Người Công Giáo là người ‘được tái sinh’ trong nước và Thánh Thần. Thuật ngữ ‘tái sinh’ khá xa lạ với ngôn ngữ Công Giáo. Dầu vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra một cách thiêng liêng hay ‘được tái sinh’. Chính nhớ bí tích Rửa Tội mà chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, đó chính là ý nghĩa của việc “được tái sinh”. Trong lúc người Công Giáo tin rằng một người không cần ý thức việc được tái sinh thì điều đó vẫn diễn ra (như trường hợp của Phép Rửa cho trẻ em), thì Giáo Hội Tin Lành Evangelical lại tin rằng chỉ những người trưởng thành có thể lý luận và đưa ra những quyết định trưởng thành mới có thể được rửa tội một cách hữu hiệu. Đón nhận Đức Giêsu Kitô như là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, là khoảnh khắc được tái sinh và Bí tích Rửa tội chỉ chuẩn nhận quyết định đó theo truyền thống.
Phép Rửa trẻ em, mà nhờ đó một người Công Giáo “được tái sinh”, sẽ được tiếp nối bằng bí tích Thêm Sức, một khi họ có thể và sẽ phải tự mình quyết định. Khi còn nhỏ, cha mẹ và người đỡ đầu đã quyết định thay cho họ. Bí tích Thêm Sức, cách khác, được ban bất cứ lúc nào từ thời trung học cơ sở đến phổ thông, khi các em được mời gọi để xác tín đức tin mà các em đã được ban lúc rửa tội bằng một sự đảm nhận một cách có ý thức. Nó là bí tích mà nhờ đó một người đã được rửa tội gắn bó một cách hoàn hảo hơn với Giáo Hội và được tăng triển với một sức mạnh đặc biệt hơn của Chúa Thánh Thần. Theo một nghĩa nào đó, bí tích Thêm Sức là lúc một người Công Giáo được chất vấn để chấp nhận Đức Giêsu Kitô như là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Anh em Tin Lành Evangelical tin rằng họ được cứu độ trong máu thánh của Chúa Kitô và được thêm sức đồng thời trong Chúa Thánh Thần, do vậy, họ không có một bí tích Thêm Sức tách biệt khỏi bí tích Rửa Tội, như nhiều Giáo Hội thuộc Kitô giáo khác.
Người Công Giáo cũng tin rằng họ được cứu độ nhờ máu thánh đức Kitô và quà tặng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội; tuy nhiên, người Công Giáo lãnh nhận các quà tặng này trong một bí tích khác. Người Công Giáo Tây Phương (lễ điển La Tinh) được rửa tội khi còn nhỏ và thường là lãnh nhận bí tích thêm sức khi lớn lên (thiếu niên). Người Công Giáo Đông Phương (lễ điển Byzantine) lãnh nhận cả hai bí tích khi còn nhỏ cùng một ngày. Trong bí tích Rửa Tội, người Công Giáo được tái sinh trong nước và Thánh Thần. Trong bí tích Thêm Sức, ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho người đã được rửa tội trước đó.
Mọi người Kitô hữu được rửa tội bằng nước nhận được hiệu năng cứu độ của máu thánh đức Kitô đã đổ ra vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Nước là dấu chỉ hữu hình biểu thị điều đang diễn ra một cách thiêng liêng. Một cách thiêng liêng, linh hồn được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ (lưu truyền từ ông bà nguyên tổ, Adam và Eve), sau đó, được thông truyền ân sủng thánh hóa. Ân sủng thánh hóa là sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi. Những hiệu năng của bí tích Rửa Tội là biểu tượng; chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, người thừa tự nước trời, và là thành viên Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô
Anh em Chính thống Đông Phương và người Công giáo Byzantine lãnh nhận ba bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể) cùng một lúc. Vì thế, trẻ em được rửa tội và được thêm sức cũng như được rước lễ cùng một ngày em được rửa tội. Điều này trở về với nghi thức cổ xưa của Kitô giáo sơ khai, khi Giáo hội sơ khai đón nhận nhiều người lớn trở lại đạo. Sau sắc chỉ Milan của Constantine, có một số đông người trở lại đạo, vì thế cả ba bí tích được cử hành cùng một lúc.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 98-99.