CHƯƠNG 18

MỘT NỀN LUÂN LÝ NHẤT QUÁN VỀ SỰ SỐNG

Image result for protect life

Vì quyển sách này là một cái nhìn sơ lược về đức tin Kitô giáo, nên chúng ta không thể nghiên cứu sâu xa về mọi vấn đề luân lý. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xem xét một số vấn đề có liên hệ với nhau. Chủ đề nối kết các vấn nạn được bàn là sự sống. Trong thập niên trước, Giáo Hội Công Giáo đã thừa nhận và giáo huấn rất rõ ràng về nhu cầu khẳng định giá trị của sự sống đối với người Kitô hữu bằng cách bảo vệ và thăng tiến sự sống, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Hồng y Giuse Bernardin của Chicago là nhà tiên phong trong một cách tiếp cận mà chính ngài gọi là “một nền luân lý nhất quán về sự sống” hay “một tấm vải không mối nối.” Theo Bernardin, Kitô hữu phải lưu tâm đến mọi vấn đề cá nhân lẫn xã hội liên quan đến việc bảo về và thăng tiến giá trị và nhân phẩm của sự sống. Trong tư cách cộng đoàn, chúng ta phải luôn bênh vực sự sống khi sự sống bị đe dọa trong bất cứ hoàn cảnh nào và dưới bất kỳ hình thức nào. Trong cuộc trình bày tại đại học Fordham, Bernardin miêu tả mối liên hệ giữa các vấn đề thăng tiến sự sống như sau:

Nếu một người nào đó, cũng như chúng ta, đấu tranh cho quyền của mọi thai nhi được sinh ra phải được luật xã hội bảo vệ và được cảm thức chung của xã hội ủng hộ, thì trách nhiệm luân lý, chính trị và kinh tế của chúng ta không hoàn tất vào thời điểm em bé được sinh hạ. Những ai đấu tranh cho quyền được sống của những người mỏng manh nhất trong chúng ta cũng phải nhìn thấy trách nhiệm cần nâng đỡ phẩm giá của sự sống giữa những người thấp cổ bé miệng nhất trong chúng ta: đó là người nghèo và trẻ nhỏ, người nghèo đói và vô gia cư, người di dân không có giấy tờ tùy thân và công nhân thất nghiệp.

Trong chương này, chúng ta sẽ bàn luận ngắn gọn một số chủ đề liên quan đến một nền luân lý nhất quán về sự sống: đó là phá thai, công bằng xã hội, chiến tranh và hòa bình, chết êm dịu, lạm dụng thuốc và rượu, án tử, phân biệt chủng tộc và môi trường.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn nghĩ vấn đề luân lý quan trọng nhất mà người trẻ ngày nay phải đối diện là gì? Tại sao?

  1. PHÁ THAI

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về tính vô luân của việc phá thai là rất rõ ràng. Đáng buồn thay, lý do cho quan điểm ấy lại không được biết đến và quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này cũng không được hiểu một cách sâu xa

Vấn nạn về hợp pháp và hợp luân lý. Nhiều người đọc quyển sách này có thể không thể nhớ về thời gian mà việc phá thai là trái với luật pháp trong đất nước này. Nhiều người đồng hóa hợp pháp với hợp luân lý. Nếu một điều gì đó được luật pháp chấp nhận, thì họ nghĩ rằng điều đó chắc chắn phải hợp với luân lý. Hãy nhớ rằng có thời kỳ đất nước này cho phép buôn bán nô lệ và cấm phụ nữ bầu cử. Hợp luật và hợp luân lý là hai điều khác nhau. Khi luật pháp chấp nhận phá thai, luật pháp đã khước từ tranh luận rõ ràng về vấn đề này.

Những ai đấu tranh cho quyền phá thai của phụ nữ, họ thường trình bày một trong ba lập luận sau để bảo vệ quan điểm của mình. Thứ nhất, phụ nữ có quyền trên chính cơ thể của mình. Trong mức độ này, quan niệm của họ về quyền căn bản và tự do của con người có vấn đề. Lập luận thứ hai là thai nhi chưa phải là một nhân vị hoặc một con người. Lập luận thứ ba liên quan đến xác tín cho rằng một đứa bé không được mong đợi tốt hơn là không nên được sinh ra. Có thể có những lập luận hoặc những tình huống khác, nhưng ba lập luận trên là ba lập luận căn bản nhất. Thêm vào đó, những người theo chủ nghĩa ủng hộ tự do chọn lựa thường cho rằng người ta đang cố gắng “áp đặt niềm tin tôn giáo của họ” lên người khác.

