Như tôi đã xác định, bài đọc này diễn ra trong mục mà thánh Phao-lô ủy thác nhiệm vụ đầu tiên cho Ti-mô-thê (1:3-20). Nó có chức năng trình bày thánh Phao-lô như một mẫu gương cho điều mà ân sủng của Thiên Chúa có thể thực hiện thậm chí nơi kẻ tội lỗi nhất là thánh Phao-lô. Theo đó, sau khi ủy thác cho Ti-mô-thê việc hướng dẫn một số người đừng dạy những học thuyết sai lạc (1:3-7) và xác định những người chống lại học thuyết lành mạnh (1:8-11), thánh Phao-lô chuyển sang đời sống của chính ngài như một gương mẫu. Ngài là tội nhân trước nhất bởi vì ngài đã phỉ báng và bách hại đức tin. Tuy nhiên, ngài lại được đối xử một cách xót thương bởi vì ngài đã hành động trong sự ngu dốt và vô tín. Kết cục, ngài đã trở thành một tấm gương và nói ra những lời đáng tin, “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi” (1:15).
Xác định mình là tội nhân trước nhất, giờ đây thánh Phao-lô hiểu rằng sự hoán cải của ngài là một phần trong kế hoạch thánh mà qua đó Thiên Chúa đã biến ngài trở nên một mẫu gương cho mọi thế hệ. Tội nhân nào chiêm niệm kiểu mẫu của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho thánh Phao-lô sẽ có lý do để hy vọng trong lòng thương xót ấy. Vì vậy, nếu lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu như thế nơi tội nhân trước nhất của các tội nhân, thì không còn tội nhân nào nằm ngoài ơn cứu độ hoặc phải sống trong vô vọng nữa.
Bởi vì mục đích của tin mừng là để cứu các tội nhân, thánh Phao-lô ủy thác cho Ti-mô-thê việc hướng dẫn một số người đừng dạy những học thuyết sai lạc. Nếu không, tin mừng sẽ bị bóp méo, và các tội nhân sẽ không được cứu độ.
Bản văn này mời gọi các nhà giảng thuyết khai triển chủ đề về lòng thương xót của Thiên Chúa trong ánh sáng của sự hoán cải của thánh Phao-lô. Với việc trình bày chính mình như tội nhân trước nhất của các tội nhân, thánh Phao-lô cho thấy rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là không giới hạn. Thiên Chúa, Cha của Đức Ki-tô Giê-su, thậm chí còn tỏ lòng thương xót đối với những kẻ phỉ báng ngài. Thật vậy, vị Thiên Chúa này có khả năng biến kẻ tội lỗi nhất thành mẫu gương trổi vượt nhất của lòng thương xót của ngài.
Bởi vì hiểu biết tình trạng tội lỗi của mình, thánh Phao-lô ý thức một cách sống động lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ngài. Khi các tín hữu mất cảm thức về tội của họ, họ cũng mất luôn cảm thức của họ về lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì chỉ những ai đã được thứ tha mới hiểu được ý nghĩa của việc được Chúa xót thương. Các nhà giảng thuyết sẽ hoàn thành tốt việc của mình nếu nhắc nhở cộng đoàn của họ rằng những ai từ chối sự hiện hữu của tội trong đời sống của họ thì một cách căn bản cũng từ chối kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 164 – 165.