René Descartes (1596-1650)
Hình từ internet

Môn học: Siêu Hình Học
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học Viên: Vũ Văn Viện, S.J.

Chân lý là gì? Lịch sử cho thấy con người luôn có khát khao tìm kiếm chân lý (the truth),[1] họ tìm đủ mọi cách để tìm kiếm nó trong thời đại cụ thể của mình. Cùng một khao khát ấy, René Descartes (1596-1650) không những tìm được chân lý cho mình nhưng còn đưa ra một cách thức để tìm chân lý mang dấu ấn riêng của mình. Một trong những nét riêng ấy là vai trò của ý muốn (the will) trong việc tìm kiếm chân lý. Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về vai trò của ý muốn trên hành trình tìm kiếm chân lý dựa trên tác phẩm Những Suy Niệm (The Meditations).

 

Dẫn nhập

Chân lý là gì? Lịch sử cho thấy con người luôn có khát khao tìm kiếm chân lý (the truth),[2] họ tìm đủ mọi cách để tìm kiếm nó trong thời đại cụ thể của mình. Cùng một khao khát ấy, René Descartes (1596-1650) không những tìm được chân lý cho mình nhưng còn đưa ra một cách thức để tìm chân lý mang dấu ấn riêng của mình. Một trong những nét riêng ấy là vai trò của ý muốn (the will) trong việc tìm kiếm chân lý. Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về vai trò của ý muốn trên hành trình tìm kiếm chân lý dựa trên tác phẩm Những Suy Niệm (The Meditations). Nhưng trước khi tìm hiểu vai trò ấy, bài viết sẽ trình bày quát cách nhìn của Descartes về chân lý và ý muốn. Sau cùng, một vài vấn đề liên hệ đến quan điểm của tác giả sẽ được nêu lên để xem xét

1. Chân lý và ý muốn theo cách nhìn của Descartes
1.1. Chân lý

Trước hết, chân lý theo quan điểm của Descartes là gì? Nhiều người thường nghĩ rằng chân lý là điều gì rất lớn lao và vĩ đại. Nhưng với tác giả, “tất cả những gì mà ta quan niệm cách rõ ràng và phân minh đều là chân lý.”[3] Ở đây, quan niệm được hiểu là ý tưởng con người có được về những đặc nét của một sự vật xuất hiện trong tư tưởng. Ý tưởng ấy cho phép con người chấp nhận khả năng có thể hiện hữu của sự vật mà nó biểu lộ.[4] Sở dĩ, Descartes nhìn theo cách thức này vì với ông, trước khi suy xét về sự hiện hữu của sự vật bên ngoài mình, Descartes muốn kiểm tra tính chân thực của những ý tưởng xuất hiện trong tư tưởng của mình. Do vậy, chân lý với tác giả trước hết xét trong phạm vi trí tuệ, và chân lý ấy phải đáp ứng được điều kiện rõ ràng và phân minh.[5] Tính “rõ ràng và phân minh” (clear and distinct) có thể hiểu là không còn bất cứ sự hoài nghi hay mơ hồ xung quanh vấn đề được đưa ra xem xét. Trong tác phẩm Nền Tảng Triết Học (The Principle of Philosophy), Descartes cho rằng, một tri thức rõ ràng khi nó bày tỏ và minh bạch trước một tâm trí đang chú ý (the attentive mind). Một tri thức phân minh không chỉ đòi hỏi sự rõ ràng mà còn tách biệt hoàn toàn khỏi các tri thức khác.[6] Hay có thể coi cái rõ ràng và phân minh là cái hiện ra riêng rẽ và tách biệt hoàn toàn khỏi những cái khác trong tâm trí.

