀ MỘT CƠ CHẾ: PHẨM TRẬT, HUẤN QUYỀN

       Mô hình kế tiếp chúng ta đề cập tới là mô hình cơ chế. Mô hình này chiếm phần lớn não trạng của người Công giáo. Khi nói đến Hội Thánh, họ nghĩ ngay có một Giáo hoàng, các Giám mục, các vị mục tử, linh mục, các nữ tu,… Tất cả những phần tử này hình thành nên một Hội Thánh xét như là một cơ chế. Khi nói Hội Thánh xét như một cơ chế có nghĩa Hội Thánh là một tổ chức có một cơ cấu vững chắc, chuẩn mực, có những lời giáo huấn và có năng quyền. Một cách nào đó, Hội Thánh có thể được so sánh như là tập đoàn IBM hoặc Môtô. Để có được một máy tính hay xe cộ, điều cần thiết là phải có một tổ chức hay một cơ chế giúp công việc được hoàn thành. Dĩ nhiên mục đích của Hội Thánh thì không phải thế, tuy nhiên về mặt khái niệm thì tương tự. Nhiều người cùng mục đích qui tụ lại với nhau cần phải có một cơ cấu nào đó.

       Hội Thánh Công Giáo có một cơ cấu phẩm trật. Phẩm trật này được xây dựng dựa trên các vị Giám mục và Giáo hoàng. Các Giám mục được hiểu là những người kế vị các tông đồ. Giám mục Rôma, Giáo hoàng, là vị “đứng đầu trong một tập thể ngang hàng” và là đấng kế vị thánh Phêrô. Theo nghĩa đó, Giáo hoàng là vị đứng đầu trong Hội Thánh phổ quát. Điều này không có nghĩa ngài là Giám mục của toàn bộ người Công giáo, nhưng ngài có trách nhiệm đảm bảo sự hiệp nhất của Hội Thánh trong đức tin. Cá nhân các giám mục được ban đặc ân giảng dạy, cử hành các bí tích và điều hành Hội Thánh địa phương trong giáo phận. Các giám mục cũng giảng dạy trong tư cách của giám mục đoàn (chẳng hạn như các giám mục Hoa Kỳ đưa ra hai văn bản vào những năm 1980: một là về tình hình kinh tế và một là về hoà bình trong thời đại hạt nhân). Các Giám mục cùng với Giáo Hoàng là đầu, cũng điều hành Hội Thánh hoàn vũ. Các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp công nghị tại Rôma để cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan đến Hội Thánh hoàn vũ.

Giáo huấn chính thức của Hội Thánh có thể được ban dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi một vị Giám mục giảng dạy, ngài giảng dạy trong tư cách đại diện Hội Thánh. Các giám mục địa phương cũng có thể đưa ra những thư mục vụ để hướng dẫn các Hội Thánh địa phương, nơi mình chăm sóc về đức tin và phong hóa. Giáo hoàng có thể đưa ra một tông thư hoặc một thông điệp để hướng dẫn Hội Thánh trên khắp hoàn vũ liên quan đức tin và phong hóa. Quyền giáo huấn tối cao thuộc về công đồng chung, nơi quy tụ tất cả các Giám mục trên khắp thế giới (cùng với các vị cố vấn). Công đồng chung gần đây nhất là công đồng Vaticanô II được nhóm họp và các năm 1962-1965.

Trong vấn đề đức tin và phong hóa, giáo huấn của Hội Thánh là không thể sai lầm. Đặc tính bất khả ngộ này thuộc về toàn thể Hội Thánh khi các giám mục cùng đồng tình với nhau trong điều được tin. Nó cũng thuộc về các Giám mục, trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, khi họ giảng dạy về đức tin và phong hóa và có ý hướng tuyên bố giáo huấn không sai lầm. Đức Giáo Hoàng cũng có thẩm quyền bất khả ngộ trong việc giảng dạy khi ngài “công bố với một hành động dứt khoát giáo lý về đức tin và phong hóa phải được tuân theo”.