Giáo Hội Công Giáo cho rằng đây không phải là một vấn đề tôn giáo cho bằng chính yếu là một vấn đề luân lý, và Giáo Hội chống phá thai dựa trên nền tảng luân lý. Giáo Hội lập luận rằng quả thực người mẹ có quyền trên chính cơ thể của mình, nhưng quyền ấy có những giới hạn nhất định (tương tự như mọi quyền khác.) Về mặt sinh học, bào thai không phải là một phần thuộc cơ thể của cô ta. Thai nhi có một cấu trúc gen độc nhất hoàn toàn khác với cấu trúc gen của người mẹ. Thai nhi là một sinh vật sống mới có cấu trúc gen hoàn toàn khác biệt với người mẹ. Đó thật sự là khởi đầu của một sinh vật người mới. Tất cả sự sống đều có một khởi đầu. Thời điểm khởi đầu của sự sống là khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Nếu thai nhi không phải là một con người, vậy sự sống đó là gì? Thai nhi là con người vì bố mẹ của nó là con người. Quyền kiểm soát cơ thể mình của một người nữ kết thúc khi cô ta bắt đầu kiểm soát cơ thể của sự sống chưa được sinh ra trong bên trong cơ thể cô ấy.

Giáo Hội cũng lập luận rằng không một đứa trẻ nào nên có cảm giác mình không được mong muốn. Đây là một vấn đề văn hóa khi có nhiều người cảm thấy mọi quyết định cần phải phù hợp với những kế hoạch đã được định sẵn. Ngay cả khi việc có thêm một đứa trẻ thực sự là một gánh nặng thì Giáo Hội dạy rằng chúng ta cần thay đổi những điều kiện trong xã hội sao cho các phụ nữ nghèo khó có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết để nuôi dưỡng con cái của mình. Giáo Hội cũng đề nghị khả thể nhận con nuôi. Trong đất nước này, hàng ngàn đôi vợ chồng mong muốn để nhận nuôi một trẻ em mới sinh.

 Các lập luận được Giáo Hội đưa ra rõ ràng không phải là những lập luận mang tính tôn giáo. Không có bất cứ lập luận nào qui chiếu trên đức tin, mười điều răn hay Đức Giêsu. Tuy nhiên, đối với một Kitô hữu, phá thai càng trở nên đáng trách hơn dưới ánh sáng lòng thương xót của Đức Giêsu dành cho người nghèo khó, bị đàn áp, thấp cổ bé miệng trong xã hội. Ai là người thấp cổ bé miệng hơn một thai nhi?

Giáo Hội Công Giáo không chỉ chống phá thai, nhưng mạnh mẽ lên án những điều kiện dẫn đến tình trạng phá thai: phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong nơi làm việc, nghèo đói, thiếu chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc trẻ em tương xứng. Giáo Hội không thể chống đối vấn nạn phá thai trừ khi Giáo Hội cũng sẵn sàng lên án chống đối những điều kiện dẫn đến tình trạng đó.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn nghĩ vấn đề nào quan trọng nhất liên quan đến cuộc tranh luận về vấn nạn phá thai? Tại sao?

  1. CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH

Trước đây, chúng ta từng thấy rằng Giáo Hội phát triển một lý thuyết nhìn nhận một cuộc chiến có thể biện minh là hợp với luân lý. Truyền thống này trong Giáo Hội thường được gọi là thuyết chiến tranh chính nghĩa, nhưng vẫn khẳng định chiến tranh luôn là một hoàn cảnh bi thảm cần tránh bằng mọi giá. Các giám mục Hoa kỳ đã ra một lá thư mục tử vào năm 1983 với tựa đề Thách Đố của Hòa Bình. Trong thư ấy, các vị khẳng định quyết định đưa đến chiến tranh “đặc biệt ngày nay, cần những lý do cực kỳ mạnh mẽ để vượt trên mặc định cần hòa bình.” Sau đó, các vị này đưa ra những tiêu chuẩn cần phải đắn đo đối với một cuộc chiến tranh chính nghĩa:

Trước hết, phải có một lý do vì công bình. Chiến tranh chỉ được phép nếu có những nguy cơ và đe dọa nghiêm trọng rõ ràng đối với những người vô tội hay đối với những giá trị thiết yếu cho sự sống của con người.

Thứ hai, chiến tranh phải được tuyên bố bởi một người có thẩm quyền.

Thứ ba, phải có một “sự công bình tương xứng.” Điều này có nghĩa là các nguyên nhân dẫn đến chiến tranh phải nghiêm trọng cân xứng với những mất mát có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này rất khó xác định vì những nguyên nhân thực sự của chiến tranh rất khó nhận ra cho đến khi chiến tranh nổ ra.