Dẫu vậy, để có được sự chắc chắn của quy luật rõ ràng và phân minh, ngay ở đầu Suy Niệm 3, Descartes đã thừa nhận cần phải có cái gì đó đảm bảo chắc chắn cho quy tắc rõ ràng và phân minh của mình. Bởi lẽ chính ông cũng đã kinh nghiệm có những điều mình coi là rõ ràng và phân minh thực chất lại là giả dối. Sau khi suy xét theo tính nhân quả của những điều xảy ra trong ý tưởng của con người hữu hạn với nguồn gốc của ý tưởng về một hữu thể vô cùng, Descartes xác quyết rằng đảm bảo đó là Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa là một bản thể vô cùng vĩnh cửu, bất biến, độc lập, toàn tri, toàn năng và sáng tạo nên vạn vật nên Ngài không thể lừa dối con người, bởi lừa dối nếu suy đến cùng vẫn là một bất toàn và gian ác.[7] Do đó, những điều Thiên Chúa ban cho con người qua lý trí chắc chắn là rõ ràng và phân minh. Những điều đó được Descartes xác định là những ý tưởng bẩm sinh (the innate idea). Những ý tưởng ấy đã được đặt vào trong con người từ khi được tạo thành. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra hai loại tư tưởng khác, nhưng chúng không được coi trọng bởi sự mơ hồ và chưa chắc chắn của mỗi loại. Ý tưởng ngoại đán (the adventitious idea) là ý tưởng do sự vật bên ngoài gây nên trong tâm linh con người, ví như tiếng động, sức nóng… Cuối cùng là ý tưởng mạo tác (the idea of all produced by itself) là cái do con người tự tưởng tượng ra.[8] Như vậy, nhờ đảm bảo chắc chắn của Thiên Chúa, quy tắc rõ ràng và phân minh của Descartes có thể giúp người ta có được chân lý.

Với Descartes, các chân lý có vai trò và thứ tự khác nhau. Chân lý đầu tiên, Descartes đã tìm thấy, là cái tôi suy tư (cogito). Chân lý ấy được gói gọn trong câu “tôi suy tư, vậy tôi có” (cogito ego sum). Bất chấp mọi nghi ngờ có thể, cái tôi suy tư ấy vẫn hiện hữu. Cái tôi suy tư ấy có thể được biểu hiện qua hoài nghi, quan niệm, chấp nhận hay phủ định… Chân lý thứ hai, chân lý đảm bảo cho sự chắc chắn của các chân lý khác, là sự hiện hữu của Thiên Chúa và các đặc tính của Ngài. Hai chân lý này gắn kết với nhau đến nỗi nếu Thiên Chúa là bảo đảm cho sự hiện hữu của chân lý khác thì vị Thiên Chúa đó cũng chỉ đạt được qua cogito.[9] Từ hai chân lý này, các chân lý khác mới được đảm bảo. Dựa vào thứ tự chân lý trên, người ta thấy nét mới trong cách hiểu biết của Descartes. Trong khi người ta thường thấy dễ hiểu về bản thân hơn hiểu về sự vật khác. Và khó nhất là hiểu về Thiên Chúa. Ngược lại, Descartes thấy con người hiểu biết và chắc chắn về Thiên Chúa và đặc tính của Ngài hơn về tâm linh con người và về các sự vật khác.[10]

1.2. Ý muốn

Thứ hai, Descartes quan niệm ý muốn của con người là gì? Theo tác giả, ý muốn của con người là khả năng bẩm sinh Thiên Chúa tặng ban cho con người. Ý muốn hay tự do lựa chọn là chấp thuận hay từ chối, theo đuổi hay bỏ trốn những điều tâm trí gợi lên, con người hành động một cách tự nhiên mà không bị ép buộc từ bên ngoài.[11] Theo cách hiểu này, tác giả coi ý muốn và tự do chọn lựa là một. Trong đó, có thể coi tự do là một đặc tính thiết yếu của ý muốn vì khi có tự do con người mới có khả năng lựa chọn. Bên cạnh đó, Descartes thấy con người càng tự do khi có ơn Chúa và tri thức tự nhiên, vì lẽ hai yếu tố này giúp cho con người nhận thức cách rõ ràng và phân minh hơn những vấn đề mà họ gặp phải.[12] Có thể thấy biểu hiện của ý muốn tự do trong tư tưởng của Descartes theo hai phạm vi. Trong tâm trí, biểu hiện đó là muốn hay không, khao khát hay dửng dưng, tin tưởng hay nghi ngờ… Ý muốn cũng có thể biểu hiện trong hành vi của con người qua những phản ứng hay cung bậc cảm xúc khác nhau như làm hay không, theo đuổi hay chạy trốn, vui hay buồn…

