Vọng là trông, là mong, là đợi. Hy vọng là tin tưởng và mong chờ điều tốt đẹp sẽ đến. Vậy phải chăng hy vọng là một ảo giác ru ngủ con người trước thực tế bấp bênh của kiếp hiện sinh? Hay hy vọng là một hiện tượng có thật, đáng giá để con người sống và tiếp bước đường đời? Gabriel Marcel (1889 – 1973) – một triết gia Pháp – cũng đã từng bị lay thúc để suy nghĩ về những vấn nạn mang đậm tính hiện sinh trên. Và ông đã ghi lại những suy tư đầy chất siêu hình ấy về hy vọng trong tác phẩm Homo Viator. Bài viết này là một nỗ lực tiếp cận và trình bày những suy tư ấy.

Bài viết sẽ được bố cục theo bốn phần : Phần I, bối cảnh cuộc đời mà từ đó đưa Marcel suy tư về hy vọng; phần II, những đặc nét chính của hy vọng; phần III, bản chất và tầm vóc của hy vọng ; phần IV, những nhận định cá nhân mang tính áp dụng cho nhịp sống hiện đại hôm nay.

Dẫn nhập

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
(Truyện Kiều)

“Nghĩ thân phù thế mà đau!
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”
(Cung oán ngâm khúc)

Kinh nghiệm kia đâu chỉ của riêng ai. Năm tháng cứ chất chồng thì con người lại thấy cái khổ chồng chất. Kiếp người luôn đối diện với những cảnh huống trái ngang. Buồn! Buồn đến độ ví thân mình như bọt bèo. Ngán! Ngán đến nỗi coi đời là bể khổ, là bến mê. Song, bên cạnh phản ứng buồn bã, thất vọng, tiêu cực, còn có một phản ứng tích cực, tươi vui và mang lại sức sống. Đó là hy vọng [1].

Vọng là trông, là mong, là đợi. Hy vọng là tin tưởng và mong chờ điều tốt đẹp sẽ đến.[2] Vậy phải chăng hy vọng là một ảo giác ru ngủ con người trước thực tế bấp bênh của kiếp hiện sinh? Hay hy vọng là một hiện tượng có thật, đáng giá để con người sống và tiếp bước đường đời? Muốn trả lời những câu hỏi trên, có lẽ ta cần truy nguyên để biết xem bản chất của hy vọng, và bởi đâu hy vọng lại có thể làm cho con người an vui, phấn khởi.

Gabriel Marcel (1889 – 1973) – một triết gia Pháp – cũng đã từng bị lay thúc để suy nghĩ về những vấn nạn mang đậm tính hiện sinh trên. Và ông đã ghi lại những suy tư đầy chất siêu hình ấy về hy vọng trong tác phẩm Homo Viator. Phần tôi, đang thao thức về phận người đau khổ cộng thêm việc đọc đúng tác phẩm kia đã khuyến khích tôi mạnh dạn nghiên cứu và trình bày bài viết này.

Để đọc giả tiện theo dõi hơn, bài viết sẽ được bố cục theo bốn phần. Trước nhất, trong phần I, ta sẽ tìm hiểu xem bối cảnh cuộc đời mà từ đó đưa Marcel suy tư về hy vọng. Tiếp đến ở phần II, ta sẽ thử phác họa những đặc nét chính của hy vọng; để rồi trong phần III, ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu bản chất và tầm vóc của hy vọng – điều mà bài viết muốn nhắm tới từ lúc đầu. Sau cùng, trên nền những ý tưởng kia về hy vọng, người viết sẽ trình bày những nhận định cá nhân mang tính áp dụng cho nhịp sống hiện đại hôm nay trong phần IV.

BỐI CẢNH CHUNG CỦA HY VỌNG

Tác giả [3]

Marcel sinh năm 1889 tại Pháp. Mẹ ông mất khi ông mới được bốn tuổi, thế là ông sống và lớn lên cùng với bố và bà cô mà sau này sẽ cưới bố ông. Năm 1910, sau khi thi đỗ vào ngạch giáo viên (agrégation), ông bắt đầu dạy và viết về triết một cách không thường xuyên; bởi phần lớn thời gian ông dành để sáng tác kịch nghệ.

Với tâm hồn tinh tế của một kịch gia và óc quan sát của một thầy giáo triết, ông đau đớn nhận ra rằng mình đang sống trong một thế giới gãy vỡ và con người trong thế giới ấy bị giản lược thành những chiếc máy với các chức năng cụ thể. Bởi con người đang đánh mất đi ý thức về hữu thể. Họ lười phản tỉnh, chán tưởng tượng và khước từ sự siêu vượt. Nên đời sống họ dần đi vào nhịp đều đều, nhàm chán, khô héo và mòn chết. Với ông, đó không phải là sống, vì không có sự tươi vui và niềm hy vọng nơi mỗi con người.

Ưu tư như thế nên chẳng lạ gì những suy tư của ông cứ xoay quanh những cặp phạm trù: vấn đề và huyền nhiệm (problem – mystery), chiếm hữu và hiện hữu (having – being), thoái thác và trao hiến (non-disposability – disposability).

Những nét chính trong tư tưởng của Gabriel Marcel [4]

Vấn đề và Huyền nhiệm (problem – mystery)

Gabriel Marcel cho rằng vấn đề ở bên ngoài ta. Nó là một vật cản hiện ra trước mắt ta mà không hề chất chứa tí gì về căn tính của ta. Vì là một cản vật nên ta phải tìm cách vượt qua vấn đề. Khi tìm cách là lúc ta đang vô thức sử dụng lại những kỹ thuật mà bao người khác dạy cho ta. Do đó, vấn đề vẫn ì ra đó, không thay đổi, cùng lắm là chỉ bị vượt qua thôi. Còn ta, căn tính ta lại bị đổi thay.

Thế là vô tình, những kỹ thuật làm che mờ đi tính huyền nhiệm đang ngự trị trong ta, làm nên căn tính ta. Huyền nhiệm của Marcel không mang nghĩa tôn giáo là điều không thể hiểu được; nhưng là “cái gì đó mà tôi dính dự vào trong nó, nó như một khung trời hòa quyện không còn phân biệt giữa ‘trong tôi’ và ‘trước mắt tôi’ nữa.”[5]. Tỷ như cái chết của người thân yêu với tôi là một huyền nhiệm chứ không phải là một vấn đề. Bởi chẳng có một kỹ thuật tâm lý hay y học nào có thể gạt phăng nỗi cô đơn và cảm giác mất mát đang xâm chiếm hồn tôi. Trọn cả con người tôi ở trong cái chết kia. Huyền nhiệm là để sống chứ không phải để giải quyết, để mở ra chứ không phải để đóng lại.

Cũng vậy, thất vọng là vì ta chỉ thấy cuộc sống này như một chuỗi các vấn đề. Hy vọng, ngược lại, là sự mở ra với tính huyền nhiệm đằng sau những vấn đề ấy.

Chiếm hữu và Hiện hữu (having – being)[6]

Vâng, bởi nếu chỉ dừng lại ở vấn đề, ta rất dễ tiến tới xu hướng chiếm giữ. Cái mà ta chiếm giữ có ba đặc tính sau: không phải là ta; ta có quyền sử dụng nó; và nó được ta gìn giữ cẩn thận.[7] Đã không phải là ta mà ta lại cứ khăng khăng bám chặt vào nó thì thật là thảm hại. Ví như sau những năm học hành vất vả, cầm được tấm bằng tiến sĩ trong tay, tôi rất đỗi tự hào. Rồi dừng ở đó, tôi bắt đầu lười suy nghĩ, nhác nghiên cứu mà cứ luôn khẳng định những phán đoán của mình là chính xác, hợp lý thì thật quá đỗi dị hợm và ngây ngô. Vì thế giới luôn chuyển động và kiến thức là một đại dương bao la.

Vả lại, tấm bằng đâu phải là ta. Ta là cái luôn gắn chặt với tính hiện hữu. Hiện hữu là “đặc tính của những con người ý thức về nhân vị của mình và luôn luôn vươn lên khỏi tình trạng tầm thường của những cái sở đắc”.[8] Hiện hữu, do đó, là sự khẳng định chủ thể tính của cái tôi có tự do và dám đảm đương kiếp sống đầy chông chênh và giằng co này.