Thứ tư, chiến tranh luôn phải là giải pháp cuối cùng. Tất cả những khả thể có thể thực hiện trong hòa bình phải được tiến hành trước khi tuyên bố chiến tranh.

Thứ năm, phải có ít nhiều cơ hội thành công nếu chiến tranh diễn ra.

Cuối cùng là “nguyên tắc cân xứng,” nghĩa là thiệt hại do chiến tranh không được nhiều hơn lợi ích đạt được. Dĩ nhiên, người ta chỉ có thể phỏng đoán được mức độ thiệt hại trước khi chiến tranh xảy ra thôi.

Thêm vào những nguyên tắc trên, đó là nguyên tắc một khi chiến tranh đã nổ ra thì cuộc chiến chỉ nhắm tới các lực lượng quân sự, chứ không được trực tiếp nhắm đến thường dân.

Các giám mục Hoa kỳ cũng nhận thức một truyền thống khác trong Giáo Hội khi nhấn mạnh đến vai trò của bất bạo động như một phương thế giải quyết những căng thẳng. Các vị này dạy rằng cả hai truyền thống cần được tôn trọng như những phương thế độc đáo để tìm kiếm hòa bình. Cần lưu ý rằng bất bạo động không phải là một khả thể chọn lựa đối với các Kitô hữu, nhưng là điểm thiết yếu trong sứ mạng của Đức Giêsu và Tin Mừng. Ngay cả đối với những người ủng hộ chiến tranh vì công lý cũng phải chấp nhận nguyên tắc bất bạo động, và theo đó, chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng.

Dưới ánh sáng của những giáo huấn này, các giám mục đã kết luận rằng người Kitô hữu có thể gia nhập quân ngũ và trở thành những người xây dựng hòa bình. Trái lại, quyền khước từ gia nhập quân đội vì những lý do tôn giáo và luân lý phải được tôn trọng.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô VI  đã nhấn mạnh sự vô luân của chiến tranh trong thời đại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bạn có nghĩ rằng Kitô hữu nên phục vụ trong các lực lượng quân đội? Tại sao hay tại sao không?

  1. CHẠY ĐUA VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Giáo Hội Công Giáo không ngừng lên án các cuộc chạy đua vũ trang như một “kẻ ăn cắp của người nghèo.” Các cường quốc khi dự trữ vũ khí hạt nhân đã dẫn tới một tình trạng ngu xuẩn đó là chính nền văn minh của mình có thể bị phá hủy. Thêm vào đó, theo đuổi các cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân làm lãng phí tiền tài, sức sáng tạo và trí lực vào những điều không cần thiết. Trong một thế giới có vô số triệu người đói kém, các cuộc chạy đua vũ trang là một sự sỉ nhục người nghèo. Như công đồng Vatican II tuyên bố: “Cuộc chạy đua võ trang là một tai họa hết sức trầm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được.” (Gaudium et Specs, số 81.)

Các giám mục Hoa kỳ đã kêu gọi các cường quốc ngưng các hoạt động xây dựng và sản xuất vũ khí hạt nhân và từng bước tiêu hủy hết vũ khí hạt nhân nơi các bên. Sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ vì lý do răn đe (làm đối phương sợ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân của mình) thì có thể chấp nhận được. Nhưng trên hết, các cường quốc này cần phải loại bỏ việc sử dụng vũ khí tiêu diệt hàng loạt.

Sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là vô luân vì thiệt hại do nó gây ra không bao giờ có thể tương xứng với thiện ích có được. Thêm vào đó, vũ khí hạt nhân không phân biệt quân đội và dân thường. Chúng tiêu diệt tất cả trong phạm vi bán kính của nó. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe các nghị phụ của công đồng Vatican II: “Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Vậy phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó” (Gaudium et Spes, số 80.)

Trong thư mục tử Thách Đố của Hòa Bình, các giám mục Hoa kỳ đã tuyên bố Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn thấy điểm cốt lõi của vấn đề trong chuyến thăm Hirosima khi ngài viết:

Trong quá khứ, chúng có thể tiêu hủy một ngôi làng, một thành thị, một vùng rộng lớn hay thậm chí cả một đất nước. Ngày nay, chúng đe dọa cả hành tinh này…Vì thế, ngày nay chúng ta đang sống trong một vở kịch liên đới với toàn vũ trụ; chúng ta sở hữu sức mạnh không bao giờ nên sử dụng, nhưng sức mạnh ấy một ngày nào đó có thể sẽ được dùng đến nếu chúng ta không thay đổi hướng đi của chúng ta. Chúng ta sống với các vũ khí hạt nhân và chúng ta biết rõ rằng chúng ta không được phép ra bất kỳ sai lầm nghiêm trọng nào. Sự thật này đặt chúng ta vào một hoàn cảnh hết sức bấp bênh trên lĩnh vực chính trị, luân lý lẫn thiêng liêng.

