Bộ Giáo Luật mới (1983) chỉ rõ những phẩm chất của cha hay mẹ đỡ đầu. Trước hết, họ không thể là cha mẹ của đứa trẻ vì cha mẹ đã có một mối liên hệ đặc biệt và độc nhất với chính con của mình. Thứ đến, người đỡ đầu phải từ 16 tuổi trở lên. Thứ ba, họ đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể. Thứ tư, họ phải là những tín hữu thực hành đời sống Công Giáo.
Người thực hành đời sống Công Giáo là người như thế nào? Thưa, trước hết, họ phải là giáo dân thuộc một Giáo Hội địa phương, tham dự Thánh Lễ mỗi tuần và vào những ngày Lễ buộc. Thứ đến, nếu đã kết hôn, hôn nhân phải được Giáo Hội chuẩn nhận và thành sự. Do đó, nhưng người ly dị tái hôn mà không có chứng nhận hôn nhân trước vô hiệu thì không thể làm cha mẹ đỡ đầu. Một người kết hôn ngoài Giáo Hội mà không có phép chuẩn thì cũng là hôn nhân vô hiệu và không thể làm người đỡ đầu. Người Công Giáo không thường xuyên tham dự Thánh Lễ hay hoạ hiếm mới tham dự Thánh Lễ, và nếu không hề đi xưng tội thì cũng không phù hợp để làm người đỡ đầu. Không phải là cứ đến lượt mình thì người ta có thể làm cha hay mẹ đỡ đầu. Johnny hay Joey có thể là anh hay em của cha hoặc mẹ trẻ được rửa tội, nhưng việc là chú hay bác của em tự nó không đủ để người ấy có thể làm cha hay mẹ đỡ đầu. Nếu họ không tham dự Thánh Lễ, nếu họ sống một đời sống vô luân, nếu họ theo những quan điểm hay giá trị trái ngược với giáo lý Kitô giáo (phân biệt chủng tộc, phá thai, chung chạ, nghiện rượu,..), thì họ không nên được đề nghị đảm nhận trách nhiệm thiêng liêng này.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 103.