Giữa kiếp sống ấy, con người hiện sinh cần đến hy vọng. Mà hy vọng nào ở đâu xa, bởi nó là bản chất sẵn có nơi chủ thể hiện sinh kia rồi. Còn nếu không thật sự sống với hiện hữu của mình, con người cũng dần đánh mất hy vọng. Vì hy vọng không nằm trong cái có. Hay đúng hơn, thế giới của cái có không có chỗ cho hy vọng, chỉ có chỗ cho thành công hoặc thất bại mà thôi.[9]

Thoái thác và Trao hiến (non-disposability – disposability)[10]

Tiếp đến, một điều không thể thiếu đối với một hữu thể hiện sinh là tương quan với người khác. Trong triết lý của mình, Marcel nhấn mạnh đến việc đón nhận và yêu mến tha nhân. Thế nên, ông hay dùng từ tha ngã để chỉ về người khác. Người khác vừa là ta (ngã) vừa không phải là ta (tha).[11] Nghĩa là, trong tương quan liên vị (intersubjective relationship), người và ta cùng tôn trọng nhau, cùng lắng nghe nhau, cùng mong chờ được thông hiệp (communion) với nhau. Qua gặp gỡ và đối thoại, ta kinh nghiệm được sự hiện diện (presence) của người. Kinh nghiệm sự hiện diện của người tức là chấp nhận để cho lời nói và hành động của người nắn gọt đời ta. Ngược lại, ta cũng sẵn sàng trao hiến mọi nguồn lực của ta cho người mà không tính toán, không dè sẻn. Như thế, cả cái ngã (self) của ta và cái ngã của người cùng được thăng tiến đến trọn vẹn.

Nếu chẳng biết đón nhận và trao hiến, ta chỉ ở lại hoặc quanh quẩn nơi vỏ ốc khép kín của mình. Đóng kín là thoái thác hiện hữu mình, là thoái thác yêu thương người. Cho nên, dẫu có kề cận nhau, gặp mặt nhau hằng ngày, thậm chí có “đồng sàn” đi chăng nữa, thì người và ta vẫn “dị mộng”. Nên đặc tính của người thoái thác là luôn cảm thấy mình đang lạc lõng, đang bị bỏ rơi, bởi con đường đi vào trong nhau đã nghẽn tắc. Hóa ra, thoái thác trao hiến cho người là tự giết mình vậy. Tự sát là đường cùng của tuyệt vọng. Trao hiến là điểm tới của hy vọng.

Tóm lại, giữa một thế giới gãy vỡ, nặng cấu trúc, thừa duy nghiệm, triết thuyết của Marcel đã thổi một luồng gió mới mang hương sắc tươi vui và hy vọng vào đó. Làn gió ấy như kéo con người về lại với chiều sâu nhân vị mình. Từ đó, họ tái lập lại sự thống nhất nơi hữu thể mình, khám phá ra tầm vóc siêu vượt của Siêu việt, cùng mở ra trong yêu thương và đón nhận tha nhân. Trên ba chiều kích ấy, triết học về hy vọng sẽ được phác họa và điểm tô. Vậy giờ là lúc để ta thực hiện bước đầu tiên: phác họa về hy vọng.

NHỮNG YẾU TỐ KIẾN TẠO NÊN HY VỌNG [12]

Hy vọng và kinh nghiệm bị giam hãm

“Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.
Trong cửa này đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?
Những mong cá nước vui vầy,
Nào ngờ đôi ngã nước mây cách vời.”

(Chinh Phụ Ngâm Khúc, cc. 111 – 116)

Hy vọng tự bản chất là hướng về giải thoát.[13] Hay nói ngược lại, sở dĩ ta hy vọng là vì ta đang ở trong một khoảnh khắc đen tối, một giai đoạn thử thách, một thời kỳ bị giam hãm (captivity). Sự giam hãm kia có muôn hình vạn trạng, có thể là bị tù ngục, bệnh tật, nô lệ, hay chia xa như trường hợp của người chinh phụ trên.

Vậy có gì đặc biệt đâu vì đời người ai mà không gặp thử thách? – Đúng vậy, hiện tượng luôn là thế, nhưng điều quan trọng là ta có chịu ở lại trong (duration) chính thời khắc ấy không. Nếu chịu ở lại, ta sẽ phát hiện ra những cảm xúc khác nhau đang trồi hiện trong ta. Ta sẽ cảm nhận được sự tù túng của không gian: “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây”. Ta sẽ hiểu thế nào là sự chịu đựng (endurance): “Trong cửa này đã đành phận thiếp”. Ta sẽ nếm được thế nào là hương vị của việc bị bỏ rơi (alienation): “Nào ngờ đôi ngã nước mây cách vời”. Ta sẽ thấy cần có người bên cạnh để sẻ chia cùng ta: “Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?”. Thật là một trời xúc cảm khi ở lại trong sự giam hãm. Song tựu trung, đó là một cảm giác lạc lõng. Lạc lõng vì chẳng ai bên cạnh, không ai hiểu ta. Lạc lõng hơn nữa vì chính ta bị đẩy vào trong bóng tối, không còn thấy được thứ ánh sáng mà ta mong chờ (HV 30a).

Sự lạc lõng trong cảm xúc gợi nhắc ta về kinh nghiệm dở dang (impossibility) của hữu thể mình. Dường như có một điều gì đó chưa được hoàn thành nơi ta. Hình như trong ta còn lắm phân mảnh chưa được hội nhất.[14] Cũng như đằng sau cảm xúc lạc lõng là khao khát có được ánh sáng ta mong chờ, thì đằng sau kinh nghiệm dang dở là ánh sáng của huyền nhiệm đang gọi mời ta hy vọng. Ánh sáng của huyền nhiệm tuy chỉ cho ta sự bất túc nơi con người mình, mà sao vẫn không làm ta tuyệt vọng. Thế nên, Marcel mới mạnh dạn kết luận rằng: “Ánh sáng huyền nhiệm là nơi trú ẩn của hy vọng”[15].

Vậy đấy, thật nghịch lý, kinh nghiệm giam hãm lại là bối cảnh đặc thù của hy vọng. Hy vọng chỉ có được khi ta dám ở lại trong thời khắc đen tối. Bởi trong đen tối của kiếp người, ta lại có cơ may thấy được ánh sáng huyền nhiệm. Huyền nhiệm kêu thúc ta hoàn tất những gì còn dang dở, hội nhất những gì còn rời rạc. Thế chẳng phải là hy vọng sao? Do đó, “càng ít sống kinh nghiệm giam hãm, linh hồn càng ít nhận ra được ánh sáng huyền nhiệm của hy vọng.”[16]

Nói khác đi, đặc nét của hy vọng là một chủ thể tính vừa hiện sinh vừa huyền nhiệm. Một mặt, ta không trốn chạy hay thoái thác khỏi gian trần dẫu nó có lắm phong ba, cay nghiệt. Mặt khác, ta cũng không ngu ngơ, luống cuống để những cơn ba đào vùi chôn mình; nhưng điềm tĩnh mở ra với huyền nhiệm nơi ta và nơi biến cố.

Dù biết hy vọng có được từ kinh nghiệm đau khổ, nhưng cứ nhất thiết là phải có nghịch cảnh mới có hy vọng không? Liệu hy vọng có phải là chiếc phao cứu sinh cho những ai đang chết đuối không? Vả lại, cách thức mở ra của ta phải như thế nào? Mở ra có phải là mơ tưởng về một vùng trời tươi đẹp trong tương lai sắp tới không, hay là khát khao vượt qua tình trạng giam hãm bằng ý chí riêng của ta chăng? Những vấn nạn kia cho ta thấy nhu cầu kép là: vừa phải giải gỡ hy vọng khỏi những ý niệm tương cận, đồng thời qua đó vừa phải đưa ra được những đặc nét riêng của hy vọng đich thực.

Hy vọng và những giải gỡ

Hy vọng và tưởng tượng (imagination)

Thực tế là, đang khi sống giữa những muộn phiền đầy giam hãm, ta rất dễ có xu hướng để trí óc mình tung tăng mơ tưởng về bao viễn cảnh tươi đẹp, bao hoạch định rõ nét trong tương lai. Tuy nhiên tưởng tượng đâu phải là hy vọng.