  1. CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Vấn đề công bằng xã hội liên hệ mật thiết với vấn đề chiến tranh và hòa bình. Như Đức Phaolô VI nhắc nhở Giáo Hội và thế giới: “Nếu muốn có hòa bình, hãy thăng tiến công bằng.” Thiếu công bằng xã hội thường sẽ dẫn đến xung đột và chiến tranh trong thế giới ngày nay.

Chủ đề công bằng xã hội hết sức rộng và bao gồm nhiều vấn đề khác nhau. Công bằng xã hội cách chung nói đến những điều kiện xã hội công bằng với hết mọi người và cho phép mọi người đạt được mức phát triển cao nhất tùy theo khả năng của họ. Vì thế, vấn đề công bằng xã hội sẽ bao gồm quyền của người nghèo liên quan đến việc sở hữu nhà cửa, có công ăn việc làm và chăm sóc y tế, chăm sóc cho người già cả, tàn tật và những người bị rối loạn tâm lý hay tâm thần. Công bằng xã hội sẽ kiểm duyệt các cơ cấu kinh tế của đất nước và xem xét các cấu trúc này đã ảnh hưởng đến mọi người như thế nào. Công bằng xã hội cũng loại trừ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thiên kiến, đồng thời cố gắng thiết lập cơ hội công bình cho mọi người.

Về mặt kinh tế, truyền thống Công Giáo cũng như chủ nghĩa tư bản hay cộng sản đều không phải là những cách thức lý tưởng mà nơi đó công bình có thể được tìm thấy. Thay vào đó, các giáo hoàng chỉ ra rằng từng cơ chế này đều có những mặt mạnh lẫn các nguy cơ đi kèm. Không có nghi ngờ gì về việc truyền thống Công Giáo tán thành chủ nghĩa tư bản hơn cộng sản, nhưng Công Giáo cũng chỉ trích chủ nghĩa tư bản vì khuynh hướng đưa đến khoảng cách giàu và nghèo ngày càng lớn và đối với những nước tư bản phát triển mạnh mẽ lại không ngừng khai thác bóc lột các đất nước đang phát triển hoặc nghèo hơn. Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lượng giá những quyết định kinh tế bằng cách xem xét các quyết định này đã tác động đến mọi người như thế nào, đặc biệt là đối với những người nghèo và thấp cổ bé miệng.

Trong thư mục vụ Công Bình Kinh Tế Cho Mọi Người, các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố:

Mọi viễn tượng về đời sống kinh tế đều liên hệ đến con người, luân lý và Kitô hữu và cần phải được hình thành dựa trên ba câu hỏi: kinh tế làm gì cho con người? Nó làm gì đối với con người? Và mọi người tham gia như thế nào?… Không một ai có thể tuyên xưng mình là Kitô hữu và cảm thấy thoải mái trước mặt người đói khát, vô gia cư, sống trong tình trạng bấp bênh và bất công, là những người có thể được thấy nơi đất nước này và nơi thế giới này.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Mọi nền văn hóa đều có “các tội lỗi.” Một trong những tội rõ ràng của Bắc Mỹ là chủ nghĩa tiêu thụ. Chúng ta có khuynh hướng xác định giá trị của chúng ta dựa vào những gì chúng ta sở hữu và mua sắm những gì chúng ta thích hơn là chúng ta cần. Bạn có cách nào thay đổi lối sống của bạn để học cách sống đơn giản hơn không? Bạn có quan tâm làm điều này không?

Tài liệu Vô Gia Cư và Nhà Ở: Một Thảm Kịch của Nhân Loại, Một Thách Đố Luân Lý của hội đồng Công Giáo Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1988 viết:

Giáo Hội trong truyền thống của mình luôn quan niệm nhà ở không chỉ là vấn đề tiện nghi nhưng là một quyền căn bản của con người. Xác tín này được xây dựng trên quan điểm của chúng ta về con người và về trách nhiệm của xã hội phải bảo vệ đời sống và nhân phẩm của từng người, bằng cách cung cấp các điều kiện sao cho đời sống và nhân phẩm không bị hủy hoại nhưng được tăng trưởng. Như Đức Gioan Phaolô II từng nói: … “một ngôi nhà thì không chỉ là một cái mái trên đầu một ai đó. Đó là nơi một người được sinh ra và sống đời sống của mình.”

