Về phương diện thần học, nghi lễ “mitzvah” không phải là một bí tích; do đó, nó không giống bí tích Thêm Sức vì không thông ban ân sủng. Tuy nhiên, về phương diện thực hành, cả hai có những nét tương đồng. Trong Giáo Hội Latinh, bí tích Thêm Sức được ban cho các ứng viên vào lúc 12 tuổi. Bí tích này được xem là bí tích của người trưởng thành. Một khi các ứng viên lãnh nhận bí tích Thêm Sức, giả thiết là họ đã là những Kitô hữu trưởng thành trong Giáo Hội như những người quản lý trung tín thời gian, tài năng và nén bạc của mình. Bí tích được ban sau thời gian học giáo lý, phục vụ và chuẩn bị tâm hồn. Đã từng có một phong tục là các ứng cử viên Thêm Sức trong thánh lễ ban bí tích Thêm Sức phải biết trả lời chín mươi chín câu hỏi của Đức Giám Mục. Trong bài giảng của mình, Đức Giám Mục sẽ hỏi bất cứ ứng viên nào một câu hỏi nền bản về đức tin và họ phải trả lời thích đáng.
Những câu hỏi tương tự đã được hỏi tại bí tích Rửa Tội (như con có từ bỏ Satan? con có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng không?) cũng được hỏi lại trong bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, lần này, thay vì linh mục hoặc phó tế như bí tích Rửa Tội, Đức Giám Mục sẽ đặt câu hỏi và chính ứng viên Thêm Sức phải trả lời chứ không phải cha mẹ hoặc người đỡ đầu, như lúc nhỏ khi em được rửa tội.
Theo chiều hướng này, nghi lễ “bar mitzvah” (dành cho bé trai) hoặc “bat mitzvah” (dành cho bé gái) là một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành cho thanh thiếu niên Do Thái. Họ phải có kiến thức tổng quát về tôn giáo và lịch sử của họ. Họ phải biết những ngày lễ thánh và lý do tại sao lại cử hành những ngày này. Cuối cùng, họ phải thành thạo tiếng Hebrew để có thể dâng những lời cầu nguyện và đọc các bài đọc nào đó trong Kinh Thánh (Holy Writ) bằng ngôn ngữ này. Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị, họ được các Rabbi kiểm tra. Vượt qua kỳ sát hạch, cộng đoàn sẽ tổ chức lễ “bar mitzvah” dành cho các bé trai và “bat mitzvah” dành cho các bé gái. Sau buổi lễ, họ chính thức là thành viên của hội đường.
Bí tích Thêm Sức không chỉ là một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành, nhưng còn là một phương tiện để thông ban ân sủng. Ân sủng được ban qua việc đặt tay, cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần và xức Dầu Thánh (S.C – Sanctum Chrisma). Dầu Thánh là một trong ba loại dầu được sử dụng để cử hành bảy bí tích, hai loại còn lại là Dầu Dự Tòng (O.C – Oleum Catechumenorum), được sử dụng trong bí tích Rửa Tội và Dầu Bệnh Nhân (O.I – Oleum Infirmorum), được sử dụng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cả ba loại dầu này đều được Đức Giám Mục làm phép tại nhà thờ Chánh Tòa dịp Tuần Thánh được trong thánh lễ Truyền Dầu (Chrism Mass). Dầu Thánh đặc biệt hơn hai loại dầu kia vì được trộn với một loại thuốc thơm. Dầu Thánh không chỉ được sử dụng trong bí tích Thêm Sức, mà còn cả trong bí tích Rửa Tội, Truyền Chức, và cả khi một nhà thờ hay đồ thánh được thánh hiến dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa.
Những hiệu năng của bí tích Thêm Sức khi cộng tác với các ân sủng nảy sinh mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần, đó là bác ái, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hòa nhã, nhẫn nại, hiền lành, tin tưởng, nhã nhặn, tiết độ, và trong sạch.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 108-9.