Tưởng tượng là ta đang vẽ ra trong đầu mình những hình ảnh, những đối tượng theo ý riêng ta mà thực tế chưa hề có.[17] Như thế, tưởng tượng sẽ dẫn ta tới hai nguy cơ. Thứ nhất, sống với trí tưởng tượng là ta đang bị thôi miên (hypnotised) chứ không sống thực. Giả như khi nghe hung tin là mình bị ung thư, tôi đâm ra hoang mang và buồn bã. Rồi từ đó, tôi suy diễn hay ước đoán trước (anticipate) những cảnh phim buồn thảm sẽ ập đến trên hiện hữu tôi. Thế là tôi đang bị mê hoặc bởi chính nỗi thất vọng hay thử thách trước mắt. Chính sự thôi miên ấy đã bòn rút chất sống, đã bóp méo chính bản thể của hiện hữu tôi.[18] Cho nên, trí tưởng tưởng và sự suy diễn đã kết liễu tôi trước khi tôi bị căn bệnh giết chết về mặt sinh học. Tôi đã lãng quên hiện hữu mình tại đây và bây giờ (hic et nunc)!

Thứ hai, tưởng tượng luôn gắn liền với một đối tượng, với một kế hoạch đã được lập trình. Nếu kế hoạch ấy thất bại, ta càng thêm thất vọng. Trái lại nếu chúng thành tựu, ta vui mừng. Và đôi khi, những kế hoạch kia còn thành toàn vượt quá những gì ta đã dày công tưởng tượng và lập trình.[19] Sự vượt mức ấy cho thấy tầm giới hạn trong trí tưởng tượng của ta, và đồng thời cho thấy chiều kích bao la của hy vọng.

Thật vậy, hy vọng không có đối tượng chất thể (material object) cụ thể. Còn có đối tượng là còn bị rào vây bởi chính những đối tượng ấy. Còn có đối tượng là còn bị kéo ghì lại nơi những sự vật (dwelling on matter), nơi những công thức. Còn có đối tượng là còn ở lại trong cái chiếm hữu (having). Những công thức, đối tượng, và sự chiếm hữu kia càng làm ta mất tự do. Về phần mình, hy vọng luôn gắn với an vui và tự do. Bởi hy vọng không xếp đặt trước điều ta phải hy vọng. Bởi hy vọng là ta không để những đối tượng do mình vẽ ra kia trói buộc ta và làm ta thất vọng; vì như thế chẳng phải “ta đang làm mồi cho chính mình”[20] đó sao? Và bởi hy vọng có thể thăng vượt quá tưởng tượng. Tắt một lời, “hy vọng càng làm thăng vượt tưởng tượng, thì những đối tượng càng biến mất đi”[21], và ta càng được tự do hơn.

Vắn gọn, tưởng tượng là không hiện hữu mà đang cố gắng chiếm hữu. Thế mới thấy đặc nét của hy vọng hiện sinh là hiện hữu tại đây và bây giờ. Rồi thêm một đặc nét khác là hy vọng không có đối tượng chất thể rõ ràng. Hy vọng thuần túy là một trông mong tinh ròng trong bản chất (form), là một phản ứng nội tâm; nhờ thế mà hy vọng rất gần với tự do.

Hy vọng và khát khao (desire)

Nếu hy vọng không mơ mộng thuộc trí như tưởng tượng, thì liệu nó có phải là một động lực thúc đẩy hành động như khát khao không? Vì chưng, trong danh từ “khát khao” có động từ “khát” diễn tả sự thèm muốn được lấp đầy những thiếu thốn nơi ta.[22] Với một ý thức về những nhu cầu của mình như thế, đương nhiên tự nơi khát khao đã có mục tiêu và đối tượng rõ nét. Mục tiêu của khát khao là nhằm thỏa mãn những nhu cầu mà cho đến nay ta chưa có.[23] Cũng vì điểm này mà khát khao thiên về ý chí hơn trí năng.

Xa hơn chút nữa, khát khao không chỉ là mức độ tìm thỏa mãn trong đối tượng mà còn có khả năng phủ nhận đối tượng. Vì thèm muốn chiếm hữu đối tượng với đầy toan tính và ý thức, nên một khi đối tượng không còn giá trị thì ta sẽ dễ rơi vào tình trạng mất kiên nhẫn. Mất kiên nhẫn là không tin và không dành thời gian cho điều ta khao khát được xảy ra. Nếu đã không tin thì ta loại bỏ luôn đối tượng ấy cho xong.[24]

Trái lại, vì hướng về Vĩnh cửu nên hy vọng không mệt mỏi.[25] Hy vọng là kiên nhẫn. Kiên nhẫn là tiếp tục tin tưởng (confidence), tiếp tục dành thời gian, tiếp tục trao cơ hội. Hy vọng do đó biết đợi chờ. Phạm vi của đợi chờ là từ tình trạng trơ ì đến tình trạng năng động.[26] Vậy đấy, khát khao có cái gì đó quy kỷ nên hay đòi hỏi và dễ nổi nóng. Hy vọng có cái gì đó trao hiến nên dễ bao dung (tolerant) và ưa kiên nhẫn.

Qua sự phân biệt trên, ta có thể rút ra hai đặc nét của hy vọng. Thứ nhất, sự kiên nhẫn của hy vọng ắt hẳn chứa hạt mầm tình yêu. Thứ hai, hy vọng mở ra với Siêu việt, với Vĩnh cửu. Vì lẽ, như mục trước vừa đề cập, hy vọng là một phản ứng nội tâm của con người. Mà con người trong cái nhìn của Marcel luôn mang chiều kích hướng lên với Siêu việt.

Tới đây, dẫu nhận ra hy vọng khác với tưởng tượng và khát khao, nhưng còn khá nhiều câu hỏi đặt ra cho ta. Tỷ như, nếu chẳng tưởng tượng cũng chẳng khát khao, thì thái độ nội tâm của hy vọng trong giây phút hiện tại liệu có giống sự chai cứng của một tâm hồn sắt đá, rũ chết chăng? Còn nếu thái độ ấy là một sự đợi chờ, thì biên độ dao động trên và dưới của sự đợi chờ ấy phải được xác định như thế nào? Thêm nữa, sự trông mong tinh ròng phải được hiểu làm sao? Có lẽ, những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong phần III. Giờ đây, ta tiếp tục xét hy vọng trong hai cực lạc quan và thất vọng của nó.

Hy vọng và lạc quan (optimism)

Cũng là một phản ứng tích cực trước nghịch cảnh, lạc quan liệu có phải là hy vọng? – Không phải, vì những lẽ sau. Chủ nghĩa lạc quan thường có hai loại. Trong đau khổ, có người luôn tự an ủi lòng mình rằng: “Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy thôi. Sông có khúc, người có lúc mà. Sau cơn mưa thì trời lại sáng!”. Có người lại tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán hơn: “Ta tin Trời (Chúa) chẳng thử thách quá sức ta bao giờ.” Loại lạc quan thứ nhất được xây trên một cảm giác mơ hồ (vague feeling). Loại lạc quan thứ hai có vẻ được xây trên một xác tín vững chắc (a firm conviction).

