Bài đọc này nằm trong mục những hướng dẫn cho dân Thiên Chúa (2:1-3:16). Trong đó, thánh Phao-lô kêu gọi cầu nguyện cho những người cầm quyền bởi vì Thiên Chúa muốn rằng mọi người phải được cứu độ (2:1-7). Ngài giải thích rằng ngài không cho phép phụ nữ có quyền trên đàn ông (2:8-15; một bản văn không được dùng trong bài đọc Thánh Lễ). Tiếp đến, ngài mô tả những phẩm tính mà các giám mục và phó tế phải có (3:1-13). Cuối cùng, ngài kết luận bằng một thánh vịnh về mầu nhiệm của đạo chúng ta (3:14-16). Những đề cập có tính “thế gian” trong mục này là một trong những lý do mà có người xem Những Lá Thư Mục Vụ như để thích ứng với với đức tin nhàn hạ của tầng lớp trung lưu vốn chủ yếu quan tâm đến một “cuộc sống yên ắng và tĩnh lặng” (2:2). Tuy nhiên, chú giải như thế thật là sai lầm.

Đúng là mục này tạo ấn tượng về một giáo hội đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng của nó trong xã hội, nhưng thật khó để nói rằng đó là một giáo hội chỉ quan tâm đến sự hiện hữu nhàn hạ của giới trung lưu. Lý do mà thánh Phao-lô đưa ra trong việc tìm kiếm một cuộc sống yên ắng và tĩnh lặng là để Giáo Hội có thể được bình an mà thi hành Thiên ý: đó là mọi người phải được cứu độ và nhận biết chân lý (2:3).

Tiếp đến, thánh Phao-lô giải thích lý do Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ: chỉ có một Thiên Chúa và một đấng trung gian, Đức Ki-tô Giê-su, người đã hiến mạng để cứu chuộc muôn người. Nói cách khác, thánh Phao-lô khẳng định rằng Thiên Chúa quan tâm đến mọi người bất kể họ là ai, Các Dân Ngoại hoặc Do Thái. Khi công bố rằng Đức Ki-tô Giê-su là một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, thánh Phao-lô khẳng định vai trò độc đáo của Đức Ki-tô trong kế hoạch cứu độ vũ trụ của Thiên Chúa. Sau đó, việc kêu gọi cầu nguyện của ngài có ngầm ý truyền giáo: một đời sống yên ắng và tĩnh lặng sẽ cho Giáo Hội một cơ hội để loan báo tin mừng cứu độ cho mọi người.

Người giảng thuyết sử dụng bản văn này sẽ được mời gọi để phản tỉnh về thông điệp chính của bản văn: Thiên Chúa “muốn mọi người phải được cứu độ và nhận biết chân lý” (2:4). Trong khi con người lúc nào cũng quá hăng hái để đặt ra những hạn chế và giới hạn cho những người có thể được cứu độ, Thiên Chúa lại không như vậy. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ; đây là lý do tại sao Đức Ki-tô Giê-su tự hiến chính ngài cho mọi người. Chung cục, Giáo Hội không được giới hạn sứ mạng của nó một cách quá hạn hẹp, như thể có những người phải bị loại trừ. Mặt khác, cũng không thể tối thiểu hóa tầm quan trọng của điều Đức Ki-tô đã thực hiện, như thể Đức Ki-tô chỉ là một giữa muôn vị tôn sư. Tin mừng không nói về điều gì khắc hơn việc Thiên Chúa bày tỏ ơn cứu độ cho mọi người qua Đức Ki-tô Giê-su.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 165 166.