CHƯƠNG 19

THÁNH NHÂN VÀ VĨ NHÂN

Image result for catholic saints

Lịch sử của Giáo Hội thì quan trọng hơn lịch sử của các nhà lãnh đạo, các giáo huấn hay những lộn xộn của Giáo Hội. Nhưng trọng tâm của lịch sử Giáo Hội lại chính là lịch sử của những người trung thành sống sứ điệp Kitô Giáo: đó chính là các vị thánh. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét trọng tâm của Giáo Hội qua việc chiêm ngắm những con người được xem là khuôn mẫu sống đức tin và thôi thúc các thế hệ đặt Đức Kitô và sứ mạng của Ngài làm trung tâm của Giáo Hội.

Khi nói đến các vị thánh, một trong những điều nổi bật nhất chính là sự đa dạng về nhân cách và những ơn riêng các ngài nhận được. Thánh nhân không phải là những kẻ rập khuôn. Họ hoàn toàn không bắt chước lẫn nhau. Mỗi vị bổ túc một điều gì đó cho khái niệm thánh thiện. Cũng vậy, việc chọn những vị nói đến ở đây hoàn toàn hạn hẹp (vì giới hạn của quyển sách) và mang tính tùy nghi. Họ được chọn vì mỗi vị cho thấy một đặc tính hội nhất với sự thánh thiện, một con đường nên thánh khác nhau. Ngoài việc đề cập đến sáu vị thánh, chúng ta cũng sẽ chiêm ngắm một số “vĩ nhân” của đức tin trong thời đại này: những con người của thế kỷ 20 đã tiếp tục sống ơn gọi nên thánh của Kitô Giáo.

Người Công Giáo tin rằng, chúng ta sống trong sự “hiệp thông cùng các thánh.” Là những người tin vào sự phục sinh, chúng ta đoan chắc rằng, cách nào đó, các thánh vẫn hiện diện với chúng ta một cách mầu nhiệm. Các thánh được tưởng nhớ theo ngày trong năm phụng vụ để nhắc nhớ chúng ta các cách thức đặc biệt Thiên Chúa tuôn đổ ơn lành trên chúng ta và mời gọi chúng ta nhận ra lý do chúng ta được dựng nên: để nên thánh, nên những nguồn suối ơn thánh và tình yêu trong thế giới.

 

  1. ĐỨC MARIA: MẸ THIÊN CHÚA, MẸ ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH

Đứng đầu danh sách các vị thánh trong Giáo Hội là Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ Maria là vị thánh lớn nhất và là mẹ của Giáo Hội. Ở chương trước, chúng ta đã bàn luận về hai tước hiệu khác của Mẹ. Thứ nhất, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nhấn mạnh vai trò độc nhất của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ và vai trò nối tiếp với tư cách là vị thánh cả trong cộng đoàn các thánh. Thứ hai, tước hiệu Mẹ Đấng Chịu Đóng Đinh nhấn mạnh một con người lịch sử, một người mẹ và là người chứng kiến con duy nhất của mình bị giết.

Tân Ước nói rất ít về Mẹ Maria. Chúng ta chỉ thấy một số đoạn trong Tin Mừng Luca và Gioan mà thôi. Trong trình thuật giáng sinh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca, Mẹ Maria được khắc họa như người môn đệ lý tưởng mở lòng mình cho Lời của Thiên Chúa và đáp lại Lời ấy. Trình thuật nổi tiếng về biến cố truyền tin trong Luca đã cho thấy các thái độ này của Mẹ.

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.  Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi (Lc 1, 26-38).

Mẹ Maria đã thưa tiếng xin vâng trước một đòi hỏi lạ lùng và mầu nhiệm. Điều quan trọng là chúng ta không giải thích câu chuyện này hoàn toàn theo mặt chữ. Cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria với sứ thần Gabriel không giống như các cuộc đối thoại của những con người thuần túy. Mẹ đã mở lòng ra trước sứ điệp của Thiên Chúa nói với Mẹ. Chúng ta có thể nghĩ rằng, chúng ta cũng sẽ đáp lại sứ điệp của sứ thần, nhưng đây không phải là điều được đề cập. Liệu chúng ta có thể nghe tiếng các “sứ thần” trong cuộc sống của chúng ta không? Chúng ta có mở ra trước thánh ý của Thiên Chúa không? Con tim của chúng ta có thể hoàn toàn đáp lại Thiên Chúa không? Không phải ngẫu nhiên mà Mẹ Maria được Thiên Chúa ưu ái, nhưng là vì mẹ luôn rộng mở và hết mực yêu mến Thiên Chúa. Niềm tin của Mẹ được mô tả trong phần thứ nhất của bài ca Magnificat:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Thiên Chúa đã chọn Maria vì Ngài thương mến Mẹ: những người khiêm nhường thường cậy dựa vào Thiên Chúa. Một lần nữa, chúng ta thấy chủ đề này trong bài ca Magnificat:

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Người thiếu nữ nghèo đó đã phải sinh con trong chuồng nuôi súc vật, là người phải chạy trốn khỏi những kẻ quyền lực lùng sục giết con trẻ của mình và phải chịu “một lưỡi gươm sẽ xuyên qua lòng” (Lc 2, 35) khi chứng kiến cái chết đau đớn của con mình trên thập giá.

Theo Tin Mừng Luca, Mẹ Maria là gương mẫu cho người môn đệ vì Mẹ mở lòng ra cho Lời của Chúa. Cương vị làm mẹ về mặt sinh học không quan trọng mấy so với cương vị làm mẹ về mặt thiêng liêng. Điều này có thể được làm rõ trong sứ mạng của Chúa Giêsu khi có ai đó thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Chúa Giêsu đáp lại rằng: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy Mẹ Maria dưới chân thập giá. Một khi Mẹ đã đem tình yêu Thiên Chúa vào thế giới thì Mẹ vẫn trung tín cho đến cùng:

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Truyền thống Giáo Hội đã giải thích trích đoạn này rằng, Mẹ Maria trở nên mẹ của Giáo Hội, một Evà mới. Ngang qua Mẹ, nhân loại đã được sinh ra lần thứ hai.