Giáo huấn về ơn bất khả ngộ là một trong những điều gây nhiều hiểu lầm và khó khăn trong Hội Thánh. Đối với nhiều người, bất khả ngộ là điều gì đó vô nghĩa: Làm sao có một người nào lại không thể sai lầm? Có lẽ trước hết cần phải chú ý rằng, Đức Giáo Hoàng và các Giám mục là những con người, họ cũng có khả năng mắc những sai lầm. Việc không thể sai lầm đó không phải đến từ sự khôn ngoan được ban tặng từ Thiên Chúa, nhưng bởi niềm tin của Hội Thánh. Niềm tin của Hội Thánh đảm bảo cho những điều các ngài giảng dạy là đúng đắn. Đơn giản hơn, những gì Hội Thánh giảng dạy không phải là ý kiến cá nhân hay một tập thể nào, nhưng được rút ra từ những mặc khải của Thiên Chúa. Ví dụ, Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa thật và là Đấng Cứu Độ không? Liệu rằng đó chỉ là điều chúng ta có thể thay đổi với tâm trí chúng ta? Hội Thánh dạy rằng giáo huấn này (cũng như những giáo huấn khác) là chân lý không thể sai lầm. Đó không phải vì chúng ta nghĩ ra; nhưng là do mặc khải của Thiên Chúa. Ơn bất khả ngộ nơi Đức Giáo Hoàng và các Giám mục được giới hạn trong đức tin và phong hóa và chỉ nơi những giáo huấn thiết yếu cho đức tin. Hội Thánh cũng nhấn mạnh rằng một giáo huấn của Đức Giáo Hoàng được cho là không sai lầm chỉ khi được công bố theo cách thức của nó. (việc thi hành quyền không sai lầm của Đức Thánh Cha là điều rất hiếm khi thấy).

Những giáo huấn khác nhau của Hội Thánh được phân chia như sau:

  1. Tín lý: là những giáo huấn chính thức của Hội Thánh
  2. Tín điều: là những tín lý then chốt liên quan đến đức tin. Được hiểu là không thể thay đổi.
  3. Giáo luật: là những quy luật chính thức nhằm điều hành Giáo Hội. (có tất cả 1752 điều luật được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh).

Nơi làm việc của Đức Giáo Hoàng trong cương vị là đầu được đặt ở một nơi gọi là Vatican. Ngài được trợ giúp bởi một ban gọi là giáo triều (Curia). Các ban này có những văn phòng và làm việc với nhiều lãnh vực khác nhau.

Hồng y là những người được tuyển chọn trong số những vị Giám mục trên toàn thế giới với hai mục đích: làm cố vấn cho Đức Giáo hoàng trong giáo triều và bầu chọn Giáo hoàng. Chỉ có các Hồng y mới có quyền được bầu chọn Giáo hoàng.

Các Giám mục địa phương được đại diện bởi các mục tử (linh mục) nơi giáo xứ trong toàn giáo phận. Chức năng chính của các ngài là cử hành các bí tích, giảng dạy, và quản lý giáo xứ.

Các tu sĩ nam nữ là những người được mời gọi sống một ơn gọi đặc biệt: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong cộng đoàn. (Các linh mục giáo phận không phải khấn đời sống khó nghèo, mặc dù, cũng như bao người Kitô hữu khác, họ bị trói buộc hướng đến nhân đức khiêm nhường và quảng đại). Các tu sĩ nam nữ thường được xem là “tu sĩ”. Qua những lời khấn, đời sống của họ nhằm làm chứng cho một đời sống cao quí hơn chỉ là giàu sang, dục vọng và độc lập. Các tu sĩ thuộc về những “phẩm trật” khác nhau với một đặc sủng hay một sứ mạng cụ thể.

Giáo dân là những tín hữu đã được thanh tẩy nhờ Bí tích Rửa tội. Họ không phải linh mục, cũng không phải là “tu sĩ”. Họ cùng chia sẻ với Giáo Hội các đặc sủng của mình, nhưng ơn gọi chính yếu của họ là mang đức tin và các giá trị tin mừng vào thế giới.

