Để hôn nhân trở thành bí tích thành sự (valid), theo nghĩa Công Giáo, hôn nhân đó phải là hôn nhân giữa hai người Kitô hữu (Nam và Nữ) đã được rửa tội và chưa từng kết hôn (một cách thành sự) trước đó, ngoại trừ trường hợp người phối ngẫu (vợ hoặc chồng) đã chết. Có những miễn trừ hoặc chuẩn nhận chính đáng có thể làm cho hôn nhân thành sự trong các trường hợp khác. Chẳng hạn, một người Công Giáo có thể kết hôn với một người theo đạo Tin Lành đã được rửa tội và hôn nhân đó vẫn thành sự như thường với điều kiện là cặp vợ chồng đó được Giáo Hội Công Giáo chuẩn bị, người Công Giáo hứa sẽ giáo dục con cái từ cuộc hôn nhân này theo đạo Công Giáo, và có phép chuẩn từ Tòa Giám Mục giáo phận. Khi hoàn tất các thủ tục này, hôn nhân đó có thể được cử hành trước sự chứng kiến của Giáo Hội Công Giáo và thành sự.
Trong hôn nhân Công Giáo luôn có hai điều cần xem xét: một là phía dân sự, giấy đăng ký kết hôn; và hai là bí tích, hay giao ước. Hôn nhân Công Giáo, khi được vị đại diện hữu hiệu của Giáo Hội chuẩn bị, chẳng hạn linh mục hoặc phó tế, phải bao gồm cả hai khía cạnh này của hôn nhân. Một cuộc điều tra hôn phối bao gồm lý lịch của cả hai ứng cử viên bí tích hôn phối được thực hiện. Ở bên Mỹ, đôi bạn thường phải làm một bài trắc nghiệm điều tra, được gọi là FOCCUS. Trắc nghiệm khách quan này sẽ giúp thừa tác viên tư vấn cho đôi bạn về một số khía cạnh quan trọng trước khi kết hôn. Nó cũng đánh giá mức độ hòa hợp của họ. Tiếp theo, đôi bạn có thể tham dự một khóa tĩnh tâm cuối tuần dành cho người chuẩn bị kết hôn (tiền hôn nhân). Các chương trình chuẩn bị hôn nhân này giúp cho đôi bạn thêm hiệp thông và hiểu biết lẫn nhau.
Cuối cùng, linh mục hoặc phó tế hoàn tất thủ tục điều tra và thu thập tất cả các tài liệu quan trọng theo yêu cầu của Giáo Luật, chẳng hạn, giấy chứng nhận Rửa Tội, Thêm Sức, và nếu cần, giấy miễn chuẩn ngăn trở hoặc giấy phép kết hôn cần thiết từ Đức Giám Mục cho ứng viên hôn phối ngoài Công Giáo hoặc một người đã kết hôn trước đó. Các giấy chứng nhận này phải được cấp trong khoảng một năm trở lại đây. Giấy chứng nhận Rửa Tội mà mẹ bạn cất giữ lâu nay không được tính, ít nhất là theo quan điểm của Giáo Luật. Mỗi khi người Công Giáo lãnh nhận một bí tích, giáo xứ mà họ được rửa tội trước đây sẽ được thông báo. Khi liên hệ với giáo xứ nơi họ được rửa tội, họ nhận được giấy chứng nhận không chỉ có thông tin ở mặt trước như trong hồ sơ gốc (tên của người rửa tội, tên của cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu, ngày sinh, ngày rửa tội ) mà mặt sau còn liệt kê tất cả các bí tích mà họ nhận được cho đến trước khi giấy chứng nhận được cấp. Vì hầu hết người Công Giáo được rửa tội từ nhỏ, nên bạn sẽ không thấy bất kỳ ghi chú nào ở mặt sau của giấy chứng nhận rửa tội gốc của họ đề cập đến bí tích Hôn Phối hoặc Truyền Chức Thánh. Nếu một người nam hoặc nữ đã kết hôn trước đó, giáo xứ mà họ được rửa tội sẽ được thông báo, và thông tin đó sẽ xuất hiện trên tất cả giấy chứng nhận rửa tội được cấp kể từ thời điểm đó. Đó là lý do tại sao các tài liệu này không thể quá hạn một năm.
Hôn nhân Kitô giáo không chỉ là bí tích, mà còn là một hợp đồng pháp lý trong luật dân sự. Hợp đồng hoặc giấy đăng ký kết hôn được chứng nhận từ phía nhà nước hoặc địa phương nơi cô dâu hoặc chú rể sinh sống. Cô dâu và chú rể, cùng với một người làm chứng, chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký thích hợp tại các ủy ban nhân dân xã, phường, hoặc thị trấn cứ trú của một trong hai bên.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 134-35.