Bên cạnh đó, Descartes thấy ý muốn có đặc tính rất rộng lớn. Khi so sánh ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa, Descartes phát hiện ra điều thú vị của ý muốn con người.[13] Trước tiên, về tri thức và quyền năng, ý muốn của Thiên Chúa vững chắc hơn và hiệu nghiệm hơn. Đây là hệ quả được rút ra từ Suy Niệm 3 về sự hiện hữu và một vài phẩm tính của Thiên Chúa. Thứ đến, xét về đối tượng, ý muốn của Thiên Chúa lớn hơn của con người vì phạm vi vô cùng của nó. Bởi Thiên Chúa là đấng tạo dựng vũ trụ và vạn vật nên khả năng của Ngài là vô biên, trong khi đó, đối tượng của ý muốn con người hệ ở một điều và không thể phân chia.[14] Nhưng khi xét về yếu tính của chính ý muốn (essentially in itself), ý muốn của Thiên Chúa không lớn hơn ý muốn của con người. Yếu tính đó chính là khả năng làm hay không, quyết hay chối về vấn đề được đưa ra. Điểm đặc biệt thú vị này cho thấy con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

2. Vai trò của ý muốn trong hành trình tìm kiếm chân lý

Từ cái nhìn khái quát về chân lý và ý muốn tự do của Descartes, bài viết sẽ đi vào tìm hiểu vai trò của ý muốn trong hành trình tìm kiếm chân lý cùng với những vấn đề xung quanh vai trò ấy. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần phác họa hành trình tìm kiếm chân lý theo quan điểm của Descartes trước khi nói đến vai trò của ý muốn. Descartes cho rằng, trước tiên, trí tuệ (the intellect) nhận thức (to perceive) ý tưởng về sự vật nào đó. Sau đó, ý tưởng trên được chuyển đến cho ý muốn quyết định chấp nhận hay từ chối.[15] Nghĩa là trí tuệ sẽ làm nhiệm vụ tìm hiểu về ý tưởng được đưa ra nhưng không có quyền quyết định. Quyền này thuộc về ý muốn tự do.

Có lẽ, nhiều người sẽ thấy sự khác biệt khá nhiều giữa Descartes và hai triết gia Plato và Aristotle. Nhưng ở một góc độ nào đó, có thể thấy điểm chung giữa ba triết gia ở đây là nỗ lực tìm kiếm điều tốt. Plato tìm kiếm điều thuộc về thế giới ý niệm, trong đó Eidos Thiện là ý niệm tối cao bao trùm tất cả. Aristotle nhận thấy con người đều tìm về điều tốt tối thượng (the highest good). Đó là hạnh phúc. Descartes tìm kiếm chân lý là những điều Thiên Chúa đã ban cho con người từ bẩm sinh. Tuy thế, có sự khác nhau trong cách thức tiếp cận những điều tốt giữa Descartes và hai vị trên. Nếu Descartes nêu lên vai trò của ý muốn trong hành trình tìm kiếm chân lý thì dường như hai nhà tư tưởng Plato và Aristotle chưa từng minh nhiên nhắc đến ý muốn trong các tác phẩm của mình. Plato cho rằng con người luôn chọn điều tốt, con người mắc sai lầm chỉ vì họ không biết chứ không phải họ muốn thế. Điều này ngầm ý rằng Plato nhấn mạnh vai trò của trí tuệ trong việc tìm kiếm điều thiện hay chân lý.[16] Với Aristotle, trong tác phẩm Nicomachean Ethics, ông mới chỉ manh nha đề cập đến ý muốn trong liên hệ với các vấn đề tự nguyện (voluntary), lựa chọn (choice), cân nhắc (deliberation)…[17] Dường như, lý do cho sự khác biệt giữa Descartes và hai vị triết gia Trung Cổ hệ ở việc Plato và Aristotle coi lý trí gần như là phần quyết định tất cả các hành vi của con người. Còn Descartes đã thấy rõ hơn vai trò của ý muốn khi nó từ chối làm theo những điều mà trí tuệ xác nhận là đúng. Như vậy, với Descartes, con người không thể đạt tới chân lý mà không có ý muốn. Do đó, có thể nêu một vài vai trò của ý muốn.