Giáo huấn chính thức của Giáo Hội nhìn nhận Mẹ Maria như là một nhân vật độc nhất trong lịch sử cứu độ. Mẹ là vị thánh cả trong cộng đoàn các thánh và còn hơn thế nữa. Nơi công đồng Vatican II, Giáo Hội muốn bảo đảm chắc chắn là Mẹ Maria được nhìn nhận và tôn kính, tuy nhiên, công đồng muốn ngăn ngừa việc tôn kính thái quá như có thời xem Mẹ như ngôi thứ tư trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nên Công Đồng đã viết:

Mẹ Maria là ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Ađam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi (LG. 53).

Mặc dù Mẹ thực sự là một con người như chúng ta, nhưng Mẹ cũng là đấng độc nhất vô nhị. Giáo Hội dạy chúng ta rằng, Mẹ được thụ thai mà không vướng nguyên tội. Ngay từ giây phút thụ thai, Mẹ được Thiên Chúa ưu ái và chúc lành cách đặc biệt. Mẹ cũng được đưa lên trời và được tôn vinh là nữ hoàng trời đất.

Xuyên suốt lịch sử của mình, Giáo Hội cổ võ lòng sùng kính và cầu nguyện với Mẹ. Điều này không có nghĩa là Mẹ thay thế Chúa Kitô, nhưng giống như các vị thánh, Mẹ là một phần của thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, để qua đó, chúng ta được liên đới trong đức tin. Vai trò của Mẹ là luôn luôn đưa người Kitô hữu đến gần Chúa Kitô và Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần hơn.

Có lẽ, việc sùng kính quan trọng và lâu đời nhất dành cho Mẹ là cầu nguyện với kinh mân côi. Kinh mân côi trọn vẹn gồm mười lăm lần “một chục” kinh. Mỗi một chục kinh nhấn mạnh một mầu nhiệm đức tin khác nhau. Các lời kinh nguyện được xem như một hình thức “cầm lòng cầm trí” trong khi tâm trí suy niệm các mầu nhiệm đức tin khác. Có năm sự mừng, năm sự vui, năm sự thương và năm sự sáng (mới được thêm vào sau này).

Cuối cùng, các lần “hiện ra” của Mẹ Maria đã tiếp tục củng cố việc sùng kính Mẹ. Những lần Mẹ hiện ra phải kể đến như: Lộ Đức ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha, Guadalupe ở Mêxicô và Czestochowa ở Ba Lan. Những nơi này và cả những lần hiện ra ở nơi khác tiếp tục thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Vai trò của Mẹ Maria trong đời sống đức tin của bạn là gì?

Bạn làm thế nào để tô điểm cho mối tương quan đó?

 

  1. THÁNH PHAOLÔ THÀNH TÁCXÔ

Rất có thể không một ai trong Giáo Hội lại có tầm ảnh hưởng lớn lao như thánh Phaolô. Ngài sinh ra ở Tácxô, trên bán đảo Cilicia khoảng 10 năm sau Chúa Giêsu. Ngài được sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo, nhưng ở trong tỉnh và thành phố thuộc đế quốc Rôma. Vì vậy, ngài vừa là công dân Rôma và cũng là người Do Thái. Vậy nên, tên Rôma của Ngài là Paulus, còn tên Do Thái lại là Saul.

Phaolô học ở Giêrusalem với một vị thầy nổi tiếng tri thức có tên là Gamalien. Phaolô thuộc nhóm Pharisêu vốn là những người sùng đạo Do Thái nhất. Nhóm người này tin mạnh mẽ vào những điều luật được giải thích nghiêm ngặt bằng ngôn từ và bằng văn bản. Ngay từ đầu, Phaolô đã kịch liệt chống đối giáo phái mới của những người Kitô hữu. Sách Công Vụ Tông Đồ đã kể lại cho chúng ta sự hiện diện của Phaolô tại cuộc tử đạo của Têphanô và lòng nhiệt thành bắt bớ Giáo Hội của ngài.

Tuy nhiên, Thiên Chúa có một kế hoạch khác dành cho ngài. Đó là trên đường đi Đamát, cuộc đời ngài đã xoay chuyển mạnh mẽ:

Ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9, 1-6).

Kinh nghiệm này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Phaolô. Chính cuộc “hoán cải” trên đường đi Đamát là nền tảng cho những việc ngài làm sau này. Ngài chịu phép rửa, dành ba năm tìm hiểu “con đường mới” và trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội. Vì trước đó tấn công Giáo Hội nên những người lãnh đạo của Giáo Hội sơ khai nghi ngờ ngài, thế nhưng, cuối cùng ngài đã được đón nhận. Phaolô trải qua ba hành trình truyền giáo lớn và thiết lập nhiều giáo hội ở các vùng Hy Lạp và Tiểu Á. Đặt chân đến đâu, ngài rao giảng trước là cho người Do Thái, sau đó mới cho các Dân Ngoại. Ngài đã rất thành công đối với những người ngoại, và được biết đến như là Tồng Đồ của dân ngoại. Phaolô bảo vệ sự tự do của người Kitô hữu. Các Kitô hữu gốc Dân Ngoại không bị trói buộc bởi những gánh nặng của luật Môsê. Ngài không chút do dự hay sợ hãi khi phải bảo vệ niềm tin của mình. Trong lá thư gửi cho các tín hữu ở Galát, Phaolô đã miêu tả cuộc tranh luận của ngài với Phêrô liên quan đến vấn đề thức ăn bị cấm đối với người Do Thái, nhưng dân ngoại lại được phép:

Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì (Gal 2, 11-12).

