1. Lời Chúa (Dt 10:11-14,18)
Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.12 Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời.13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.14 Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.18 Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa. |
2. Tìm hiểu
Bài đọc này tóm kết phần mà thư Do Thái nói đến sự so sánh giữa niềm tin và hy lễ của giao ước cũ và mới (8:1-10:18). Nó cũng đưa chủ đề về giao ước mới, vốn đã được ngôn sứ Giê-rê-mi-a tuyên bố, lên đến đỉnh điểm, mặc dù bài đọc hôm nay loại bỏ trích dẫn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a vốn được tìm thấy ở các câu 16-17. Tốt hơn, các nhà giảng thuyết nên đọc toàn bộ chương 10 để đặt bản văn vào đúng bối cảnh.
Khởi đầu chương 10, thư Do Thái sử dụng một trích đoạn từ Thánh vịnh 40 để chỉ ra rằng Đức Ki-tô sẵn lòng dâng hiến chính mình như một hy lễ đền tội qua việc tùng phục ý Chúa:
“Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (10:5-7)
Từ trích dẫn này, thư Do Thái kết luận rằng điều Thiên Chúa thật sự mong ước là hy lễ tự nguyện của một vị thượng tế, vốn đã dâng hiến chính mình một lần, hơn là hy lễ súc vật của giao ước cũ.
Vì vậy, bài đọc hôm nay tô rõ sự đối nghịch giữa các tư tế Lê-vi, những người hàng ngày vẫn dâng hy lễ chẳng đền được tội của ai, và Đức Ki-tô, vị thượng tế, đấng ngự bên hữu Thiên Chúa bởi vì hy lễ duy nhất của ngài đã mang đến ơn tha tội một lần cho tất cả. Ở điểm này, thư Do Thái lặp lại trích dẫn từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a mà bài đọc hôm nay đã lược bỏ, nói rằng, “Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa.” (10-17), và lá thư kết luận, “Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.” (10-18).
Mặc dù thư Do Thái tuyên bố mạnh mẽ là thế, nhưng ngay cả các tín hữu cũng có thể quên mất rằng đâu còn cần bất cứ lễ đền tội nào khác nữa. Bởi vì Đức Ki-tô, một vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, đã dâng hiến chính mình làm hy lễ cho Thiên Chúa, thì không còn điều gì có thể hoặc cần được bổ sung cho hy lễ ấy.
Những ai chọn bản văn này để giảng Lễ nên củng cố điều người ta thường quên lãng, mặc dù nó là thông điệp trọng tâm của tin mừng: mọi tội lỗi đã được tha rồi. Trong một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, Thiên Chúa đã đụng chạm đến cả tương lai lẫn quá khứ. Mặc dù con người đang, và sẽ tiếp tục phạm tội, thì mọi tội lỗi của họ đều đã được tha. Dĩ nhiên, đây không phải là một giấy phép phạm tội, như thể mọi hành vi luân lý đều trở nên vô nghĩa. Ngược lại mới đúng, ơn tha tội phải là nền tảng dẫn đến lời kêu gọi và đời sống luân lý. Bởi vì Thiên Chúa đã tha tội trong Đức Ki-tô, các tín hữu cũng phải sống hợp luân lý. Do đó, ngay sau bài đọc này, thư Do Thái kêu gọi độc giả của nó sống hợp luân và cảnh báo điều sẽ xảy ra cho những ai sống vô luân (10:19-39; 4:11-6-8).
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 107-8.