Có lẽ vai trò đầu tiên gắn với việc trả lời cho câu hỏi: với Descartes, liệu một mình ý muốn có đưa con người đến chân lý? Thoạt nghe, có lẽ điều này rất có thể. Bởi chân lý nắm vai trò phán quyết cuối cùng về một tư tưởng nào đó. Hơn thế nữa, chân lý lại là khả năng có thể coi là hoàn hảo nhất trong các khả năng được ban tặng cho con người. Tuy vậy, nếu kết luận về vai trò của ý muốn ở đây thì chưa đủ. Dẫu rằng trong một vài trường hợp, ý muốn có thể dẫn người ta đến chân lý. Trường hợp trước tiên có lẽ hợp lý khi chất liệu cho ý muốn quyết định thực sự rõ ràng và phân minh. Trường hợp này nhất thiết cần sự hiện diện và nhận thức của trí tuệ. Điều này sẽ được nói rõ hơn ở điểm kế tiếp. Trường hợp thứ hai vẫn có thể xảy đến do may mắn. Ý muốn quyết định về một điều còn mơ hồ và chưa chắc chắn nhưng một cách nào đó, quyết định của ý muốn vẫn có xác suất đúng. Thế nhưng, với Descartes, kết quả đó chỉ là may rủi và khi làm thế, con người đã lạm dụng ý muốn tự do của họ. Vì lẽ, quy luật xác định chân lý là chỉ quyết định những gì đã nhận thức các rõ ràng và phân minh. Hiểu cách khác, con người càng tự do khi hướng về và chọn những điều hiển nhiên là thiện hoặc do Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn họ. Nhưng ở đây họ đã chọn điều mơ hồ và chưa chắc chắn. Như thế không thể khẳng định một mình ý muốn tự do có thể dẫn người ta đến chân lý nhưng cũng không phủ nhận vị trí then chốt của nó trên hành trình đến với chân lý.

Do đó, vai trò kế đến của ý muốn là kết hợp với trí tuệ để đạt tới chân lý. Để ý muốn có thể hoàn thành vai trò phán đoán của mình, nó cần những tư tưởng đã được trí tuệ nhận thức rõ ràng và phân minh. Descartes thấy ý muốn tự do rộng lớn đến mức không bị hạn chế bởi một phạm vi nào, còn trí tuệ lại hữu hạn trong nhận thức của nó. Sự chênh lệch giữa hai khả năng này dễ làm cho con người bị sai lầm.[18] Do vậy, trong quan điểm của Descartes, muốn đạt được chân lý, ý muốn phải tương hợp với trí tuệ. Sự tương hợp ấy đòi hỏi ý muốn chỉ quyết định theo những gì trí tuệ thấy rõ ràng và minh bạch và ngưng quyết định trước những gì mơ hồ và chưa chắc chắn.

