Câu hỏi này đặt ra một khung cảnh có tính hạn chế. Người ta có thể cầu nguyện với Đức Giêsu qua Đức Maria mà không làm giảm vai trò trung gian trực tiếp của Đấng Cứu Độ của chúng ta. Chúng ta chỉ có một đấng trung gian duy nhất là Đức Giêsu. Người Công giáo không đặt bất kỳ ai kém hơn thay thế Đức Giêsu. Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên Chúa Cha và đem sự đáp trả của Chúa Cha lại cho chúng ta. Điều này được thực hiện chủ yếu là ngang qua hy lễ hiến tế trong Thánh lễ.
Hãy xem xét vai trò của “đấng trung gian.”
Một trung gian nối liền hai phía hay hai phần. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, vừa thiêng thánh vừa nhân loại. Vì thế, Ngài duy nhất là trung gian giữa đất và Trời, giữa Thiên Chúa và con người. Tuy vậy, vị trung gian đơn thuần là một ai đó vốn đưa ra lời thỉnh cầu nhân danh người khác. Trong Tin Mừng, có nhiều người can thiệp với Đức Kitô cho người khác vì tình yêu của họ dành cho những người ấy. Họ nài xin Người cứu chữa những người khác nữa. Can thiệp không có nghĩa là xâm phạm cũng không có nghĩa là làm giảm đi tính trung gian. Trong thánh lễ, ngang qua thừa tác vụ tư tế, linh mục là một trung gian của Đức Kitô nhân danh Dân Thiên Chúa. Ngài dâng lên Đức Giêsu những hy lễ, lời cầu nguyện và nhu cầu của dân. Tới lượt ngài, vị linh mục đem lại cho dân những ơn lành, quà tặng và sự đáp lời của Đức Giêsu. Cũng trong cách thức này mà chúng ta hiểu sự can thiệp của Đức Maria cũng như của tất cả các thánh khác.
Trong kinh Tin Kính Nicéa, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự thông công của các thánh. Cộng đoàn có nghĩa là có tương tác lẫn nhau. Trên thiên đàng, các thánh được kết hiệp xung quanh Thiên Chúa trong sự tôn thờ, yêu mến và chúc tụng không ngơi. Khi người Công giáo cầu nguyện với một vị thánh, họ không thay thế vị Trung gian duy nhất [là Đức Kitô] bằng vị thánh ấy, nhưng đúng hơn, họ đang cầu nguyện với Đấng Trung Gian qua vị thánh ấy. Một lần nữa, tình yêu thì không giới hạn nhưng luôn luôn mở rộng ra. Chính tình yêu Đức Giêsu dành cho nhân loại cho phép những lời cầu nguyện đến với Ngài ngang qua vị thánh đó.
Trong thánh lễ, khi một ai đó xin chúng ta cầu nguyện cho họ, chẳng phải chúng ta dâng một lời cầu nguyện hoặc làm một việc tốt cho ý định của họ sao? Nếu chúng ta làm như thế, tại sao các thánh ở trên trời không thể làm điều tương tự cho chúng ta? Vai trò trung gian của các thánh không bao giờ làm giảm đi quyền uy của Thiên Chúa, nhưng trái lại luôn làm gia tăng uy quyền của Ngài. Giáo Hội chiến đấu (trung tín trên trần gian) và Giáo Hội khải hoàn (các thánh trên thiên đàng) hiệp nhất với Giáo Hội đau khổ (các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục đang chờ đợi vào thiên đàng vĩnh cửu). Khi chết, sự sống thay đổi hơn là kết thúc, nên có một cộng đoàn tuyệt vời ở đời sau. Sự hiệp nhất của ba Giáo hội được diễn tả cách oai hùng nhất trong Thánh Lễ, khi chúng ta hiệp nhất quanh bàn thờ để chúc tụng Thiên Chúa.
Khi chúng ta yêu mến những người tiếp nối và những người bạn của Đức Giêsu, chúng ta thể hiện sự tôn kính Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Cứu Độ và Thánh hiến; chúng ta làm điều này bằng việc khẩn xin các ngài. Đức Maria, người đầu tiên trong tất cả các thánh và có một danh dự và vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, cũng là Mẹ của chúng ta. Thật phù hợp làm sao khi ta đến với Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, vì Đức Maria là người thân cận nhất của người Con của Mẹ. Thánh Louis de Montfort nói cách tuyệt vời rằng: “Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu.” Đức Maria không thay thế Chúa Giêsu, Mẹ làm tăng thêm vai trò quan trọng của Chúa Giêsu bằng việc hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Giêsu.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 62-63.