(hình ảnh từ Internet)
Tóm tắt
Rước kiệu từ lâu đã trở thành một nghi thức, một sinh hoạt, một thực hành đạo đức quen thuộc với người Kitô hữu Việt, và không thể thiếu trong những ngày lễ lớn của cộng đoàn Công Giáo nơi đây. Cách chung, có thể phân loại rước kiệu Công Giáo thành 2 loại: (1) những cuộc rước Phụng vụ theo nghĩa ngặt là những cuộc rước với thứ tự, thánh ca, lời nguyện được chỉ dẫn rõ trong sách Phụng vụ; những cuộc rước do đòi hỏi của các hành động Phụng vụ; những cuộc rước gắn với các ngày lễ nhất định như Chúa Nhật Lễ Lá, Đêm Vọng Phục Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Mình Máu Thánh Chúa…; và (2) những cuộc rước khác nằm ngoài những cuộc rước Phụng vụ theo nghĩa ngặt, những cuộc rước tạ ơn, sùng kính Đức Mẹ, các Thánh.
Ở Việt Nam, các cuộc rước kiệu nằm ngoài những cuộc rước Phụng vụ theo nghĩa ngặt, được tiến hành bên ngoài Thánh lễ, ngoài không gian nhà thờ, tiêu biểu và thường gặp nhất là cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh Thể vào Lễ Mình Máu Thánh Chúa (và ngày chầu lượt giáo xứ), cuộc rước kiệu ảnh tượng (thánh tích) Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh bổn mạng, các Thánh tử đạo. Các cuộc rước kiệu này phần nhiều thuộc về lòng đạo đức bình dân nhằm bày tỏ lòng yêu mến và sùng kính các Đấng Thánh, và được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và rất sốt sắng.
Bài viết này là một nỗ lực về nguồn của người viết để tìm hiểu nguồn gốc của thực hành rước kiệu trong đời sống tín hữu Việt, cùng những nét đẹp về Phụng vụ và văn hóa của rước kiệu Công Giáo Việt; từ đó tìm cách để bảo tồn và phát huy. Do đó, bài viết được chia làm 3 phần. Trong phần I, người viết đi tìm hiểu ý niệm, phân loại cùng lược lại đôi nét nguồn gốc của rước kiệu Công Giáo, cách riêng Công Giáo tại Việt Nam. Tiếp đến, trong phần II, người viết đi khám phá những nét đẹp về Phụng vụ, văn hóa và hội nhập văn hóa của rước kiệu Công Giáo Việt Nam. Cuối cùng, phần III là một vài lưu ý về thực hành và mục vụ trong các khía cạnh Phụng vụ, lòng đạo đức bình dân và hội nhập văn hóa trong các cuộc rước kiệu tại Việt Nam hiện nay.