Có lẽ, điều quan trọng hơn cả sứ mạng truyền giáo là những gì ngài đóng góp cho nhu cầu cần thiết của Giáo Hội: một nhà suy tư lỗi lạc. Ngài có khả năng giải thích ý nghĩa cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô theo cách thức vẫn phù hợp dẫu đã qua hơn hai ngàn năm. Những lá thư ngài viết cho các giáo hội khác nhau cũng trở nên một phần của Tân Ước.

Phaolô đã sống nhiều hơn là nói và viết về Đức Kitô: ngài bắt chước Đức Kitô. Phaolô mạnh mẽ cam chịu đau khổ vì đức tin, bị tù đày nhiều lần, mỗi lần kéo dài nhiều năm và cuối cùng chịu tử đạo Rôma.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thánh Phaolô nhắc nhở rằng, chúng ta không phải từ bỏ khối óc của chúng ta mới có thể trở nên một Kitô hữu. Chúng ta có thể sử dụng nó để phục vụ Chúa. Phí phạm một khối óc là điều hết sức kinh khủng. Bạn đang làm gì để tập luyện tâm trí của mình? Bạn có thể làm gì hơn nữa không?

 

  1. THÁNH ÂU-TINH

Các thánh là những con người thuộc thời đại họ sống. Họ phản ánh những bận tâm và nhu cầu của một giai đoạn đặc thù trong lịch sử. Tuy nhiên, theo một cách khác, các thánh lại vượt xa thời họ và đụng chạm đến đấng vĩnh cửu. Âu Tinh quả là một vị thánh cho tất cả mọi thời. Cuộc đời của ngài cho thấy, lòng con người luôn khát mong và đói khát một sự thành toàn và một ý nghĩa đích thực. Ngài là biểu tượng của ơn Chúa không ngừng hoạt động trong linh hồn con người.

Âu-Tinh sinh ra ở thành phố Tagaste, Algêria ngày nay. Mẹ là Mônica, một Kitô hữu đạo đức (và cũng là một vị thánh), còn cha là Patricicus, chịu phép rửa lúc hấp hối. Âu-Tinh là một sinh viên xuất sắc nhưng lại lười học. Hai ông bà Patricicus và Mônica đã phải vất vả lao động để Âu-Tinh được giáo dục cách tốt nhất, nhưng cũng đã nghiêm khắc trừng phạt khi Âu-Tinh không lo học hành. Lúc mười sáu tuổi, vì cha mẹ không thể gửi đến trường nên cậu Âu-Tinh đã sống một thời gian đầy phóng túng trong đời sống tình dục. Nhưng may thay, một người bạn của gia đình đã đồng ý trợ cấp để Âu-Tinh có thể lên đường tới thành phố lớn là Carthage để học. Trong thời gian ở đây, cậu đã sống với tình nhân và người này đã sinh cho cậu một con trai, tên là Adeodatus. Sau 14 năm sống chung, Âu-Tinh đã bỏ cô tình nhân này và tiếp tục cặp kè với một người khác.

Vào năm 372, Âu-Tinh gia nhập giáo phái Maniche. Đây là một giáo phái được một người tên Mani dẫn dắt. Ông này truyền bá một tôn giáo dựa trên thuyết nhị nguyên (dualism): trong thế giới, quyền lực sự dữ chống lại quyền lực ánh sáng. Âu-Tinh đã lên đường tới Rôma để học tập và cũng tại đây, cuốn sách đầu tiên của ông đã ra đời. Rồi từ đây, Âu-Tinh đi tới Milan nơi đó ông đã trở thành giáo sư môn tu từ học. Thế rồi, ông đã tỉnh ngộ trong đời sống đức tin khi đang là một tín đồ của giáo phái Manichio và đi nghe giám mục Ambrôsiô thuyết giảng. Một ngày kia, ông đi dạo trong vườn với cuốn sách các thư thánh Phaolô trên tay, thì nghe như tiếng một trẻ em hát, “Hãy mở sách và đọc! hãy mở sách và đọc!” Ngài đã mở sách các thư Phaolô và gặp ngay đoạn Rm 13, 13: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Tự Thuật VIII, xvii, 28-30).

Cuộc đời của Âu-Tinh đã chẳng thể giống như trước. Ngài cảm thấy những lời này đốt cháy tâm can mình và có thể bỏ tất cả những khao khát và ham muốn dục tình ở lại đằng sau. Và rồi, ngài đã bỏ việc dạy học, gia nhập Giáo Hội và trở về Phi Châu. Dưới sự tác động của các đồ đệ của thánh Antôn, lúc đầu, ngài được thôi thúc sống đời đan viện. Nhưng khi giám mục Valerius cậy nhờ dân chúng tìm cho ngài một người phụ tá, dân chúng đã chộp ngay Âu-Tinh và ông đã được phong chức, dù đã phản đối nhưng dân chúng chẳng quan tâm. Năm năm sau, Âu-Tinh trở thành giám mục phụ tá và không lâu sau đó, khi Valerius qua đời, ngài đã trở thành giám mục thành Híppo. Trong thâm tâm ngài vẫn là một tu sĩ và tiếp tục sống như một tu sĩ. Âu-Tinh cũng đã thiết lập một số tu viện, trong đó có một nữ tu viện ở Bắc Phi.

Theo thời gian, Âu-Tinh trở nên một trong những nhà suy tư và tác giả lỗi lạc nhất trong lịch sử Kitô Giáo. Về tầm ảnh hưởng mặt tri thức chỉ có Phaolô và Tôma Aquinô mới sánh kịp. Tuy nhiên, là một vị thánh với tâm hồn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa của Âu-Tinh được đề cập đến qua nhiều thế hệ. Ngài nhận thức rằng, con đường thật sự duy nhất để nhận biết và hiểu bản thân chính là biết và hiểu Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa là suối nguồn đích thật và là cùng đích của cuộc đời. Sau nhiều tranh đấu, nghiên cứu và cả vô vàn tội lỗi, Âu-Tinh đã có thể viết: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên con cho Chúa và lòng con luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Cũng như Âu-Tinh, chúng ta thường tìm kiếm sự toàn vẹn sai chỗ. Ở Mỹ, người ta dùng rượu bia, hút chích và giàu sang nhằm lấp đầy sự trống rỗng, điều mà chỉ có đức tin, niềm hy vọng và tính yêu mới có thể lấp đầy được. Âu-Tinh cũng cho thấy rằng, chúng ta chẳng bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Bạn tìm sự toàn vẹn ở đâu trong cuộc đời này?