Như vậy, một tổ chức phẩm trật và được tổ chức rõ ràng như thế có giá trị gì? Giáo Hội phẩm trật trình bày một trật tự và căn tính. Giáo Hội phẩm trật thể hiện một cảm thức rõ ràng về truyền thống và nguồn gốc của mình. Người Công giáo tối thiểu phải biết được họ là ai và Hội Thánh làm chứng cho điều gì. Đức Giáo hoàng và các Giám mục giúp phát triển cảm thức hiệp nhất giữa hai cấp độ: địa phương và hoàn vũ.

Mô hình cơ chế này không phải không có vấn đề. Cũng như bao tổ chức khác, Giáo Hội cũng có thể dễ dàng sai lệch trong cái nhìn quan liêu của mình. Giáo Hội có thể lầm lẫn các điều khoản giáo luật với bài giảng trên núi, và bởi vì phẩm trật, nên Giáo Hội có thể đánh mất cái nhìn của con tim và tâm hồn, sự ngang hàng trong Hội Thánh giữa Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Cuối cùng, thật không thể hình dung được một Hội Thánh không có yếu tố cơ chế. Thêm vào đó, Hội Thánh Công giáo xác định Giáo hoàng, các Giám mục như những nhân tố thiết yếu trong cơ chế. Tín điều và giáo huấn về luân lý cho người tín hữu một cảm thức về sự liên tục, ổn định và những hướng dẫn. Điều này không có ý nói rằng cơ chế không thể thay đổi và phát triển. Thực ra, cơ chế luôn cần thiết được thay đổi. Nhưng những cơ chế giống như Hội Thánh Công giáo luôn có xu hướng thay đổi từ từ, vì Hội Thánh mang trên mình một truyền thống gần hai ngàn năm nay.

Suy nghĩ và thảo luận

Những người quan niệm Hội Thánh chính yếu là cơ chế thường nghĩ Hội Thánh là “họ”. Trong khi đó, mô hình cộng đoàn xem Hội Thánh như là “chúng ta”. Với bạn, mô hình nào diễn tả tốt hơn về Hội Thánh? Bạn nghĩ Hội Thánh là gì? “họ” hay “chúng ta”?

 

 

4.      HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH

Khi chúng ta đi tham dự thánh lễ hay cử hành Bí tích sám hối, hoặc lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, tất cả những cử chỉ đó là những dấu chỉ của một thực tại sâu xa. Chúng được gọi là những Bí tích. Bí tích là những dấu chỉ, không chỉ nói đến một thực tại vô hình (tình yêu của Thiên Chúa và ân sủng) nhưng còn làm cho thực tại đó hiện diện hữu hình. Vì thế, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta tin rằng Đức Kitô hiện hiện đích thực với chúng ta. Trong Bí tích sám hối, lòng nhân từ của Thiên Chúa thực sự được ban cho chúng ta. Trong Bí tích Thêm sức, Thần Khí của Thiên Chúa thực sự ngự xuống trên chúng ta. Bí tích không đơn thuần chỉ là dấu chỉ nhưng là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa qua dấu chỉ đó. (Chúng ta sẽ nói đến nhiều hơn trong những chương sau).

Hội Thánh cũng là một Bí tích. Nó không nằm trong số bảy bí tích của Hội Thánh, nhưng là một bí tích căn bản hơn. Hội Thánh là dấu chỉ của Đức Kitô trên trần gian, nhưng Hội Thánh còn hơn là một dấu chỉ. Trong một cách nào đó, Hội Thánh đích thực là Đức Kitô hiện diện trên trần gian. (Đây là ý tưởng của Thánh Phaolô khi nói đến nhiệm thể Chúa Kitô mà chúng ta đã đề cập.)

Với mô hình Bí tích, Hội Thánh là sự trọn hảo và sâu xa nhất nơi việc cử hành các bí tích. Mặc dù Hội Thánh không bị giới hạn nơi các bí tích, nhưng là nhờ Bí tích, Hội Thánh diễn tả được ý nghĩa của mình. Đó là một cộng đoàn thánh thể, là nơi con người bước vào một đời sống mới trong đức tin (Bí tích Rửa tội) và sống trong Thần Khí của Đức Kitô (Bí tích Thêm Sức). Đó là cộng đoàn của những con người cần được ơn chữa lành (Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân) và tha thứ (Bí tích Sám hối). Đó là một cộng đoàn được phục vụ bởi những người được tuyển chọn cho một sứ vụ đặc biệt (Bí tích Truyền Chức Thánh) và là biểu tượng cho tình yêu giữa người nam và người nữ trong hôn nhân (Bí tích Hôn Phối).

