Sự mơ hồ là một kinh nghiệm phổ biến ở trong cơn sầu khổ mà chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ về nó như một đặc tính riêng biệt của sự sầu khổ. Nhưng sự mơ hồ tự chính nó không phải là vấn đề. Thiên Chúa không bao giờ hứa hẹn chúng ta một sự chắc chắn, và chỉ có một mình Thiên Chúa mới có sự thông suốt mọi sự. Một quá trình phân định lành mạnh sẽ trải qua một hay nhiều giai đoạn về sự không rõ ràng và không chắc chắn ở phần lớn thời gian. Trên thực tế, đây thường là một giai đoạn cần thiết trong tiến trình của một sự phân định tốt. Vậy thì vấn đề là phản ứng của chúng ta đối với sự thiếu rõ ràng này. Sự mơ hồ trở nên một kinh nghiệm sầu khổ khi chúng ta để mình bị bối rối về sự không biết – khi sự không chắc chắn hoặc sự thiếu hiểu biết của chúng ta dẫn đến sự mất yên tĩnh bên trong chúng ta.
Tuy nhiên, một sự mơ hồ gây bất an quả thực là một dấu hiệu phổ biến làm lộ tẩy sự sầu khổ. Ai ở trong tình trạng này thường không hiểu được những khía cạnh rộng hơn của vấn đề. Người đó đánh mất viễn cảnh của mình về mục đích tối hậu của cuộc sống, cái mà được thánh I-nhã định nghĩa như là “sự ca ngợi, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta.” Sự mơ hồ trong cơn sầu khổ làm cho người ta bị sa lầy trong những điều vụn vặt của cuộc hành trình trong khi quên đi điểm đến cuối cùng. Điều đó làm cho người ta không thể giữ được sự tập trung vào việc đạt được một kết quả tốt đẹp cuối cùng. Mặt khác, tình trạng về sự không biết sẽ không gây bất an và do đó cũng không gây sầu khổ.
Hãy xem xét câu chuyện về thánh Phê-rô đi trên trên mặt nước để gặp Chúa Giê-su. Bao lâu thánh Phê-rô còn tập trung vào Chúa Giê-su, thánh nhân bước đi cách dễ dàng. Nếu tại thời điểm đó thánh Phê-rô được hỏi “Làm sao ngài đi trên mặt nước được?”, thánh nhân sẽ không biết câu trả lời. Nhưng sự thiếu hiểu biết của thánh Phê-rô về việc đi trên mặt nước sẽ không cản trở thánh nhân làm được điều đó bao lâu ngài còn chú tâm vào Chúa Giê-su. Chỉ khi thánh nhân “thấy gió thổi” mới đâm sợ và bắt đầu chìm. Khoảnh khắc mà thánh Phê-rô không còn chú tâm vào Chúa Giê-su nữa, đó là lúc ngài bị thất bại.
Mát-thêu 14, 22 – 31:
Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
Ông Phê-rô liền thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Chuyển ngữ: Tấn Tài, S.J.