3. Vấn đề phát sinh xung quanh quan điểm của Descartes
3.1.
Ý muốn và sự tiền định

Tuy vậy, xung quanh cách nhìn nhận về ý muốn và chân lý của Descartes, nhiều tranh luận đã đặt ra xung quanh vấn đề ý muốn tự do và sự tiền định (Determinism). Người ta không phủ nhận đóng góp của Descartes trong việc tìm ra vai trò của ý muốn tự do nơi con người. Nhưng nhiều người cho rằng Descartes đã quá đề cao vai trò của ý muốn. Bởi theo như cách nói của Descartes, ý muốn của con người có thể từ chối chân lý khi thực hiện vai trò quyết định cuối cùng của nó. Hệ quả là nhiều vấn đề phát sinh từ đó như lối sống cá nhân ích kỷ, sống theo cảm xúc tức thời, thích thì làm… Người khác lại cho rằng Descartes lại quá cứng nhắc và quy mọi sự về Thiên Chúa, thành thử, mọi chân lý đều phụ thuộc vào Thiên Chúa, và con người khó tránh khỏi sự tiền định. Liệu hai cách nhìn trên đã hợp lý?

Thiết nghĩ, để có cái nhìn trung dung, cần nhìn tư tưởng của Descartes với góc kính tổng thể như khi ông suy xét về sự toàn hảo của Thiên Chúa.[19] Tác giả luôn đặt con người trong nỗ lực hướng tới điều tốt, chân thực và vững chắc. Điều này minh chứng bằng nỗ lực không mệt mỏi để tìm ra chân lý nền tảng của ông. Xuất phát từ cái nhìn tổng thể, hai lối phê bình trên phần nào sẽ được thấy rõ hơn. Người ta không phủ nhận việc Descartes làm nổi lên vai trò của ý muốn trong tư tưởng của ông. Nhưng có lẽ cũng không thể phủ nhận vế còn lại là sự cần thiết của trí tuệ trong hành trình đạt chân lý của con người. Chính Descartes đã đặt để hai yếu tố này ở vị trí phù hợp với nó. Con người chỉ đạt được chân lý khi và chỉ khi hai yếu tố này tương hợp với nhau bởi sai lầm không hệ ở một khả năng riêng biệt nhưng do sự chênh lệch giữa hai khả năng trí tuệ và ý muốn. Do đó, có thể thấy Descartes đề cao cả hai yếu tố trong việc tìm kiếm chân lý. Bên cạnh đó, nếu xét về tương quan bên ngoài, Descartes đã xác nhận ông không tồn tại một mình trong vũ trụ này. Trong đó, Thiên Chúa chính là đảm bảo cho sự hiện hữu của con người và vạn vật. Trong vũ trụ, con người hay bất cứ sự vật nào đều có giá trị nhất định và tham gia vào sự toàn hảo của vũ trụ dẫu rằng có thể thấy sự bất toàn khi xem xét từng sự vật riêng rẽ. Như thế, con người và vạn vật trong vũ trụ nhất thiết phải liên hệ với nhau và do đó khó có thể nói Descartes đề cao quá mức ý muốn hay tính cá nhân ích kỷ.

Cũng thế, dường như cần xem xét kỹ hơn khi nói Descartes để con người rơi vào tình trạng tiền định. Người ta thường nhìn nhận tiền định trong góc độ con người bị thiếu ý muốn tự do. Và mọi sự nơi con người đều bị định đoạt bởi những thế lực bên ngoài.[20] Ở đây, Descartes đã đặt con người trong sự định đoạt của Thiên Chúa khi nêu vai trò tuyệt đối của Thiên Chúa qua những ý tưởng bẩm sinh mà chỉ những điều này mới được coi là chân lý. Bên cạnh đó, tác giả còn khẳng định sự hiện hữu của con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa.[21] Liệu như thế đã đủ để kết luận về quan điểm của Descartes và vấn đề tiền định ?