Mô hình Bí tích của Hội Thánh chỉ dành riêng cho Hội Thánh Công giáo. Mặc dù các anh em Tin Lành cũng có bí tích (nhưng không phải bảy), mô hình này không phù hợp với cách hiểu về hội thánh của họ.

Điểm mạnh của mô hình này là giúp cho người Kitô hữu phát triển được cảm thức tâm linh và căn tính nhờ các Bí tích. Các Bí tích này tiếp tục giúp chúng ta đụng chạm với những yếu tố căn bản của đức tin. Tuy nhiên, mô hình này có thể bị tách ra khỏi thế giới thực tại và đời sống của Hội Thánh nơi kinh nghiệm thường ngày của con người. Các chương nói về Bí tích sẽ giải thích đầy đủ hơn về ý nghĩa của mô hình này.

5.      HỘI THÁNH LÀ SỨ GIẢ

       “Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần, loan tin mừng vui con Chúa giáng sinh.”

       Câu này có làm chúng ta nhớ đến các thiên thần loan tin trong bài hát thánh ca Giáng Sinh không? Danh từ “sứ giả” nói đến người đưa tin. Sứ thần mang tin vui giáng sinh của Đức Kitô cho các mục đồng. Khái niệm loan báo sứ điệp đức tin và lời của Thiên Chúa này cũng là ý nghĩa của một Hội Thánh như là sứ giả loan tin. Theo mô hình này, Hội Thánh chính yếu là người loan báo tin mừng đức tin nơi Đức Giêsu Kitô.

Mô hình Hội Thánh là sứ giả bén rễ sâu nơi truyền thống của anh em Tin Lành. Theo đó điểm nhấn không phải nơi chính Hội Thánh nhưng là lời của Thiên Chúa. Mô hình này nhấn mạnh trực tiếp đến lời của Thiên Chúa. Điểm quan trọng không phải là các tín lý, luật lệ, bí tích hay con người. Trọng tâm là lời của Thiên Chúa được loan báo cho toàn thể nhân loại. Đây là yếu tố “Phúc âm hoá” của Hội Thánh. Mô hình này có nền tảng mạnh mẽ trong Kinh Thánh. Thánh Phaolô đã viết rằng “đức tin có được là do nghe biết.” Hội Thánh sơ khai đã xác tín sứ mạng chính yếu của mình là loan báo tin mừng. Ngày nay, chúng ta thấy sứ mạng này được thể hiện bởi các nhà giảng thuyết, hay bằng các phương tiện truyền thanh, truyền hình. Một số người đã đạt được thành công rực rỡ như Billy Graham.

Hội Thánh Công giáo hiện nay đang tái khám phá tầm quan trọng của mô hình này. Vai trò của Kinh Thánh ngày càng được nhấn mạnh. Giáo dân cũng đang được khích lệ để đọc và học hỏi Kinh Thánh (là điều trong quá khứ không được cổ võ tương xứng). Hội Thánh Công giáo cũng đang ngày càng hoàn thiện hơn về các kênh truyền hình và chú ý nhiều hơn đến giảng dạy và loan báo sứ điệp của Đức Giêsu. Mô hình này đặc biệt chú trọng đến việc “phúc âm hoá”: loan báo tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Điều quan trọng là Hội Thánh phải không ngừng tìm ra những cách thức mới mẻ và thích hợp để loan báo tin mừng: loan báo sứ điệp sao cho sứ điệp ấy thật sự tác động đến đời sống của người nghe.

Cũng như bao mô hình khác, mô hình này không thể tự nó đứng vững, đặc biệt đối với người Công giáo. Mô hình này nhấn mạnh đến lời của Thiên Chúa, nhưng lại có thể dẫn đến rủi ro thay thế lời cho hành động. Hội Thánh theo mô hình này có thể loan báo triều đại Thiên Chúa mà không màng đến đến việc dấn thân xây dựng triều đại đó.