Tuy nhiên, điểm chung của chủ nghĩa lạc quan là không dấn thân trọn vẹn vào kinh nghiệm sống động và cận kề của con người. Để rồi, những mâu thuẫn được hòa trộn lại với nhau thành những công thức nghe suông tai, đầy hùng biện mà cũng rất ư sáo rỗng.[27] Thật vậy, trong trường hợp thứ nhất, nếu chỉ dựa vào những lời an ủi quen thuộc kia rồi miễn thứ cho mình trách nhiệm phải đương đầu với những thách đố trong cuộc sống thì thử hỏi ta có thật sự trưởng thành, hay có ước muốn được lớn lên qua thử thách không? Cũng thế, nơi loại lạc quan thứ hai, giả như nếu không biết ở lại trong thử thách, không biết vất vả tìm đường thoát trong gian nan thì làm sao ta có cơ may biết được giới hạn khả năng ta ở đâu và có thể vươn tới mức nào? Chưa đi đến tận cùng của sức người sao ta có thể nhận ra ơn Trời? [28]

Khi chưa đủ can đảm dấn mình vào, để mình bị dập vùi bởi kiếp người vốn dĩ, bởi kinh nghiệm đức tin mờ tối, lúc ấy tự bản chất, ta đang dừng bước trong miền đất của sự bi quan. Cho nên, có thể nói, những câu nói lạc quan kia đã chứa đựng trong nó những sự bi quan mà chưa từng được biện phân cách nền tảng.[29] Hay nói khác đi, sự lạc quan như thế là một sự tự mãn đầy khoa trương của cái Tôi, một sự tâng bốc đầy xu nịnh cho chính mình. Rồi từ thái độ kiêu căng như thế, ta rất dễ công kích người khác. Dù có nói ra hay không, ta vẫn ngầm ý rằng: “Sở dĩ anh lo lắng là vì anh chưa có cái nhìn như tôi. Nếu chưa nhìn ra được như tôi sao anh còn ngần ngại tin vào tôi, tin vào ánh sáng của tôi?”[30]

Về phần mình, hy vọng không tự mãn, nhưng khiêm tốn, rụt rè và thuần khiết.[31] Cho nên, hy vọng là một tiến trình đòi chủ thể phải có một sinh lực bền bỉ để dần thủ đắc những đặc tính này của huyền nhiệm.

Qua những hạn từ có vẻ tương đồng với hy vọng, ta thu gom được những đặc nét tương đối rời rạc của nó. Để thấy rõ hơn, ta nên đối chiếu hy vọng với cực đối lập trực tiếp là sự thất vọng.

Hy vọng và thất vọng (despair)

Thất vọng đơn giản là không còn hy vọng.[32] Vậy nếu hy vọng là dám ở lại, đương đầu với bước đường cùng, thì thất vọng là đầu hàng (capitulation) trước một viễn cảnh không lối thoát. Đầu hàng đồng nghĩa với buông xuôi (give up). Buông xuôi là để mặc cho đời, cho người, cho nghịch cảnh kéo ta đi đâu tùy ý. Nhưng rồi đằng sau cái-tùy-ý đó là ý gì?

Thật ra, sự buông xuôi ấy là một tình trạng sợ hãi (fear). Sợ hãi nên bó hẹp, co lại, xoay quanh cái Tôi.[33] Co lại (contraction) vì không chấp nhận nghịch cảnh. Không chấp nhận nghịch cảnh vì chưa thấy được ý nghĩa của đau khổ, chưa hiểu được mầu nhiệm của đời mình. Những đau khổ của cuộc đời tác động trên ta giúp ta thấy mình giới hạn, thiếu hội nhất; do đó, ta cần mềm mại để được biến đổi hơn, thống nhất hơn.[34] Đằng này, thử thách của kiếp sống lại làm ta bị tổn thương. Vết thương làm ta kiệt sức gánh vác trách nhiệm đời mình. Từ đó, ta mất kiên nhẫn với ta, và sẵn sàng gieo rắc đau thương cho người.[35] Từ chỗ là nạn nhân của đau khổ, ta biến thành tác nhân gieo khổ đau cho người khác.

Lại nữa, sự buông xuôi ấy còn là một tình trạng cứng cỏi (stiffening) muốn cưỡng chống lại với Siêu việt. Ta buông xuôi vì ta không muốn trói chặt đời mình với số mệnh[36], nhất là một số mệnh đen đuổi như lúc mạt lộ này. Ta tranh giành quyền định đoạt đời mình với số mệnh bằng cách tự vẫn. Khi đó, ta đã cố ý quên rằng số mệnh là thứ lớn hơn ta, thuộc về Siêu việt, và ta không có toàn quyền quyết định trên hữu thể mình. Vì xét cho cùng, ta cũng chỉ là một tạo vật (creature) mà thôi. Dưới nhãn quan ấy, Marcel đã thốt lên: “Thất vọng chẳng là gì khác hơn ngoài một sự phản bội, vì nó như thể tuyên bố rằng Thượng đế đã bỏ mặc ta đơn độc”.[37]

Vậy là qua cực đối lập với hy vọng, ta thấy rõ ba mảnh đất mà hy vọng được xây trên. Nếu thất vọng là một cái Tôi loay hoay với chính nó, đóng kín với tha nhân và chối bỏ Siêu việt, thì hy vọng là một cái Tôi chấp nhận mình, yêu quý tha nhân và hướng lên với Siêu việt.

Chung quy lại, tiến trình tháo gỡ những lầm lộn trên giúp ta phác họa nên những đường nét chính của hy vọng. Hy vọng là một phản ứng nội tâm của một chủ thể hiện sinh tại đây bây giờ. Chủ thể hy vọng ấy luôn biết kiên nhẫn, chờ đợi, khoan dung với người khác nên không tự mãn, mà khiêm tốn, rụt rè và thuần khiết. Đồng thời, niềm hy vọng nơi chủ thể còn thúc ép người ấy lên đường tìm về với tự do và sống với chiều kích còn ẩn chứa của thực tại và của Siêu việt.

Song cũng từ đây, hàng loạt câu hỏi được nêu lên. Hy vọng có thể vươn được tới đâu? Tại sao hy vọng thì khiêm tốn, rụt rè, thuần khiết? Hy vọng tương quan thế nào với tình yêu, tự do và vĩnh cửu? Tóm lại, chúng ta cần thấy được một tầm vóc trọn đầy thật sự của hy vọng, chứ không muốn dừng lại nơi những đặc điểm rời rạc vừa được phân tích ở trên.

TẦM VÓC CỦA HY VỌNG

Hy vọng, rốt cuộc rồi, là một trạng thái tâm thức của con người. Thế nên, bản chất của hy vọng cũng chính là phản ứng nội tâm của một con người biết hy vọng. Phản ứng nội tâm ấy sẽ được bung nở trọn vẹn nhằm tạo nên tầm vóc của hy vọng nơi ba mối liên hệ vốn có của kiếp người: với chính mình, với tha nhân, và với Siêu việt.

Hy vọng nơi chủ thể tính (self)

Tại sao Marcel lại quả quyết chỉ những ai chịu ở lại trong nghịch cảnh mới có hy vọng? – Chính vì hy vọng là một trạng thái tâm thức của con người. Hy vọng không phải là một đối tượng ở ngoài ta mà ta phải cất công tìm mua.[38] Hy vọng ở trong ta. Hy vọng được hình thành nên do lối nghĩ và ước muốn của ta. Vì thế, trở về, lắng nghe, và khám phá chính tâm ta trong cõi u sâu của nó là con đường tìm gặp hy vọng đích thực. Ngày nào còn sa đà trong vật chất, hiện tượng ngoại giới, và chiếm hữu, ngày đó ta còn đánh mất hy vọng và chất chứa thêm thất vọng.

Trở về với tâm rồi, ta trông tìm gì, mong thấy gì trong chốn tịch mịch ấy? – Thưa, ta trông mong tìm thấy cái phận (fate) của riêng mình. Đó là sự chắc chắn bên trong (inner stability), là sự vĩnh cửu (eternity) mà ta có nhiệm vụ phải làm tròn đầy bằng nỗ lực hội nhất mỗi ngày.[39]

Củng cố cái tâm phận nhiệm mầu bên trong không hề làm ta trở nên u uẩn, lãnh cảm. Ngược lại, tiến trình hội nhất kia trước hết làm ta có sức mạnh để đối đầu với nghịch cảnh. Ta nhận lấy thử thách và coi nó như là một phần trong việc hội nhất cái Tôi của ta.[40] Tức là, ta biết cách huấn luyện cái Tôi sao cho vừa không để nó trở nên co quắp, vừa thuần hóa nó trở nên mềm mại hơn. Nhờ thế tiếp đến, ta mới học biết thưởng nếm, cảm thụ (appreciation) cuộc sống trong giây phút hiện tại này.[41] Thưởng nếm, theo mô tả của Nho giáo, là trạng thái của bậc thánh nhân ung dung tự tại và biết kiên nhẫn với chính mình.[42] Bởi thánh nhân biết rằng hội nhất cái Tôi (hay tâm phận) là hành trình của cả một đời người. Vậy cần chi phải vội vàng, hấp tấp, hay ép uổng hoài công! Cốt là mình khiêm tốn, bền bỉ, tôn trọng nhịp tiến của mình sao cho thuận với lẽ huyền vi của Thiên Đạo mà thôi.

