1. Lời Chúa: Dt 9:24-28

Quả thế, Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.25 Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh.26 Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.27 Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.28 Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.

2. Tìm hiểu Dt 9:24-28

Sau khi giải thích rằng phẩm vị tư tế của Đức Ki-tô thì cao trọng hơn phẩm vị tư tế Lê-vi, thư Do Thái, ở 8:1-10:18, so sánh và đối chiếu hy lễ mà Đức Ki-tô đã dâng tiến với những hy lễ thường ngày do các tư tế Lê-vi dâng. Vì thế, trong chương 8, thư Do Thái lập luận rằng Chúa Giê-su là trung gian của một giao ước tốt hơn bởi vì người đã có một sứ vụ cao trọng hơn (8:6). Đây là giao ước mới đã được tuyên bố trong Gr 31:31-34, một đoạn văn được thư Do thái trích dẫn đầy đủ. Thư Do Thái nhận ra sự thành toàn của đoạn văn ấy nơi hy lễ của Chúa Giê-su, xét như một vị thượng tế, vốn có hiệu quả tha tội như lời hứa trong Gr 8:12: “Vì vậy Ta sẽ tha thứ tội lỗi của chúng và chẳng còn nhớ đến tội của chúng nữa.”

Sau khi giới thiệu chủ đề về giao ước mới và sự tha thứ tội lỗi trong chương 8, thì ở chương 9 thư Do Thái thực hiện một cuộc so sánh cẩn thận giữa niềm tin cũ và mới cũng như những hiệu quả của các hy lễ của họ. Thư Do Thái cho rằng niềm tin của giao ước cũ không có hiệu quả tha tội bởi vì nó chỉ hiến dâng hy lễ là máu của loài động vật vô tri vốn không thể dâng hiến chính chúng một cách tự do. Ngược lại, Đức Ki-tô đã dâng hiến chính mình như một hy lễ đền tội bằng chính máu của mình.

Bài đọc tuần này phát triển lập luận này đến một mức sâu xa hơn. Lấy hình ảnh Ngày Xá Tội (Lv 16), lúc mà vị thượng tế bước vào gian cung cực thánh, thư Do Thái ghi chú rằng, ngược lại với vị thượng tế vốn chỉ bước vào cung thánh do con người làm nên, Đức Ki-tô đã bước vào cõi trời nhờ máu của chính người để tẩy xóa mọi tội lỗi một lần và mãi mãi. Hơn nữa, trong khi vị thượng tế lặp lại nghi thức xá tội hằng năm, thì Đức Ki-tô lại không cần phải lặp lại hiến lễ của người vì nó đã hoàn hảo để tha tội. Đức Ki-tô đã đi vào cung thánh thật, và hy lễ người dâng là đã đủ một lần cho tất cả. Vì vậy, việc người trở lại vào ngày tận thế không còn để xóa tội nhưng để mang ơn cứu độ.

Mọi việc thường không phải như vẻ ngoài của chúng. Những kẻ đã đóng đinh Chúa Giê-su đã nhìn thấy cái chết của một người đàn ông mà họ xem là một tên tội phạm. Còn đối với tác giả của thư Do Thái, cái chết kinh hoàng ấy trên thập giá là cánh cửa bước vào cõi trời của vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Đối với những kẻ đã hành hình Chúa Giê-su, cái chết của người là một cảnh báo hơn là một sự thánh thức quyền lực của Rô-ma. Còn đối với tác giả của thư Do Thái, đó lại là hy lễ hoàn hảo để chuộc tội, bây giờ và mãi mãi.

Mọi sự chỉ là vấn đề của đức tin và cách nhìn. Không có đức tin, người ta nhìn thấy một tên tội phạm; nhưng nhờ đức tin, lại thấy một thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Không có đức tin, người ta nhìn thấy một cuộc hành hình máu me; nhưng nhờ đức tin lại thấy một hy lễ hoàn hảo để chuộc tội. Nhiệm vụ của diễn giả là giúp cộng đoàn nhìn thấy và nhận ra điều gì thật sự đã xảy ra trên thập giá.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 105-6.