  1. THÁNH PHANXICÔ ASSISI

Phanxicô sinh năm 1182 ở Assisi, là con của một thương gia buôn vải giàu có. Mẹ ngài là một phụ nữ trẻ xuất thân từ Provencal; vì thế, dù cho tên rửa tội là Gioan Tẩy Giả, nhưng người ta thường gọi ngài là Francesco, anh chàng người Pháp. Phanxicô cùng làm việc với cha mình và nổi tiếng là một thanh niên thông minh, ham mê tiệc tùng nhưng dễ dàng chảy nước mắt trước những người ăn xin. Khi cuộc chiến giữa hai thành phố kình địch nổ ra, Phanxicô chiến đấu bảo vệ Asssi và bị bắt tù chừng một năm. Không lâu sau khi được phóng thích, cậu bị đổ bệnh và bắt đầu trầm tính hơn. Cậu quyết định bỏ quá khứ lại đằng sau và sống cô tịch trong một hang động. Một ngày kia, đang lúc độc hành trên lưng ngựa để trở về hang động, Phanxicô đã thấy một người phong cùi tiến về phía mình. Mặc dù cảm thấy ghê tởm, nhưng cậu đã xuống ngựa và tiến tới hôn người bị cùi đó. Ngày kế tiếp, cậu tự nguyện tới giúp một bệnh viện của những người phong cùi và tìm thấy niềm vui nơi việc phục vụ này.

Như thánh Phaolô và thánh Âu Tinh, cuộc đời của Phanxicô cũng kinh qua một cuộc hoán cái sâu xa khi ngài nghe tiếng gọi: “Hãy đi sửa nhà cho ta.” Tiếng gọi đó dường như đến từ thập giá trong nguyện đường San Damiano ở thành phố Assisi. Phanxicô hiểu tiếng gọi ấy theo nghĩa đen nên đã sử dụng tiền bạc của cha mình và đi xin người khác để bắt đầu tu sửa các ngôi nhà thờ. Ngài đã dâng tiền cho cha xứ. Cha của ngài đã điên tiết lên và khóa giữ Phanxicô dưới tầng hầm của gia đình, chỉ cung cấp bánh mỳ với nước lã mà thôi. Cuối cùng, cha ngài cho bắt Phanxicô nộp cho tòa án. Khi bị luận tội trước thẩm quyền của Giáo Hội, Phanxicô nói sẽ hoàn trả lại tiền của cho chính chủ nhân. Sau đó, Phanxicô không chỉ trả lại tiền của nhưng ngài còn cởi bỏ quần áo ngay giữa toàn án và đặt chúng dưới chân cha mình. Ngài tuyên bố mọi sự thuộc về cha mình và ước muốn sống chết với Chị Nghèo Khó, giải thoát mình để trở nên người con đích thức của Cha trên trời.

Sau đó, Phanxicô bắt đầu sống cuộc sống của một kẻ ăn xin và ẩn sĩ, mặc áo rách rưới, rao giảng sự nghèo khó là con được đích thực để đến với Đức Kitô. Không lâu sau, có nhiều người bị thu hút bởi sứ điệp và lối sống ngài rao giảng. Họ sống đơn sơ và phục vụ, ôm ấp mọi tạo vật trong tình yêu. Dẫu cho nghèo khó và gặp nhiều đau khổ, nhưng Phanxicô và những người theo ngài luôn ca hát ngợi khen Thiên Chúa theo nhiều cách. Phanxicô có cảm thức siêu việt về sự hiện diện của Chúa trong mọi sự và xem tất cả sự sống được sáng tạo như là anh chị em của mình. Ngài cùng với các môn đệ của mình được Giáo Hội chính thức thừa nhận là một dòng tu năm 1215. Không như các đan sĩ khác, truyền giáo là sứ mạng căn bản của các anh em hèn mọn Phanxicô. Các môn đệ của Phanxicô đã là một phần quan trọng của lịch sử Giáo Hội với mười sáu vị thánh và năm vị giáo hoàng xuất thân từ đây.

Phanxicô là khuôn mẫu của niềm hạnh phúc đích thực cho con người ngày hôm nay. Trong thời đại mà chúng ta luôn luôn nói về hạnh phúc là sự thoải mái, an toàn và giàu có, thì Phanxicô lại thách thức chúng ta vượt qua sự hạnh phúc nhờ vào sự thoải mái để đến với niềm vui sâu xa của Tin Mừng.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Phanxicô thách thức chúng ta sống đơn giản thì chúng ta sẽ tự do hơn và hạnh phúc hơn. Làm thế nào để chúng ta có thể sống đơn giản? Có phải đó là lấp đầy thời gian vô nghĩa và có quá nhiều của cải? Bạn có nghĩ rằng của cải thực sự sẽ làm bạn trở nên một người tốt hơn?

 

  1. THÁNH CATHERINA THÀNH SIENA (1347-1380)

Dường như nhiều vị thánh bắt đầu từ việc trốn chạy khỏi thế giới để tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng lại bị cuốn hút vào thế giới theo cách thức họ không thể đoán trước được.