Tuy chẳng vội vã, nhưng liệu trong cái nhàn nhã ta lại đánh mất hy vọng chăng? Hay nói cách khác, ta có thể hỏi biên độ dưới của hy vọng là gì? – Vâng, hy vọng là một sự chờ đợi đầy năng động. Vì trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, một sự giằng co nội tâm đang diễn ra trong ta.[43] Sự giằng co trong chờ đợi có thể làm ta hao mòn sinh lực. Dẫu vậy, khi sự chờ đợi đến cùng mức, ta vẫn không từ bỏ điều ta tin tưởng và hy vọng, nhưng xếp nó vào đáy tủ chờ ngày khai quật. Bao lâu? Ta không biết. Có thể là một thời gian vô hạn định hoặc cũng có thể rất sớm. Song điều thiết yếu là ta không bỏ điều ta tin tưởng và hy vọng, nhưng đặt nó trong khung trời của huyền nhiệm.

Thật thế, người hy vọng đâu ngu ngơ, mộng mơ. Họ tỉnh táo nhìn thực tại trong tính hai mặt của nó: trong rủi có may, trong họa có phúc. Họa đến, họ bình tĩnh coi cái khổ như một vận hội để thay đổi tích cực hơn. Phúc lại, họ vui tươi nhận lãnh với tất cả sự thuần khiết của tâm hồn, và họ cũng hết sức dè dặt, khiêm tốn chứ chẳng tìm khoe khoang, tự mãn.[44] Bởi, nói theo ngôn ngữ của Marcel, họa – phúc không còn là biến cố ‘trước mắt ta’ mà đã hòa nên một ‘trong ta’ rồi. Chẳng còn phân biệt, hoàn toàn nên một. Đó là huyền nhiệm mà cũng là cái lớn lao tuyệt vời của cái Tôi nơi ta. Vì xét cho cùng, mê lầm và đau khổ được tạo nên do chính cái Tâm phân biệt nhị nguyên nơi ta mà ra cả thôi. Thật giống như lời thơ sau:

“Thiên hạ đua nhau nói khổ, vui
Có chi là khổ, có chi vui?
Vui trong tham dục, vui là khổ
Khổ để tu hành, khổ ấy vui…
Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.”[45]

Hy vọng trong sự thông hiệp với tha nhân (communion)

Chẳng phân biệt giữa ta và biến cố là để biến cố làm nên chính hiện hữu của ta. Tương tự, hiện hữu của ta càng được phong phú thêm nhờ ta trân quý người và để người đi vào trong ta. Marcel gọi mối tương quan này là “sự liên kết thiêng liêng” (spiritual interconnection). Để có được một tình yêu mang tính hiệp thông thiêng liêng như thế, ta cần biết hy vọng.

Vì trước nhất, hy vọng giúp ta tin tưởng và kiên nhẫn với người. Qua kinh nghiệm tìm kiếm và hội nhất tâm phận của mình, ta ngộ ra mỗi người cũng có một vận mệnh cần phải đảm trách. Vận mệnh nào cũng cao, cũng quý. Vận mệnh nào cũng đòi mỗi cá nhân phải tự tìm biết, chiến đấu, chọn lựa và trung tín cho đến khi thành tựu. Cái biết ấy trước là kéo ta ra khỏi sự so đo, thiên lệch giữa người này với người kia, giữa tha nhân với ta. Sau là, nhờ thôi so sánh mà ta thêm khiêm tốn tôn trọng hành trình riêng của họ. Tin tưởng như thế là ôm ấp lấy chính tiến trình lớn lên của người, là thăng tiến người từ bên trong.[46] Một sức lực có tính ảnh hưởng và biến đổi nhưng lại âm thầm và ẩn mình như vậy chính là hệ quả của lòng kiên nhẫn rồi.

Lại nữa, hy vọng có đặc tính của tình yêu là truyền sinh (generative)[47]: ta trao hiến cho người và người chuyển trao cho ta. Quả thế, ta hy vọng đâu chỉ cho ta nhưng cho những người vì họ mà ta sống.[48] Thế nên, dẫu cho hai mẹ con đều không còn cơ may thoát ra khỏi đống đổ nát sau cơn động đất, thì người mẹ vẫn thật sự vui mừng khi thấy đứa con còn sống nhờ uống máu của bà, vẫn tiếp tục hy vọng con bà sẽ được cứu khỏi đống xà bần kia. Hy vọng của bà lúc ấy có tính truyền sinh (cho con) vừa cụ thể vừa thiêng liêng. Ngược lại, sự sống sót của đứa con lại mang đến niềm vui và nguồn hy vọng cho nỗ lực gượng sống của bà. Hy vọng của đứa con lại truyền sinh lực sống cho bà. Đó là phép lạ của tình yêu, của việc trao ban và lãnh nhận. Bởi lẽ bà và con thật sự gắn kết, cảm mến và nên một với nhau.

Do đó có thể nói, tình yêu và hy vọng gắn liền với nhau, đến độ bỏ cái này là mất cái kia.[49] Tình yêu trong hy vọng không có chỗ cho những quyến luyến mù quáng; tức chỉ xoay quanh chính mình mà không để ý tới hay mở ra với bất kỳ anh chị em nào. Thứ hy vọng Marcel suy tư về là thứ “hy vọng của ‘chúng ta’, chứ không phải của ‘Tôi’”[50]. Marcel còn nhấn mạnh: “Cái ‘chúng ta’ không chỉ đơn thuần là cái chúng ta mang tính chức năng theo kiểu một nhóm, nhưng đúng hơn là sự diễn tả của một cái chúng ta mang tính nội tâm và thiêng liêng.”[51]

Với hai khía cạnh chủ thể tính và tình thông hiệp với tha nhân, tầm vóc của một con người hy vọng đã vừa đi vào chiều sâu, vừa mở rộng ra chiều ngang. Ta không chỉ tìm thấy và xây dựng nội lực cho mình mà còn có can đảm đón nhận thực tại và người anh em vào trong chính vận mệnh đời ta. Biết vậy, nhưng thực tế cuộc sống minh chứng rằng tâm ta yếu đuối và dễ đổi thay, lòng người phức tạp và đa đoan, thời gian cùng dòng đời còn lắm bất ngờ và đảo điên. Cho nên, đâu là suối nguồn sau cùng nhất, rốt ráo nhất để ta có thể sống hy vọng như vậy? Đâu là bản chất đích thực của hy vọng? Và giả như có một suối nguồn siêu hình như thế, ta có thể mô tả gì về nó?

Gabriel Marcel, khi suy tư về hy vọng, đã dành nhiều trang cuối để trả lời những câu hỏi này. Và có thể nhận định như Kenneth T. Gallagher – một nhà chú giải Marcel – rằng: “Siêu việt tính là điểm quy chiếu trực tiếp của hy vọng”.[52]

Hy vọng với Siêu việt tính (transcendence)

Siêu việt theo Marcel là gì? – Thưa, siêu việt là Hữu thể Vô hạn (Infinite Being, HV 47a), và thậm chí sau này ông còn gọi là Ngài (Thou/ Thee, HV 60b). Vậy, hy vọng có liên quan gì với Hữu thể Vô hạn ấy? – Thưa, “hy vọng là lời hồi đáp của loài thụ tạo với Hữu thể Vô hạn, Đấng mà nó ý thức mình nợ Ngài mọi thứ mình có.[53] Song, ý thức đó có được là nhờ đâu? Và lời hồi đáp tỏ ra trong cách thức nào?

