Phép rửa thông thường là bởi nước và Thánh Thần. Trong Mátthêu 28:18-20, Đức Giêsu khẳng định rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Đoạn Kinh Thánh này được đặt trước trình thuật Chúa Giêsu lên trời. Đây chính là công thức được sử dụng trong nghi thức của bí tích Rửa Tội. Nước trở thành kênh thông chuyển ân sủng thần linh vì Chúa chúng ta đã chịu phép rửa tại Sông Giodan bởi Gioan Tẩy giả. Phép rửa mà Thánh Gioan sử dụng khác với phép rửa Kitô giáo; nó là phép rửa của lòng ăn năn và hoán cải. Vì Chúa Giêsu vô tội, nên bằng cách đón nhận phép rửa, Ngài đã thiết lập một phép rửa mới, tiên trưng cho cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài. Nơi nước sống Giodan, Chúa Thánh Thần (dưới dạng chim bồ câu) đã tôn vinh Đức Giê-su. Sự kiện này biểu tượng cho Giáo Hội đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Đức Kitô đã sử dụng nước và thuộc tính của nó là tẩy rửa và hồi phục để chuyển trao sự sống vĩnh cửu.
Giáo Hội cũng dạy hai loại phép rửa khác – một bằng máu và một bằng ước muốn. Hai loại phép rửa này không có sự chắc chắn hay sự trổi vượt luân lý của bí tích rửa tội bởi nước và Thánh Thần. Tuy nhiên, chúng thực sự đem đến một kết quả thần học tương tự với điều xảy ra cho những người lãnh nhận phép rửa bởi nước và Thánh Thần. Phép rửa bằng máu nói đến việc tử đạo. Ý nghĩa của từ tử đạo (martyrdom) được rút ra từ tiếng Hy Lạp, martus, có nghĩa là ‘làm chứng.’ Một Kitô hữu tử đạo nghĩa làm chứng cho Đức Kitô qua suy nghĩ, lời nói và việc làm; đôi lúc điều nảy xảy ra khi có sự xung đột trong xã hội, và kết quả là người ấy bị giết.
Sự phân biệt quan trọng cần có giữa việc sử dụng từ ngữ “tử đạo” đúng đắn và nguyên nghĩa với việc áp dụng méo mó và sai lạc được sử dụng cho những tên khủng bố và những kẻ cuồng tín. Tử đạo là một hành vi thụ động, nghĩa là, một người chịu tử đạo cho niềm tin của họ. Những người có ý định giết chính họ và người khác không phải là các vị tử đạo đích thực. Các Kitô hữu bị giết bởi Đế Quốc Roma trong gần 300 năm là các vị tử đạo. Người Do Thái bị giết bởi Đức Quốc Xã trong nạn giệt chủng (Shoah) là các vị tử đạo. Và bất cứ tín hữu Hồi Giáo nào bị giết bởi niềm tin của họ cũng là một vị tử đạo.
Kinh Thánh Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Kinh Coran cấm tự sát và giết người vô tội, nhưng một vài người cực đoan đã làm méo mó khái niệm thánh thiêng của việc tử đạo đích thực. Những kẻ đánh bom tự sát thực sự là những kẻ giết người, và họ phạm tội giết người. Những kẻ giết người không bao giờ và không thể là các vị tử đạo. Các vị tử đạo là những người vô tội; họ không giết các nạn nhân vô tội.
Phép rửa bằng máu liên hệ đến một người đang học hỏi để gia nhập Giáo Hội nhưng đã chịu tử đạo vì Đức Kitô trước khi điều đó xảy ra. Phép rửa này bắt đầu suốt thời kỳ bách hại của Đế Quốc Rôma đối với người Kitô hữu sau vụ hoả hoạn Nêrô. Những người trưởng thành đang ở giai đoạn học hỏi để trở thành Kitô hữu, được biết đến như những người dự tòng, đã không thể được rửa tội. Họ bị bắt và làm mồi cho sư tử hay gục ngã dưới lưỡi gươm của các đấu sĩ. Ý hướng của họ là muốn được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Họ bị bắt vì bị coi là Kitô hữu, và bị giết chết vì điều đó nên họ được lãnh nhận phép rửa bằng máu.