Catherina thành Siena chắc chắn phù hợp với quan điểm này. Bà sinh ra ở Jacobo và Lapa Benincasa, trong một gia đình trung lưu có hai mươi hai người con (chỉ mười hai còn sống). Không giống như các vị thánh khác chúng ta đã thấy, từ rất sớm, Catherina đã được chọn để nên thánh. Lúc mới sáu tuổi, ngài đã có thị kiến về Đức Kitô và khấn hứa chỉ phục vụ mình Người mà thôi. Ngài đã từ chối kết hôn, một việc làm cho mẹ của ngài tức giận, nhưng cuối cùng người cha thánh thiện của Catherina đã nhận ra rằng, Catherina được mời gọi sống một bậc sống khác. Vì thế, ở tuổi mười chín, Catherina gia nhập dòng Dominican Sisters of Penitence. Ngài tiếp tục sống ở nhà, nhưng trong bầu khí cô tịch, cầu nguyện và ăn chay. Ngài hưởng nếm một cảm nghiệm thiêng liêng sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa và thuật lại “các thị kiến” về Đức Kitô. Tuy nhiên, Catherina đã trải qua một giai đoạn cám dỗ căng thẳng, trong đó có nhiều cám dỗ về tính dục. Điều này làm cho ngài hết sức bối rối. Cuối cùng, ngài dâng chúng lên cho Thiên Chúa như là một phần thánh giá phải mang lấy và những cám dỗ đã nhanh chóng biến mất. Vì sự thánh thiện và những phép lạ xảy ra nhờ lời cầu nguyện của ngài, nên Catherina đã trở nên hết sức nổi tiếng. Người tội lỗi đến gặp ngài đều được ơn sám hối.

Trong khi đó, thời gian này là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của Giáo Hội. Giáo hoàng chuyển tới Avignon và Giáo Hội khắp nơi nơi đều trong tình trạng xuống cấp. Catherina viết thư cho công sứ tòa thánh và cuối cùng đã gặp được Giáo Hoàng Grêgôry XI. Vị này đã bị sự chân thành và thánh thiện của ngài chinh phục. Catherina từ biệt Giáo Hoàng ngày 11 tháng 9, và  đến ngày 13 tháng 9, Giáo Hoàng lên đường về Rôma và chẳng bao giờ trở lại Avignon một lần nào nữa. Người kế vị là Giáo Hoàng Urban VI đã yêu cầu Catherina đến Rôma nói chuyện với các hồng y. Một cô gái nhỏ nhắn lạ lùng huyền bí dành thời gian cầu nguyện trong cô tịch và dành những năm cuối đời để cố vấn cho Giáo Hoàng và giảng thuyết cho các hồng y.

Catherina đúng thật là một câu chuyện về ơn Chúa. Ngài luôn luôn tín thác vào lời mời gọi và vâng theo tiếng gọi, hầu làm những điều mà ngay ngài cũng chưa từng mơ tới. Là một người nữ, ngài liên tục được nhắc nhở cần trở về với vị trí thấp bé của mình, nhưng ngài đã thuyết phục những người nghi ngờ mình nhất bởi sự thánh thiện đích thực của ngài. Catherina cũng là dấu chỉ Thiên Chúa có thể hoạt động trên bất cứ ai Người đã chọn. Ngài không thông minh như Phaolô hay Âu Tinh, cũng không có đặc sủng tự nhiên hay ơn khôn ngoan của Phanxicô, nhưng ngài có thừa lòng can đảm và phó mặc cho ơn Chúa tuôn đổ qua ngài và làm thay đổi cả một giai đoạn của lịch sử Giáo Hội.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Catherina không để cho các quy ước điển hình cản trở mình làm những điều ngài tin là đúng. Ngài can đảm nói với những người có quyền lực. Giả như bạn viết thư cho Giáo Hoàng để đề nghị cải thiện Giáo Hội, bạn sẽ nói điều gì?

 

  1. THÁNH THOMAS MORE (1477-1535)

Quả là rất khó tìm ra một vị nào khác với Catherina hơn là Thomas More. Ông không có những thị kiến lớn lao khi còn trẻ hay khao khát lánh xa thế giới như Catherina. Sinh ra là con trai của một luật sư và được hưởng một giáo dục tốt ở Anh Quốc, ông cũng đã trở nên một luật sư (sau đó trở nên một linh mục). Ông là một trong những nhà tri thức lớn trong giai đoạn Âu Châu có những chuyển biến lớn lao còn Giáo Hội cần được canh tân. Tác phẩm kinh điển của ông có tiêu đề là Utopia đến nay vẫn được đọc và nghiên cứu. Bạn thân của ông, Erasmus nói về ông là một người thông minh, hài hước và là người bạn đích thực trong số những người bạn của mình. Khi còn trẻ, dù là một thành viên trong nghị viện, nhưng lại xung khắc với vua vì vấn đề liên quan đến tài chính. Tuy nhiên, sau đó ông được người kế vị là vua Henry VIII tin tưởng hết mực.

Thomas kết hôn và có được bốn người con với người vợ đầu là Jane, trước khi bà này qua đời. Sau đó, ông đi bước nữa với một người phụ nữ lớn tuổi hơn là Alice, người thường gây khó chịu với bạn bè của ông. Thomas kỳ vọng vào một nền giáo dục tốt cho mọi người nam cũng như nữ và đã giáo dục rất tốt cho các con của ông. Người con gái lớn nhất Margaret được ông hết mực yêu mến và cô này dường như đã thừa hưởng từ ông sự thông minh tài giỏi.