Có vài gợi mở có thể nêu ra xung quanh quan điểm này. Trước hết, dường như Descartes không cố gắng chứng minh hay áp đặt con người vào sự tiền định. Nhưng mục đích chính của ông là tìm kiếm một nền tảng chắc chắn cho con người. Bằng chứng là ông đã phá đổ tất cả, để kiếm tìm nền tảng vững chắc ấy. Sự phá đổ ấy không loại trừ bất cứ sự gì có thể, ngay cả với những tin tưởng đã có từ xưa, bao gồm cả sự hiện hữu của Thiên Chúa.[22] Như thế, kết quả của quá trình tìm kiếm mang tính khách quan. Thêm vào đó, những đặc tính của Thiên Chúa tìm được và mục đích của vạn vật vũ trụ đều hướng về những điều tốt đẹp, điều thiện. Vậy nên, nếu Descartes nhìn nhận tiền định thì điều đó cũng mang nét tích cực nhiều hơn người ta thường nghĩ khi nói đến thuật ngữ “tiền định”. Thứ đến, nếu Descartes cho rằng chỉ những điều đến từ Thiên Chúa mới là chân lý thì cũng không vì thế mà làm mờ đi vai trò của ý muốn. Ý muốn của con người luôn có không gian dành riêng cho nó trong việc tiến đến chân lý. Đến nỗi, ở một góc độ nào đó, ý muốn tự do của con người có thể cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa khi chọn những điều hiển nhiên sai.[23] Như thế, có thể nói, Descartes luôn đứng ở vị thế trung dung, không nghiêng về phía tiền định hay ngả về chủ nghĩa cá nhân.

3.2. Cách thức giúp con người có thể đạt đến chân lý

Từ vị thế trung dung đó, Descartes đã phác họa nên cách thức giúp con người có thể đạt đến chân lý. Đó là làm cho ý muốn và trí tuệ tương hợp với nhau trong từng phán đoán của mình.

Theo cách nói của Descartes, nâng cao nhận thức của trí tuệ có thể là cách giúp ích đầu tiên. Như đã biết, với Descartes, những ý tưởng bẩm sinh trong con người mới có giá trị chân lý. Thế nên, con người cần suy niệm chăm chỉ để nhận thức ngày một nhiều hơn những điều rõ ràng và phân minh đã được ban cho họ. Dẫu vậy, Descartes cũng ý thức được khả năng có hạn của trí tuệ. Ông biết rõ rằng con người không thể thấu suốt tất cả những gì họ phải suy tính bởi lẽ những gì Thiên Chúa đã làm và đã ban cho con người vượt trên khả năng lĩnh hội của trí tuệ.[24] Thêm nữa, chính tác giả cũng kinh nghiệm được việc học ở học đường hay trường đời đều có giới hạn.[25] Do đó, cho dẫu việc phát triển khả năng nhận thức của trí tuệ chỉ nằm ở một giới hạn nào đó, nhưng con người vẫn cần nỗ lực để mở rộng khả năng nhận thức của mình bao nhiêu có thể.

Khía cạnh thứ đến là việc sử dụng ý muốn cách khéo léo và khôn ngoan. Nếu con người không thể nhận thức cách rõ ràng và phân minh về mọi sự họ phải suy tính thì có một nguyên tắc chắc chắn hữu ích là: không bao giờ quyết đoán về những sự họ chưa quan niệm cách rõ ràng và phân minh.[26] Điều này nghĩa là ý muốn sẽ ngưng phán đoán trước tất cả những quan niệm mà trí tuệ thấy chưa rõ ràng và phân minh. Theo cách nói khác, con người cần kìm hãm trí tuệ của mình để không vội vàng quyết định bất cứ điều gì mà trí tuệ chưa nhận thức rõ ràng và phân minh. Đây chính là kinh nghiệm và kết quả của những suy niệm liên lỉ và sâu xa của Descartes.