Suy nghĩ và thảo luận

Tin mừng và bài giảng là ví dụ điển hình cho thấy mô hình này đang hoạt động nơi Hội Thánh Công giáo. Trong rất nhiều nhà thờ của anh em Tin Lành, những bài giảng vào các ngày Chúa Nhật thường dài hơn các nhà thờ Công giáo. Họ tập trung vào mô hình sứ giả loan tin này rất mạnh.

Bạn có thể nhớ về một bài giảng thực sự ảnh hưởng đến bạn không? Nếu có, ảnh hưởng đó là gì?

 

6.     HỘI THÁNH LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ

Mô hình cuối cùng chúng ta đề cập tới là mô hình phục vụ. Mô hình này không phải tập trung vào việc loan báo lời Thiên Chúa nhưng vào việc phục vụ dân Thiên Chúa. Theo đó, mục đích của Hội Thánh là phục vụ cho tình yêu, công lý và hoà bình trên toàn thế giới. Những ai theo mô hình này thường tin rằng Hội Thánh phải “chết đi chính mình” để phục vụ mọi người. Họ tuân theo các lời uỷ thác của Đức Giêsu trong tin mừng Matthêu 25 một cách rất nghiêm ngặt: “khi Ta đói, các ngươi cho ta ăn; khi ta khát các ngươi đã cho uống; khi Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm nom”. Sứ mạng của Hội Thánh là phục vụ những người cần được phục vụ, đặc biệt là những người nghèo đói và bỏ rơi.

Theo mô hình này, tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô không chỉ là vấn đề của lời nói, thậm chí đó là lời của Thiên Chúa. Thay vào đó, tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô chính là noi gương Ngài trong việc đến với những con người nghèo khổ.

Cách hiểu này của Hội Thánh đã được đẩy mạnh và rất phổ biến trong một vài thập kỷ qua. Hội Thánh Công giáo đã chính thức công nhận cách hiểu này khi Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971 viết:

Hành động vì công bằng và tham gia biến đổi thế giới đối với chúng ta là một chiều kích cấu thành của việc rao giảng Tin Mừng, hay nói một cách khác, là chính sứ mạng của Giáo Hội để cứu rỗi nhân loại và giải thoát con người khỏi mọi hoàn cảnh áp bức.

 

Các Giám mục tuyên bố rằng ơn cứu rỗi không chỉ là thực tại “tâm linh”. Một yếu tố thiết yếu trong Hội Thánh là nỗ lực giải thoát toàn thể con người. Điều ngày không thể loại trừ yếu tố tâm linh, nhưng bao hàm giải thoát cả những đói khát, bệnh tật, vô gia cư, áp bức tâm lý,…

Trong nhiều nơi trên thế giới, phục vụ đã trở thành hình ảnh chủ đạo của Hội Thánh Công giáo. Cụ thể là ở Trung và Nam Mỹ, ước tính có khoảng hàng triệu người Công giáo sống trong nghèo đói cùng cực và thường bị trấn áp bởi chính quyền. Từ những nơi này, Hội Thánh đã đẩy mạnh điều được gọi là thần học giải phóng. Trọng tâm của thần học này là áp dụng Tin Mừng vào những nhu cầu của người nghèo. Hội Thánh đã phát triển khuynh hướng “ưu tiên cho người nghèo” bằng việc lượng giá những quyết định liên quan đến chính trị và xã hội ảnh hưởng đến người nghèo. Hội Thánh không chỉ đại diện cho người nghèo, nhưng còn là của người nghèo. (Đây là điểm tương phản nổi bật với quá khứ vì Hội Thánh trước đây thường được cho là gắn liền với ích lợi của người giàu.)