Vị vua thường tìm đến Thomas và hay giữ ông lại nhiều ngày trong cung điện hoặc thăm viếng nhà ông. Thế rồi, ngài đã chỉ định ông làm tể tướng Anh Quốc, địa vị cao nhất trong vương quốc chỉ sau vua. Tuy nhiên, tình bạn giữa hai người trở nên đổ vỡ khi vua tìm cách ly dị vợ mình là Catherina để cưới Anne Boleyn. Khi Giáo Hoàng không cho phép, nhà vua tuyên bố mình là thủ lãnh của giáo hội Anh Quốc và yêu cầu tất cả phải tuyên thệ quyền tối cao của nhà vua. Khi khủng hoảng này xảy đến, More từ chức tể tướng, nhưng điều đó không đủ cứu mạng ông. Ông từ chối thề và cuối cùng bị quy kết tội phản quốc. Lời cuối cùng ông nói với dân chúng là: “Anh em thân mến, tôi xin anh em hãy làm chứng cho rằng, tôi chết trong và vì đức tin của Giáo Hội Công Giáo, tôi trung thành với vua tôi, nhưng Thiên Chúa mới là trên hết và trước hết.”

Thomas More không phải là một tông đồ như Phaolô cũng không phải là một tội nhân vĩ đại như Âu Tinh khi còn trẻ. Ngài không từ bỏ mọi gia sản như Phanxicô cũng không phải là một nhà thần bí như Catherina. Ngài chỉ là một  “con người rất đỗi bình thường”, là người có khối óc thuộc về thế giới, nhưng con tim lại thuộc về Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thomas More là một khuôn mẫu điển hình của những người sống trong thế giới nhưng không “thuộc về” thế giới. Ngày nay có ai làm bạn nhớ chút nào tới Thomas More không? Bạn có thể nhớ đến một nhà chính trị “thánh thiện” nào không?

Thomas Merton, Dorothy Day và Oscar Romero chưa được chính thức phong thánh. Có thể là không bao giờ có ngày đó. Tuy nhiên, mỗi một người trong số họ lại thể hiện một đời sống đức tin sâu xa ở thế kỷ hai mươi. Họ rất khác nhau sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, họ cùng đam mê Thiên Chúa và yêu chuộng hòa bình. Họ đại diện cho số ít người có thể được xem như những mẫu gương sống đức tin Kitô Giáo trong thế kỷ hai mươi.

  1. THOMAS MERTON

Thomas Merton sinh ngày 21 tháng 1 năm 1915 ở Prades, nước Pháp, có hai người em là Ruth và Owen Merton. Mẹ là người Mỹ còn cha là người New Zealand. Cả hai đều là những nghệ sĩ nhưng không chu cấp đủ cho đời sống cả gia đình ở Pháp nên đã chuyển đến sống ở Douglaston trên đảo Long quê ngoại của Thomas. Gia đình Merton còn có một người con khác tên là John Paul nhưng đã qua đời sau khi Ruth chết vì bệnh ung thư. Còn Owen ở lại với gia đình một thời gian ngắn với ba mẹ và một lần nữa đến Âu Châu và trở thành một họa sĩ ở đó. Thomas đi với anh ta chu du khắp Âu Châu và cuối cùng định cư ở Anh Quốc. Tại đây, Thomas bắt đầu ghi danh vào một trường tiểu học dân lập có tiếng. Lúc Thomas mười sáu tuổi thì cha mất vì bệnh u não sau một thời gian dài phát bệnh.

Sau đó, Thomas sống với một người bạn thân của gia đình. Cậu ngao du khắp Âu Châu và vào dịp hè, cậu thăm viếng anh em và họ hàng ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Merton ghi danh học ở Cambridge. Nhưng thay vì học hành, cậu dành phần lớn thời gian để rượu chè và tiệc tùng. Cuối cùng, ông bà ngoại thấy rằng Merton sẽ tốt hơn dưới sự hướng dẫn của mình, nên một lần nữa cậu lại trở về Mỹ.

Cuộc đời đầy thao thức và mất mát ba mẹ đã tạo nên tình trạng nội tâm của Merton. Cậu chán ghét cuộc sống của mình và khao khát một mục đích, một định hướng cho cuộc đời. Dần dà, Merton tìm thấy định hướng này khi học ở đại học Columbia University. Mặc dầu vẫn còn đam mê tiệc tùng, nhưng Merton cũng dành quan tâm lớn về Đạo Công Giáo và làm bạn với những người có thể giúp cậu có được ý thức sâu xa về định hướng cuộc đời. Cuối cùng, cậu học đạo và được chào đón vào Giáo Hội Công Giáo. Cậu sống đời sống đạo hạnh của một người tân tòng, cầu nguyện hàng ngày và cố gắng thay đổi những thói quen cũ của bản thân. Khi nói với bạn mình là Bob Lax rằng, cậu muốn trở nên một “người Công Giáo tốt lành,” Lax đã nói cậu đang nhắm sai mục đích, cậu nên khao khát nên thánh. Điều này trở nên niềm đam mê chi phối tâm trí cậu. Cậu cố gắng gia nhập hội dòng Phanxicô nhưng bị từ chối vì quá khứ của mình. Thay vào đó, cậu gắn bó và dâng hiến cuộc đời mình trong dòng Trapists trong đời đan tu.

Merton tin rằng, ông đang bỏ lại thế giới đằng sau và chìm đắm mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Rốt cuộc, ông có một nơi để thuộc về. Nhưng một lần nữa, Thiên Chúa lại có những ý định khác. Khi đang ở trong đan viện, ông viết câu chuyện đời mình với tựa đề Seven Storey Mountain. Cuốn sách này kể lại cuộc đời và sự hoán cải của ông và là một đầu sách bán rất chạy. Nội dung cuốn sách đụng chạm vấn đề nhạy cảm của chiều sâu tâm linh của Mỹ và Merton bây giờ trở nên nổi tiếng về nhân cách. Ông tiếp tục viết và cho ra đời nhiều cuốn sách với tốc độ không thể tưởng tượng nổi. Ông trở nên nổi tiếng, sách của ông viết được đọc rộng rãi khắp nơi và là một nhà suy tư có ảnh hưởng đến tinh thần trong thời ông, có lẽ cả thế kỷ hai mươi. Những tư tưởng và tinh thần của ông luôn luôn mới mẻ và nhiều năm sau đó, ông dành cuộc đời mình để viết về những vấn đề liên quan đến hòa bình và công lý trên thế giới. Về những lãnh vực này, ông đã gợi lên tiếng nói mang tính ngôn sứ. Tiếc thay, ông chết vì tai nạn ở Bangkok, Thái Lan, khi được phép rời đan viện để đi tham dự một hội nghị quốc tế.