Kinh Thánh cũng đề cập đến loại phép rửa này. Trong Mátthêu 2:16, chúng ta thấy: “Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.” Đây là nỗ lực của vua Hêrôđê để giết Đấng Cứu Thế mới sinh là Đức Giêsu. Các nhà chiêm tinh được biết đến như là ba nhà khôn ngoan hay ba vua từ Phương Đông. Các thánh anh hài vô tội đã đổ máu mình ra cho Đức Kitô để Ngài có thể sống. Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ tử đạo cho các thánh Anh Hài vào ngày 28 tháng 12, đúng vào giữa mùa Giáng Sinh.
Cuối cùng, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1258 nhất trí và trình bày rằng: “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô.” Không chỉ các thánh Anh Hài (những trẻ em bị Vua Hêrôđê giết khi ông nỗ lực tìm giết Đấng Messia vào lúc Đức Giêsu hạ sinh), nhưng mọi người chết trong cách thức đó đều lãnh nhận phép rửa bằng máu.
Loại phép rửa thứ ba là phép rửa bằng ước muốn. Thiên Chúa ban ân sủng đủ (túc sủng) cho mọi người để được cứu độ. Vì mọi người có ý chí tự do, ân sủng thần linh không ép buộc hay cưỡng bức nhưng chỉ có thể được đón nhận hay từ chối. Khi được lãnh nhận, và khi một người hợp tác với ân sủng đó, thì ân sủng này trở thành ân sủng hữu hiệu (hiệu sủng) – nó đạt được cùng đích của mình (thánh hoá con người và dẫn đưa họ vào thiên đàng). Nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô trên thập giá, Ngài đã chết cho mọi người thuộc mọi thời. Các thần học gia gọi đây là ý muốn cứu độ phổ quát của Đức Kitô. Thuật ngữ ‘Kitô hữu vô danh’ có thể được áp dụng. Điều này không cho thấy một ý nghĩa tiêu cực của thuật ngữ này. Đúng hơn, nó nhận ra rằng, mọi tôn giáo đều mang những mảnh chân lý nơi chúng, và nếu một người nỗ lực hết mình tuân theo những luật lệ theo tôn giáo của mình thì ta tin rằng người ấy khao khát phép rửa bằng trực giác. Sẽ không công bằng và hợp lý cho một người không có cơ hội để biết và đón nhận Đức Giêsu Kitô bị khước từ Nước Trời. Thiên Chúa trao ban cho mọi người cơ hội để vào thiên đàng; nó tuỳ thuộc vào người đó trong việc công tác với ân sủng để đạt đến cùng đích này. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1260 trình bày: “Vì Đức Kitô đã chết cho tất cả…chúng ta xác tín rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng…được cứu độ.”
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là khi một người càng hiểu biết, người ấy càng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Nói cách khác, nếu một người nhận ra rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ và không hoán cải, thì anh ta sẽ chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Giáo Hội Công Giáo có bốn đặc tính của một Giáo Hội đích thực: Đó là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Không có Giáo Hội nào khác tuyên bố sở hữu trọn vẹn điều này. Sự toàn vẹn của mạc khải được chứa đựng trong giáo huấn của Giáo Hội. Các bí tích, con đường của ân sủng, được ban phát từ Giáo Hội. Đây là lý do Giáo Hội gửi các nhà truyền giáo đi vào thế giới để hoàn thành lệnh truyền của Đức Kitô là làm phép rửa cho muôn dân trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong tân phúc âm hoá, điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi cho thiên niên kỷ thứ 3 là Giáo Hội được xem như ánh sáng của chân lý và con đường của cứu độ. Không nên hài lòng với việc trở nên người Kitô hữu vô danh, đúng hơn, nhận biết Đấng là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ đích thực là điều tốt hơn.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 100-102.