Mô hình phục vụ đã được phát triển mạnh mẽ trong khoảng 30 năm qua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mô hình này không gặp những khó khăn. Điểm yếu của mô hình này là có khuynh hướng làm mất đi cảm thức căn tính đích thực của đức tin. Người Kitô hữu phải phục vụ thế giới, điều ấy đúng nhưng mọi người đều được mời gọi để làm như thế. Mô hình này không được phép lạc lối và quên mất Đức Giêsu Kitô là người giải phóng thực sự của nhân loại. Cũng thế, triều đại Thiên Chúa là điều cần quan tâm hơn là những thành công của nhân loại hay những phát triển về kinh tế và chính trị.

Suy nghĩ và thảo luận

Một vị Giám mục đã nói rằng mô hình về Hội Thánh này là cần thiết nơi ý nghĩa của nó. Phục vụ phải được gắn liền với đời sống người Kitô hữu. Bây giờ bạn sống ý nghĩa này như thế nào? Nếu như bạn không làm thế, bạn có thể làm gì?

 

Đến đây liệu rằng chúng ta đã tìm ra được mô hình nào thật sự là mô hình đích thực của Hội Thánh chưa? Tất cả các mô hình trên và không có cái nào! Đó là điều quan trọng trong việc sử dụng các mô hình. Để Hội Thánh thật sự là Hội Thánh đúng nghĩa cần phải là bao gồm tất cả năm mô hình trên. Hội Thánh phải là một cộng đoàn đức tin biết vận dụng những đặc sủng và khả năng độc đáo của tất cả mọi thành viên của mình. Là một cộng đoàn, Hội Thánh nuôi dưỡng đời sống đức tin và trao ban một nền tảng vững chắc cho đức tin ấy. Cộng đoàn này cử hành và làm mới lại đức tin của mình nơi và qua việc cử hành các bí tích. Nó cũng cần có một cơ cấu và người lãnh đạo nếu muốn trưởng thành, phát triển và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó là lý do tại sao Hội Thánh cũng là một cơ chế có tổ chức. Tuy nhiên, cám dỗ cho tất cả các cơ chế là ngày càng chỉ biết quan tâm đến chính mình. Điều này không được phép xảy ra nơi Hội Thánh. Hội Thánh không tồn tại vì lợi ích của mình, nhưng nhằm phục vụ Lời Chúa và công bố Lời ấy cho muôn dân có thể đón nhận tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Việc loan báo này phải nhiều hơn chỉ là lời nói. Hội Thánh phải dấn thân cho công lý và hòa bình, để phục vụ những ai đang thiếu thốn.

Suy nghĩ và thảo luận

Bạn thường liên tưởng đến mô hình nào của Hội Thánh? Tại sao? Mô hình nào bạn thấy xa lạ với bạn nhất?

 

 

Câu hỏi ôn tập

  1. Tại sao đối với nhiều người, tin vào Hội Thánh thì khó hơn tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô?
  2. Khi nói Hội Thánh là một “mầu nhiệm,” điều đó có nghĩa gì ?
  3. Tại sao các mô hình giúp giải thích về Hội Thánh?
  4. Giải thích quan niệm Hội Thánh là nhiệm thể Chúa Kitô của thánh Phaolô.
  5. Theo thánh Phaolô, đặc sủng nào quan trọng nhất?
  6. Giải thích ý nghĩa của Deaconia và Koinonia.
  7. Nhiệm thể Chúa Kitô có nghĩa gì?
  8. Tại sao Hội Thánh cần phải có cơ chế?
  9. Nhiệm vụ chính của Giám mục là gì?
  10. Nhiệm vụ chính của Giáo hoàng là gì?
  11. Hãy định nghĩa các thuật ngữ sau: giáo phận, công nghị, thông điệp, công đồng chung, tín điều, tín lý, giáo luật, giáo triều, giám mục, giáo dân.
  12. Giải thích ý nghĩa quyền bất khả ngộ của Giáo hoàng, các Giám mục và của toàn thể Hội Thánh.
  13. Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mô hình cơ chế?
  14. Giải thích ý nghĩa của Hội Thánh là một Bí tích. Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mô hình này?
  15. Cách hiểu về mô hình sứ giả trong sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh là gì? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mô hình này?
  16. Theo mô hình phục vụ, sứ mạng của Hội Thánh là gì? Thần học giải phóng là gì? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mô hình phục vụ này?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 135-150.