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Một trong những tưởng tượng lớn nhất của xã hội chúng ta đó là người nghèo nghèo vì họ lười biếng, hay chúng ta cho rằng tất cả người nghèo đều có cơ hội vươn lên từ chính nỗ lực của mình. Chấp nhận rằng có những người lười biếng thật. Nhưng hầu hết những người nghèo được sinh ra trong bần hàn, học vấn nghèo nàn và thiếu cơ hội. Lòng tự trọng của họ bị tổn thương rất sớm trong cuộc sống và nghèo đói trở thành thảm họa dìm cuộc sống của họ xuống vũng lầy. Đa số người nghèo ở nước Mỹ là phụ nữ và trẻ em. Theo bạn, đâu là các nguyên nhân chính gây nên nghèo đói tại Mỹ?

Trong thư mục tử về người khuyết tật vào tháng 11 năm 1978, các giám mục Hoa kỳ đã viết:

Thường thì những người ủng hộ phá thai hoặc bỏ mặc sau khi sinh hay lập luận rằng những bé bị khuyết tật sẽ phải sống một đời sống đau khổ và tổn thương. Chúng tôi thấy lập luận này thật kinh khủng. Sự thờ ơ lãnh đạm của xã hội đối với những cảnh ngộ khốn khổ của những người khuyết tật thật sự là một vấn nạn cấp thiết cần các giải pháp dựa trên công bình và lương tâm, chứ không phải trên bạo lực.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Jean Vanier đã làm việc với những người chậm phát triển trong nhiều năm. Cộng đoàn L’Arch của anh là một hình mẫu về cách thức một số Kitô hữu dấn thân nhiều hơn chỉ là chăm sóc những người khuyết tật. Họ sống chung và chia sẻ đời sống với những người khuyết tật. Họ phát triển tình liên đới với những người này. Bạn cảm thấy thế nào khi bạn ở giữa những người khuyết tật? Tại sao?

  1. NHÂN QUYỀN

Một trong những quan điểm sai lầm mà chúng ta thường có là khi chúng ta giúp đỡ người nghèo hoặc người khuyết tật, chúng ta nghĩ là mình đang ban cho họ một đặc ân. Tuy nhiên, sự thật thì mọi người đều có nhân phẩm và mọi người cần được thừa hưởng những quyền lợi thiết yếu của con người. Một trong những thông điệp nổi bật nhất của thế kỷ này là thông điệp Hòa Bình Trên Trái Đất của Đức Gioan XXIII. Trong thông điệp ấy, Đức Giáo Hoàng chỉ ra các quyền căn bản mọi người lẽ ra đều được hưởng. Đó là các quyền: nhu cầu cơ bản cho đời sống, thức ăn, áo mặc và nơi ở; quyền được chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội, giáo dục, một công việc có điều kiện làm việc tương xứng với nhân phẩm và lương bổng tương xứng; quyền tư hữu; quyền hội họp; quyền tự do di chuyển; quyền được luật pháp bảo vệ; quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Xã hội có trách nhiệm cung cấp những điều kiện sao cho các quyền căn bản này được tôn trọng. Quyền tư hữu là quyền được giáo huấn của Giáo Hội không ngừng khẳng định, tuy nhiên quyền ấy là một quyền có giới hạn. Nguyên tắc chung là của cải vật chất trên trái đất đều dành cho mọi người, và vì thế, không ai được quyền sở hữu vô số tài sản hay giàu sang vô độ trong khi những người khác thiếu thốn các nhu cầu căn bản nhất cho đời sống của mình.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Trong nền văn hóa Hoa Kỳ, bạn nghĩ gì về nguyên tắc sự giàu sang bị giới hạn theo nhu cầu căn bản của mọi người?

  1. PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC VÀ ĐỊNH KIẾN

Trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội liên quan đến vấn đề nhân quyền là niềm xác tín mọi người phải có nhân quyền và có quyền được hưởng những quyền ấy vì chính nhân phẩm của họ trong tư cách là những nhân vị. Phân biệt chủng tộc là thái độ của một cá nhân hoặc của một tập thể loại trừ một nhóm người nào đó khỏi những quyền căn bản trong một xã hội khi chỉ dựa vào chủng tộc của nhóm ấy. Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi giờ đây đã bị bãi bỏ nhưng trước đây được xây dựng trên nguyên tắc phân biệt chủng tộc, là một nguyên tắc cho phép phân biệt đối xử và khước từ những quyền căn bản đối với một nhóm người vì chủng tộc của nhóm người ấy. Hoa kỳ trước ngày thành lập Hiến Pháp cũng bắt nguồn từ một hệ thống cho phép sở hữu nô lệ da đen và không xem họ như những con người.

