(Hình ảnh từ internet)
“Tôi là ai?” là câu hỏi nhức nhối đánh bật toàn bộ xung-lực trong mỗi con người tựa một hoài niệm mãi cứ canh-cánh để gợi nhắc, để tra vấn và để thúc giục một câu trả lời khả dĩ trọn vẹn. Câu hỏi ấy, “Tôi là ai?”, đưa người hỏi đi ra khỏi chính mình, đứng nép đằng sau một chủ thể xa-lạ nào đó, dõi theo toàn bộ cái vận-động từ quá khứ đến tương lai và thốt lên “tôi-có-thể-trình thuật-về-tôi!”. Nhưng, liệu cái-tôi trong tôi-có-thể-trình thuật-về-tôi là một cái-tôi có tính-như-hệt (idem) hay là một cái-tôi tại-ngã-tính (ipse)? Đây chính vấn nạn đặc sắc của Paul Ricœur đặt ra trên đường tìm chính mình, và ông đã tìm thấy một cứ điểm tuyệt đẹp để hòa giải idem và ipse, đó là: căn tính trình thuật (Narrative Identity). Con đường đến cứ điểm này là khả dĩ vì trình thuật là nơi hiện thể hóa thời tính của hữu thể, và là nơi mô phỏng, trải dài, kết dệt hành động của chủ thể nên toàn thể. Do đó, mối tương quan biện chứng giữa tính-như-hệt và tại-ngã-tính tái diễn giao lộ tính trường tồn trong thời gian của chúng sẽ được người viết giới thiệu trong chương I. Với chương II, Paul Ricœur đặt để sự hòa giải nơi căn tính trình thuật cho mối căng thẳng giữa idem và ipse. Cuối cùng, với chương III, người viết mạn phép góp chút hồi đáp cho câu hỏi “liệu, ngã tính có còn hay không khi “căn tính ngôi vị” dường như có nguy cơ bị tước bỏ quyền tra vấn con người?”.
1. Từ khóa
Paul Ricœur, Căn tính trình thuật (Narrative Identity), Tại-ngã-tính (ipse, ipseity), Tính-như-hệt (idem, sameness), Biện chứng idem và ipse, Trình thuật, Mô phỏng (mimesis), Thời gian.