Đầu tiên, ý thức có được do chiêm nghiệm. Như đã nói, hy vọng là một trạng thái tâm thức của con người. Tức người mang hy vọng là người biết quy hồi vào cõi nội của tâm mình. Quy hồi vào nội tâm cũng chỉ là một lối diễn tả khác của con người biết chiêm ngắm và cảm nghiệm. Nhờ mở ra trong chiêm nghiệm, người ấy thấy được hoạt động của thực tại Siêu việt nơi hồn mình, nơi tha nhân và nơi thế giới. Cái thấy đó một mặt mang lại ý thức nhận chịu nơi người chiêm nghiệm, mặt khác lại tiếp tục nhen nhóm hy vọng cho họ.

Mà đã nói đến hoạt động là nói đến thời gian. Thời gian, đối với người thất vọng, là một thời gian chết, là một sự ngừng trôi. Hoặc thời gian dù có trôi nhưng chẳng mang lấy một chất liệu nào giúp xây dựng chân lý mới hay giúp linh hứng cho một hữu thể mới.[54] Nói nôm na hơn, họ coi “tương lai như thể chẳng có gì khác ngoài những thứ sẽ lặp lại, như thể chẳng còn một Siêu lực toàn tri nào có thể hướng dẫn đường đời cho họ nữa.”[55] Thế giới này là vô vọng vì đã bị tiền định rồi. Còn họ, họ chấp nhận ở lại trong một kinh nghiệm đã được thiết định (established experience).

Đối lại, người hy vọng là người tin tưởng vào một Năng lực sáng tạo trong thế giới này. Người hy vọng không coi thời gian là sự chia cắt và kinh nghiệm là sự đóng khung. Vì năng lực sáng tạo của Hữu thể Vô hạn đã hòa giải, tái hợp và xâu kết những mảnh phần của quá khứ và hiện tại, của tôi và tha nhân, của tôi và thế giới thành một tương lai miên viễn sáng ngời. Marcel viết thêm:

“Ngài là sự đảm bảo cho việc hội nhất giữa Tôi với Tôi, giữa Tôi với tha nhân, giữa hữu thể này với hữu thể khác. Ngài như chất xi-măng nối tất cả thành một khối duy nhất. Thất vọng về mình hay về người là thất vọng về chính Ngài.”[56]

Ông đặt tên cho thứ hy vọng này là “ký ức của tương lai” (memory of the future, HV 53c). Đây chẳng phải là hai chữ “huyền nhiệm” mang tính nhất nguyên nơi học thuyết của Gabriel Marcel sao?

Nghiệm thấy sự hoạt động của Siêu việt, tiếp sau tất nhiên là một lời hồi đáp của ta – những kẻ đang nhận lãnh và hy vọng. Sự hồi đáp ấy được diễn tả bằng hai thái độ tin tưởng và sống với.

Thứ nhất, trái với sự nghi ngờ đầy sợ hãi của thói thất vọng, người hy vọng tin tưởng vào Hữu thể Vô hạn. Sự tin tưởng ấy làm họ tự tin cởi mở với cuộc sống và thích phiêu lưu. Họ không muốn mình bị điều kiện hóa bởi những cột mốc an toàn. Do đó họ cũng không đặt hạn định cho hy vọng. Không đặt hạn định không đồng nghĩa với không có rào biên. Đúng hơn, không đặt hạn định là buông mình cho Hữu thể Tuyệt đối. Khi buông mình như thế, ta có cơ may khám phá ra năng lực của ta có thể vươn tới đâu. Khi khám phá ra mức vươn của năng lực nơi ta là lúc ta nhận ra lằn biên của mình. Trong lằn biên ấy ta có tự do để quyết định làm điều ta mong muốn.Và như thế, ta đang thăng vượt những thực tại của đau khổ, thất vọng; đồng thời kinh nghiệm được sự tự do và an toàn ngay trong hiện hữu của mình.[57]

Từ đó, ta nghiệm sâu được ý nghĩa của hai chữ ‘giới hạn’. Giới hạn là cần thiết để ta phân định rõ đâu là trách nhiệm của ta, đâu là vùng trời của người, và đâu là quyền năng của Siêu việt. Trong vùng trách nhiệm của ta, ta có toàn quyền tự do để quyết định. Còn vùng trời của người, ta đành phải tôn trọng dù có yêu thương họ đến đâu. Vì yêu thương đâu phải là quyết định giùm, hay sống thay cho họ được. Song yêu thương là cầu mong và phó thác phần khuyết sót của ta, và phần thiếu hụt của người mình yêu cho Năng lực sáng tạo Vĩnh cửu. Ngài làm gì, làm thế nào và làm khi nào: ta không biết, nhưng vẫn tin rằng Ngài đã – đang – tiếp tục hoạt động trong ta và trên đời họ.

Thêm một điểm nữa, thứ hy vọng mang đậm chất tin tưởng và phó thác như thế ắt hẳn không thể có một đối tượng cụ thể nào. Vì chưng trong cái cụ thể, rõ ràng, đã được cân đong thường rất dễ là do ý riêng ta quy định. Lúc ấy, dù vô tình hay chủ ý, ta đã bắt cái Siêu việt theo ý ta, mà không để cho Năng lực sáng tạo đó tự khai mở và hướng dẫn ta. Còn nếu chỉ trông mong một điều gì đó được cải thiện tích cực hơn thì ta chưa hề và không thể cân đong. Ta không biết việc cải thiện đó sẽ ra sao, lúc nào, liều lượng bao nhiêu. Quyết định không ở nơi ta. Dù vậy, ta vẫn hoàn toàn có tự do để tiếp tục hy vọng. Ta không mất tự do và cũng không trở thành Chúa. Thêm nữa, tại điểm này, ta cũng có thể nói thêm rằng biên độ trên của hy vọng là không biên độ, là vô hạn vậy.

Thứ hai, từ thái độ tin tưởng, buông mình, ta dần đi vào tâm tình sống với[58]. Thật thế, hy vọng trong ta luôn gắn với một sự hiện diện. Nơi sự hiện diện này, ta không thể thẩm tra nhưng dự phần. Sự hiện diện đó cũng rõ ràng như cái Tôi, như thế giới này. Nó có đó: không phải để ta xác minh nhưng để ta sống với nó.[59]

Sống với Siêu việt tức là nói đến tương quan hai chiều giữa ta và Ngài. Vậy hai chiều đó tương tác với nhau như thế nào? Marcel giải thích sự tương tác đó qua mối tương quan khá thú vị giữa nỗ lực cá nhân và ân ban. Ông viết: “Ân sủng là một lời mời gọi mà ta phải hồi đáp. Nó được bày ra trước mắt ta như một vụ mùa của rất nhiều khả thể khác nhau. Ta phải tự chọn theo những cảm xúc nội tâm đang thúc đẩy ta. Đó thật sự là một cuộc dàn xếp giữa ta với ta mà thôi.”[60] Tuy nhiên, “để sống hy vọng, ta cần sự trung tín trong cơn tăm tối. Sự trung tín này là kết quả của việc cộng tác giữa thiện chí nơi ta và sự thúc giục của ân sủng.”[61] Vậy có thể nói, sự cộng tác và thiện chí nơi ta chính là niềm hy vọng, là sự trông mong. Mong mỏi không phải là “lấn sân”. Mong mỏi là ngỏ lời, là cầu khẩn (appeal), là tỏ lòng thành. Mong mỏi cũng chẳng phải là hạ thấp mình, quỵ lụy hèn nhát nhưng là biết mình, chấp nhận vị thế và quyền hạn của mình trong tương quan với Hữu thể Siêu việt.

Với cái nhìn này, rõ ràng hy vọng không phải là chiếc phao cứu sinh mà ta vội vàng bám lấy trong cơn cùng khốn. Đúng hơn, hy vọng là một tâm tình yêu mến liên lỉ chạy dọc theo ta trong từng khoảnh khắc buồn vui cuộc đời. Bởi lẽ, ngày nào còn sống với Siêu việt, ngày đó ta còn năng lực sáng tạo để tiếp tục hy vọng. Bởi lẽ, hành trình đạt tới “ký ức của tương lai” đâu thể bỏ dở hay gián đoạn. Bởi lẽ, tình hiệp thông trong kiên nhẫn và tôn trọng với tha nhân đâu thể làm theo hứng. Chung quy lại, hy vọng – cũng giống như tình yêu hay sự tin tưởng – không phải là một cái gì đó mang tính tạm bợ, thời vụ; mà là và phải là một hướng sống mà ta cần trung tín cầu xin và vun đắp mỗi ngày.

