Ảnh từ Internet

Tôi gọi là sự sầu khổ… mọi sự lười biếng, khô khan. (LT, Các Qui Tắc Nhận Định Thần Loại, Tuần 1, # 4)

Trong cơn sầu khổ, tôi không chỉ kinh nghiệm được sự bất an và bối rối mà còn kinh nghiệm được sự buồn sầu và nguội lạnh – hoặc nói theo từ ngữ của thánh I-nhã là sự thờ ơ/lãnh đạm. Trái ngược với lòng tin đại chúng, sự căm ghét không phải là điều ngược lại của tình yêu. Khi tôi ghét ai đó, ít nhất tôi cũng bận tâm tới cuộc sống của người đó. Tôi ở trong tương quan với người đó. Tôi đã cho phép người đó kích động tôi, thay đổi tôi. Điều ngược lại của tình yêu là sự lãnh đạm, bởi đó tôi không để ý người khác cho đủ để ghét họ. Tôi gần như không có tình cảm khi bạn có ý nghĩa quá nhỏ bé đối với tôi đến nỗi tôi không cảm nhận được bất cứ điều gì từ bạn cả.

“Ước chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh3:15–16)

Là một nhà tư vấn hoặc một vị linh hướng, có nhiều điều tôi có thể làm để giúp cho một người đang có sự thù hận, thậm chí là sự thù hận đối với Thiên Chúa. Những cảm xúc mạnh mẽ như thế chỉ ra rằng người đó đang vật lộn, đang chiến đấu trong mối tương quan. Chúng ta có thể sử dụng những cảm xúc này! Chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa với những cảm xúc như thế và để cho Thiên Chúa làm những gì cần được làm cho việc chữa lành. Nhưng nếu một người đang ở trong tình trạng lãnh đạm, thì có rất ít điều mà vị linh hướng có thể làm để giúp cho người đó. Người đó không có sự dấn thân, không có tương quan. Điều tốt nhất mà vị linh hướng có thể làm là giúp người đó nhận ra tình trạng lãnh đạm của mình và cố gắng thoát khỏi tình trạng đó. Nhưng cho đến lúc đó, người đó giống như một chiếc thuyền buồm lạc trôi giữa biển lặng gió.

Như tôi đã chỉ ra ở trước đó rằng kinh nghiệm về việc cảm thấy lìa xa Thiên Chúa là một dấu hiệu rõ rệt của sự sầu khổ. Nhưng điều tệ hơn là thiếu lòng ước ao được ở gần Chúa Ki-tô. Đây cũng là một kinh nghiệm quá phổ biến đối với các Ki-tô hữu hơn những gì bạn có thể nghĩ ra. Ngay cả những Ki-tô hữu đầy lòng tin và mạnh mẽ đã vài lần trải qua kinh nghiệm đó khi họ không còn cảm thấy yêu thích cầu nguyện, họ không muốn đến nhà thờ, và họ chống lại việc canh tân thiêng liêng. Tôi nhớ mình có lần trò chuyện với vị linh hướng của tôi về sự vắng bóng Thiên Chúa mà tôi đã cảm nhận trong giờ cầu nguyện của tôi.

Vị nữ tu hỏi: “Bạn có muốn Thiên Chúa thân thiết với bạn không?”

Tôi đã nghĩ rằng đó là một câu hỏi ngớ ngẩn của một nữ tu dành cho một thầy chủng sinh và tôi đã trả lời bằng việc kể cho nữ tu ấy về sự nhiệt tâm của tôi đối với ơn gọi, sự trung thành của tôi trong các giờ cầu nguyện…. Nhưng nữ tu hỏi lần thứ hai: “Bạn có ao ước thân thiết với Thiên Chúa ngay lúc này không?”

Lại một lần nữa tôi trả lời bằng việc nêu ra những phát biểu cao thượng về lòng tin và sự kiên vững. Nữ tu kiên nhẫn lắng nghe với một nụ cười thân thiện và không xét đoán trên môi, và chỉ khi chờ tôi nói xong, nữ tu mới hỏi lần thứ ba: “Mark, bạn có ao ước thân thiết với Chúa Giê-su không?”

Tôi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt và thở sâu. Tôi đã bất ngờ nói: “Không”.

Nữ tu nói: “Được rồi, vậy là được rồi. Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu làm việc với nhau.”

Cũng như sự căm ghét không phải là điều ngược lại của tình yêu, thì sự chết cũng không phải là điều trái ngược của sự sống. Sự chết chỉ là một giai đoạn của sự sống – là cánh cửa đưa đến sự sống mới. Khi tôi chết, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, tôi vẫn ở trong miền sự sống. Nếu sự sống là núi, thì sự chết là sự xuống núi – sự đi xuống này có thể là vui hoặc buồn, mang tính tự nhiên hoặc siêu nhiên. Khi đó, điều ngược lại của sự sống không phải là sự chết nhưng là sự khô khan, nhạt nhẽo, buồn sầu, hâm hẩm, sự dửng dưng, thờ ơ. Không một cảm giác nào trong nhóm cảm giác được nêu phát xuất từ thần lành. Trong đời sống thiêng liêng, thánh I-nhã xét thấy tình trạng này còn đau khổ hơn rất nhiều so với tình trạng bị mâu thuẫn với Thiên Chúa hoặc bị bối rối bởi những sự đổ vỡ thiêng liêng. Từ kinh nghiệm đi thuyền buồm của người anh em, tôi đã học được rằng tôi có thể sử dụng mọi hướng gió để lái con thuyền của tôi về nhà. Nếu không có gió gì cả thì thật là khó để làm điều đó.

Chuyển ngữ: Tấn Tài, SJ.