Thế nhưng, trong cuộc sống, con người phải đối diện với nhiều vấn đề không luôn rõ ràng và phân minh. Vì vậy, việc ngưng quyết đoán thật khó, nhất là trong những trường hợp cấp bách. Trên thực tế, Descartes không đề cập minh nhiên đến thực trạng này trong tác phẩm Những Suy Niệm, nhưng dựa vào cách nói của ông trong tác phẩm này có thể đưa ra một vài gợi mở. Trước tiên, như đã chia sẻ ở trên, cần nâng cao nhận thức của trí tuệ trong giới hạn con người có thể. Thứ đến, con người cũng cần suy niệm thường xuyên và chăm chỉ để có được những bài học kinh nghiệm về một điều nào đó. Ở điểm này, Descartes cũng ý thức được bản tính yếu đuối của con người không thể suy niệm liên tục về một điều gì đó nhưng nhờ việc suy đi nghĩ lại nhiều lần, con người sẽ lưu giữ những kinh nghiệm về điều ấy. Và như thế khi cần, họ sẽ nhớ lại và tập được thói quen không sai lầm nữa.[27] Như thế, con người không chỉ cần nâng cao khả năng nhận thức của mình hay cầm hãm ý muốn đúng lúc nhưng họ còn phải rèn luyện suy niệm liên tục để đạt tới chân lý hoặc chí ít là hạn chế những sai lầm của mình.

Thay lời kết

Như vậy, với khao khát của mình, Descartes đã nỗ lực tìm kiếm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng tòa nhà triết học của mình. Nền tảng ấy là sự hiện hữu của cái tôi suy tư được đặt gắn liền với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hai nền tảng này giúp Descartes xác định được những chân lý khác theo nguyên tắc rõ ràng và phân minh. Trên hành trình tìm kiếm chân lý, Descartes đã cho thấy vai trò không thể thiếu của ý muốn tự do nơi con người. Để tìm được chân lý, ý muốn ấy luôn phải cộng tác hài hòa với khả năng của trí tuệ. Sự cộng tác hòa hợp này luôn đặt trí tuệ và ý muốn tự do ở đúng vị trí của nó, không thiên lệch quá về ý muốn cũng như không quá coi trọng vai trò của trí tuệ trong việc nhận thức những ý tưởng bẩm sinh. Vì vậy, cách chung có thể nói Descartes đã không những tìm ra những nền tảng chân thực và chắc chắn cho con người nhưng còn để lại lời mời gọi khám phá khung trời rộng lớn của ý muốn trong hành trình tìm kiếm chân lý của con người.

 

[1] Các thuật ngữ Tiếng Anh trong bài viết này được trích dẫn từ tác phẩm: RENÉ DESCARTES Meditations on First Philosophy With Selections from the Objections and Replies, trans. Michael Moriarty, (United States: Oxford University Press, 2008).

[2] Các thuật ngữ Tiếng Anh trong bài viết này được trích dẫn từ tác phẩm: RENÉ DESCARTES Meditations on First Philosophy With Selections from the Objections and Replies, trans. Michael Moriarty, (United States: Oxford University Press, 2008).

[3] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, (NXB Văn Học, 2005), 451.

[4] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 526.

[5] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 420-421.

[6] A Companion to Descartes, Ed. Janet Broughton and John Carriero, ( Blackwell Publishing, 2008), 216

[7] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 263-264, 457-472, 474.

[8] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 453-457.

[9] Nguyễn Quốc Lâm, Metaphysique-Dẫn vào Siêu Hình Học, 2006.

[10] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 473-474.

[11] RENÉ DESCARTES Meditations on First Philosophy With Selections from the Objections and Replies, 41.

[12] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 479-480.

[13] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 478-479.

[14] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 482.

[15] RENÉ DESCARTES Meditations on First Philosophy With Selections from the Objections and Replies, 40-41.

[16] Xem Lindasay Eberhardt, Free Will in the Nicomachean Ethics, (San Francisco, CA: 2010), 2-3.

[17] Xem Lindasay Eberhardt, Free Will in the Nicomachean Ethics, 29-30.

[18] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 480.

[19] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 477.

[20] Bartleby.com, https://www.bartleby.com/essay/The-Question-of-Free-Will-Descartes-Hume-P3CP5C2YVC, truy cập 16/03/2018.

[21] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 473-474.

[22] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 434-436.

[23] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 408, 482-484.

[24] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 476-477, 483-484.

[25] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descarte,s 229-235.

[26] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, 484-485.

[27] Xem Trần Thái Đỉnh, 484.