Như thế đó, hy vọng của Gabriel Marcel là một hy vọng liên chủ thể tính (intersubjectivity). Nghĩa là, hy vọng nơi một người không phải là một sự ‘tổng hợp’ của ba loại hy vọng được diễn tả trong ba mối tương quan nêu trên; đúng hơn, đó là một hy vọng mang tính ‘thống nhất sống động’[62]. Sự ‘thống nhất sống động’ này được bắt nguồn từ một kinh nghiệm hiệp thông sâu xa với tha nhân trong Hữu thể Siêu việt nơi tâm hồn mình. Đây là một sự mở rộng trong tin tưởng và phó thác vào Siêu việt để đón nhận biến cố và anh chị em như thể là những cơ duyên hầu làm nên chính tâm phận của ta. Do đó, thứ hy vọng này được tóm gọn trong công thức “Tôi hy vọng vào Ngài cho chúng ta” [63]. Hoặc cũng có thể quảng diễn cách chi tiết hơn như sau:

“Hy vọng chính yếu là trạng thái ứng trực của một tâm hồn đã và đang đi đủ sâu vào kinh nghiệm hiệp thông. Kinh nghiệm hiệp thông này được hoàn tất trong sự nghiền ngẫm của ý chí và sự thông hiểu về hành vi siêu việt. Hành vi siêu việt ấy đang xây dựng một sự tái sinh sống động, mà lời cam kết và những hoa quả đầu mùa của sự tái sinh sống động kia lại có được do kinh nghiệm hiệp thông.”[64]

NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN

Sau khi đã cùng Gabriel Marcel nghiền ngẫm về bối cảnh, nguồn gốc, bản chất và đặc tính của hy vọng, giờ là lúc ta thử hỏi thứ hy vọng đó có còn sống động và cần thiết cho con người và xã hội vốn có nhiều thay đổi hôm nay không. Hoặc diễn tả cách khác, đâu là niềm hy vọng cho thế giới ngày nay? Và để đạt tới niềm hy vọng đó con người cần phải làm gì? Người viết xin nêu lên một vài suy tư cá nhân trước là thử tìm lời đáp cho các câu hỏi trên, sau như là điểm kết cho bài luận này.

Nếu thế giới của Marcel là gãy vỡ và con người là những chiếc máy, thì thế giới ngày nay tin vào thuyết tương đối và con người chuộng thực dụng. Nếu con người trong thời Marcel lười phản tỉnh, chán tưởng tượng nên không thấy được chiều kích siêu việt, thì con người thời nay với thuyết tương đối lại đề cao cái tôi suy tư cá nhân mà bỏ qua những chân lý khách quan và siêu nghiệm. Do thế mà, tiêu chuẩn cuối cùng của chân lý là tính hiệu quả, tức nhấn mạnh đến những thành công thực tiễn, đến những gì mà ta có thể tiên đoán và kiểm nghiệm được. Như vậy, vì quá tin vào sức mình mà ta đã không còn mở ra với Năng lực trên mình, hay Siêu việt. Nói khác đi, con người đã thôi sống với, dừng thông dự vào Siêu việt. Con người đã tự tách mình ra khỏi Siêu việt và làm thành thế nhị nguyên phân biệt đầy tự hào và ngông nghênh. Một khi đã tự coi mình và tìm cách khẳng định mình như một Chúa khác đối cực với Siêu việt thì làm sao hiệp thông, yêu thương và kiên nhẫn với anh chị em xung quanh. Có chăng là sự ganh đua, hơn thua và thù hận mà thôi. Một tâm hồn chất chứa những ý hướng như thế ắt hẳn khó lòng thanh thản, ung du tự tại, và có đủ khoảng không để thưởng nếm cuộc sống. Tắt một lời, đó là một tâm hồn ảo tưởng và thất vọng.

Thế nên chẳng lạ gì những hiện tượng của nó là chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân và thuyết “đa thần về giá trị”[65]. Nơi thế giới ấy, mỗi người chỉ lo quơ góp cho mình nào danh dự, địa vị, chức quyền, nào nhà, tiền, xe, nào những tiêu pha phóng đãng, hoang phí, đồi trụy. Hệ quả là sự phân tầng xã hội ngày càng mạnh. Anh chị em kém thế, yếu quyền dần trở thành những món hàng cho tầng lớp trên lợi dụng, mua bán, đùa vui cách bỉ ổi. Để rồi, ngay cả chính lớp người nhiều tiền ít tâm ấy cũng cảm thấy chán ngán, lạc lối và vô vọng. Dù chung quanh họ chẳng thiếu thứ gì nhưng họ lại tự tìm đến cái chết. Mà ví dụ điển hình là những vụ tự tử của các ngôi sao Hàn Quốc trong thời gian qua.[66]

Ngẫm cho cùng, vật chất và những tiến bộ của xã hội loài người cũng có giới hạn của chúng. Vật chất và xã hội cần cho con người nhưng không đủ cho họ, vì con người luôn mang nơi mình những khát vọng tâm linh sâu xa. Tin tưởng, yêu thương, hy vọng,[67] hạnh phúc hay tự do là những giá trị cao vượt thuộc thế giới tâm linh kia. Những giá trị này con người chỉ có thể tìm thấy, đụng chạm, kinh nghiệm, và no thỏa trong một Ngôi vị Siêu việt mà thôi. Và rồi, một khi mỗi cá nhân tìm quy hướng và kết thân với Ngài thì cũng là lúc chúng ta được gắn kết với nhau trong một tình yêu và một niềm hy vọng lớn lao, duy nhất. Vì chưng, chúng ta tuy rời rạc và đa dạng như những vòng tròn khác nhau; nhưng xét cho cùng, những vòng tròn ấy cũng chỉ xoay quanh một tâm duy nhất là Ngài. Chúng ta là những vòng tròn đồng tâm.

Như thế đấy, càng gắn bó với đời, càng trở nên nô lệ; càng tìm đến với Trời, càng trở nên tự do. Chính tiến trình tục hóa có rễ sâu trong chủ nghĩa cá nhân đầy tương đối đã đẩy con người tới bờ mép của hố sâu tuyệt vọng. Nhưng ngay tại bờ mép ấy, nếu ta biết thức tỉnh để mở ra với Trời, để buông mình cho Siêu việt, ta có thể sẽ bay trên đôi cánh của hy vọng. Vì con người, dù sao đi nữa, vẫn đang gánh lấy nơi mình kiếp hiện sinh nghèo nàn và giới hạn. Sự thành toàn không đến bây giờ nhưng ở trong tương lai. Do đó, ta vẫn phải tiếp tục mang vác và bước đi trong kiên nhẫn và hy vọng, yêu thương và tin tưởng. Chỉ khi nghiệm sâu chân lý ấy, ta mới thấm thía hai chữ “Homo Viator” của Marcel. Ta là con người lữ hành.

Phải, một con người lữ hành trong thế mở ra với Siêu việt của Tây phương như thế thật gần gũi với con người sống theo Thiên Đạo của tư tưởng Nho Lão đông phương. Con người ấy hiểu mình, hiểu đời, biết Trời. Nhờ thế, họ biết rằng mọi sự ở đời cũng chóng qua như “bọt trong bể khổ”, như “bèo đầu bến mê” mà thôi. Bám vào rồi tự hào với chúng để mà làm gì! Có bám thì hãy bám vào cái tâm phận sâu xa nơi Trời có thể đụng đến ta và ta có thể chạm đến Trời. Chính cái bám ấy mới mang lại cho ta hy vọng đích thực. Chính hy vọng đích thực này mới tiếp sức cho ta gieo bước lữ hành cách bền bỉ, tỉnh táo và khiêm tốn giữa cuộc đời dâu bể.

 


[1] Trong các Từ điển hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách dùng ‘Hy vọng’ hay ‘hi vọng’. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi sẽ chọn dùng ‘Hy vọng’ theo như cách dịch từ chữ ‘Hope’ của: Viện ngôn ngữ học, Từ Điển Anh – Việt, (Tp.HCM: Nxb.Tp.HCM, 2001), tr.846.