Phân biệt chủng tộc không bị giới hạn vào những định kiến cá nhân của một người nào. Các xã hội đẩy mạnh cơ cấu phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc thường hay được dấu kín và phản đối trên giấy tờ. Ví dụ, trong khi luật pháp không chấp nhận phân biệt đối xử liên quan đến quyền sở hữu nhà cửa đối với một người nào đó vì chủng tộc của họ, thì sự phân biệt đối xử trong thực tế vẫn xảy ra. Phân biệt đối xử trong công việc cũng tương tự như thế. Những thực hành như thế làm kéo dài mãi thái độ phân biệt chủng tộc và tách biệt một nhóm người nào đó khỏi đời sống kinh tế của đất nước. Nghèo đói dẫn đến vô gia cư, nghèo đói hơn và thường sẽ dẫn đến sự tan vỡ gia đình và cộng đồng. Hậu quả là cơ cấu ấy chỉ nhắm đến thiện ích của tầng lớp giàu có thượng lưu và trung lưu.

Quan điểm của Giáo Hội là phân biệt chủng tộc cần được xóa bỏ khỏi tâm trí của con người vì đó là một thái độ hoàn toàn nghịch lại với tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, chỉ như thế thì không đủ. Xã hội phải xây dựng chính mình sao cho việc thực hành phân biệt chủng tộc phải được xóa bỏ và mọi người cần được chia sẻ một cách công bằng trong đời sống xã hội và văn hóa. Vào các thập niên 50 và 60, Martin Luther King được thúc đẩy bởi đức tin nơi Đức Giêsu, đã dẫn đầu phong trào đòi quyền lợi xã hội và phong trào này không chỉ thay đổi những thái độ định kiến nhưng còn thay đổi cả những luật bất công đối với người da đen.

Trong “Bài Giảng Giáng Sinh về Hòa Bình” nổi tiếng của mình, Luther King đã miêu tả cách thức cơ bản để xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc:

Giờ đây, tôi đề nghị nếu chúng ta muốn có hòa bình trên trái đất, lòng trung thành của chúng ta phải phổ quát và đại đồng hơn là cục bộ. Lòng trung thành của chúng ta phải vượt thắng chủng tộc, bộ tộc, giai cấp và quốc gia của chúng ta, và điều này có nghĩa là chúng ta phải thúc đẩy một tầm nhìn phổ quát hướng đến toàn thế giới. Không cá nhân nào có thể sống một mình, không quốc gia nào có thể tồn tại một mình và nếu chúng ta cứ khư khư giữ lấy cách thức chúng ta đang làm, chúng ta chỉ khiến cho thế giới này có nhiều chiến tranh hơn mà thôi. Giờ đây, phán xét của Thiên Chúa đang lơ lửng trên đầu chúng ta, và chúng ta phải học sống chung với nhau như anh em một nhà hoặc chúng ta cứ tiếp tục làm hại nhau như những kẻ ngu xuẩn.

Những gì được nói về phân biệt chủng tộc cũng hoàn toàn được áp dụng cho mọi hình thức định kiến. Nói rộng ra, phụ nữ là nhóm người lớn nhất thường bị khước từ những quyền căn bản do định kiến. Trong đất nước chúng ta, một đất nước được biết đến với tự do và lý tưởng dân chủ, phụ nữ cũng mới chỉ có quyền được đi bầu cử trong thế kỷ này, và họ vẫn là nạn nhân của các cơ chế kinh tế khiến họ phải rơi vào hoàn cảnh nghèo đói hơn nhiều so với người nam (như luật ly dị, lương bổng, cơ hội.) Nơi toàn thế giới, cơ chế này thường còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn đã từng bị đặt vào các định kiến nơi gia đình và văn hóa bạn chưa? Bạn phải chịu các định kiến đó theo cách thức nào? Bạn có thể làm gì để vượt qua các định kiến đó?