Cuộc đời của Merton quả là một nghịch lý. Thời thơ ấu được gắn liền với bi kịch và bất an. Tới khi trưởng thành là cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy sự trống rỗng mà ông đã kinh qua thời thanh niên. Ông là một tu sĩ nhưng tiếng ông lại vang vọng toàn thế giới. Ông đã khấn thinh lặng nhưng ảnh hưởng sâu xa trên Giáo Hội. Ông là người của thần khí nhưng lại rất yêu thích tiếng cười giòn giã và một ly bia đông lạnh. Ông đã và đang là dấu chỉ hy vọng và tin tưởng cho những người đang gặp những trớ trêu của cuộc đời.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Người ta nói rằng, Thiên Chúa có khả năng vẽ một đường thẳng bằng những nét cong. Ngài có thể dùng những biến cố cuộc đời, thậm chí đó là một bi kịch và ban cho chúng một hướng mới dưới ánh sáng của tình yêu. Điều này quả rất đúng với trường hợp của Merton, một người vô hướng và thiếu mục dích, đã mở ra trước sự tròn đầy của Thiên Chúa.

Bạn có thể nghĩ đến biến cố nào giúp bạn học được những điều quí báu ngang qua những sai sót và bi kịch?

 

  1. DOROTHY DAY

Nhiều người tin rằng, Dorothy Day là một vị thánh, tuy nhiên, không như Thomas Merton, Dorothy thực sự không khao khát nên thánh, nhưng chỉ đơn giản phục vụ Thiên Chúa bằng cách kêu gọi xây dựng một xã hội dựa vào tình yêu và cộng đồng. Giống như Merton, cô có lẽ là khí cụ lạ lùng của Chúa. Bà sinh ngày 08 tháng 11 năm 1897, trong một gia đình chẳng mấy quan tâm đến tôn giáo. Cha là một phóng viên đường trường chỉ biết đến công việc và vì vậy gia đình luôn di động cùng ông đi khắp mọi miền đất nước. Mẹ cô là một người ngoan hiền và phục tùng.

Dorothy là một người thông minh lạ thường và yêu thích đọc sách. Đó là một cô bé thích sống lủi thủi một mình, đắm mình trong các trang sách và ý tưởng. Hồi còn là sinh viên Đại Học Illinois Chicago, Dorothy kết bạn với những người ủng hộ ý tưởng chủ nghĩa cộng sản và cách mạng. Khi cách mạng cộng sản diễn ra ở Nga, Dorothy và những người bạn của bà tin rằng, đấy là sự khởi đầu của một thời đại mới tự do và bình đẳng của tầng lớp bình dân. Dorothy trở lại New York và làm việc như một phóng viên cho một tờ báo cấp tiến. Mười năm kế tiếp là khoảng thời gian đầy biến động. Dorothy lao vào những cuộc tình như một con thiêu thân cho đến lúc trái tim tan vỡ. Cô kết hôn với một người chẳng mấy nghiêm túc với đời sống hôn nhân và rồi để anh ta lại Âu Châu còn mình trở về Mỹ. Con tim tan vỡ, cô đơn và phiền muộn, nhưng cuốn tiểu thuyết cô viết lại giúp cô có đủ tiền mua một căn hộ ở Staten Island. Dorothy sống với một người đàn ông khác và có một đứa con với người này tên là Tamara, nhưng ông này cũng chẳng đoái hoài đến con cái hoặc chẳng quan tâm tới mối bận tâm mới của Dorothy về tôn giáo.

Dorothy quyết định cho đứa nhỏ rửa tội trong đạo Công Giáo và bà cũng gia nhập Giáo Hội vào tháng 12 năm 1927. Bà chìm đắm trong đức tin, đọc sách thần học và linh đạo, và vẫn tiếp tục tuyên truyền học thuyết xã hội tích cực. Cuộc đời của bà được sự thay đổi tận căn nhất khi gặp được Peter Maurin. Bà tin rằng Peter vừa là một thiên tài vừa là một thánh nhân. Ông này dạy triết thuyết về “chủ nghĩa nhân cách” và nhấn mạnh phẩm giá của hết mọi người và nhu cầu cần nắm bắt cho được gốc rễ về ý nghĩa của cuộc đời. Được gợi hứng từ Peter, bà chuyển đến Bowery ở New York City và bắt đầu làm việc với người nghèo và xuất bản tờ báo The Catholic Worker. Bà mở nhà cho những người vô gia cư và chăm sóc họ. Rồi không lâu sau đó, bà và các cộng sự lại mở một ngôi nhà lớn hơn và nhiều người bắt đầu được thu hút bởi công việc của họ. Các tình nguyện viên bắt đầu đến và công việc được mở rộng hơn. Độc giả tờ báo của bà cũng hiến tặng tài chính và khi Thế Chiến thứ II nổ ra, có khoảng bốn mươi ngôi nhà như thế trên khắp đất nước.

Giống như Merton, Dorothy được dẫn đến Thiên Chúa bằng một sự hiểu biết thâm sâu và thao thức không ngơi, điều mà chính trị hay triết lý tích cực không làm thỏa mãn bà. Bà khám phá nơi mình điều mà Âu Tinh đã nói, “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên con cho Chúa và lòng con luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài.” Ảnh hưởng của Dorothy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay nơi các ngôi nhà Catholic Worker trên khắp đất nước không ngừng chăm lo cho người nghèo và vô gia cư.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Khi nghe về cuộc đời của Dorothy Day, đoạn Tin Mừng nào gợi lên trong tâm trí bạn?

Bà giống và khác thế nào với Merton?