[2] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ Điển Tiếng Việt, (Tp.HCM: Nxb.Văn Hóa Thông Tin, 1999), tr.800.

[3] x. http://plato.stanford.edu/entries/marcel/ (10 August 2012, 14h15)

[4] Tham khảo tại 2 nguồn chính:

  • Jimi R. Caldea, Marcel’s Paradigm of Hope as a Response to the Despair of the Modern Subject, 50 – 56.
  • http://plato.stanford.edu/entries/marcel/ (10 August 2012, 14h15)

[5] Đó là định nghĩa của Marcel về “huyền nhiệm” trong Being and Having, được trích lại trong: Nguyễn Ngọc Hải, CSsR, Con Người – Một Huyền Nhiệm, (Sài gòn: Học viện thánh Anphongsô, (lưu hành nội bộ), 2011), tr.193-194.

[6] Cặp “Having/ Being” có thể dịch là: “cái có/ cái là”; hoặc “chiếm hữu/ hiện hữu”.

[7] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, (Hà Nội: Nxb. Văn học, 2005), tr.265.

[8] Ibid., tr.52.

[9] Kenneth T. Gallagher, The Philosophy of Gabriel Marcel, (New York: Forham University Press, 1962), tr.74.

[10] Cặp từ tiếng Pháp “disponibilitéindisponibilité” thường được dịch sang tiếng Anh là:

  • Availability – Unavailability: khả dụng, sẵn sàng – bất khả dụng, không sẵn sàng.
  • Disposability – Non-disposability: có sẵn (cho ai sử dụng) – không có sẵn.

[11] Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr.73. Thái Đỉnh nói thêm: “Tha nhân là một tôi (ngã), tức cũng là người như tôi, nhưng bản tính của tha nhân là khác tôi (tha).”

[12] Trong phần II & III, bài viết sẽ dựa vào 2 tác phẩm chính của Marcel:

  • Marcel, Homo Viator – Introduction to The Metaphysic of Hope, trans. Emma Craufurd, (Chicago: Henry Regnery Company, 1951). Chương Sketch of a Phenomenology and a Metaphysic of Hope (1942), tr.29 – 67. Viết tắt: HV
  • Marcel, Reading in Existential Phenomenology, ed. Nathaniel Lawrence and Daniel O’Connor, (Englewood Cliffs, N.J: Prentice-Hall, 1967). Chương Desire and Hope (1963), tr.277 – 285. Viết tắt: DH

Tuy nhiên, để tiện cho việc truy nguồn, người viết sẽ tạm chia trang sách theo quy ước sau: đầu trang (a), giữa trang (b), cuối trang (c). Ký hiệu viết tắt: (HV, số trang / vị trí), vd: HV 30b.

[13] “The “I hope” in all its strength is directed toward salvation.” (HV 30a)

[14] “The impossibility of rising to a certain fullness of life, which may be in the realms of sensation or even of thought in the strict sense of the word.” (HV 30b) … “It gives me an opportunity of realizing the nature of that lost integrity.” (HV 31a)

[15] “Mysterious light illumines the very centre of hope’s dwelling place.” (HV 32a)

[16] “The less life is experienced as a captivity the less the soul will be able to see the shining of that veiled, mysterious light.” (HV 32a)

[17] Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr.1770.

[18] “Despair (of anticipation) here appears as an enchantment, or more exactly as a kind of witchcraft which goes to form the very substance of a person’s life.” (HV 42b)

[19] “I make my hope conditional I myself put up limits to the process by which I could triumph over all successive disappoinments.” (HV 46b)

[20] Despair can be compared to a being “he preys on himself”. (HV 44a)

[21] “The more hope transcends imagination, the more this objection seems to disappear.” (HV 45a)

[22] Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr.889 (từ “Khát”); tr.1552 (từ “Thèm”).

[23] DH 279

[24] DH 280

[25] “Because hope is directed toward Eternity, it is indefatigable.” (DH 278b)

[26] “Hope is a waiting with the existence of a range which goes from inert waiting to active waiting.” (DH 280b)

[27] HV 34a

[28] “We know neither the real extent of our powers nor the ultimate designs of God.” (HV 47b)

[29] “There is a pessimism which is the exact counterpart of such optimism… and there is no fundamental distinction between them.” (HV 34b)

[30] HV 34bc – 35b.

[31] “There is of humility, of timidity, of chastity in the true character of hope” (HV 35b). “Hope is a mystery and not a problem.” (HV 35a)

[32] Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr.1549.

[33] “Fear is … a concentration of the self on the self” (HV 39a).

[34] “In despair his very being starts to disintegrate.” (DH 281a)

[35] HV 39c

[36] HV 38a

[37] “I implicitly accept the possibility of despair as an indication of treason, so that… what is the meaning of despair if not a declaration that God has withdrawn himself from me?” (HV 47a)

[38] HV 41b.

[39] HV 33b, DH 278b.

[40] “Hope means first accepting the trial as an integral part of the self.” (HV 39b)

[41] HV 43b

[42] To take one’s time, relaxation (HV 39ab)

[43] “Active waiting involves of inerior tension.” (DH 280b)

[44] Khiêm tốn, dè dặt, và thuần khiết là ba đặc tính của hy vọng đã được nói đến ở phần II.2.c.

[45] x. Thích Nhất Hạnh, Trái Tim Của Bụt, (Tp. HCM: Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2011), tr.70.

[46] HV 40a

[47] DH 282b.

[48] “My relationship to myself is mediated by the presence of the other person, by what he is for me and what I am for him… I know that what happens to me will affect him vitally.” (HV 49b)

[49] “We can refuse hope just as we can refuse love.” (HV 63a)

[50] “Hope is centered on the ‘we’ and not on the ‘I’.” (DH 284b)

[51] “A ‘we’ is constituted, which is not simply the functional we of the crew, but rather an ineriorized, spiritualized expression of it.” (DH 282c-283a)

[52] Kenneth T. Gallagher, Sđd, tr.73.

[53] “(Absolute) hope appears as a response of the creature to the Infinite Being to whom it is conscious of owing everything that it has.” (HV 47a)

[54] “Time will bring nothing new, empty of any material which could serve to establish a new truth or inspire a new being.” (HV 52b)

[55] “…encloses me within myself and me within time, as though the future were no longer to be anything but a place of pure repetition, undirected by any intelligent motivisation.” (HV 60a)

[56] “Thou is in some way the guarantee of the union which holds us together, myself to myself, or the one to the other, or these beings to those beings… It is the very cement which binds the whole into one. To despair of myself, or of us is essential to despair of the Thou.” (HV 60c-61a)

[57] HV 46bc, 50b.

[58] Từ này được Marcel gọi là ‘thông dự / dự phần’ (participation).

[59] Kenneth T. Gallagher, Sđd, tr.77.

[60] “The gift is a call to which we have to make a response; it is as though a harvest of possibilities had to be gathered from us, among which we had to choose with the urgency interiorly felt which is, in reality, only mediation between us and ourselves.” (HV 63a)

[61] “To live in hope, one should remain faithful in the hour of darkness… This faithfulness is the virtue of a co-operation between the goodwill which is after all the only positive contribution of which we are capable and certain promptings whose center remains beyond our reach, in those realms where values are divine gifts.” (HV 63b)

[62] Nguyễn Ngọc Hải, CSsR, Sđd, tr.200.

[63] “I hope in thee for us” (HV 60b)

[64] “Hope is essentially the availability of a soul which has entered intimately enough into the experience of communion to accomplish in the teeth of will and knowledge the transcendent act – the act establishing the vital regeneration of which this experience affords both the pledge and the first-fruits.” (HV 67c)

[65] Nguyễn Ngọc Hải, CSsR, Tài Liệu Siêu Hình Học – Hồ Sơ 2, (Lưu hành nội bộ, 2012), tr.52.

[66] Xin xem chi tiết tại: http://www.tienphong.vn/the-gioi/608776/han-quoc-cu-nua-tieng-lai-co-nguoi-nhay-lau-tu-tu-tpp.html (18 January 2013, 10h30).

[67] Đây cũng là 3 nhân đức đối thần trong Kitô giáo: Belief (Tin) – Hope (Hy vọng/ Cậy) – Love (Tình yêu /Mến).