 

  1. LÀM CHẾT ÊM DỊU

Chết êm dịu theo nghĩa đen là “một cái chết nhẹ nhàng,” và nó liên hệ đến rất nhiều vấn đề liên quan đến cái chết và hấp hối. Chúng ta có thể phân biệt bốn trường hợp của chết êm dịu: tự nguyện hoặc không tự nguyện, chủ động hoặc thụ động. Chết êm dịu tự nguyện là chọn lựa tự do của đương sự để kết thúc sự sống của mình. Chết êm dịu không tự nguyện là khi một ai đấy chọn điều đó cho đương sự. Chết êm dịu thụ động nói đến một tiến trình chấp nhận để cho đương sự chết; còn chết êm dịu chủ động là tiến trình chủ động đưa đến cái chết của bệnh nhân. Như các bạn thấy, vấn đề chết êm dịu liên hệ mật thiết đến vấn đề “quyền được chết.”

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo luôn rõ ràng rằng một người có quyền được chết với nhân phẩm của mình nếu không có phương tiện thông thường nào có thể giúp duy trì sự sống của bệnh nhân. Vì thế, một người bị hôn mê sâu và không có hy vọng hồi phục có quyền được tháo máy hô hấp nhân tạo, là phương tiện duy trì sự sống của người ấy. Người ta có quyền khước từ “những phương tiện ngoại thường.” Vấn đề khó khăn là làm sao để xác định đâu là phương tiện thông thường và phương tiện ngoại thường. Truyền nước (đưa nước vào cơ thể bệnh nhân qua ống dẫn) là ngoại thường hay thông thường? Do đó, trong khi nguyên tắc trên luôn được khẳng định rõ ràng, thì Giáo Hội vẫn tiếp tục thảo luận và tranh cãi.

Mặt khác, Giáo Hội hoàn toàn nghiêm cấm tất cả hoặc bất cứ hình thức nào của cái chết êm dịu chủ động hoặc không tự nguyện. Thiên Chúa làm chủ sự sống và mọi hình thức cố gắng tự quyết định thời điểm kết thúc sự sống đều xâm phạm đến quà tặng của Thiên Chúa. Giáo huấn của Giáo Hội cũng nhằm ngăn chặn các trường hợp kinh tởm liên quan đến việc người già và người tàn tật bị đẩy đến “cái chết nhẹ nhàng.”

Trong tài liệu Tuyên Bố về Làm Chết Êm Dịu của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin năm 1980 tuyên bố:

Không một ai trong bất cứ trường hợp nào được phép chấp nhận giết chết một người vô tội, dù đó là thai nhi hoặc phôi thai, một trẻ em sơ sinh hoặc người trưởng thành, một người già hoặc đau bệnh vì chứng bệnh nan y, hoặc một người đang hấp hối. Hơn nữa, không ai được phép yêu cầu hành vi giết hại này… cũng thế, không quyền bính nào có thể yêu cầu hoặc chấp nhận một hành vi như thế mà hợp luật.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Nếu bạn đang ở trong tình trạng hôn mê vĩnh viễn, bạn có muốn ngưng những phương tiện ngoại thường đang giúp bạn kéo dài sự sống không? Tại sao có hoặc tại sao không? Bạn có đồng ý là một người không có quyền tích cực kết thúc sự sống của chính mình? Tại sao có và tại sao không?

  1. MÔI TRƯỜNG

Thánh Phanxicô đã từng gọi các loài vật là anh chị em của mình. Ngài có một cảm thức tuyệt vời về việc tất cả mọi tạo vật được nối kết với nhau như thế nào. Sách Sáng Thế nói với chúng ta rằng Thiên Chúa nhìn tạo vật của Ngài và thấy chúng tốt hết sức tốt đẹp. Ngài đã trao cho con người trách nhiệm trên toàn thể tạo thành. Hơn khi nào hết, chúng ta giờ đây ý thức rất rõ trái đất của chúng ta rất dễ bị tổn thương. Đây là vấn đề luân lý cực kỳ quan trọng vì có liên hệ đến tất cả những vấn đề luân lý khác. Vấn đề này liên quan đến chính sự sống còn của vũ trụ này, là nơi con người và mọi thực thể sống tồn tại. Một số thiệt hại xảy đến cho trái đất đến từ những phớt lờ của chúng ta. Chúng ta chỉ không ý thức đủ các hậu quả do những phát triển khoa học kỹ thuật gây ra. Nhưng hầu hết những thiệt hại xảy đến với trái đất thân yêu này là do lòng tham lam và ngu xuẩn của con người. Nếu đây là thời gian có thể thêm vào một điều răn thứ mười một, thời đại của chúng ta dường như sẽ thêm vào: “hãy yêu lấy mẹ của người, chính là trái đất này.”

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn có thể thay đổi một thói quen nào để có trách nhiệm với môi trường hơn không?