 

  1. OSCAR ROMERO

Người ta thường nói, một số người được sinh ra để làm những việc lớn lao, còn một số thúc đẩy họ để làm những việc lớn lao ấy. Oscar Romero có lẽ là người như thế. Để hiểu con người Romero, hiểu về đất nước và thời gian ông sống và chết là điều rất cần thiết.

Giáo Hội ở Trung và Nam Mỹ thường gắn liền với người giàu có và những người quyền lực từ thời phát triển của các quốc gia ở đây. Đối với tầng lớp người nghèo, Giáo Hội rao giảng sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa và phần thưởng tuyệt hảo trên thiên đàng. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi trong giai đoạn sau của thế kỷ này. Khoảng cách giàu nghèo và tình trạng bóc lột lan rộng đã thôi thúc Giáo Hội đối diện với sự thật rằng những bất công này đã vang thấu trời cao. Giáo Hội bắt đầu giúp đỡ người nghèo nhận ra giá trị và quyền lợi của họ hơn là động viên họ chấp nhận số phận của mình. Nhiều nhà lãnh đạo của Giáo Hội bắt đầu sống giữa người nghèo và tổ chức họ thành những “cộng đồng cơ bản.” Những cộng đồng này đọc và suy niệm Lời Chúa dưới ánh sáng hoàn cảnh nghèo khó của họ. Thông thường, điều này giúp họ nhận ra quyền lợi của mình.

Oscar Romero sinh ở El Salvador, một đất nước nhỏ ở Trung Mĩ vốn đã kinh qua tình trạng nghèo khổ và sự bất công nhất ở tây bán cầu. Romero xuất thân từ gia đình thuộc “tầng lớp trung lưu” và được huấn luyện theo truyền thống để trở thành linh mục. Ông thiên về các ý tưởng thần học hơn là công bằng xã hội. Ông là một người thông minh và được nâng lên làm giám mục phụ tá và sau đó được chỉ định làm tổng giám mục El Salvador trong sự ngạc nhiên của nhiều người.

Trong thời gian đó, vấn đề lạm dụng nhân quyền đã trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Biệt đội “thần chết” của quân đội thường tra tấn và sát hại bất cứ ai liên kết với các cộng đồng cơ bản và kết tội họ là những người cộng sản. Mặc dù Romero lên tiếng ủng hộ công bằng, nhưng ông đã không thấy được mức độ và sự tận cùng của những cuộc bách hại mà người nghèo đang phải gánh chịu.

Vào năm 1977, linh mục Dòng Tên Rutilio Grande bị giết khi đang trên đường đi dâng lễ, và khi ấy Oscar Romero mới nhận thức được tình trạng xã hội thế nào. Ông bắt đầu gay gắt lên án chống lại sự xâm phạm của quân đội và trở thành tiếng nói của người nghèo ở El Salvador. Ông ra khỏi nhà để đến sống giữa người nghèo và phục vụ họ. Giờ đây, Giáo Hội được nhiều người xem như là một mối đe dọa tới quyền lực quân sự và tới chính đất nước. Họ được khắc họa như những người cộng sản và những tập sách nhỏ được tuyên truyền với khẩu hiệu: “Hãy là một nhà yêu nước – hãy giết một linh mục.”

Chính Romero là một mục tiêu. Tuy nhiên, ông tiếp tục lên tiếng chống lại quân đội vốn đang tàn sát người dân. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1980, Romero bị bắn thấu tim khi đang dâng lễ. Những lời ông nói trong bài giảng ngày hôm đó, chỉ vài giây trước khi chết, cho thấy ý nghĩa của một cuộc đời sống kết hợp với hy lễ của Đức Kitô.

Ước chi thân này hy sinh và máu này hiến tế cho nhân loại được nuôi dưỡng, để chúng ta có thể trao ban bản thân và máu huyết này cho người khốn khổ và đau đớn – như Đức Kitô, không phải vì bản thân nhưng là đem lại công chính và bình an cho con người chúng ta.

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Sự thánh thiện của Romero chính yếu bắt nguồn từ một lòng can đảm sâu xa: đó là sự sẵn lòng chịu đau đớn dẫu phải chết vì ích lợi của những người nghèo khổ và vì sứ điệp của Tin Mừng. Bạn có thể nhớ đến một thời điểm nào đó bạn được mời gọi thực sự đấu tranh cho những điều mình tin không?

 

Câu Hỏi Ôn Tập

  1. Với tư cách là Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh, Mẹ Maria có vai trò gì trong đời sống đức tin của chúng ta?
  2. Biến cố bất ngờ nào làm cho Phaolô hoán cải về với Kitô Giáo? Trước cuộc hoán cái đó, Phaolô đã sống thế nào? Đâu là sự đóng góp của ngài cho tương lai của Giáo Hội?
  3. Âu Tinh là loại người nào trước khi ngài trở về với Kitô Giáo? Đóng góp lớn lao của Âu Tinh cho Giáo Hội là gì?
  4. Catherina Siena là ai và tầm ảnh hưởng lớn lao của ngài trên lịch sử Giáo Hội thế nào?
  5. Sự linh hứng nào thôi thúc Phanxicô Assisi phục vụ Giáo Hội? Điều gì làm ngài hoán cải? Cuộc đời của ngài thay đổi thế nào?
  6. Đâu là sự khác nhau trong đời sống đức tin giữa Thomas More và Phanxicô Assisi? Biến cố nào dẫn tới cuộc tử đạo của Thomas More?
  7. Những biến cố nào trong đời sống đã giúp Thomas Merton định hình nhân cách và tương quan của ông với Thiên Chúa?
  8. Dorothy Day là một nhà xã hội tận căn. Quan điểm chính trị của bà ảnh hưởng thế nào trên công việc bà làm với tư cách là một Kitô hữu?
  9. Oscar Romero là ai và tại sao ông lại trở nên một anh hùng của đức tin Kitô Giáo?

 

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 285-304.