  1. ÁN TỬ HÌNH

Trên lý thuyết, Giáo Hội Công Giáo đã từng ủng hộ chính quyền dân sự có quyền tuyên án tử đối với phạm nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, giáo huấn này không còn được chuẩn nhận bởi các giáo hoàng và giám mục nữa. Các giám mục Công Giáo đã đưa ra tuyên bố chống lại án tử hình, là hình phạt được xem như một giải pháp công bằng và hợp luân lý đối với tội phạm. Các ngài đã dựa vào các lý do sau đây để chống lại án tử hình:

Trước hết, án tử hình dập tắt mọi hy vọng vào một con người. Không có bất cứ cơ hội nào để làm lại hoặc hoán cải.

Thứ hai, không có bằng chứng chứng tỏ án tử hình là một phương thế giúp ngăn chặn tội phạm. Án tử hình không có tác động gì đến tỉ lệ tội phạm giết người hoặc các tội khác.

Thứ ba, trả thù khác với công bình và không thể biện minh về mặt luân lý được.

Thứ tư, sự sống con người là quà tặng thánh thiêng từ Thiên Chúa. Án tử hình không thúc đẩy nhưng làm giảm lòng cảm kích đối với giá trị của sự sống.

Thứ năm, án tử hình luôn bao gồm nguy cơ có người vô tội bị tử hình oan uổng.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn có thể đối thoại với những lập luận của các giám mục nhằm chống lại án tử hình như thế nào? Bạn có nghĩ rằng án tử hình có thể được biện minh theo quan điểm luân lý Kitô giáo không? Nếu có thể, biện minh như thế nào?

  1. LẠM DỤNG MA TÚY VÀ RƯỢU

Lạm dụng ma túy và rượu cũng có liên hệ đến nền luân lý nhất quán về sự sống. Lạm dụng ma túy trong xã hội chúng ta gây ra hàng ngàn cái chết cho cả người sử dụng lẫn những người chịu ảnh hưởng bởi tội ác này. Lạm dụng ma túy không chỉ hủy hoại chính bản thân, nhưng còn đưa đến các hệ quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Rất nhiều nơi trong các thành phố Hoa kỳ đã trở thành những chiến trường nguy hiểm cho mọi bên. Ma túy thường tác động nghiêm trọng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: là người nghèo, vô gia cư và thất nghiệp.

Đến nay, Hoa kỳ vẫn xem lạm dụng rượu được xem là một loại nghiện. Gần đây, mỗi hai năm, chúng ta mất rất nhiều người trên các đường cao tốc vì tai nạn có liên quan đến rượu bia, và số người đó tương đương với số thương vong của chúng ta trong chiến tranh Việt Nam. Nghiện rượu là căn bệnh tàn phá nặng nề nhất trong đất nước chúng ta khi cứ mười người trưởng thành thì có một người bị nghiện. Nó tàn phá không chỉ từng cá nhân nghiện, nhưng còn toàn bộ gia đình của họ.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bệnh nghiện rượu có thể bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên và lạm dụng rượu rất phổ biến nơi các bạn trẻ. Nếu bạn có một người bạn lạm dụng rượu một cách nghiêm trọng, bạn có nói với bạn ấy về ý kiến của bạn không? Nếu người bạn của bạn không thay đổi các thói quen của mình, bạn có thông tin cho bố mẹ, người tư vấn hay giáo viên của bạn ấy không? Tại sao có hoặc tại sao không?

Câu Hỏi Ôn Tập

  1. “Một nền luân lý nhất quán về sự sống” có nghĩa gì?
  2. Các lập luận nào thường được những người ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ sử dụng?
  3. Giải thích quan điểm của Giáo Hội về vấn đề phá thai. Tại sao Giáo Hội dạy những điều ấy?
  4. Những tiêu chuẩn cần thiết cho một “chiến tranh công lý” là gì?
  5. Quan điểm của các giám mục Hoa kỳ liên quan đến chạy đua vũ trang và sử dụng vũ khí hạt nhân là gì?
  6. “Công bằng xã hội” có nghĩa gì?
  7. Những quyền căn bản mọi người đều có quyền được hưởng theo thông điệp Hòa Bình Trên Trái Đất là gì?
  8. Những yếu tố liên quan đến từng cá nhân lẫn xã hội trong vấn đề phân biệt chủng tộc là gì?
  9. Làm chết êm dịu là gì? Giáo Hội dạy gì về quyền được chết của một người? Giáo Hội dạy gì về chết êm dịu chủ động?
  10. Đâu là những lý do khiến các giám mục Hoa kỳ chống lại án tử hình?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 268 – 284.